TÔI TU TỊNH ĐỘ

Re: TÔI TU TỊNH ĐỘ

Gửi bàigửi bởi admin » Thứ 2 Tháng 5 17, 2021 2:14 pm

LỜI BẠT
Của Jamgon Kongtrul Lodro Thaye

Om Swasti Siddham Kho tàng trí tuệ Phổ Hiền này, với sáu phương pháp giải thoát,
Được hiển lộ nương vào đại ấn Du Già Pháp Giới của + Đại-Phương Quảng-Trí. Lừng lẫy với danh hiệu Tâm-Yếu của Đại- Quảng-Trí, vinh quang với hai quả vị thành tựu, Năng lực vĩ đại sẽ gia hộ cho mọi ước nguyện viên thành. Chỉ cần nghe giảng giải về giáo lý của những pháp tu dự bị, Là có đủ năng lực để bất thần chuyển hoá tâm thức chúng sinh. Tuân theo những khẩu truyền của Đạo Sư Jigme Gyalwai Nyugu,

Về tất cả những điều mà Ngài Orgyen Chokyi Wangpo đã khai thị, ấy là điều tâm yếu.
Hãy hiến tặng món quà Giáo Pháp này, không đắm nhiễm ý niệm về chủ thể, đối tượng và hành động, Pema Lekdrup, sở hữu tín tâm lẫn tài sản hoàn hảo,+ klong chen nam mkha’i rnal ‘byor, tức Jigme Lingpa. Vị thượng thư tâm linh và thế tục của xứ Dergé cao
quý, nơi có bốn vùng và mười thiện hạnh, Qua tác phẩm này, Ngài đã trút xuống một trận mưa Pháp vô tận.
Nhờ công đức này, nguyện giáo lý tịnh quang kim cương tột bậc sẽ tồn tại lâu dài, lan truyền và trải rộng khắp ba cõi. Nguyện tất cả chúng sinh có thiện duyên với giáo lý
này, sẽ nhanh chóng thọ hưởng vương quốc nguyên sơ vĩ đại, và thoạt nhiên đạt được thành tựu phúc lạc cho mình và cho người.
Vào lúc hoàn tất bản hiệu đính đầu tiên của tác phẩm này, Ngài Lodro Thaye – người có tri kiến thanh tịnh về tất cả những bậc Đạo Sư, tâm không mảy may có chút thành kiến nào về các bộ phái– đã soạn ra lời bạt trên đây. Nguyện thiện hạnh tăng trưởng!


NGŨ TRÍ NHƯ LAI
Theo quan kiến Phật giáo, những si mê, phiền não thông thường của con người được chia thành năm loại hay còn gọi là Ngũ độc, bao gồm vô minh, sân giận, kiêu ngạo, tham ái và đố kỵ. Đạo Phật cho rằng chúng là toàn bộ những yếu tố khiến chúng ta mê đắm trong khổ đau luân hồi và chưa thể đạt được giác ngộ. Song ngược lại, giáo pháp Đức Phật cũng khẳng định với niềm tin xác đáng rằng tâm con người có khả năng chuyển biến những xúc tình và biểu hiện tiêu cực thành những đức tính và phẩm hạnh tích cực.

Năm bộ Phật hay năm bộ giác ngộ chỉ cho năm khía cạnh của thực tại khi đã tịnh hóa các xúc tình tiêu cực kể trên. Trong mối tương quan chuyển hóa từ thân tâm của chúng sinh thành thân tâm Phật, Năm bộ Phật hay Năm bộ giác ngộ là những thực tại hoàn thiện đã tịnh hóa hoàn toàn của năm uẩn, năm đại, sáu căn, sáu thức và sáu trần.

Sắc uẩn: là hình sắc thể chất hay chính là thân thô lậu, tức là thân máu, thịt, xương, da, ngũ quan và khí huyết.
Thức uẩn: là trạng thái tâm nhận thức và phân biệt đối với cảnh.
Thụ uẩn: là các cảm thụ vui, buồn và không vui cũng không buồn.
Tưởng uẩn: là sự tưởng tượng, tư duy về hình dáng sự vật sau sự tiếp xúc của căn đối với trần.
Hành uẩn: dòng chảy tương tục sinh diệt vi tế trong tâm.

Mỗi bộ trong số Năm bộ Phật bao gồm một Đức Phật trung tâm, đại diện cho một trong năm uẩn đã tịnh hóa và một Phật Mẫu tượng trưng cho một trong những đại đã được tịnh hóa. Bên cạnh đó, bốn trong số năm bộ Phật đều có các vị Bồ tát đứng ở xung quanh, tượng trưng cho sáu căn sáu thức đã được tịnh hóa. Năm vị Phật lần lượt tương ứng với năm loại trí tuệ: Đức Akshobya Bất Động Phật tương ứng với trí tuệ Đại viên cảnh trí, Đức Ratnasambhava Bảo Sinh Phật tương ứng với trí tuệ Bình đẳng tính trí, Đức Amitabha A Di Đà Phật với trí tuệ Diệu quan sát trí, Đức Amoghasiddhi Bất Không Thành Tựu Phật với trí tuệ Thành sở tác trí và Đức Vairocana Đại Nhật Như lai với Trí tuệ toàn hảo hay Pháp giới thể tính trí.

Bảng 1: Ngũ trí Phật và các yếu tố tương ứng
admin
Site Admin
 
Bài viết: 6821
Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 4 17, 2011 12:18 am

Re: TÔI TU TỊNH ĐỘ

Gửi bàigửi bởi admin » Thứ 2 Tháng 5 17, 2021 3:11 pm

Sự xuất hiện Ngũ trí Phật trong giai đoạn Bardo trung gian.

Năm loại trí tuệ bản lai thể hiện toàn bộ khía cạnh Pháp thân Phật. Tám thức vô minh cũng như ảo tưởng về sự xuất hiện của Ngũ trí khiến chúng ta hiện nay không nhận ra trí tuệ bản lai mặc dù nó vẫn hiển hiện trong mỗi người, và vẫn còn nguyên vẹn bản chất nguyên sơ của nó. Để Phật tính hiển lộ, chúng ta phải giải thoát khỏi tất cả vô minh ảo tưởng liên quan tới hiện tướng của tám thức. Khi Phật tính hiển lộ có nghĩa là chúng ta thành tựu các phẩm chất Pháp thân Phật.

Một dấu hiệu chỉ ra sự hiện diện của năm loại trí tuệ bản lai trong tất cả chúng sinh là sự xuất hiện trong sắc thân chủ của năm bộ Phật. Cách thức các Ngài xuất hiện được miêu tả trong trước tác nỗi tiếng “Giải thoát qua tính nghe trong trạng thái trung gian” hay gọi là sách “Tử thư Tây Tạng”. Do bản chất vốn có của năm trí tuệ bản lai, Ngũ trí Phật xuất hiện một cách tự nhiên khi những hiện tướng của trạng thái trung gian Bardo xuất hiện. Các Ngài xuất hiện theo cách nào vậy?
Ngay khi chúng ta sống, thân và tâm có sự gắn kết với nhau. Khi tâm tồn tại trong thân, cơ thể vật chất của chúng ta sẽ không bị phân hủy. Tâm không thể lang thang tự do không giới hạn như tâm thức trong trạng thái trung gian Bardo mà tồn tại cố hữu với thân. Sự gắn kết thân tâm có được là nhờ sinh lực quý báu hay chính là nguồn năng lượng sống. Nguồn năng lượng này được tạo ra từ sự dịch chuyển ngay khi chúng ta đang sống giữa giọt tinh túy trắng trên đỉnh đầu và giọt tinh túy đỏ nằm phía dưới luân xa rốn. Tâm tạo ra sự gắn kết nguồn năng lực quý báu này và cũng thông qua cách này tâm gắn chặt với thân.
Trong tiến trình chết, nguồn năng lực sống quý giá bị tan rã. Chức năng của nguồn năng lực sống là giữ cho giọt trắng và giọt đỏ ở hai nơi tách biệt. Vào thời điểm chết, do thiếu năng lượng sống làm cho sự kết nối thân và tâm bị sụp đổ, giọt tinh túy trắng trước đây ở phía trên lúc này rơi xuống dưới, trong khi giọt tinh túy đỏ ở dưới di chuyển lên trên. Vào thời điểm hai giọt trắng và đỏ gặp nhau ở luân xa tim, thân và tâm tách rời nhau. Đồng thời lúc này cũng diễn ra sự hòa tan của cơ quan cảm giác cho tới khi hơi thở cuối cùng kết thúc. Dần dần cảm giác của thân biến mất, những cảm giác này dựa trên Địa đại, Hỏa đại, Thủy đại, Phong đại, lần lượt các đại cũng hòa tan. Sau đó những tư tưởng bên trong tâm bị gián đoạn, các tư tưởng lại tái xuất hiện vì sự bám chấp, tham muốn, vì sân giận và vì vô minh. Những tư tưởng này được gọi là “tám mươi mốt tư tưởng tự nhiên”. Sau khi quá trình hòa tan kết thúc, các hiện tượng khác nhau của Bardo xuất hiện. Từ những khía cạnh hoàn toàn thanh tịnh, có ba loại Bardo: Bardo Pháp thân, Bardo Báo thân, Bardo Hóa thân.
Trong tiến trình chết Bardo Pháp thân xuất hiện đầu tiên. Như đã giải thích, tinh túy sự tỉnh thức bản lai của Pháp thân là tính không không có điểm trung tâm. Sau khi “tám mươi mốt tư tưởng tự nhiên” sụp đổ, tinh túy này xuất hiện trước chúng ta dưới hình thức tính không. Với hành giả đã trải qua rèn luyện thuần thục về thiền định trong suốt đời sống, có thể nhận ra sự xuất hiện của tính không vào lúc Ánh sáng tịnh quang mẹ (Bản giác) hợp nhất với Ánh sáng tịnh quang con (Thủy giác). Ánh sáng tịnh quang mẹ chính là tính không (Chân tâm thường trụ), còn Ánh sáng tịnh quang con là sự thực chứng tính không của hành giả khi còn sống. Nếu hai ánh sáng này hợp nhất, vào lúc đó bản chất thực của các hiện tượng sẽ hiển lộ. Tuy nhiên, nếu hành giả chưa thuần thục thiền định, sự sụp đổ của các “tư tưởng tự nhiên” sẽ vẫn xuất hiện nhưng hành giả sẽ không nhận ra bản chất chân thật của chính nó. Thay vào đó, hành giả rơi vào sự bất tỉnh nên chức năng tâm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, tâm hành giả sẽ xuất hiện trở lại ở trong giai đoạn Bardo Pháp thân.
Giai đoạn tự tính tâm tỏa sáng, được gọi là Bardo Pháp thân. Thời gian diễn ra của ba loại Bardo hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tập trung thiền định và thiền tĩnh trụ của hành giả lúc còn sống. Một hành giả khi còn sống có thể an trụ trong thiền định không ngụy tạo một phút thì khả năng tĩnh trụ trong giai đoạn Bardo Pháp thân sẽ kéo dài trong năm phút. Nếu người đó có thể thiền định như vậy trong một giờ khi sống thì khả năng thiền tĩnh trụ trong Bardo Pháp thân sẽ kéo dài năm tiếng. Nếu một hành giả không thực hành chút nào, tâm sẽ không thể an trụ lâu mà thay đổi liên tục từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Với hành giả không thể nhận ra tự tính tâm, nó sẽ chỉ thoáng hiện.
Khi tâm hành giả xuất hiện trở lại trong Bardo Pháp thân, Bardo Báo thân sẽ xuất hiện, bởi vì năm loại trí tuệ bản lai vẫn hiển diện tự nhiên trong dòng tâm thức lúc sống, và bởi vì trí tuệ sẽ lần lượt xuất hiện trong Bardo Báo thân dưới sắc tướng chủ của năm bộ Phật.

Đầu tiên là sự xuất hiện của Đức Phật Đại Nhật Như Lai. Ngài an tọa trong tư thế kim cương trên bảo tòa được tám Sư tử nâng đỡ, thân ngài sắc trắng, Ngài bắt ấn chuyển pháp luân có biểu tượng là bánh xe pháp. Thân Ngài được trang hoàng bằng các trang sức Báo thân. Cần biết rằng Ngài chính là hiện thân của trí tuệ bản lai trong tâm chúng ta dưới dạng sắc thân. Năng lượng tiềm ẩn tỏa chiếu trong Bardo Báo thân là Đức Phật Đại Nhật Như Lai dưới sắc tướng của ánh sáng trắng. Hành giả nên nhận ra Ngài là Phật.

Nếu chúng ta không nhận ra Đức Đại Nhật Như Lai là Phật, Đức Bất Động Phật A Súc Bệ sẽ xuất hiện. Ngài an trụ trên bảo tòa được tám Tượng vương nâng đỡ, thân Ngài sắc xanh dương, an tọa trong tư thế kim cương, tay phải Ngài kết ấn Xúc địa, tay trái trong tư thế thiền định. Ngài được trang hoàng bằng trang sức báo thân. Ngài hiện thân trong sắc tướng như vậy giống như trí tuệ bản lai Đại viên cảnh trí đã nằm sẵn trong tâm chúng ta.
Sau đó Đức Phật Bảo Sinh sẽ xuất hiện. Ngài an tọa trong tư thế kim cương trên bảo tòa được tám Tuấn mã nâng đỡ, thân Ngài sắc vàng, tay phải Ngài trong thế ấn Thí vô úy, tay trái trong tư thế thiền định. Ngài được trang hoàng bằng các trang sức Báo thân. Vì những tư tưởng không thanh tịnh của tâm chúng ta đã bị gián đoạn trong tiến trình chết, trí tuệ tỉnh thức bản lai Bình đẳng tính trí có cơ hội hiển lộ trong Bardo Báo thân.
Sau đó Đức Phật A Di Đà xuất hiện. Ngài an tọa trong tư thế kim cương trên bảo tòa được tám Khổng tước nâng đỡ, thân Ngài sắc đỏ, hai tay Ngài trong tư thế thiền định. Ngài được trang hoàng với tất cả những trang sức Báo thân. Ngài là sự thể hiện của trí tuệ bản lai Diệu quan sát trí liên tục hiển diện trong dòng tâm thức chúng ta và xuất hiện trong Bardo Báo thân. Đây là sự hiện thân của Đức Phật A Di Đà.
Sự thể hiện của trí tuệ bản lai Thành sở tác trí là Đức Bất Không Thành Tựu Phật. Ngài an tọa trên bảo tòa được tám Mệnh lệnh điểu nâng đỡ, thân Ngài sắc xanh lục, an tọa trong tư thế kim cương, tay phải trong tư thế ấn Hộ trì, tay trái trong tư thế ấn Thiền định. Ngài được trang hoàng bằng trang sức Báo thân. Bằng cách này, trí tuệ bản lai Thành sở tác trí tự hiện thân trong sắc tướng Đức Bất Không Thành Tựu Phật trong Bardo Báo thân.
Trong giai đoạn Bardo Báo thân rất nhiều các Bản tôn khác sẽ xuất hiện sau chủ của năm bộ Phật. Các vị Phật Bản tôn được mô tả trong sách “Tử thư Tây Tạng - Giải thoát qua tính nghe trong Bardo”, các Ngài nêu biểu cho sự hình thành năm mươi mốt tâm thanh tịnh.
Một số học giả nghi ngờ rằng liệu chủ của Năm bộ Phật có thực sự xuất hiện như đã miêu tả ở trên hay các Ngài sẽ thay đổi theo từng quốc gia và truyền thống văn hóa của mỗi nơi. Thực tế là cả năm bộ Phật này không bắt nguồn từ Ấn Độ hay Tây Tạng mà được chính Đức Phật Thích Ca mô tả trong kinh điển Mật thừa. Các vị Phật Bản tôn không phải là sự phát minh của Đức Phật mà thực sự tồn tại trong dòng tâm của chúng ta. Các Ngài tồn tại dưới hình thức chủng tử trong kinh mạch chúng ta và có thể xuất hiện trong giai đoạn trung gian Bardo. Hành giả tu tập thâm sâu có thể nhìn thấy năm Đức Phật Bản tôn này thông qua thiền định.
Bardo Báo thân tương ứng với giai đoạn được gọi là Bardo tái sinh. Trong giai đoạn này hành giả chuẩn bị đón nhận một sắc thân mới, đời sống mới này dựa trên nền tảng của các hoạt động giác ngộ Hóa thân.
Nói chung, điều quan trọng là cần rèn luyện thiền định về tinh túy của trí tuệ bản lai. Sự hiểu biết về đặc tính, sự phân chia và bản chất của năm loại trí tuệ bản lai sẽ góp phần củng cố và tăng trưởng khả năng tập trung thiền định cho hành giả, đặc biệt quan trọng trong giai đoạn Bardo trung gian nếu nhận ra đó là các vị Phật, hành giả có thể thành tựu Phật quả trong Bardo Báo thân. Hơn nữa, các chủ của năm bộ Phật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thành tựu mục đích tối thượng. Đây là lý do mà các hành giả phải thực tập thiền định về sắc thân Phật Bản tôn trong giai đoạn phát triển. Đối với những người chưa trải qua rèn luyện thực hành trong giai đoạn phát triển, việc giải thích bản chất đích thực của các vị Phật Bản tôn để chứng minh cho tầm quan trọng phải thực tập thiền định về các Ngài là vô cùng cần thiết và hữu ích.

Sự chuyển hóa năm đại thành năm Phật Mẫu

Thực hành chân ngôn bí mật chú trọng đến sự hợp nhất trí tuệ và phương tiện thiện xảo. Phương tiện được biểu trưng bằng năm Đức Phật Phụ tính và trí tuệ được biểu trưng là năm Đức Phật Mẫu tính. Tại mức độ thanh tịnh hoàn toàn, như chúng ta đã biết, năm chủ của năm bộ Phật là thể hiện bản chất thanh tịnh của xúc tình phiền não. Tương tự như vậy, năm trí tuệ được thể hiện là năm đại thanh tịnh.
Nói chung, nền tảng cho sự xuất hiện thế gian hiển diện đối với chúng sinh là năm đại: Địa, Thủy, Hỏa, Phong và Không đại. Tất cả các đối tượng bên ngoài xuất hiện là do những yếu tố cấu thành của năm đại. Xét về chức năng, năm đại nêu biểu cho điều gì?

Chủ của bộ Phật thứ nhất là Đức Bất Động Phật, sự hiện thân của tâm sân giận đã hoàn toàn được tịnh hóa. Minh phi Trí tuệ của Ngài là Phật Mẫu Mamaki, thể hiện sự thanh tịnh của yếu tố Thủy đại. Trong sự hiện thân tiêu cực, sân giận có thể gây ra phá hủy và hãm hại. Tuy nhiên, sân giận cũng có những tiềm năng tích cực tạo ra kết quả tích cực. Tương tự như vậy, Thủy đại có hai khía cạnh. Nếu Thủy đại xuất hiện trong chúng ta một cách nguy hiểm, có thể gây ra nhiều tổn hại và phá hủy. Ngược lại, nước là chất lỏng và có khả năng gắn kết. Thậm chí những phân tử nhỏ nhất nếu thiếu yếu tố nước cũng sẽ bị khô cằn giống như các hạt bụi. Theo cách này Đức Phật mẫu Mamaki là thể hiện khía cạnh thanh tịnh hoàn hảo.
Đức Phật Bảo Sinh là sự thể hiện khía cạnh tịnh hóa của niềm kiêu hãnh. Minh phi Trí tuệ của Ngài là Phật Mẫu Buddha Locana Phật Nhãn Phật mẫu, là sự thanh tịnh hoàn hảo của Địa đại. Nói chung, Địa đại có tính chất rắn, chắc và bất động. Địa đại là mảnh đất lành tạo tiềm năng phát triển và nơi an trú cho vạn vật. Ở mặt trái, Địa đại có khả năng tàn phá mạnh mẽ. Khía cạnh tiêu cực của kiêu mạn là khi phiền não hoành hành, nó sẽ nhậm vận tự nhiên tạo nên nguyên nhân căn bản dẫn đến hành động tổn hại. Khía cạnh tích cực của kiêu mạn là phẩm chất can đảm và quyết tâm, trở thành cội nguồn của tính ổn định giống như phẩm chất của đất. Vì bản chất của đất là ổn định cho nên yếu tố thanh tịnh của Địa đại được thể hiện dưới sắc thân Phật Nhãn Phật mẫu.
Mọi ái kết tham muốn được tịnh hóa thanh tịnh hiển lộ là sắc thân Đức Phật A Di Đà. Minh phi Trí tuệ của Ngài, Đức Phật Mẫu Pandaravasini, là sự thanh tịnh của yếu tố Hỏa đại. Lửa có tính chất nóng, đốt cháy và có thể gây ra nhiều hậu quả tổn hại to lớn. Sự bám chấp tạo ra nhiều lớp đau khổ luân hồi. Tuy nhiên, khía cạnh tích cực của Hỏa đại chính là hơi nóng có sức mạnh làm cho chín muồi, sự bám chấp tạo ra năng lực kiểm soát. Vì vậy, Phật mẫu Varavasini là sự hiện thân thanh tịnh của yếu tố Hỏa đại.

Sự hiện thân của trí tuệ thứ tư là Samaya Tara Trinh Tín Độ Phật mẫu, yếu tố thanh tịnh của Phong đại. Ngài là Minh phi Trí tuệ của Đức Phật Bất Không Thành Tựu, hiện thân của sự ghen tỵ được tịnh hóa hoàn toàn. Ghen tỵ là xúc tình tiêu cực cần phải loại bỏ nhưng cũng là khía cạnh tích cực đem lại sự can đảm và quyết tâm thành tựu tất cả các công hạnh. Làm thế nào để Phong đại thực sự có hiệu quả? Những trận cuồng phong có thể phá hủy và phá tan mọi thứ. Tuy nhiên, trong sự hiện thân tích cực, gió tạo ra sự phát triển và bao trùm tất cả các hoạt động. Những làn gió nhẹ chuyển động làm cơ sở cho sự vận hành của vạn vật, ví dụ như, cây và hoa có thể phát tán hạt giống, sinh sôi nảy nở nhờ vào yếu tố gió. Bất kỳ hành động nào chúng ta mong muốn thực hiện đều phụ thuộc vào sự kích hoạt của yếu tố gió bởi vì nó cung cấp khả năng vận hành. Vì vậy, khí là tinh túy của công hạnh giác ngộ để viên mãn mọi công hạnh, sự hiện thân trí tuệ mẫu tính của Đức Phật Bất Không Thành Tựu đã viên mãn mọi công hạnh là Phật Mẫu Samaya Tara, sự thanh tịnh của yếu tố Phong đại.
Bậc chủ của bộ Phật thứ năm là Đức Phật Đại Nhật Như lai, hiện thân của Pháp giới thể tính trí, tịnh hóa hoàn toàn được vô minh ảo tưởng. Bậc Minh phi Trí tuệ của Ngài, Phật Mẫu Dhatvishvari, nêu biểu yếu tố Không đại được thanh tịnh hoàn toàn. Toàn bộ các cõi được thiết lập trong không gian vì không gian có bản chất tính không. Tuy nhiên dựa trên nền tảng tính không, vạn pháp hiển lộ, tăng trưởng, phát triển và trải rộng. Bạn có thể di chuyển tới bất cứ đâu bạn muốn bởi vẫn có không gian để di chuyển. Cây cối, mùa màng và tất cả loại thực vật có thể mọc trong không gian. Tất cả các công hạnh và sự vận hành của pháp giới đều có thể thực hiện vì có khoảng không gian vô ngại. Nếu không có không gian, tất cả vạn pháp trở nên lộn xộn, chồng chéo lẫn nhau và không có chỗ để di chuyển hay để thở. Một khi tịnh hóa tất cả phiền não, vô minh hay những tinh thần ám độn thì chúng ta chứng ngộ ý nghĩa của tính không. Từ quan điểm tuyệt đối này, có thể nói không có tính không thì không thể làm được điều gì. Tính không cho phép mọi thứ diễn ra. Đó là khía cạnh thanh tịnh trong sắc tướng Phật Mẫu Dhatvishvari.

Năm đại này cấu thành thế giới bên ngoài và thế giới bên trong. Khi các đại cân bằng, mọi thứ diễn ra một cách trôi chảy và không phiền nhiễu. Ngược lại, nó sẽ là nguyên nhân sản sinh ra những vấn đề tiêu cực. Khi những năng lượng các đại cấu thành thân vật chất chảy một cách đều đặn và cân bằng, thân sẽ ổn định và khỏe mạnh không có ốm đau. Tuy nhiên khi mất cân bằng, chúng sẽ gây phiền nhiễu và năng lực suy giảm, thân trở nên bệnh tật.

------------------------

TÌM HIỂU VỀ TU THIỀN


Làm Thế Nào Để Nhận Biết Người Tu Hành Chứng Ngộ Đắc Đạo Cảnh Giới Thiền?

VẤN:

Con chỉ vừa biết tập thiền và có đến một số đạo tràng cùng ngồi thiền với đại chúng. Chúng con thường thiền theo hơi thở, đôi khi cũng được dạy quán vô thường để buông bỏ và thực hiện theo Tứ Niệm Xứ. Con nghe khá nhiều danh từ nào là Nhất Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền nhưng không hiểu nghĩa là gì? Con nghe bảo dù có được đến Tứ Thiền vẫn là trong lục đạo luân hồi như vậy có đúng không? Làm thế nào mới chứng được cảnh giới thiền này và ai mới có khả năng nhận biết rằng một người nào đó đã chứng quả thiền vì hiện giờ quá nhiều người tự nhận mình là tu đắc đạo, là A La Hán chứng ngộ loạn cả lên ? Xin Sư khai mở cho con được rõ.
ĐÁP

Phật tử tu thiền, trước nhất phải tìm hiểu ý nghĩa của Thiền như thế nào, cảnh giới Thiền ra sao và kết quả của tu Thiền. Tu Thiền cũng không khác tu Tịnh, Phật tử cũng phải siêng năng công phu tu tập, nương theo Thầy chỉ dạy, kết khóa tu thật chuẩn mực, không nhàm trễ thời khóa. Cũng có khi người Phật tử đến chùa học tập Thiền rồi trở về nhà đơn phương ngồi Thiền. Cũng có khi Phật tử rỗi rảnh thời gian nhập chúng thực tập hoặc ngày hoặc đêm, mỗi thời khóa cũng trung bình từ 20 phút đến 30 phút, rất tiện lợi cho người phát tâm tu học.


I .Ý nghĩa của Thiền:

Thiền theo từ Phật học cũng gọi Thiền na, Thiền định, Tham thiền, Tư duy. Thiền là sự suy xét thẩm nghĩa về đạo lý. Vào tu pháp Thiền cao viễn kêu là nhập định, kết quả gọi là đại định. Thiền là một cõi đạo lý vô biên, là pháp môn tu giải thoát cực tắt. Những người tu chân chánh giữ giới, lúc nào cũng phải thực tập thiền định mới đắc trí tuệ, giải thóat những phiền não tham sân si, mạn nghi (tự điển Phật học Đoàn Trung Còn, trang 1255XB năm 1968).

Ngoài việc tu thiền của các Thiền sư, các học giả thiền còn phải nghiêm cứu về giáo pháp Phật, như tứ diệu đế, thập nhị nhơn duyên, bát chánh đạo. Những bậc tu thiền dõng mãnh thường nghiên cứu qua các pháp chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định một cách rốt ráo để tiến dẫn các thiền sinh tu học, thực tập đạt hiệu quả..
Ngoài ý nghĩa của Thiền, còn có từ ngữ Định là tam muội, thân khẩu ý vong bặt, tâm chuyên chú vào một cảnh, xa lìa các sự tán loạn, để tâm nghiên cứu sự lý của các pháp, tập trung vào một cảnh vắng lăng cho đến khi thuần thục gọi là chành định, đại định.

Thiền chỉ quán

Tam ma đia, xa ma tha, dịch là định huệ, tịch chiếu, minh tịnh, chỉ có nghĩa là ngừng đậu (đình chỉ), ngừng đậu vào cái đế lý, chẳng loạn động, ngừng tắt những cái quấy của cõi tâm, đình chỉ những vọng niệm, tán lọan của thức tâm. Quán là quán chiếu soi xét, thông suốt lãnh hội lẽ chơn như, dùng trí tuệ mà bẻ gãy những phiền não tham sân si. Quán chiếu là soi xét lẽ vô thường khổ không và vô ngã mà vượt qua những chướng ngại tiến đến đạo lý giải thoàt. Chỉ thuộc về chân như môn hướng về nội tại làm cho trống vắng, các pháp vốn không tự tánh, không sanh tức không diệt. Quán thuộc về hữu môn nhận thức các pháp vốn là huyễn hóa, không thật, thọat có không không. Thấu đạt chân lý thực tướng của các pháp vốn hư huyễn, không tự tánh không thật thể, do duyên hợp mà có, không đủ duyên thì tan họai.

Phật tử mới tập tu thiền nên đến tại thiền viện, tu viện nhập chúng, nương vào sự chỉ dẫn của Bổn sư, Thiền sư chỉ giáo cách thức ngồi thiền, đến giờ thực tập do vị giám thiền hướng dẫn thực hiện. Tu thiền chủ yếu ở chỗ siêng năng tinh tấn, thường là thích sống trong cảnh giới yên bình hơn là ồn ào, hạn chế sử dụng những vật chất không cần thiết trong đời sống đạo, hạn chế những ăn uống những thức ăn, thức uống có tính chất kích thích, xa rời những cuộc sống phồn hoa, giảm căng thẳng, không đấu tranh, sống đời sống nhàn hạ.

Quán vô thường

Là "không chắc chắn", "thay đổi", "không trường tồn". Vô thường là một trong ba tính chất (tam pháp ấn) của tất cả sự vật. Vô thường là đặc tính chung của mọi sự sinh ra có điều kiện, tức là thành, trụ, hoại, không (sinh, trụ, dị, diệt). Có thể nói, Vô thường là phép quán chiếu, hay nói một cách khác, vô thường là một đối tượng trong tu tập quán chiếu. Từ đó, Vô Thường là một phép thực tập Định trên Vô Thường. Rất sâu sắc và lớn rộng về nghĩa và về tính diệu dụng của định vô thường.

Như quán thân vô thường, thọat thấy đó rồi mất đó, vừa nhìn thấy rặng cây, tiếp đến thấy cả bầu trời, tai đang nghe thuyết pháp, nhưng cùng lúc nghe tiếng nhạc nhà bên cạnh, mũi vừa ngửi mùi thơm, cùng lúc cũng cảm mùi hôi thối. Tâm vừa nghĩ đến sự vui và đang vui, chuyển sang não sầu khi nghe người thân qua đời, nhìn người đẹp mê sắc, quán tưởng chuyển sanh già mắt lờ tai điếc, lưng mõi gối vùn sanh nhàm chán...cái thấy, cái nghe, cái ngửi, sự nhàm chán, sự chuyển biến của thức tâm như thế gọi là vô thường,
Bậc Thanh văn do quán vũ trụ nhân sanh vô thường như vậy người tu tầm sát hiểu một cách rõ ràng như vậy, thời gian quán chiếu thuần thục sẽ phát sanh trí tuệ, không còn nhiễm ô ái dục, tiến đến giải thoát niết bàn.

Thiền tứ niệm xứ:

Phương pháp quán chiếu này được nói rõ trong kinh Tứ niệm xứ. Phật từng nói rằng, pháp này có thể đưa đến Niết-bàn. Ngày nay pháp quán tứ niệm xứ được phổ biến rộng, trong đó hành giả ngồi (Toạ thiền) hay áp dụng phép quán này trong các sinh hoạt hàng ngày, nhất là làm Bác sĩ nếu là tu Phật sẽ có nhiều phương tiện tu pháp quán tứ niệm xứ. Phật tử tùy duyên tu pháp quán, có khi chỉ có nhơn duyên, tâm tán lọan thì tu pháp “quán tâm vô thường”, có người nặng ái dục tu pháp “quán thân bất tịnh”. Người nghiệp nặng về cố chấp thì tu pháp quán vô ngã.v.v..

* Quán Thân vô thường :
Bao gồm sự kiểm soát, tầm sát trong hơi thở, thở ra, thở vào, cũng như tỉnh thức trong bốn hành vi (đi, đứng, nằm, ngồi). Tỉnh thức trong mọi hoạt động của thân thể, quán sát 32 phần thân thể, quán sát yếu tố máu, thịt, gân, xương, tạo thành thân cũng như quán tử thi sình thối, màu xanh nhạt, màu trắng, màu đen, sanh dòi rửa, tan rã, tồn tại hài cốt...

* Quán Thọ vô thường
Là nhận biết rõ những cảm giác, cảm xúc dấy lên trong tâm, biết chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính, vui hay buồn, khổ hay sướng, nhận biết chúng là thế gian hay xuất thế, biết tính vô thường của chúng.

* Quán Tâm vô thường
Là kiểm soát các pháp đang vận hành, là tham hay vô tham, sân hay vô sân, si hay vô si, tâm đang giải thoát hay đang bị ràng buộc

* Quán Pháp vô thường
Là quán chiếu mọi pháp đều phụ thuộc lẫn nhau, các pháp là vô ngã tự nó vốn không có mà phải nương vào nhau để hình thành, con người chỉ là do tập hợp của sắc thọ tưởng hành thức đang hoạt động vận hành trong vòng sanh diệt
II .Thực tập pháp Thiền

Sư vốn tu Tịnh, tuy nhiên cũng không xa rời thiện tâm với Thiền. Trong quá trình tu Tịnh, ngồi niệm Phật cũng có đọc tụng những bài ngồi thiền, xả thiền, điều thân, điều tức, điều tâm niệm Phật, nên trong Tịnh lúc nào cũng có bóng dáng Thiền. Cũng như theo lời của Ấn Quang đại sự thì niệm Phật rốt ráo thanh tịnh, vọng niệm không vong bặt, lúc bấy giờ chính đó là Thiền. Đồng thời trong những năm học tại Phật học đường Tây Phương Bồng Đảo khóa 1961-1964, Sư và các bạn đồng tu cũng được học về pháp môn thiền “ngũ đình tâm quán” là 5 phép quán tưởng để dừng vọng tâm. Nay đem ra giảng lại cho quý Phật tử tu Thiền cùng học tập.
Đứng về gốc độ tu Phật, việc đầu tiên là ngăn ngừa vọng tâm; vọng tâm là căn bệnh chính làm cho con người sinh ra phiền não, khổ đau. Nó thúc đẩy người ta chạy theo ngũ dục, nó che mờ lương tri, làm cho cái tâm vốn sáng suốt, trở nên tối tăm, không biết đâu là thật, đâu là giả, đâu là chính, đâu là tà, đâu là hay, đâu là dở. Muốn sự nhận định được sáng suốt, muốn cho tâm ta đừng đuổi theo ngũ dục mà bị phiền não khổ đau, ta phải tìm phương pháp chận đứng vọng tâm. Một trong những phương pháp chận dứng vọng tâm là quán tưởng. Pháp thiền là dùng trí huệ quán sát, phân tích hay suy nghiệm để tìm ra sự thật, gọi đó là chơn lý.

Ngũ đình tâm quán

Trong Phật học Phổ thông khóa thứ VI, do Ban Hoằng pháp Phật Học đường Nam Việt xuất bản năm 1962, ngài Hòa Thượng Thích Thiện Hoa biên sọan về Ngũ Đình Tâm Quán, tức là 5 phép Thiền đầu tiên của các nhà học Phật, phát tâm tu Thiền. Trong đó có: Quán Sổ tức - Quán Bất tịnh - Quán Từ bi - Quán Nhơn duyên - Quán giới phân biệt.
Quán sổ tức, để đối trị bệnh tán loạn của tâm trí. Quán bất tịnh, để đối trị lòng tham sắc dục. Quán từ bi, để đối trị lòng sân hận. Quán nhân duyên, để đối trị lòng si mê. Quán giới phân biệt, để đối trị chấp ngã.
Nay ở bài nầy Sư chỉ giới thiệu cho Phật tử về pháp Quán sổ tức; quán là quán chiếu phương pháp tu, sổ là số, tức là hơi thở, quán Sổ tức là đếm hơi thở. Quán là tập trung tư tưởng để quan sát, phân tích hay suy nghiệm đến một vấn đề. Sổ tức quán là tập trung tâm trí để đếm hơi thở ra vào của mình, mà mục đích là để đình chỉ tâm tán loạn.

Pháp tu Quán sổ tức:

1/. Điều thân

Những điều cần tư lương trước khi vào thiền quán sổ tức: có 9 việc mà người tu Thiền phải chuẩn bị chu đáo, như - Thức ăn đơn giản - Áo mặc rộng rãi – chỗ ở thoáng mát vắng vẻ - tự ấn định thời giờ tu - nơi tắm rửa cho phù hợp - học cách thức ngồi bán già, kiết già - tư thế lưng thẳng - tư thế hai tay kiết ấn tam muội - cổ thẳng và đầu hơi cúi, tư thế ngồi thật vững vàng như đảnh đồng ba chân không ngã bất cứ hướng nào.
Khi ngồi thiền, niệm bài tọa thiền (ngồi thiền):
Chánh thân đoan tọa
Đương nguyện chúng sanh
Tọa bồ đề tòa
Tâm vô sở trước
Án phạ, tác ra a ni, bát ra ni, áp đa da, tá ha (niệm 3 lần)
Hai tay kiết ấn tam muội (án tín), bàn tay phải đặt lên bàn tay trái, hoặc ngược lại. Ngồi thẳng lưng, đôi mắt ngó xuống theo chớp mũi, cổ thẳng, đầu hơi cúi xuống không quá cúi.

2/. Điều tức

Hành giả đếm hơi thở, trước khi đếm, phải thở ra hít vào chín mười hơi thật dài, để cho hơi thở điều hòa và những nặng nề trong người đều tuôn ra cả, và thay thế vào bằng những thanh khí của thiên nhiên. .
Khi thở ra, hành giả phải tưởng: "Những điều phiền não: tham, sân, si, các chất bẩn trược trong người đều bị hơi thở tống ra sạch hết, không còn một mảy may nào". Khi hít vào, hành giả nên tưởng: "Những chất nhẹ nhàng trong sạch sáng suốt của vũ trụ đều theo hời thở thấm vào bủa khắp thân tâm".
Khi đủ mười hơi rồi, hành giả bắt đầu thở đều đều, nhẹ nhàng. Nếu thở mau và dài thì tâm sanh loạn động, còn thở chậm và ngắn, thì tâm sanh hôn trầm, giải đãi, rồi tâm dong ruổi duyên theo ngoại cảnh. Nên phải thở cho nhẹ nhàng và đều đặn, không mau không chậm, thì trong người mới được thanh thảng.
* Ðếm lẻ: Thở ra đếm một, hít vô đếm hai, thở ra đếm ba, đếm cho đến mười, không thêm không bớt, rồi bắt đầu đếm từ một cho đến mười lại. Cứ đếm đi đếm lại từ một đến mười, trong khoảng nửa giờ.
* Ðếm chẵn: Thở vào rồi thở ra đếm một, thở vào rồi thở ra lần nữa đếm hai, cứ tuần tự như thế cho đến mười lại, mãi như thế cho đến nghỉ.
* Ðếm thuận: Đếm theo hai cách trên, cách nào cũng được.
* Ðếm nghịch: Cũng dùng hai cách trên, nhưng đếm ngược từ mười đến một.
Bốn phương pháp này, tùy ý hành giả muốn dùng một phương pháp hay cả bốn phương pháp thay đổi cho nhau cũng được. Miễn sao thuận tiện cho mình và khỏi lộn, là thành công; nghĩa là đối trị được tâm tán loạn.

3/. Điều tâm:

Trước khi tọa thiền, hành giả có phát tâm trước, hoặc sổ tức, hoặc quán bất tịnh. Điều tâm là pháp môn tu chủ chánh, tâm trí chuyên hướng về một chỗ, không phóng túng theo ngọai cảnh, dù đó là Phật sự, kiểm soát những hành vi tế nhị của thân khẩu ý. Tu pháp quán Sổ tức này làm cho tâm hết tán loạn, trí huệ phát sanh và trở lại với bản tâm thanh tịnh.

4/. Xả thiền

Phát nguyện ngồi thiền từ 20 đến 30 phút, theo tiêu chuẩn của Cư sĩ thực tâp.
Khi xả Thiền, đọc bài:
Xả già phu tọa
Đương nguyện chúng sanh
Quán chư hạnh pháp
Tất quy tán diệt
Án phệ lô chỉ đế tá ha (3 lần)
(Tam Bảo tôn kinh-NXB Thạnh Mậu)

Tiếp đến làm một số động tác: - Một là xả tâm: nguyện hồi hướng công đức - Hai là xả tức: mở miệng thở ra vài hơi thật dài để cho khí nóng trong người giảm bớt, hồi phục lại trạng thái bình thường như trước khi tĩnh tọa - Ba là xả thân: giao động nơi lưng và cổ, từ từ duỗi hai tay ra, lấy hai bàn tay xoa nhè nhẹ với nhau, rồi xoa lên mắt. Sau đó uốn lưỡi một vài lần và nuốt chút nước miếng.
Đến lượt hai chân, trước hết phải lấy tay xoa hai bắp vế, rồi tháo lần hai chân ra, thoa hai bắp chuối và hai bàn chân. Khi nghe hai chân nóng hết rồi, hành giả chuyển động nhè nhẹ toàn thân trước khi đứng dậy, đọc bài:
Nguyện đem công đức nầy
Hướng về khắp tất cả
Đệ tử và chúng sanh
Đều trọn thành Phật đạo
(xong rồi lui ra, đi tới đi lui)

III .Các cảnh giới thiền

Trong giới tu Thiền cũng như giới học Phật, thường nghe các từ ngữ Thiền, các cảnh giới Thiền, như Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền
* Sơ Thiền:

Thuộc Sắc giới, không gọi là nhất thiền, là pháp thiền định, phải trải qua dày công tu tập. Bậc đầu tiên, là Sơ thiền tu chứng được cảnh sơ thiền, trong lòng vui vẻ hoan hỷ vô cùng, không có cảnh vui thế gian nào bì kịp. Chứng được sơ thiền rồi, nếu tu hành tiến tới thì sẽ tuần tự chứng cảnh Nhị thiền, rồi đến Tam thiền, và Tứ thiền. Muốn chứng sơ thiền, trước hết phải lìa bỏ mọi dục vọng và các pháp bất thiện. Kinh Phật giáo Nguyên thủy, thường có câu: “Ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Sơ thiền.”.
Người tu pháp Sơ Thiền phải có đủ 2 tâm: một là “Tầm” hai là “Tứ”, tức là hành giả đang tìm kiếm, dò xét. Còn với cảnh thì cảm lấy sự “hỷ, lạc” tu tập để cho buồn khổ không sanh khởi, gọi là “ly sanh hỷ lạc địa” xa rời vui ở cõi dục ái nhưng vẫn còn tìm ẩn trong sắc giới..
Người Phật tử tu ở bậc sơ thiền, tâm lúc nào cũng hoan hỷ, xa rời ân ái theo thế gian, dù trải qua bao trở ngại, lúc nào cũng xả bỏ những ưu phiền tìm kiếm những pháp thiện mà làm, từ đó các pháp thiện sanh, nên không có sự buồn khổ.

* Nhị Thiền:

Pháp Thiền định thứ hai trong Tứ Thiền, cảnh Thiền nầy rất là vi diệu, tế nhị của những bậc tu sĩ dày công tu tập. Nhập định vào pháp thiền nầy không còn 2 tâm “Tầm” và “Tứ” vì hành giả đã thuần thục, không còn tìm kiếm dò xét. Hành giả có trí tuệ thật tỉnh táo trước những pháp bất thiện, còn lại những pháp thiện luôn sanh khởi. Về cảnh giới thọ cảm “định sanh hỷ lạc địa”, hoàn toàn không còn buồn khổ, xa rời tham sân, không thấy có tướng nam tướng nữ nên không sanh dục ái theo thế gian, vui sống trong cõi vui thiền định.
Khi vào Thiền, hành giả có thể cho thần thức đến cảnh Trời Nhị Thiền, lúc thác sẽ sanh về đó.

* Tam Thiền:

Pháp Thiền định thứ ba trong Tứ Thiền, là pháp Thiền thâm diệu mà hành giả luôn nhập định không phóng xả, không còn tán lọan tâm tư. Hành giả tu đạt đến tam thiền không còn trở lại thế gian, không đắm nhiễm sắc dục theo dục giới. Khi thác sanh vào cảnh Trời Tam Thiền.
Hành giả nhập định ở cảnh Thiền nầy vui trong Thiền định, xa rời tham, sân, xả bỏ dục ái thế gian. Hành giả ngồi thiền nhập định, không còn nghe thấy mọi cảnh vật, tiếng động bên ngoài, gọi là “ly hỷ diệu lạc địa”. Hoàn toàn an trú đại định vững chắc trong thế giới nội tâm, sáng suốt vi diệu thanh tịnh.

* Tứ Thiền:

Là cảnh Thiền thứ tư, cảnh trời cao vút, vượt khỏi dục giới, sắp vượt qua khỏi sắc giới, chỉ còn thấp hơn cõi Tịnh phạm địa. Người tu đạt đến cảnh giới Tứ Thiền, có sức vào đại định, siêu thoát dục giới, không còn có dục nhiễm chung đụng như ở thế gian, không ô nhiễm trong cõi xú uế. Người chứng bậc Thiền định thứ tư gọi là “xả niệm thanh tịnh địa”, tham, sân còn tìm ẩn, xa lìa các niệm dục ái thế gian sống trong sự thanh tĩnh độc cư, các pháp bất thiện không còn sanh khởi tại cõi nầy (tự điển Phật học Đoàn Trung Còn)

IV .Quả vị tu chứng

Như chúng ta sẽ thấy miền Sắc giới là chỗ ở của các chúng sanh hữu tình tuy đã ly dục, không có trải lòng ham muốn như chúng sanh ở dục giới, nhưng còn có tâm tạp phiền não và các uẩn sai biệt, như tướng tham sân, các tướng khổ thọ, các tướng tùy phiền não thuộc vi tế tuy không thấy, nhưng không phải không còn.
Các bậc tu hành trên từ Sơ thiền đến Tứ thiền mới chỉ vượt khỏi Dục giới, đang còn ở trong Sắc giới, chưa qua khỏi Tịnh phạm địa và Vô sắc giới. So với Phật và đệ tử Đức Phật thì các vị nầy vẫn còn ở trong tam giới, tuy không có cảnh sống như thế gian Dục giới nữa, nhưng tham, sân còn tiềm ẩn, phẩm vị nầy mới chỉ tương đương với quả vị Tư đà hàm (Nhất Lai), chưa đạt đến quả vị A na hàm (Bất Lai), quả vị thứ ba của đệ tử Phật.

Phải diệt trừ năm kiết sử từ Thân kiến, Giới cấm thủ, Nghi, Tham và Sân thì đạt được đệ Tam Thánh quả... Các vị tu đến quả vị nầy lúc nào cũng phải xa rời thế gian, xa rời ngũ dục lạc, họ rất sợ gần gũi ngũ dục lạc, vì gần sẽ bị lậu nhiễm.

Kinh Niết Bàn (quyển 37) Phật dạy: Ví như có kẻ đui bị người ta dắt bỏ trong rừng gai, kẻ ấy khó mà ra khỏi. Dầu cho ra khỏi thì thân thể cũng bị hư hoại hết. Những kẻ phàm phu ở thế gian cũng như thế, họ đâu có thấy biết rằng Tam lậu (tham,sân,si) là tội lỗi là tai hại, cho nên họ cứ theo đó mà đi, còn ai biết mới có thể rời xa.

Ở cõi Sắc giới dù chư Tiên tu cao đến đâu, so với Phật và đệ tử Phật vẫn còn những “hữu lậu” của thế gian. “Hữu lậu” là một trong ba lậu hoặc của tam giới, thuộc Sắc giới.
Trong quá trình tìm đạo, Bồ Tát Sĩ Đạt Ta cũng có kết Bạn và tôn đạo sĩ Uất Đầu Lam Phất làm Thầy. Chỉ trong một ngày đêm Bồ Tát Sĩ Đạt Ta chứng liền Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, tầng Thiền cao nhất của vô sắc giới. Nhận thấy không rốt ráo, pháp nầy không giúp chúng sanh giải thoát sanh tử luân hồi, nên ngài tìm nơi khác. Phi tưởng phi phi tưởng xứ định là tầng thiền định, sau khi chứng đắc nhìn cảnh vật thế gian trong suốt như lưu ly, không có tâm địa ái dục như thế gian, mến trìu vật chất. Khi đi có thể bay được, nhưng ở tầng thiền định nầy vẫn còn tìm ẩn tham (vô minh đầu), sân (vô minh cuối) phiền não thật tế nhị trong tam giới. Một ngày nọ đạo sĩ phi thân đến thành Vương Xá, xứ Ma Kiệt Đà thăm vua Tần Bà Sa La, Vua rất quý đạo sĩ. Vua phán với Hoàng Hậu Vi Đề Hy khi nào không có Vua thì Hoàng Hậu thay Vua tiếp đạo sĩ. Ngày khác đạo sĩ dùng thần túc bay đến thăm hoàng cung, Vua vắng mặt, Hoàng Hậu tiếp Uất Đầu Lam Phất, đạo sĩ nhìn Hoàng Hậu sanh lòng nghĩ quấy, nên mất thần túc thông. Khi trở về núi đạo sĩ không bay được, mà phải đi bộ.
Đạo sĩ nhập định, chim đến đóng ổ trên đầu và đẻ, đạo sĩ vẫn nhẫn nhục không phản ứng. Đến khi nở, chim con ngày càng lớn, chim dành ăn, chim hót, chim đá lộn la inh ỏi, Ông khởi niệm “sân”, thầm nghĩ: “lũ chim quấy rấy ta, kiếp sau ta sẽ làm con “chồn bay” ăn thịt hết các loài chim. Thế là chấm dứt cuộc đời làm đạo sĩ của Uất Đầu Lam Phất.
Tu như Uất Đầu Lam Phất, tuy là ngọai đạo (nhưng là bậc Thầy của Bồ Tát Sĩ Đạt Ta), tu chứng phi tưởng phi phi tưởng xứ mà còn sa đọa vào loài “vừa thượng cầm vừa hạ thú”. Ngày nay chúng ta là chúng sanh phàm phu tu Phật, không biết tu Phật có trọn vẹn chưa? Còn sống trong mớ vật chất, mến trìu bả lợi danh, không buông bỏ tiền vàng, xem vật chất cao hơn trình tự tu chứng, gần như cả chúng ta làm mất dòng mất giống nhà Phật, đến nổi không kiểm soát được mình là ai? Cả một vùng Phật giáo Đông Bắc Á hiện nay tu hành ra sao? Tín đồ Phật tử ngày càng xa rời giáo lý nhà Phật theo đạo khác. Tu chưa qua khỏi Dục giới, chưa nhập vào được “tầm và tứ”, chưa qua ngưỡng cữa “ly sanh hỷ lạc địa”’ nếu có vượt qua, lên cao thì chỉ là hình thức “vào thiền” bằng sách vở, học Phật học trong Trường Phật học, làm gì nói đến việc chứng quả “A na hàm” hay “A lan hán” còn biệt tâm!

Khả năng nhận biết sự chứng đắc?

Người tu chưa chứng đắc mà xưng hô chứng đắc là quá tự cao; cực kỳ kiêu ngạo, quá ngạo mạn. Tuyên bố dối trá rằng mình đã chứng được chân lý tối hậu và có thần thông. Tự cho rằng mình có đức hạnh lớn trong khi thực không có. Đây là loại thứ 5 trong thất mạn.Trong đại luật gọi là “tăng thượng mạn”, phạm giới trọng thứ tư, đại vọng ngữ trong giới của Tỳ Kheo..

Chỉ có Phật là bậc đại đạo sự mới thọ ký, cho các vị Phật trong tương lai, bổ xứ cho các vị Bồ Tát đẳng giác, những bậc tu hành có đẳng cấp đi hành đạo khắp muôn phương, nơi nào thuộc thế giới uế độ của Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật giáo hóa.

Thứ hai chỉ có Thầy Tổ của môn phong pháp phái mới biết được sự tu chứng của đệ tử, trình độ tu hành của đệ tử đến mức độ “siêu đọa” thế nào mà đặc cách.

Thứ ba, bậc có trí tuệ cao viễn mới xuyên suốt pháp giới, biết việc tu hành của mọi người con Phật tu chứng đắc đến đâu?

Thứ tư, cuối cùng là tự tri tự kỷ, “rắn có chân rắn biết, ngọc ẩn đá ngọc hay” phải tự xem mình có tinh tấn tu hành hay không? Hay tu hành lơ lơ, tu trên giấy tờ, tu trên sách vở, xưng hô mình tu thâm niên, tu lâu xem bá gia không hiểu gì, vì lợi dưỡng, vì sự cúng dường rồi tự xưng hiền xưng thánh, chưa chứng quả thánh mà nói mình chứng quả thánh.

Thiền lự là pháp cao xa
Đốn ngộ, tĩnh lặng, thiền na “tứ, tầm”
Phiền não điều phục tại tâm
Chúng sanh, triền cái chứng phần tự ta
Khó khăn tự quản “trần sa”
Đam mê vật chất khó mà “điều tâm”
Thời mạt pháp quá xa xăm
Thích Ca điều ngự khó tầm đạo sư
Đang hàn huyên chốn thảo lư
Phát tâm thiền định trầm tư đếm thời
Tu “quán sổ tức” thảnh thơi
Sau khi thuần thục định thời gian tu
Phát tâm thêm hạnh đức từ
Sau đó lên đại định thời vững tâm
Vô thường là pháp quán thiền
Thấy đó mất đó về miền cõi xa
Chỉ quán cao viễn như là
Định tứ niệm xứ vào nhà Phật nhe
Tứ thiền bát định hai xe
Sơ, nhi, tam, tứ lắng nghe nội tình
Sơ thiền “tầm tứ” định sanh
“Ly sanh hỷ lạc” vào nhà đại thiên
Nhị thiền chưa phải Na Hàm
“Định sanh hỷ lạc” dễ dàng chứng đâu?
Tam thiền còn chút tham sân
“Ly hỷ diệu lạc” thoát lần tử sanh
Tứ Thiền phải rõ ngọn ngành
“Xả niệm thanh tịnh” chỗ gần thế gian
Tứ thiền định chẳng có rành
Mà xưng chứng đắc, chắc thành “thiên ma”
Tu cao như Uất Đầu Lam
Nhiễm nặng ái dục, tâm tham khởi tà
Tu cao quỵ ngã đó đa,
“Đi” thì mây gió, lúc “về” chân không?
Đạo sĩ đứt thần túc thông
Phi tưởng mà chẳng tâm không chút nào?
HT Thích Giác Quang



MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN QUA SỰ QUÁN CHIẾU CỦA DUY THỨC

Mười hai Nhân Duyên là một trong những đạo lý thuộc giáo lý duyên khởi của Phật Giáo chủ trương. Giáo lý duyên khởi của Phật Giáo chủ trương gồm có nhiều loại đạo lý do chính kim khẩu của đức Phật thuyết minh như Thập Nhị Nhân Duyên, Ngũ Uẩn, Thất Đại v.v… đều là những nguyên lý quan hệ chặt chẽ với nhau để thành hình vạn pháp. Mỗi loại đạo lý gồm có nhiều nhân tố cần thiết, hiện hữu độc lập và quan hệ lẫn nhau trong việc kiến lập vạn pháp với hình thức nhân duyên sanh. Đức Phật sỡ dĩ nói lên nhiều loại đạo lý duyên khởi khác nhau và danh xưng không đồng nhất với nhau là do tùy duyên thuyết pháp trong những bối cảnh qua nhiều đối tượng với trình độ sai biệt. Mặc dù đạo lý đa dạng của đức Phật thuyết giảng, nhưng tất cả đều nằm trong một mục đích là trình bày nguyên lý duyên khởi của vạn pháp. Riêng mười hai Nhân Duyên là loại nguyên lý duyên khởi chỉ dành riêng cho các chúng sanh hữu tình mà đạo lý này không phải là loại nguyên lý có tánh cách duyên khởi toàn bộ vạn pháp. Hơn nữa mười hai Nhân Duyên là những điều kiện sanh khởi từng cá thể của mỗi chúng sanh hữu tình mà chúng không phải là những nhân tố biệt lập giống như Ngũ Uẩn nhằm để quan hệ với nhau trong việc cấu trúc sinh mệnh cho mỗi chúng sanh hữu tình nói trên. Thí dụ như các chi Thủ, Hữu, Sanh, Lão Tử trong mười hai nhân Duyên chỉ là những điều kiện quan hệ cá biệt của từng sinh mệnh từ Nhân Dị Thục chuyển biến qua nhiều trạng thái để đi đến Quả Dị Thục của một chúng sanh hữu tình mà những Chi này không giống như Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức của Ngũ Uẩn là những nhân tố có tánh cách hợp tác để cùng hình thành một pháp biết sinh hoạt, biết nhận thức theo tình cảm trong lãnh vực duyên khởi. Giá trị nguyên lý của mười hai Nhân Duyên là gạch nối giữa hai dòng sinh mệnh của một cá thể chúng sanh hữu tình khởi điểm từ quá khứ và đi đến vị lai trên bình diện duyên khởi. Cứ như thế mười hai Nhân Duyên liên tục nối liền từng đơn vị sinh mệnh chúng sanh hữu tình và chuyển biến qua khắp nẻo ba cõi không bao giờ chấm dứt mà đức Phật Thích Ca biểu tượng cho dây xích mười hai Nhân Duyên nói trên với hình thức bánh xe luân hồi.

A.- ĐỊNH NGHĨA:
Mười hai Nhân Duyên, tiếng Phạn là Dvàdasàngapratìtya-Samutpàda, nghĩa là mười hai điều kiện quan vệ với nhau để thành hình một con người hay một chúng sanh hữu tình khởi điểm từ Nhân Dị Thục đi đến Quả Dị Thục, chuyển biến qua nhiều giai đoạn và cần nhiều yếu tố hỗ trợ cho việc nẩy nở và phát triển. Mười hai Nhân Duyên trong kinh Phật thường gọi là mười hai Chi, tức là mười hai điều kiện có hình cách hỗ trợ cho một Nhân Duyên hội đủ phương tiện để đi đến kết quả là thành hình một chúng sanh hữu tình ở kiếp vị lai. Mười hai Nhân Duyên chính là một thuật ngữ của đức Phật nói để xác quyết giá trị sự thành hình của một con người hay của một chúng sanh hữu tình trong các cõi trên lãnh vực tự biến cá nhân và cộng biến vũ trụ qua sự tương quan sanh tồn (Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I cùng một tác giả, tái bản lần thứ hai, trang 275). Mười Nhân Duyên không phải là một thứ triết học lý luận có tánh cách máy móc và thiếu kiểm chứng trong sự kiến tạo chúng sanh hữu tình và vũ trụ của chúng sanh hữu tình đó. Ý nghĩa của mười hai Nhân Duyên được thiết lập cách đây khoảng hơn 25 thế kỷ do chính đức Phật Thích ca thuyết minh sau khi chứng quả Bồ Đề đã bị biến đổi theo thời gian, bị biến đổi theo từng hệ thống tư tưởng và cũng như bị biến đổi theo sự quan niệm của số người nhận thức với trình độ kiến thức bất đồng. Do đó học thuyết mười hai Nhân Duyên cho đến ngày nay đã trở thành một thứ dữ kiện có tánh cách văn hoá và lịch sử hơn là một điều kiện tất yếu trong lãnh vực thực nghiệm và kiểm chứng cho vấn đề học thuyết duyên khởi.

B.- Ý NGHĨA MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN:
Theo Kinh A Hàm đoạn nói về Giáo Nghĩa căn bản của Phật Giáo, mười hai Nhân Duyên gồm có: Vô Minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão Tử. Ý nghĩa mười hai Nhân Duyên đã được kinh luận giải thích rất nhiều và cũng đã được các học giả cao thâm khai triển rất phong phú. Nhưng ở đây, mười hai Nhân Duyên qua sự quán chiếu của Duy Thức lại được giải thích như sau:

1.-Vô Minh (Avidyà):
Vô minh là trạng thái tâm thức mê hoặc vạn pháp, không chứng ngộ được chân lý của các pháp, không thông đạt được nội dung giáo lý triển khai phương pháp hóa giải nguồn gốc của hoặc, của nghiệp, cũng như của khổ để đạt đến giác ngộ toàn diện. Kinh Bản Nghiệp, quyển thượng giải thích: “Vô minh là tâm không hiểu rõ các pháp”. Còn ý nghĩa Vô Minh được thấy đức Phật giảng trong Kinh Tương Ưng II, Phẩm Nhân Duyên: “… Và này các Tỳ Kheo, thế nào là vô minh? - Này các Tỳ Kheo không biết rõ về khổ, không biết rõ về khổ tập, không biết rõ về khổ diệt, không biết rõ con đường đưa đến khổ diệt. Này các Tỳ Kheo, đây gọi là vô minh”.
Thời bấy giờ đức Phật đầu tiên chỉ trình bày về nguyên lý Vô Minh và Ái Dục là nguồn gốc của sanh tử luân hồi nhằm khai mở giá trị của Tứ Đế để giúp các đệ tử dễ dàng lãnh hội và lúc đó không thấy đề cập đến ý nghĩa Si Mê. Đức Phật khi nào khai triển nguồn gốc của Tập Đế để giảng cho các đệ tử thì mới đề cập đến danh từ Si Mê, một trong Ngũ Độn Sử thuộc loại phiền não căn bản. Như trong Tăng Chi Bộ Kinh tập I, trang 301, Ba Nhân Duyên, đức Phật giảng về Si Mê: “Tham là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi, Sân là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi, Si là nhân duyên khiến các nghiệp tập khởi”. Sau này các đệ tử của đức Phật theo đó khai triển vấn đề Vô Minh và Si Mê trở thành hệ thống tư tưởng sâu rộng. Như trong Tương Ưng Bộ Kinh IV, 1982, trang 257, ngài Xá Lợi Phất dạy cách thuyết pháp như sau: “Những ai thuyết pháp để đoạn tận tham, những ai thuyết pháp để đoạn tận sân, những ai thuyết pháp để đoạn tận si, những vị ấy là những vị thuyết thuận pháp ở đời”. Ý nghĩa Vô Minh và ý nghĩa Si Mê có một số học giả cho là giống nhau mà cũng có một số học giả cho là khác nhau trên lãnh vực kiến tạo vũ trụ và nhân sinh. Sự giống nhau cũng như sự khác nhau giữa ý nghĩa Vô Minh và Si Mê được nhận định như dưới đây:

a/- Sự Giống Nhau Giữa Vô Minh Và Si Mê:
Tánh chất của Vô Minh và của Si Mê thì giống nhau đều cùng một thứ phiền não thuộc loại căn bản, đều là mê muội, tăm tối, đần độn, che lấp chân tánh, làm mờ trí tuệ sáng suốt, cũng là hố thẳm đen tối của sự sanh tử luân hồi khổ đau trong ba cõi. Du Già Sư Địa Luận quyển 86 cho bản tánh Vô Minh tức là Si Mê như nói: “Si Mê là tên khác của Vô Minh, của vô trí, của mê muội, của ngu si, của hắc ám v.v…” Theo Duy Thức Tông, Vô Minh phát s anh từ tất cả chủng tử hữu lậu trong Thức Alaya, như Phật Quang Đại Từ Điển quyển 6, trang 5094-5095 giải thích: “Duy Thức Tông cho vô minh là chủng tử, nằm ngủ yên trong Thức Alaya thứ tám và khi hiện hành thì trói buộc chúng sanh, lôi kéo sanh tử và mê hoặc thế giới”. Còn vấn đề Si Mê, theo Đại Thừa Khởi Tín Luận thì được phát sanh từ Kiến Ái như: “Chi Mạt Vô Minh (Kiến Ái) huân tập vào vọng tâm làm thành tựu (tăng trưởng) Phân Biệt Sự Thức (Ý Thức)”. Kiến Ái là danh từ kép, gồm cả hai loại: Kiến Phiền Não và Ái Phiền Não. Kiến Phiền Não là những thứ phiền não mê hoặc lý tánh của vạn pháp. Kiến Phiền Não ở đây tức là chỉ cho Ngã Kiến, Tà Kiến v.v... Còn Ái Phiền Não là những thứ phiền não mê hoặc sự tướng của vạn pháp. Ái Phiền Não ở đây tức là chỉ cho Tham Dục, Sân Nhuế v.v… (Thành Duy Thức Luận Thuật Ký quyển 9 mạt).
Tóm lại, Vô Minh và Si Mê mặc dù phát sanh từ hai loại hạt giống khác nhau, nhưng cùng mang chung một tánh chất đều là thuộc loại phiền não căn bản cả. Bản chất của Vô Minh và Si Mê luôn luôn ô nhiễm chân tâm không cho thanh tịnh và mê hoặc vọng thức không cho kiến tánh để được giác ngộ và giải thoát sanh tử khổ đau.

b/- Sự Khác Nhau Giữa Vô Minh Và Si Mê:
Căn cứ giá trị sinh hoạt, Vô Minh thì khác nhau với Si Mê trên lãnh vực khả năng ảnh hưởng Tâm Thức và lôi cuốn vạn pháp. Đại Thừa Khởi Tín Luận của ngài Mã Minh phân chia Vô Minh thành hai loại, một là Căn Bản Vô Minh (Vô Minh nguồn gốc) và Chi Mạt Vô Minh (Vô Minh ngọn ngành). Theo Đại Thừa Khởi Tín Luận, Vô Minh trong mười hai Nhân Duyên thì thuộc về Căn Bản Vô Minh và Si Mê thì thuộc về Chi Mạt Vô Minh.
Vô Minh thì phát nguồn từ các chủng tử hữu lậu, có khả năng ảnh hưởng đến Tạng Như Lai và ô nhiễm Tạng Như Lai trong chân như biến thành Thức Tạng (Thức Alaya). Đại Thừa Khởi Tín Luận giải thích: “Căn Bản Vô Minh huân tập vào chân như làm thành tựu Nghiệp Thức (Tạng Thức)”. Tất cả chủng tử phiền não của muôn loài sanh trong ba cõi nội kết trong Tạng Như Lai biến thành Vô Minh Nghiệp Tướng. Vô Minh Nghiệp Tướng càng to lớn là khi nào các chủng tử hữu lậu nội kết càng nhiều trong Tạng Như Lai. Trường hợp này cũng giống như biệt nghiệp của mỗi con người được nội kết trong Thức Thể Alaya và cùng nhau biến thành cộng nghiệp của loài người; biệt nghiệp của mỗi con thú được nội kết trong Thức Thể Alaya và cùng nhau biến thành cộng nghiệp của loài súc sanh v.v… Theo Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận của Kimura Taiken, trang 253 cho rằng: “Vô Minh là nguyên lý của sinh mệnh và bản thân của vô minh là bóng tối hỗn độn lờ mờ và bản chất của vô minh là biến động cho nên từ đó phát sanh ra Hành. Ánh sáng trí tuệ chiếu soi vào bóng tối hỗn độn lờ mờ của Vô Minh liên biến thành ra Thức”. Qua lối giải thích trên, Vô Minh là nguyên lý sanh khởi ra Hành và Thức trong mười hai Nhân Duyên. Vô Minh là nguồn gốc của phiền não căn bản, thúc đẩy Thức Alaya kiến tạo tổng thể vũ trụ trong ba cõi, như vũ trụ loài người, vũ trụ loài ngạ quỹ, vũ trụ loài súc sanh v.v...
Khác hơn, Si Mê là chi mạt vô minh phát sanh từ Kiến và Ái, chỉ có khả năng ô nhiễm vọng tâm để biến thành Ý Thức thứ sáu và quan hệ với Ý Thức thứ sáu để sanh khởi các nghiệp thiện ác trong thế gian. Si Mê còn lôi kéo Thức Alaya tạo dựng cá thể của mỗi chúng sanh hữu tình, như xây dựng con người, xây dựng con quỷ Dạ Xoa, xây dựng con bò, con cá, con heo v.v... trong mỗi loại chúng sanh. Si Mê không có khả năng quan hệ đến Tạng Như Lai và cũng như không có khả năng quan hệ với vũ trụ chung của ba cõi giống như Vô Minh. Mỗi chúng sanh hữu tình đều có Si Mê riêng và Si Mê của con người không giống Si Mê của con bò, con cá, con heo v.v... Cho đến Si Mê của loài người không giống như Si mê của loài Ngạ Quỷ, loài Súc Sanh, loài Địa Ngục v.v… và lại càng không giống Si Mê của cõi Dục, của cõi Sắc, của cõi Vô Sắc. Trái lại Vô Minh thì bao trùm tất cả mọi loài chúng sanh trong ba cõi. Chính đức Phật nói trong Tiểu Bộ Kinh I, trang 419 do Hoà Thượng Minh Châu dịch: “Này các Tỳ Kheo, bị bao trùm bởi vô minh triền cái, chúng sanh trong một thời gian dài, chạy dài, lưu chuyển ...”.
Tóm lại, Vô Minh không phải là Si Mê, nguyên vì Vô Minh thì có khả năng ảnh hưởng đến Tạng Như Lai và quan hệ sâu rộng bao trùm cả vũ trụ ba cõi. Khác hơn Si Mê thì chỉ có khả năng ảnh hưởng thu hẹp đến Ý Thức thứ sáu và quan hệ chỉ trong phạm vi cá thể của mỗi chúng sanh hữu tình. Vô Minh là nguyên nhân chính làm động cơ thúc đẩy bánh xe luân hồi chuyển động và tác dụng kéo dài dòng sinh mệnh tổng thể của vũ trụ trong ba cõi cứ chuyển biến mãi vô định. Còn Si Mê thì chỉ có khả năng lôi kéo cá thể của mỗi chúng sanh cứ sanh diệt và diệt sanh trong vòng tròn của bánh xe luân hồi đang quay do chính Vô Minh điều khiển.

2.-Hành (Samskàra):
Vấn đề Hành trong mười hai Nhân Duyên rất có nhiều kinh luận giải thích sự sinh hoạt của nó và nguồn gốc phát sanh ra nó. Những kinh luận giải thích Hành như, Câu Xá Luận quyển I ghi rằng: “Hành là hành động tạo tác”. Đại Thừa Nghĩa Chương quyển 3 giải thích: “Hành là nội tâm bơi lội theo ngoại cảnh”. Nói chung các kinh luận đều giải thích chữ Hành là hành động tạo tác. Sự giải thích này của các kinh luận có vẻ hơi máy móc, nguyên vì chữ Hành đây thuộc về Hành Uẩn là một nguyên tố vô cùng quan trọng trong Ngũ Uẩn. Chữ Hành nếu như nghĩa là hành động tạo tác mà chữ Nghiệp lại cũng nghĩa là hành động tạo tác và như thế giá trị của Hành giống như giá trị của Nghiệp. Nhưng trên thực tế giá trị của Nghiệp chỉ là yếu tố tạo nên cá thể của một chúng sanh hữu tình và khác hơn giá trị của Hành là một yếu tố tạo nên tổng thể vũ trụ của ba cõi. Thế nên chúng ta không thể quan niệm cho rằng ý nghĩa của Hành chính là ý nghĩa của Nghiệp, mặc dù tánh chất của hai loại này cũng đều là phiền não cả”.
Còn vấn đề nguồn gốc phát sánh ra Hành, các kinh luận cũng dẫn giải rất nhiều và luận chứng cũng rất tinh vi, như Phật Quang Đại Từ Điển quyển 3, trang 2551 giải thích: “Hành là chi thứ hai trong mười hai nhân duyên là phát sanh từ thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp của đời quá khứ bị chiêu cảm quả báo của đời hiện tại”. Còn Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận của Kimura Taiken giải thích rằng Hành thì được phát sanh từ Vô Minh, như nói: “Tự thân vô minh vốn cũng là động rồi cho nên hành và vô minh không rời nhau, vì thế hành được đặt vào địa vị thứ hai”. A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập Luận quyển 4 cũng quan niệm rằng Hành phát sanh từ Vô Minh, như nói: “Nương nơi vô minh mà có hành”. Qua những dữ kiện đã trình bày trên cho chúng ta một nhận thức cụ thể là Hành trong mười hai Nhân Duyên đều phát sanh từ Vô Minh.
Hành trong mười hai Nhân Duyên, theo Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, tái bản lần thứ hai, trang 209 giải thích: “Hành ở đây là chỉ cho một năng lực có tánh cách giống như nghiệp, nhưng nó không phải là nghiệp và nó cũng không phải là hành động của một năng lực nào mỗi khi năng lực đó sinh hoạt”. Hành phát sanh từ Vô Minh Nghiệp Tướng sinh hoạt khắp ba cõi và ô nhiễm Tạng NhưLai biến thành Thức Tạng (Thức Alaya) (Xem lại trong Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, tái bản lần thứ hai, trang 201).
Tóm lại Hành trong mười hai Nhân Duyên chính là phát sanh từ vô minh mà ở đây không phải phát sanh từ nghiệp lực, nguyên vì nghiệp lực có nhiều loại, có loại thiện, có loại ác, có loại vô ký, nhưng bản chất của Hành thì hoàn toàn xấu ác và nó không có chút nào tánh chất thiện trong đó cả Hơn nữa mỗi nghiệp đều có năng lực riêng như nghiệp sân tự nó có năng lực khiến cho tâm thức nổi lên cơn giận dữ thì Vô Minh tự nó cũng có năng lực gọi là Hành tác dụng lôi cuốn vạn pháp lưu chuyển muôn đời bất diệt.

3.-Thức (Vijnàna):
Thức trong mười hai Nhân Duyên chính là Thức Alaya thứ tám và nó không phải là Ý thứ sáu, nguyên vì Ý Thức thứ sáu trong thời kỳ này chưa có danh nghĩa và nó chỉ mang tên chung với năm Thức ở trước gọi là Lục Nhập hay là Lục Xứ. Về sau Lục Nhập được khai triển giá trị liền trở thành Lục Thức Giới, hoặc Lục Thức Xứ mà trong đó Ý Thức thứ sáu được mang tên là Ý Thức Giới hoặc Ý Thức Xứ. Lục Nhập nghĩa là sáu cánh cửa của Danh Sắc để hiểu biết và chọn lựa những điểm tựa nào hợp duyên trong việc thành hình sinh mệnh cho kiếp sau liền ký gởi số phận mình vào đó. Thức Alaya là tâm thức thuộc loại siêu đẳng có khả năng xây dựng sinh mệnh của vạn pháp thuộc loại hữu thể chất (có sức sống) và duy trì sinh mệnh của chúng tồn tại trong thế gian. Ngược lại Ý Thức thứ sáu thì chỉ có khả năng xây dựng những pháp vô thể chất (không có sức sống), như người máy, nhà cửa, xe cộ bông hồng bằng chất nhựa v.v... Cụ thể hơn nữa hiện tượng con người sanh ra, trước hết Thức Alaya bắt đầu dựng một hài nhi (một đứa bé) khởi điểm từ một hòn máu hoàn toàn không có chi cả, nghĩa là không có Ý Thức thứ sáu ở trong. Khi đứa hài nhi được sanh ra, Ý Thức thứ sáu của em bé sinh hoạt quá ngây thơ, nguyên vì lúc đó Thức Alaya của hài nhi xây dựng chưa xong hệ thống sinh lý của em bé. Đến khi nào Thức Alaya xây dựng hoàn thành con người của em bé thì lúc đó Ý Thức thứ sáu của em mới có khả năng sinh hoạt trở nên thông minh. Điều kiện này chứng tỏ, Ý Thức thứ sáu có mặt trong con người sau sự có mặt của Thức Alaya và sự sinh hoạt của nó hoàn toàn lệ thuộc thống thần kinh của con người. Học thuyết sinh vật thì cho rằng: con người được sanh ra là do tinh trùng của người cha xây dựng nên và họ giải thích quá chi li cho vấn đề này bằng đủ thứ biện chứng. Thuyết Vi Trùng Học giải thích sự hình thành của con người do tinh trùng xây dựng thì dường như nhận thấy không được ổn chút nào. Nguyên do, tinh trùng nói trên thuộc loại vi khuẩn là thứ sanh vật thật vô cùng nhỏ bé, nhỏ đến nỗi đôi mắt bình thường của con người không thể nhìn thấy được thì làm sao có khả năng thông minh hơn nhà bác học trong việc kiến tạo thành hình sinh mệnh của một con người vượt quá khả năng của nó mà chính nhà bác học đã bất lực với công việc này. Từ đấy cho thấy, Thức trong mười hai Nhân Duyên chính là chỉ cho Thức Alaya thứ tám mà nó không phải là Ý Thức thứ sáu.
admin
Site Admin
 
Bài viết: 6821
Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 4 17, 2011 12:18 am

Re: TÔI TU TỊNH ĐỘ

Gửi bàigửi bởi admin » Thứ 2 Tháng 5 17, 2021 3:12 pm

4.-Danh sắc (Nàma-Rùpa):
Danh Sắc là danh từ gọi chung cả hai lãnh vực tinh thần và vật chất, như phương diện tinh thần là chỉ cho Danh và phương diện vật chất là chỉ cho Sắc. Kinh luận giải thích rất nhiều về Danh Sắc, như Phật Quang Đại Từ Điển, quyển 3, trang 2256 giải thích rằng: “Danh Sắc cũng là gọi chung của Ngũ Uẩn; chính bởi trong Ngũ Uẩn đây, bốn Uẩn Thọ, Tưởng, Hành, Thức là Tâm Pháp … Sắc Uẩn do hệ cực vi kết thành là vật thể có chất ngại nên gọi là Sắc”. Đại Thừa Nghĩa Chương, quyển 4 giải thích: “Danh sắc có nghĩa là tâm theo sự giải thích của mắt, nên gọi là danh; thân có hình chất ngại, nên gọi là sắc”. Quyển Đức Phật và Phật Pháp, phẩm Thập Nhị Nhân Duyên, trang 437 giải thích: “Danh ở đây là ba Uẩn: Thọ, Tưởng và Hành, cả ba cùng phát sanh một lượt với ‘thức-tái-sanh’. Sắc là ba Uẩn của ‘mười-thành-phần’:
‘Mười-thành-phần’ của thân, ‘mười-thành-phần’ của giống (nam nữ) và ‘mười-thành-phần’ của tâm căn, cũng phát sanh một lượt với thức-tái-sanh, do nghiệp quá khứ tạo nên”.
“Mười-thành-phần của thân gồm có bốn nguyên tố, gọi là Tứ Đại:
1.- Nguyên tố có tánh cách duỗi ra (pathàvi), đất;
2.- Nguyên tố có tánh cách dính liền hay kết hợp lại (àpo) nước;
3.- Nguyên tố có tánh cách nóng (tejo), lửa;
4.- Nguyên tố có tánh cách chuyển động (vàyo), gió và chuyển hoá (upàdà rùpa) của bốn nguyên tố ấy là:
5.- Màu sắc (vanna)
6.- Mùi (gandha)
7.- Vị (rasa)
8.- Bản chất dinh dưỡng (Ojà)
9.- Sinh khí (Jìvitindriya) và
10.- Thân (kàya).

Mười-thành-phần của giống gồm có 9 nguyên tố đầu và thứ 10 là giống (nam hay nữ). Mười-thành-phần của tâm căn (vatthu) gồm có 9 nguyên tố đầu và tâm căn, căn cứ phát sanh ra tâm. Như vậy ta thấy hiển nhiên rằng ngay từ lúc chúng sanh được thọ thai đã có giống (nam hay nữ) rồi. Và chính nghiệp quá khứ là nguyên nhân”.
Qua sự giải thích của các kinh luận nói trên, Danh sắc chính là Thân Trung Ấm, nguyên vì trong đó gồm có Ngũ Ấm với hình thức nam hay nữ trong việc chọn lựa nơi tái sanh. Nói về Thân Trung Ấm, Giáo Lý Bí Mật Về Thân Trung Ấm của tác giả Nguyễn Pram, trang 22 giải thích rằng: “Thân Trung Ấm (kinh Đại Bảo Tích chủ trương) còn có tên là Trung Hữu. Sau cái thân Tử Hữu trước cái thân Sanh Hữu, chính giữa có cái thân Ngũ Ấm tên là Trung Ấm, tức là nó dùng cái Ngũ Ấm dị thục để làm thể giữa cả lục thú”.
Theo Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I của tác giả, tái bản lần thứ hai, trang 290 giải thích: “Thân Trung ấm là một loại thân bằng Thức Ấm, trong đó có Sắc Ấm một trong năm Ấm thể hiện. Sắc Ấm chính là tứ đại ở trạng thái thanh khí và được kết hợp vào Thức Thân liền hiện thành Thân Trung Ấm”. Thân Trung Ấm này theo Duy Thức Tông thì thuộc về Nhân Dị Thục ở trạng thái Nội Chủng Tử mà trong mười hai Nhân Duyên gọi là Danh. Đi sâu thêm nữa, nếu như đứng về phương diện nguyên lý cấu tạo, danh từ Danh sắc ở đây chính là chỉ cho một sinh mệnh được thể hiện qua Ngũ Ấm, nguyên vì Sắc Ấm đã hiện hữu trong Danh. Nhưng có một điều khác hơn danh từ Danh Sắc nếu như đứng về phương diện yếu tố quan hệ trong mười hai Nhân Duyên thì Danh ở đây là chỉ cho Thân Trung Ấm và Sắc ở đây chính là chỉ cho Sắc Uẩn trong Ngũ Uẩn thuộc về trược khí của tinh cha huyết mẹ làm trợ duyên chuyển tiếp lúc ban đầu cho Thân Trung Ấm mang pháp số là Danh để đi vào thế giới kiếp sau qua ngưỡng cửa tinh cha huyết mẹ. Sắc Uẩn của tinh cha huyết mẹ theo Duy Thức Tông thuộc về Ngoại Chủng Tử là môi giới vô cùng quan trọng cho thân kiếp sau để thành quả Dị Thục, cho nên đức Phật mới ghép nó gắn liền với Danh thành một chi gọi là Danh Sắc.

5.-Lục Nhập (Sad-Ễyatana):
Theo Từ Điển Phật Học Hán Việt, quyển I, trang 779 do Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Hà Nội Xuất Bản 1992 giải thích: “Lục Nhập trong Thập Nhị Nhân Duyên là Nội Lục Nhập, tức là lục căn”. Lối giải thích này của Tự Điển Phật Học Hán thì rất đúng ý của đức Phật đã giảng giải trong các kinh điển.
Sáu Căn là chỉ cho sáu Căn Thức của Nội Lục Nhập không phải sáu Căn của Ngoại Lục Nhập. Sáu Căn của Ngoại Lục Nhập là chỉ cho sáu giác quan của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý thuộc về sáu Xứ trong mười hai Xứ (Thập Nhị Xứ), còn sáu Căn của Nội Lục Nhập còn được gọi là Sáu Căn Thức tức là chỉ cho sáu Tâm Thức có khả năng thâu nhập sáu Trần Cảnh của vạn Pháp bên ngoài mà mười hai nhân duyên gọi là Lục Nhập, vì đã có sáu Căn của Nội Lục Nhập trong Thân Trung Ấm, cho nên thai bào của chúnh sanh hữu tình dần dần trở thành guồng máy sáu Căn của Ngoại Lục Nhập vô cùng phức tạp. Hiện tượng này được thấy trong Đức Phật và Phật Pháp, trang 439 ghi rằng “Trong thời kỳ thai nghén, Lục Căn (Salàyatana) của thai bào dần dần phát triển từ những hiện tượng tâm-vật-lý gồm tiềm lực vi tế vô tận trở thành guồng máy lục căn vô cùng phức tạp”. Thân Trung Ấm sau khi chết giống như Thân Trung Ấm trong giấc chiêm bao (Giáo Lý Bí Mật Về Thân Trung Ấm của Nguyễn Pram, trang 23) bao gồm cả Thức Alaya (Thần Thức) và sáu Thức ở trong; cho nên Thân Trung Ấm này có thể sinh hoạt như một sinh vật, cũng thấy nghe và cũng biết đi tìm chỗ nương tựa thích hợp để cho kiếp sau. Điều đó được thấy trong Giáo Lý Bí Mật Về Thân Trung Ấm, trang 42, đức Thế Tôn giảng cho trưởng giả Hiền Hộ: “Thần Thức bỏ thân này rồi lấy tất cả các hữu tụ họp lại, lấy rồi, không thịt không xương dời đến thân sau. Nó lấy các hữu và các xúc v.v... các việc, dùng thiên nhãn xem thấy Thọ và Thủ thiện ác”. Điển hình như trong Khảo Nghiệm Duy Thức Học, quyển I tái bản lần thứ hai, trang 290 ghi rằng: “Cho nên trong Thân Trung Ấm, sáu Tâm Thức đã được thể hiện với danh nghĩa là Lục Nhập để tiếp nhận những cảm giác từ bên ngoài vào, nguyên vì Thân Trung Ấm này không có nhục thân (thân bằng xác thịt) Ể. Bao nhiêu dữ kiện trên cũng đủ nói lên được rằng, Lục Nhập một chi trong mười hai Nhân Duyên thuộc về Nội Lục Nhập chính là chỉ cho sáu Tâm Thức từ Nhãn Thức cho đến Ý Thức.

6.-Xúc (Sparsa):
Xúc trong mười hai nhân duyên có rất nhiều kinh luận giải thích. Theo Duy Thức Học, Xúc là một loại Tâm Sở một trong năm Biến Hành có nhiệm vụ hướng dẫn các Tâm Thức giao tiếp với các trần cảnh bên ngoài để có cảm giác. Theo Từ Điển Phật Học Hán Việt, quyển II, trang 1908 do Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Hà Nội 1994 Xuất Bản ghi rằng: “Bởi có Lục Nhập (lục căn và lục trần hoà hợp với nhau) nên có Xúc”. Như vậy Xúc phát sanh từ Lục Nhập hay nói cách khác sáu Căn và sáu Trần hoà hợp với nhau sanh ra Xúc. Như Luận Câu Xá, quyển 4 đã chứng minh điều đó: “Xúc sanh ra bởi căn, cảnh và thức hoà hợp”. Kinh Đại Duyên (Mahanidàna-Suttam) của Trường Bộ Kinh III, sđd, trang 62 cho rằng: “Xúc do Danh Sắc sanh”. Hơn nữa Tương Ưng Bộ Kinh, sđd, trang 3 ghi rằng: “Này các Tỳ Kheo, có sáu xúc thân này: Nhãn xúc, Nhĩ xúc, Tỉ xúc, Thiệt xúc, Thân xúc và Ý xúc”. Theo Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, trang 290 giải thích: “Thân Trung Ấm (Danh) chun vào và tiếp xúc với Tâm Thức của cha mẹ sau khi lửa dục lóe ra nên gọi là Xúc”. Từ đó cho thấy Xúc ở đây là chỉ cho sáu Thức hay Lục Nhập tiếp xúc với Sắc nên gọi là Xúc, hoặc nói cách khác Thân Trung Ấm (Danh) trong đó có sáu Thức (Lục Nhập) tiếp xúc với Sắc (Sắc Uẩn) thuộc tinh cha huyết mẹ để có cảm thọ, nên gọi là Xúc.

7.-Thọ (Vednà):
Thọ là thọ nhận, là cảm giác sau khi tiếp xúc đối tượng. Ý nghĩa chữ Thọ có nhiều kinh luận giải thích, như Duy Thức Tông cho Thọ là một trong năm Biến Hành Tâm Sở (Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng, Tư). Câu Xá Luận quyển 1 ghi rằng: “Thọ là chỗ tiếp nhận của Xúc”. Thuận Chánh Lý Luận quyển 2 ghi rằng: “Thọ là lãnh nạp cảnh sở duyên”. A Tỳ Đạt Ma Tạng Hiển Tông Luận quyển 2 ghi rằng: “Thọ là chỉ cho tất cả Tâm và Tâm Sở, nghĩa là sự lãnh nạp tùy theo Xúc”. Thành Duy Thức Luận Thuật Ký quyển 3 ghi rằng: “Thọ không thể duyên nơi Xúc để sanh và có nghĩa là lãnh nạp hình tướng cảnh giới thuận và nghịch v.v...” Tương Ưng Bộ Kinh II, sđd, trang 3 ghi rằng “Này các Tỳ Kheo, có sáu thọ thân này: Thọ do nhãn xúc sanh, Thọ do nhĩ xúc sanh, Thọ do tỷ xúc sanh, Thọ do thiệt xúc sanh, Thọ do thân xúc sanh, Thọ do ý xúc sanh”. Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, trang 290 ghi rằng: “Thọ gọi cho đủ là Thọ Thai, nghĩa là Thân Trung Ấm không còn sáng suốt để phân biệt, liền bị mê vọng và chấp nhận tinh cha huyết mẹ trong tử cung làm chỗ nương tựa để sinh tồn lâu dài, nên gọi là Thọ”. Như vậy, Thọ trong mười hai Nhân Duyên gọi cho đủ là Thọ Thai, nghĩa là lãnh nhận thân phận kiếp sau của Thân Trung Ấm (Danh) trong việc chuyển tiếp luân hồi của dòng sinh mệnh.

8.-Ái (Trsnà):
là đam mê chấp trước tất cả sự vật nên gọi là ái. Chữ Ái có nhiều nghĩa như Phật Quang Đại Từ Điển, quyển 6, trang 5457 giải thích: “Chữ Ái được gọi là ái tình nghĩa là tự mình có quan hệ nhân duyên máu huyết với thân tộc; chữ Ái được gọi là dục lạc, nghĩa là đặt định tình ái đối với nhân vật nào đó; chữ Ái được gọi là ái dục, nghĩa là căn cứ nơi trình quan hệ tình ái mà đặt tên; chữ Ái được gọi là khát ái, nghĩa là chỉ cho phần chấp trước của nhân quá khứ gây nên bệnh si mê tình ái”. Chữ Ái được gọi là ái trước, nghĩa là đam mê chấp trước sự ân ái; như Đại Bảo Tích Kinh quyển 917 có ghi: “Như con ruồi thấy đờm giải ói mửa thì sanh tâm ái trước”. Chữ Ái đi đôi với chữ Kiến gọi là Ái Kiến. Theo Đại Trí Độ Luận, quyển 7, chữ Ái là mê hoặc về sự và chữ Kiến là mê hoặc về lý, như nói: “phiền não có hai loại, một là thuộc về ái, hai là thuộc về kiến”. Chữ Ái đi đôi với chữ Hoặc gọi là Ái Hoặc, nghĩa là mê hoặc không thấy được chân lý, như Kim Quang Minh Kinh Văn Cú, quyển 3 ghi rằng: “Người đạt đến Bát Địa vẫn còn có ái hoặc”. Chữ Ái đi đôi với chữ Hà gọi là Ái Hà, nghĩa là con người chìm đắm trong biển ái dục, như Bát Thập Hoa Nghiêm Kinh, quyển 26 ghi rằng: “Theo dòng sanh tử vào trong đại ái hà”.
Hơn nữa chữ ái tùy theo cõi có nghĩa khác nhau, như ở cõi Dục gọi là Dục Ái, ở cõi Sắc gọi là Sắc Ái và ở cõi Vô Sắc gọi là Vô Sắc Ái. Như ý nghĩa của Dục Ái, Sắc Ái và Vô Sắc Ái được thấy trong Tập Dị Môn Túc Luận, quyển 4 giải thích rằng: “... Đắm trước ái nhiễm trong cõi Dục gọi là Dục Ái, đắm trước ái nhiễm trong cõi Sắc gọi là Sắc Ái, đắm trước ái nhiễm trong cõi Vô Sắc gọi là Vô Sắc Ái”. Chữ Ái một chi trong mười hai Nhân Duyên thì thuộc về loại Ái Dục, tức là đam mê sắc dục tình ái giữa nam nữ khác tính với nhau. Như trong Khảo Nghiệm Duy Thức Học, quyển I, trang 290 giải thích: “Thân Trung Ấm tiếp xúc với Tâm Thức của cha mẹ bằng sự luyến ái của lục nhập nên gọi là Ái hay là Ái Dục. Thân Trung Ấm nếu như thuộc nam tính thì luyến ái với người mẹ, còn Thân Trung Ấm nếu như thuộc nữ tính thì lại luyến ái với người cha”. Chữ Ái trong mười hai Nhân Duyên rất quan hệ với Danh tức là Thân Trung Ấm thì không có nghĩa nào khác ngoài nghĩa của hai chữ Ái Dục trong việc thọ nhận sinh mệnh ở kiếp sau.
9.-Thủ (Upàdàna):
chữ Thủ có nhiều nghĩa, nào là nắm lấy, chấp lấy, chiếm giữ, xây dựng v.v... Đại Tỳ Bà Sa Luận, quyển 48 giải thích chữ Thủ có ba nghĩa: “giữ gìn, nắm lấy và chọn lựu”. Câu Xá Luận, quyển 20 giải thích chữ Thủ là “Phiền não thường hay nắm lấy quả của các cõi nên gọi là Thủ”. Tương Ưng Bộ Kinh II, sđd trang 3 ghi đức Phật giải thích chữ Thủ: “Này các Tỳ Kheo, có bốn thứ thủ: Dục Thủ, Kiến Thủ, Giới Cấm Thủ và Ngã Luận Thủ”. Thế nào là Dục Thủ, Kiến Thủ, Giới Cấm Thủ và Ngã Luận Thủ?

a/- Dục Thủ: (Pali là Kàmopàdàna) nghĩa là khởi tâm tham lam chấp trước những cảnh dục lạc của Dục Giới. Nhứt Thiết Hữu Bộ phần [Phần Vị Duyên Khởi] giải thích Dục Thủ rằng: “Thủ chính là chúng sanh trong thời kỳ thanh niên đối với dâm dục và ăn uống thì tăng trưởng rộng lớn sự khao khát luyến ái, cho nên bôn ba khắp nơi tìm cầu không biết mỏi mệt, gọi là Thủ”.(Phật Quang Đại Từ Điển quyển 4, trang 3092). Đây mới đúng ý nghĩa là Dục Thủ.

b/- Kiến Thủ: (Pali là Ditthi-upàdàna) nghĩa là bảo thủ ý kiến sai lầm của mình cho là chân thật. Ngoài ra Kiến Thủ cn có nghĩa là chấp lấy những quan điểm thế tục không phải Phật Giáo. Duy Thức Luận quyển 6 giải thích rằng: “Kiến thủ là ý kiến cố chấp vào sự thiên kiến của mình cho là đúng hơn cả, có thể đưa mình đến chỗ thanh tịnh”. Câu Xá Luận quyển 19 giải thích rằng: “Kiến thủ là chấp lấy chỗ sai lầm cho rằng đúng”.

c/- Giới Cấm Thủ: (Pali là Sìla-bbata-upàdàna) nghĩa là chấp trước những pháp không phải chánh nhân cho là chánh nhân, không phải chánh đạo cho là chánh đạo. Nói cách khác Giới Cấm Thủ nghĩa là chấp lấy các thứ giới luật không phải Phật Giáo. Câu Xá Luận, quyển 19 ghi rằng: “Những tà kiến đối với những cái chẳng phải là nhân của đạo mà cho là nhân của đạo được gọi chung là Giới Cấm Thủ …”

d/- Ngã Luận Thủ: có chỗ gọi là Ngã Ngữ Thủ (Pali là Atta-vàdupàdàna) nghĩa là chấp trước những thứ ngôn ngữ luận thuyết của ngã kiến, tức là chúng sanh quan hệ đến sự chấp trước bản ngã nơi trong tự thân làm chủ thể gọi là Năng Thử và quan hệ đến sự chấp trước các pháp đối tượng bên ngoài làm khách thể gọi là Sở Thủ. (Thức Thân Túc Luận, quyển 3).
Chữ Thủ theo mười hai Nhân Duyên chính là nghĩa xây dựng. Thức (Thức Alaya) trong Thân Trung Ấm (Danh) bắt đầu lấy nguyên liệu tinh cha huyết mẹ thuộc Sắc Uẩn (Sắc) xây dựng hệ thống sanh lý cho thân kiếp sau, nên gọi là xây dựng. Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, trang 290 giải thích: “Sau khi chấp nhận tinh cha huyết mẹ trong tử cung làm nơi nương tựa, Kiến Phần Thức Alaya của Nhân Dị Thục y cứ theo ngã tướng của Thân Trung Ấm cuối cùng đã có sẵn bắt đầu xây dựng chúng sanh hữu tình ở kiếp sau nên gọi là Thủ (Thủ nghĩa là xây dựng)”.

10.-Hữu (Bhava):
nghĩa là có, có mặt, tồn tại, sanh tồn v.v... Chữ Hữu được thiết lập là đối lại với chữ [Vô] hoặc chữ [Không], có những nghĩa như: Thực Hữu (có thật), Giã Hữu [giả có], Diệu Hữu [có một cách mầu nhiệm] v.v… Đại Tỳ Bà Sa Luận, quyển 60 giải thích chữ [Hữu] có nhiều nghĩa như: “... Nghiệp nhân thiện ác thường hay chiêu cảm quả báo khổ hoặc vui và những thứ nhân quả báo ứng này liên tục quan hệ lẫn nhau không bao giờ chấm dứt nên gọi là [Hữu]”. Câu Xá Luận quyển 9 và Thành Duy Thức Luận quyển 8 giải thích chữ [Hữu] như: “Nghiệp thường hay dẫn dắt đi đến quả báo nên gọi là [Hữu] và Hữu đây tức là chỉ cho [Hữu Chi], một trong mười hai Nhân Duyên”. Các nhà Duy Thức thì cho các pháp thuộc tánh Y Tha Khởi là [Giả Hữu] và các pháp thuộc tánh Viên Thành Thật là [Thật Hữu], còn thật tánh Chân Như thường còn không sanh diệt không biến hoại của các pháp, các nhà Duy Thức đặc biệt cho là [Diệu Hữu hay Chân Hữu].
Ngoài ra chữ Hữu còn có nghĩa là Cõi như [Cữu Hữu] (chín cõi), [Tam Hữu] (ba cõi), [Thất Hữu] (bảy cõi) v.v… Trường A Hàm Kinh quyển 9, Câu Xá Luận quyển 8 và Đại Thừa Nghĩa Chương quyển 8 phân loại Cữu Hữu (chín cõi] gồm có: “Nhơn và Thiên của các cõi Dục, Phạm Chúng Thiên, Cực Quang Tịnh Thiên, Biến Tịnh Thiên, Vô Tưởng Thiên, Không Vô Biên Thiên, Thức Vô Biên Thiên, Vô Sở Hữu Thiên và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên. Đại Trí Độ quyển 3, Tập Dị Môn Túc Luận quyển 4 và Đại Tỳ Bà Sa Luận quyển 60 giải thích Tam Hữu (ba cõi) theo đây: “Tam Hữu gồm có: Dục Hữu, Sắc Hữu và Vô Sắc Hữu”.

"a/- Dục Hữu: nghĩa là tất cả chúng sanh trong các cõi Trời, cõi người, cõi A Tu La, cõi Súc Sanh, cõi Ngạ Quỷ và cõi Địa Ngục của Dục Giới luôn luôn lãnh thọ quả báo theo nghiệp nhân đã gây, nên gọi là Dục Hữu”.

"b/- Sắc Hữu: nghĩa là chư Thiên trong Tứ Thiên của Sắc Giới mặc dù đã thoát khỏi cái thân thô tục và nhiễm ô của Dục Giới, nhưng còn có thân thể bằng sắc chất thanh tịnh nên gọi là Sắc Hữu”.

"c/- Vô Sắc Hữu: nghĩa là chư Thiên trong Tứ Không của Vô Sắc Giới mặc dù thân thể không có sắc chất làm ngăn ngại, nhưng vẫn còn bị quả báo theo nghiệp nhân đã làm, nên gọi là Vô Sắc Hữu”.
Trường A Hàm Thập Báo Pháp Kinh quyển Thượng và Đại Tỳ Bà Sa Luận quyển 60 phân loại Thất Hữu gồm có: Địa Ngục Hữu, Súc Sanh Hữu, Ngạ Quỷ Hữu, Nhơn Hữu, Thiên Hữu, Nghiệp Hữu (chính là chỉ cho những nguyên nhân của quả báo), Trung Hữu (tức là chỉ cho những cõi phương tiện của quả báo).
Nhưng chữ Hữu trong mười hai Nhân Duyên nghĩa là Thân Trung Ấm đã được tượng hình thành một sinh mệnh của kiếp sau do Thức Alaya xây dựng. Nhìn về sự hiện hữu của một con người, Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, trang 291 giải thích: "Nhờ sự gián tiếp ủng hộ của người cha và nhờ sự trực tiếp cung cấp nguyên liệu của người mẹ qua nhao bào thai, Kiến Phần Thức Alaya của đứa bé trong bụng cứ tiếp tục xây dựng để thành hình con người nên gọi là Hữu”.

11/-Sanh (Jàti):
là sanh sản, thọ sanh, thai sanh, khởi v.v… nghĩa là xuất hiện một sinh mệnh mới hiện hữu trong dòng sống của vạn hữu tuôn chảy muôn đời bất diệt theo nghiệp lực cuốn trôi. Câu Xá Luận quyển 9 giải thích chữ Sanh như là: “Đây là chỉ cho sự quan hệ trong một sát na thác thai kết sánh đời vị lai”. Thành Duy Thức Luận quyển 6 phần [Thập Nhị Nhân Duyên] 337 giải thích chữ Sanh như là: “Trong thời gian chết [Trung Hữu] đến [Bổn Hữu] chưa có già suy đều gọi là Sanh”. Tương Ưng Bộ Kinh II trang 3, đức Phật giải thích chữ Sanh như là: “Này các Tỳ Kheo, thế nào gọi là sanh? - Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay chúng sanh khác bị sanh, xuất sanh, giáng sanh, đản sanh, sự xuất hiện các uẩn, sự thành tựu các xứ. Này các Tỳ Kheo, đây gọi là sanh”.
Ngoài ra hai chữ Thọ Sanh, Thành Duy Thức Luận quyển 6, phần Tứ Hữu 1688 giải thích rằng: “Thọ Sanh nghĩa là kết thành thân sanh ra gọi là thọ sanh”. Còn hai chữ Thai Sanh cũng bộ luận này giải thích: “Thai Sanh nghĩa là thác thai và cũng gọi là thác sanh”. Hơn nữa hai chữ Sanh Khởi, Pháp Hoa Huyền Nghĩa quyển I Thượng (Đại 33-684 Hạ) cho rằng: “Nhân của năng sanh gọi là sanh và quả của sanh gọi là khởi”.
Chữ Sanh trong mười hai Nhân Duyên là chỉ cho một sinh mệnh mới của Thân Trung Ấm (Danh) hội đủ điều kiện tạm thời sanh ra đời để tiếp tục trưởng thành của giai đoạn kiếp sống nhân duyên nghiệp báo. Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, trang 291 cùng một tác giả giải thích: “Khi đến chín tháng và mười ngày, đứa bé trong bụng người mẹ trên được sanh ra nên gọi là Sanh. Sau khi sanh ra, đứa bé không còn thâu nhận nguyên liệu trực tiếp nơi người mẹ cung cấp qua nhao bào thai và nó phải tự ăn uống với hình thức bú sưu để cung cấp nguyên liệu cho Kiến Phần Thức Alaya của chính nó tiếp tục xây dựng để hoàn thành bộ máy sinh lý con người”, đó gọi là sanh.

12/-Lão Tử (Jarà-Marana):
là già và chết, nghĩa là giai đoạn suy tàn và chấm dứt nghiệp báo của một sinh mệnh. Hai chữ Lão Tử này được thấy trong Tương Ưng Bộ Kinh II, trang 3 và 4, đức Phật giải thích rõ ràng: “Này các Tỳ Kheo, thế nào là lão tử? Cái gì thuộc chúng sanh này, khác, thuộc bộ loại chúng sanh này, khác, bị già, yếu, suy nhược, răng rụng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ giảm, các căn chín mùi - đấy gọi là già. Cái gì thuộc chúng sanh này, khác, hay thuộc bộ loại chúng sanh này, khác sự từ bỏ, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn tàn lụn, thân thể vứt bỏ. Đấy gọi là chết”.
Lão Tử có nhiều kinh luận trình bày cũng rất cụ thể như:
a/- Chữ Già là chỉ cho thân tâm ở vào thời kỳ suy yếu cũng như chậm chạp trong mọi sự sinh hoạt và tư duy. Du Già Sư Địa Luận quyển 61 giải thích chúng sanh già có năm tướng: “Khí sắc suy thoái, khí lực suy thoái, các căn suy thoái, thọ dụng những hiện tượng suy thoái và mạng sống suy thoái”. Còn Trung A Hàm Phân Biệt Thánh Đế Kinh quyển 7 ghi rằng: “Chúng sanh khi già đầu bạc răng rụng, năng lực cường tráng ngày càng suy, thân thể còm lưng, chân bước xiên xẹo, chống gậy để đi, thịt thiếu da nhăn, các căn đần độn và chậm chạp, nhan sắc xấu xa, thân tâm cảm nhận khổ sở vô cùng”.

b/- Chữ Tử là chỉ cho thân thể biến hoại, thọ mạng chấm dứt. Bắc Bổn Đại Niết Bàn Kinh quyển 12 giải thích chữ Tử có hai nghĩa:
“1]- Mạng Tận Tử, nghĩa là tánh mạng đã chấm dứt.
2]- Ngoại Duyên Tử, nghĩa là do các nhân duyên bên ngoài đã chấm dứt”.
Đại Tỳ Bà Sa Luận quyển 20 giải thích chữ Tử có bốn nghĩa:
“l]- Có tiền của (hoặc có phước) nhưng bị chết vì mạng sống đã hết.
2]- Có mạng sống nhưng bị chết vì tiền của đã hết.
3]- Bị chết vì tiền của và mạng sống đã hết.
4]- Mặc dù có tiền của và còn mạng sống, nhưng gặp các ác duyên nên bị chết”.

Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức Kinh của ngài Huyền Trang dịch có nêu ra chín thứ hoạnh tử:
“1]- Chết vì bị bệnh hoạn không gặp thầy thuốc.
2]- Chết vì tử hình bởi phạm quốc pháp.
3] - Chuyên bơi lội trong hoang dâm vô độ mà chết hoặc gặp kẻ phi nhân (ác quỷ v.v...) chuyên thủ dâm tinh xuất mà chết.
4]- Chết vì bị hoả thiêu.
5]- Chết vì bị chìm dưới nước.
6]- Chết vì bị các ác thú ăn thịt.
7]- Từ nơi bờ núi cao dốc đứng thẳng bị rớt xuống mà chết.
8]- Chết vì bị ngộ độc.
9]- Chết vì bị đói khát”.

Như trên trình bày, Lão Tử trong mười hai Nhân Duyên là nối liên hai hiện tượng già và chết thành một chi để nói lên ý nghĩa sánh diệt biến hoại trong giai đoạn tồn tại cũng như trong giai đoạn chuyển hoá của một sinh mệnh hiện hữu. Điều đó rõ ràng như trong Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, trang 191 cùng một tác giả giải thích Lão Tử qua một đứa bé sau khi sánh ra: “Thân thể đứa bé khi lớn lên đến tột cùng của ngã tướng bên đứng lại gọi là Trụ Tướng. Sau khi hình tướng trụ lại, thân thể đứa bé bắt đầu già lẫn để rồi chết đi gọi là Lão Tử”.
Nhận xét chung, ý nghĩa của mười hai nhân duyên vừa giải thích ở trên là trình bày những điều kiện quan hệ của một sinh mệnh trên tiến trình nẩy nở và phát triển, khởi điểm từ nhân dị thục đi đến quả dị thục. Bất cứ một chúng sanh hữu tình nào, lớn như loài người và nhỏ như các loài hạ đẳng động vật đều cũng phải trải qua những điều kiện quan hệ của mười hai Nhân Duyên mặc dù chúng nẩy nở và phát triển dưới nhiều hình thức khác nhau như thai sanh, noãn sanh, thấp sanh hay vi tế nhất là hóa sanh. Một sinh mệnh hữu tình nào nếu như không quan hệ qua điều kiện của mười hai nhân duyên thì không thể hiện hữu trong thế gian mặc dù sự hiện hữu của chúng sanh hữu tình đó nằm trong lãnh vực quả báo thiện ác, ngoại trừ các vị thánh nhân xuất thế độ sanh. Những từ ngữ trong mười hai nhân duyên, đức Phật dùng vào lãnh vực nhằm diễn tả những điều kiện quan hệ để sanh thành của một chúng sanh hữu tình trên lãnh vực nhân quả thiện ác và những từ ngữ này không phải là những yếu tố riêng biệt để cùng nhau sanh thành cho một chúng sanh hữu tình. Chúng ta đừng lầm lẫn sử dụng từ ngữ của mười hai Nhân Duyên đem giải thích vào những lãnh vực khác vô tình làm mất đi giá trị của mười hai Nhân Duyên và còn làm sai lạc mục đích đức Phật muốn trình bày.

C.- SỰ KHAI TRIỂN MƯỜI HAI NHÂN DUYÊN CỦA CÁC KINH LUẬN:

Tiến trình duyên khởi của mười hai Nhân Duyên theo tinh thần kinh Hoa Nghiêm được thiết lập đầu tiên sau khi đức Phật chứng quả nơi cội Bồ Đề và Đức Phật không chỉ trình bày nguyên lý cấu tạo chúng sanh hữu tình mà trong đó còn trình bày cả nguyên lý cấu tạo thế giới vô tình. Vòng dây xích mười hai Nhân Duyên nhằm diễn tả giá trị thuận dòng sanh tử lưu chuyển trong lãnh vực Khổ Tập của Tứ Thánh Đế và ngược lại bánh xe Bát Chánh Đạo nhằm biện minh giá trị nghịch dòng sanh tử chuyển hoá trong lãnh vực Diệt Đạo của Tứ Thánh Đế. Về sau các đệ tử của Phật lại thi đua sử dụng đạo lý mười hai Nhân Duyên làm pháp môn tu tập chuyên nghiệp riêng biệt cho nên có lối nhìn khác đi ý nghĩa ban đầu của đức Phật và cũng từ đó đạo lý mười hai Nhân Duyên được khai triển tuyệt đỉnh trở thành tư tưởng triết học trong lãnh vực suy luận và diễn dịch. Muốn hiểu tư tưởng mười hai Nhân Duyên của đức Phật chủ trương, trước hết chúng ta cần duyệt xét giá trị mười hai Nhân Duyên của các nhà nghiên cứu sau này chủ trương qua các kinh luận ghi lại.

1.- Kinh Trường A Hàm:
Kinh Trường A Hàm, quyển 10, mục Đại Duyên Phương Tiện giải thích mười hai Nhân Duyên trên lập trường Tứ Đế. Kinh này ghi rằng: “Duyên nơi Si nên có Hành, duyên nơi Hành nên có Thức, duyên nơi Thức nên có Danh Sắc, duyên nơi Danh Sắc nên có Lục Nhập, duyên nơi Lục Nhập nên có Xúc, duyên nơi Xúc nên có Thọ, duyên nơi Thọ nên có Ái, duyên nơi Ái nên có Thủ, duyên nơi Thủ nên có Hữu, duyên nơi Hữu nên có Sanh, duyên nơi Sanh nên có đại hoạn Lão, Tử, Ưu, Bi, Khổ Não chứa nhóm”.
Đại ý kinh này không khác quan niệm của đức Phật là căn cứ trên lập trường quả khổ của Tứ Thánh Đế để giải thích mười hai Nhân Duyên trong tiến trình sanh khởi vạn pháp theo chiều hướng thuận dòng sanh tử lưu chuyển và khác hơn đức Phật chủ trương ở chỗ duyên đầu là căn cứ nơi Si làm khởi điểm mà không phải căn cứ nơi Vô Minh để diễn dịch.
Vấn đề Vô Minh và Si Mê như trước đã trình bày không phải xuất hiện cùng một lúc trong tư tưởng Phật Giáo. Đức phật đầu tiên chỉ giảng giải Vô Minh và Ái Dục trong mười hai Nhân Duyên để mở bày giá trị của Tứ Thánh Đế mà trong đó không thấy đề cập đến hai chữ Si Mê và nếu như có đề cập đến hai chữ Si Mê đi chăng nữa là đức Phật khai triển nguồn gốc của Tập Đế. Hơn nữa đức Phật dùng danh từ Vô Minh trong mười hai Nhân Duyên là sử dụng đúng ý nghĩa và giá trị của nguyên lý duyên khởi. Danh từ Si Mê trong kinh Trường A Hàm là do các học giả sau này trong thời kỳ kiết tập kinh điển lần thứ ba ở triều đại A Dục thay thế vào. Nguyên vì những nhà kiết tập tưởng rằng ý nghĩa danh từ Si Mê cũng giống như ý nghĩa danh từ Vô Minh, nhưng họ không biết giá trị của Si Mê khác xa giá trị của Vô Minh trong lãnh vực duyên khởi. Họ không thông suốt Vô Minh có giá trị bao hàm cả loài người, loài ngạ quỷ, loài súc sanh v.v... cả ba cõi, nhưng ngược lại Si Mê chỉ có giá trị riêng cá nhân của từng người, cá nhân của từng ngạ quỷ, cá nhân của từng súc sanh v.v... Vô Minh thì thuộc về Hoặc của ba cõi làm mê mờ tất cả thế giới của muôn loài chúng sanh và Si Mê thì thuộc về Nghiệp, một trong sáu phiền não căn bản, chỉ làm mê mờ từng cá thể của một chúng sanh. Hơn nữa Vô Minh thuộc về cộng nghiệp của từng loại chúng sanh hữu tình trong ba cõi cùng nhau gây tạo để cùng nhau hưởng thụ và Si Mê thì thuộc về biệt nghiệp của từng cá thể nơi mỗi chúng sanh hữu tình tự tạo lấy để tự hưởng thụ. Chính đức Phật đã nói giá trị Vô Minh được đề cập trong Tương Ưng Bộ (Vipassi sutta) do Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận của Kimura Taiken, trang 236 ghi lại: “Phật cho vô minh là nguồn gốc của hết thảy hữu tình”. Từ đó cho thấy trong thời kỳ thuyết minh mười hai Nhân Duyên, đức Phật không bao giờ đề cập đến danh từ Si Mê và danh từ Si Mê trong mười hai Nhân Duyên là do các học giả sau này thay thế vào.
Hơn nữa Ưu, Bi, Khổ, Não là những trạng thái cảm thọ quả báo của Tâm Thức thuộc về Khổ Đế mà không phải là những nguyên nhân của Tập Đế và riêng mười hai Nhân Duyên là những nguyên nhân thuộc về Tập Đế, là những yếu tố kiến tạo tất cả chúng sánh hữu tình hiện hữu trong thế gian mà không phải những trạng thái cảm thọ quả báo của Tâm Thức thuộc Khổ Đế. Những trạng thái Ưu, Bi, Khổ, Não nếu như cho là những nguyên nhân của Tập Đế, cũng là những yếu tố kiến tạo tất cả chúng sanh hữu tình hiện hữu trong thế gian thì phải kể là “Mười Sáu Nhân Duyên” mà không phải kể là “Mười Hai Nhân Duyên”. Những người đời sau vì không nắm được yếu tính mười hai Nhân Duyên của Tập Đế cho nên thêm vào những trạng thái Ưu, Bi, Khổ, Não của Khổ Đế do bởi Tâm Thức cảm thọ quả báo khiến cho những nhà nghiên cứu gặp trở ngại rất lớn trong việc khảo sát. Có thể khẳng định rằng, những trạng thái Ưu, Bi, Khổ, Não cũng như danh từ Si Mê trong mười hai Nhân Duyên là hoàn toàn không phải của đức Phật chủ trương mà do các nhà kiết tập thêm vào.
2.- Kinh Tạp A hàm:
Kinh Tạp A Hàm, quyển 12 giải thích giá trị mười hai Nhân Duyên như sau: “Đầu tiên sự sanh tồn (Hữu) của hữu tình chính là do Thức hoạt động mở bày. Sự hoạt động của Thức trở thành kinh nghiệm sinh hoạt (Hành). Vả lại do Thức hoạt động chứa nhóm nên mới hình thành nội dung. Song sự hoạt động của Thức chính là hiểu biết xuyên qua sáu giác quan (Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn, Ý căn) để tiếp Xúc với đối tượng nhận thức (Danh Sắc). Những sự vật cảm thọ trên đây rất quan hệ với chủ quan. Hạng phàm phu do Vô Minh (Đối với Phật Giáo, hạng phàm phu không tự giác ngộ được chân lý) làm nội tướng và do khao khát ái dục (mong cầu ngã dục không chán) làm ngoại tướng. Sự khao khát ái dục tức là tướng căn bản của Thức. Vả lại, một khi phát triển, Thức lại bảo thủ tất cả ngã trở thành chấp ngã (Thủ) Do Thức nhiễm ô này hoạt động, các hiểu biết được huân tập biến thành kinh nghiệm và những kinh nghiệm trên một khi sanh, già, chết v.v... là đại biểu cho khổ, vô thường của nhân gian. Ngược lại, các bậc Thánh đã diệt được các nhân Vô Minh và Ái thì cái khổ của nhân gian cũng bị diệt theo”.
Đại ý kinh này thuyết minh mười hai Nhân Duyên trên lãnh vực Tứ Thánh Đế và đứng trên lập trường Duy Thức làm căn bản. Theo kinh này, sự sinh hoạt của mỗi chúng sanh tình đều bị chi phối bởi mười hai Nhân Duyên và trong đó Thức là chủ yếu của mọi sự sinh hoạt nhận thức vạn pháp, nhưng Thức ở đây lại bị Vô Minh che kín và bị Ái Dục lôi cuốn cho nên chúng sanh hữu tình luôn luôn hành động chấp trước và đam mê gây tạo các nghiệp để đưa đến sự cảm thọ quả báo sanh tử khổ đau. Trong Tứ Thánh Đế, Vô Minh và Ái Dục thì thuộc về nguyên nhân của Tập Đế trong Tứ Thánh Đế, còn Sanh Tử và Vô Thường thì thuộc về kết quả của Khổ Đế.
Qua sự giải thích của Kinh Tạp A Hàm, mười hai Nhân Duyên được trình bày theo phương cách nhận thức mới và diễn dịch lại không theo thứ tự của tiến trình sanh khởi vạn pháp, nghĩa là không có điểm khởi đầu từ Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc v.v … cho đến duyên Lão Tử. Hơn nữa kinh này chỉ giải thích góc cạnh sự sinh hoạt của chúng sanh hữu tình bị chi phốị bởi mười hai Nhân Duyên và trong đó không thấy trình bày yếu tố cấu tạo nên sinh mệnh của một chúng sanh hữu tình qua sự duyên khởi của mười hai Nhân Duyên, nghĩa là sự sanh ra một con người hay một chúng sanh hữu tình được giải thích như thế nào qua mười hai Nhân Duyên. Theo như lối trình bày trên, Vô Minh trong mười hai Nhân Duyên được nhình như Si Mê không khác và giá trị sinh hoạt của nó chỉ riêng cho cá thể của một chúng sanh hữu tình. Lối giải thích mười hai Nhân Duyên của Kinh Tạp A Hàm nói trên có lẽ sau Phật nhập diệt gần ba trăm năm được ghi vào trong đợt kiết tập lần thứ ba. Đây cũng là cách nhìn mới về mười hai Nhân Duyên của học giả sau này.
3.- Luận Câu Xá:
Luận Câu Xá, quyển 9 phân tích mưòi hai Nhân Duyên thành bốn loại duyên khởi: Sát Na Duyên Khởi, Liên Phược Duyên Khởi, Phân Vị Duyên Khởi, Viễn Tục Duyên Khởi. Theo như Luận Câu Xá giải thích:
a/- Sát Na Duyên Khởi: nghĩa là sự duyên khởi của mười hai Chi chỉ trong một sát na. Nói cách khác, ở nội tâm, mười hai Nhân Duyên trong một sát na đều duyên khởi đầy đủ.
Thí dụ, nơi bản tâm, hạt giống Tham chỉ trong sát na khởi lên ý niệm sát sanh thì ngay lúc đó nào Ngu Si, Vô Minh v.v... đều hiện đủ và ý nguyện sát hại nói trên liền phát sanh hành động.
b/- Liên Phược Duyên Khởi: nghĩa là sự duyên khởi của mười hai Chi có tánh cách liên tục không ngừng trong quan hệ chặt chẽ lẫn nhau. Mười hai Chi này quan hệ với nhau một cách chặt chẽ và liên tục hình thành nhân trước cùng quả sau không gián đoạn.
c/- Phân Vị Duyên Khởi: nghĩa là mười hai Chi phân loại thành hai lớp nhân quả trong ba đời. Hai lớp nhân quả trong ba đời được gọi là “Tam Thế Lưỡng Trùng Nhân Quả”. Mười hai Chi này chính là biểu thị trạng thái và quá trình sanh tử lưu chuyển của chúng sanh hữu tình trong ba đời. Sự phân chia mười hai Chi thành hai lớp nhân quả trong ba đời như sau:
1]- Vô Minh và Hành thì thuộc về hai nhân của quá khứ.
2]- Thức, Danh Sắc, Lục Xứ, Xúc, Thọ thì thuộc về năm quả của hiện tại.
3]- Ái, Thủ, Hữu thì thuộc về ba nhân của hiện tại.
4]- Sanh, Lão Tử thì thuộc về hai quả của vị lai.
Mười hai Nhân Duyên cũng được phân chia theo cách khác :
a- Một lớp nhân quả thuộc về quá hiện, nghĩa là một lớp nhân quả thuộc về quá khứ và hiện tại, như:
1]- Hai nhân thuộc quá khứ: Vô Minh và Hành.
2]- Năm quả thuộc hiện tại: Thức, Danh Sắc, Lục Xứ, Xúc, Thọ.
b- Một lớp nhân quả thuộc về hiện vị, nghĩa là nhân quả thuộc về hiện tại và vị lai, như:
1]- Ba nhân thuộc hiện tại: Ái, Thủ, Hữu.
2]- Hai quả thuộc vị lai: Sanh, Lão Tử.
Hai cách phân chia trên gọi chung là “Thập Nhị Duyên Khởi Tam Thế Lưỡng Trùng Nhân Quả”.
d/- Viễn Tục Duyên Khởi: nghĩa là chỉ cho mười hai Chi có thể liên tục duyên khởi xa cách nhiều đời. Đây đứng trên lập trường Ngũ Uẩn để giải thích. Căn cứ nơi loài hữu tình, mười hai Chi được giải thích như sau:
“Trước hết, nương nơi hai Nhân (Vô Minh và Hành) của đời quá khứ, Tâm Thức trong sát na đầu tiên gá sanh vào thai của mẹ nên gọi là Thức. Gá sanh trong sát na thứ hai trở về sau, sáu căn chưa hoàn bị nên gọi là Danh Sắc. Trong bào thai, sáu căn đầy đủ nên gọi là Lục Xứ. Sau khi ra khỏi bào thai cho đến hai hoặc ba tuổi, chỉ có tiếp xúc cảm giác nên gọi là Xúc. Bốn tuổi cho đến mười bốn tuổi, nhất là trong thời gian năm tuổi, tánh cảm thọ rất mãnh liệt nên gọi là Thọ. Kể từ Thức cho đến Thọ, năm Chi này gọi là năm quả hiện tại. Tiếp theo, khoảng mười sáu hoặc mười bảy tuổi cho đến hai mươi chín tuổi, Ái Dục cường thịnh nên gọi là Ái. Từ ba mươi tuổi trở về sau, Tâm tham trước rất thù thắng nên gọi là Thủ. Do Tâm tham trước tạo nghiệp nên gọi là Hữu. Ái, Thủ, Hữu là ba nhân hiện tại. Ba nhân Ái, Thủ, Hữu đây cảm sanh đời vị lai nên gọi là Sanh. Tiếp theo, Lão và Tử là hai quả của đời vị lai”.
Cách giải thích trên cũng theo lối “Hai lớp nhân quả trong ba đời”. Nhìn sâu thêm nữa “Trong nhân đã hàm chứa hai quả: Hoặc và Nghiệp. Cho nên mười hai Duyên Khởi đều thâu nhiếp ba đạo lý: Hoặc, Nghiệp, Khổ trong đó và nhân quả luôn luôn duyên khởi không gián đoạn, duyên khởi từ vô thỉ cho đến vô chung”.
Đại ý của Luận Câu Xá, tiến trình duyên khởi của mười hai Nhân Duyên được xây dựng trên lập trường nhân quả ba đời của dòng sinh mệnh và theo bộ luận này, mười hai Nhân Duyên là chân lý thường hằng không biến đổi, có giá trị vĩnh viễn muôn đời. Mười hai Nhân Duyên chi phối tất cả mọi pháp trong thế gian, không những ảnh hưởng nhân quả ba đời (Phân Vị Duyên Khởi) và còn ảnh hưởng nhiều kiếp lâu xa của chúng sanh (Viễn Tục Duyên Khởi).
Tánh chất của mười hai Nhân Duyên rất quan hệ lẫn nhau một cách chặt chẽ trong sự duyên khởi. Sự quan hệ này của mười hai Nhân Duyên kết hợp nhân trước quả sau và tạo dựng trong nhân có quả, trong quả có nhân, cứ như thế nối tiếp mãi không cùng tận (Liên Phước Duyên Khởi). Chẳng nhữnh thế, sự duyên khởi của mười hai Nhân Duyên có tánh cách liên tục không gián đoạn trong một sát na (Sát Na Duên Khởi) tạo thành dòng sinh mệnh của một chúng sanh hữu tình trải dài theo thời gian từ vô thỉ mãi đến vô chung.
Nhận thấy luận Câu Xá trình bày mười hai Nhân Duyên có tánh cách triết học suy lý, nghĩa là giải thích chi ly tánh chất và giá trị duyên khởi của mười hai Nhân Duyên trong quá trình kiến tạo sinh mệnh của chúng sanh hữu tình. Theo bộ luận này, mười hai Nhân Duyên không phải chỉ quan hệ duyên khởi riêng biệt cá nhân sinh mệnh của một chúng sanh hữu tình trong từng giai đoạn hiện hữu mà ở đây lại quan hệ duyên khởi dòng sinh mệnh của chúng sanh hữu tình suốt cả ba đời. Điểm đặc biệt trong đây, Luận Câu Xá cho thêm một chi Si Mê nữa vào trong mười hai Nhân Duyên cùng xuất hiện với Vô Minh, cho nên thành ra mười ba Chi Duyên Khởi mà không phải là mười hai Chi như trong kinh luận đã ghi. Hơn nữa luận Cân Xá thay đổi danh xưng Lục Nhập của mười hai Nhân Duyên thành Lục Xứ mà không có giải thích lý do tại sao, đồng thời quan niệm Lục Xứ là thuộc về vật lý kiến tạo mà nó không phải là tâm lý tác dụng. Đây là cách nhìn đặc biệt và cũng có thể nói là phương thức phát minh mới Luận Câu Xá.

4.- Luận Đại Tỳ Bà Sa:
Luận Đại Tỳ Bà Sa, quyển 24 giải thích mười hai Nhân Duyên trên lãnh vực Thiền Quán. Mười hai Nhân Duyên được quán theo hai chiều hướng: chiều hướng mê vọng gọi là Lư Chuyển Môn và chiều hướng giác ngộ gọi là Hoàn Diệt Môn. Luận này giải thích: “Quán mê là lối quán thuộc về Lưu Chuyển Môn (Lưu Chuyển Môn nghĩa là quán theo phương pháp lưu chuyển). Lối quán này khởi đầu từ Vô Minh, đến Hành, đến Thức, đến Danh Sắc v.v... cho đến Lão Tử. Còn quán ngộ là lối quán thuộc về Hoàn Diệt Môn (Hoàn Diệt Môn nghĩa là quán theo phương pháp diệt lần trở lại đầu tiên). Lối quán này khởi đầu diệt Lão Tử, rồi đến diệt Sanh, rồi đến diệt Hữu, diệt Thủ, diệt Ái v.v... cho đến diệt Vô Minh”.
Đại ý, Luận Đại Tỳ Bà Sa dùng phương pháp Thiền Quán để tìm ra sự quan hệ của mười hai Nhân Duyên trong việc duyên khởi chúng sanh hữu tình theo chiều hướng lưu chuyển mê vọng và khởi đầu từ Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc v.v... cho đến duyên Lão Tử. Sau đó luận này cũng dùng phương pháp Thiền Quán để cắt đứt sự quan hệ của mười hai Nhân Duyên theo chiều hướng hoàn diệt và khởi đầu diệt Lão Tử, rồi đến diệt Sanh, diệt Hữu, diệt Thủ v.v... cho đến diệt Vô Minh để được giác ngộ và giải thoát.
Đây là phương pháp quán chiếu đặc biệt về phương diện Lưu Chuyển Môn và Hoàn Diệt Môn của Luận Đại Tỳ Bà Sa trong sự tu tập Thiền Quán. Luận Đại Tỳ Bà Sa quan niệm muốn giải thoát sự ràng buộc của mười hai Nhân Duyên trong vòng sanh tử lưu chuyển thì trước hết phải biết sự quan hệ của mười hai Nhân Duyên như thế nào trong nguyên lý duyên khởi và sau đó mới sử dụng phương pháp tiêu diệt chúng.
Trường hợp này cũng giống như một vị Bác Sĩ muốn trị liệu một bệnh nhân nào thì trước hết phải biết rõ thứ căn bệnh gì, cường độ tác dụng của nó gây ảnh hưởng ra sao đối với bệnh nhân và sau đó mới sử dụng y dược để điều trị bệnh nhân.
Theo Luận Đại Tỳ Bà Sa, mười hai Nhân Duyên là mười hai nguyên nhân phiền não sanh tử lưu chuyển có gốc rễ riêng biệt nhau và chúng quan hệ với nhau một cách chặt chẽ để sanh khởi chúng sanh hữu tình trong thế gian, nên gọi là duyên, như Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh Sắc v.v... cho đến duyên Lão Tử. Muốn chấm dứt sự sanh tử lưu chuyển của chúng sanh hữu tình, hành giả cần phải sử dụng Thiền Quán, trước hết soi sáng sự quan hệ của mười hai Nhân Duyên cũng giống như sử dụng Quang Tuyến (X Ray) để soi sáng bệnh trạng trong thân thể con người, kế tiếp sử dụng Thiền Quán đế cắt đứt sự quan hệ của mười hai Nhân Duyên trong sự duyên khởi và sau cùng sử Thiền Quán tẩy sạch gốc rễ của mười hai Nhân Duyên cũng giống như sử dụng ánh sáng điện để xô đuổi bóng tối, thế là hành giả đã được giác ngộ và giải thoát sanh tử khổ đau.
admin
Site Admin
 
Bài viết: 6821
Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 4 17, 2011 12:18 am

Re: TÔI TU TỊNH ĐỘ

Gửi bàigửi bởi admin » Thứ 2 Tháng 5 17, 2021 3:13 pm

5.- Luận A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập:
Luận A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập, quyển 4 giải thích mười hai Nhân Duyên cũng trên lãnh vực tu tập Thiền Quán. Theo luận này, mười hai Nhân Duyên có hai lãnh vực quán chiếu: quán theo lối tạp nhiễm gọi là Tạp Nhiễm Quán và quán theo lối thanh tịnh gọi là Thanh Tịnh Quán.

a/- QUÁN THEO LỐI TẠP NHIỄM (Tạp Nhiễm Quán):
Lối quán này cũng có hai cách: Quán thuận theo lối sanh khởi tạp nhiễm gọi là Sanh Khởi Tạp Nhiễm Quán và quán nghịch theo lối sanh khởi tạp nhiễm gọi là Sanh Khởi Tạp Nhiễm Nghịch Quán.

1]- Quán Thuận Theo Lối Sanh Khởi Tạp Nhiễm:
Mười hai Duyên Khởi theo bộ luận trình bày như sau:
“Bắt đầu từ Vô Minh và Hành quán thuận theo thứ lớp thì Vô Minh sanh khởi ra Hành, Hành sanh khởi ra Thức, Thức sanh khởi ra Danh Sắc, Danh Sắc sanh khởi ra Lục Nhập, Lục Nhập sanh khởi ra Xúc, Xúc sanh khởi ra Thọ, Thọ sanh khởi ra Ái, Ái sanh khởi ra Thủ, Thủ sanh khởi ra Hữu, Hữu sanh khởi ra Sanh, Sanh sanh khởi ra Lão Tử”.

2]- Quán Nghịch Theo Lối Sanh Khởi Tạp Nhiễm:
“Bắt đầu từ Sanh và Lão Tử quán nghịch theo thứ lớp thì Lão Tử sở dĩ sanh khởi là do Sanh, Sanh sở dĩ sanh khởi là do Hữu, Hữu sở dĩ sanh khởi là do Thủ, Thủ sở dĩ sanh khởi là do Ái, Ái sở dĩ sánh khởi là do Thọ, Thọ sở dĩ sanh khởi là do Xúc, Xúc sở dĩ sanh khởi là do Lục Nhập, Lục Nhập sở dĩ sanh khởi là do Danh Sắc, Danh Sắc sở dĩ sanh khởi là do Thức, Thức sở dĩ sanh khởi là do Hành, Hành sở dĩ sanh khởi là do Vô Minh”.

b/- QUÁN THEO LỐI THANH TỊNH (Thanh Tịnh Quán):
Lối quán này cũng có hai cách: quán thuận hiện thành theo lối thanh tịnh gọi là Hiện Thành Thanh Tịnh Thuận Quán và quán nghịch hiện thành theo lối thanh tịnh gọi là Hiện Thành Thanh Tịnh Nghịch Quán.

1]- Quán Thuận Hiện Thành Theo Lối Thanh Tịnh:
Cũng mười hai Duyên Khởi này khi đã hiện thành hình tướng, bộ luận trên trình bày như sau:
“Vô Minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Danh Sắc diệt, Danh Sắc diệt thì Lục Nhập diệt, Lục Nhập diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thì Sanh diệt, Sanh diệt thì Lão Tử diệt”.
2]- Quán Nghịch Hiện Thành Theo Lối Thanh Tịnh:
Lối quán trên khởi đầu từ Lão Tử quán nghịch lên như sau:
“Lão Tử diệt thì Sanh diệt, Sanh diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Lục Nhập diệt, Lục Nhập diệt thì Danh Sắc diệt, Danh Sắc diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Vô Minh diệt”.
Đại ý, nhờ phương pháp Thiền Quán theo lối tạp nhiễm và thanh tịnh, Luận A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập tìm ra nguyên lý của mười hai Nhân Duyên. Theo luận này, nguồn gốc phát sanh ra các Chi trong mười hai Nhân Duyên chính là Vô Minh. Vô Minh sanh ra các Chi theo tiến trình duyên khởi để hình thành một chúng sanh hữu tình trong thế gian, nghĩa là Vô Minh sanh ra Hành, Hành sanh ra Thức, Thức sanh Danh Sắc v.v… cho đến sanh ra Lão Tử để hình thành một sinh mệnh cho một chúng sanh hữu tình. Đây là lối quán chiếu thuận tạp nhiễm của duyên khởi. Để biện minh cho kiến giải này, Luận A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập đưa ra phương pháp nghịch trở lại theo chiều hướng tạp nhiễm khởi điểm từ Lão Tử đi lần lên cho đến Vô Minh để xác quyết giá trị sanh khởi của Vô Minh.
Còn trên lãnh vực thanh tịnh, Luận A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập cho rằng mười hai duyên khởi một khi đã hiện thành hình tướng sinh mệnh của một chúng sanh hữu tình thì đã bị biến chất không còn tồn tại nguyên thể cho một sinh mệnh kế tiếp, cũng như hạt đậu xanh một khi đã nẩy mầm để thành cây thì không thể để giống được nữa mà muốn có một sinh mệnh khác nối tiếp thì phải có hạt giống mười hai Nhân Duyên mới thành hình. Cũng vì đã hiện thành hình tướng cho một chúng sanh hữu tình, thế nên mười hai Nhân Duyên rồi cũng sẽ tuần tự bị diệt theo khi chúng sanh hữu tình đó bị hoại diệt. Cụ thể cho lập thuyết này, Luận trên đưa ra lối kiến giải nghịch lưu để xác định, Lão Tử diệt thì Sanh diệt, Sanh diệt thì Hữu diệt v.v... cho đến Vô Minh diệt. Đây là phương pháp quán tạp nhiễm và thanh tịnh theo chiều hướng thuận nghịch của Luận A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập phát minh.
Nhưng điều đáng chú ý, Luận A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập cho ý nghĩa vô minh không khác gì si mê và giá trị của vô minh giống như giá trị của si mê. Theo luận này, mỗi chúng sanh hữu tình đều có một vô minh riêng và vô minh đó là cội gốc sanh ra các chi khác của mười hai Nhân Duyên trong tiến trình duyên khởi sinh mệnh cho chính họ. Một chúng sanh hữu tình nào khi bị tiêu diệt (chết) thì vô minh hình thành ra họ cũng bị diệt theo và nếu như vô minh không còn tồn tại thì các chi khác trong mười hai Nhân Duyên cũng tuần tự bị tiêu diệt, nguyên vì các chi này đã tác dụng để hình thành sinh mệnh cho chúng sanh hữu tình đó. Bất cứ chúng sanh hữu tình nào hiện có mặt trong thế gian đều do chính mười hai nhân Duyên kiếp trước của họ hiện thành hình tướng. Trong thời gian sanh tồn, họ lại gây tạo ra mười hai hạt giống Nhân Duyên của kiếp sau để làm nhân tố chuyển tiếp cho việc duyên khởi sinh mệnh mới trong vị lai và họ cứ tiếp nối gây tạo những nhân duyên như thế sẽ bị luân hồi mãi trong vòng sanh tử lưu chuyển. Trong thời gian kiếp hiện tại nếu như không gây tạo những hạt giống mười hai nhân duyên cho kiếp vị lai, họ sau khi chấm dứt sinh mệnh hiện hữu thì không còn bị luân hồi trong vòng sánh tử lưu chuyển nữa, nguyên vì họ không có những nhân tố chuyển tiếp để làm môi trường duyên khởi. Thế là họ được giải thoát khổ đau sanh tử.
Đúng như quan niệm trên của luận A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập, mười hai Nhân Duyên không phải là định luật thường hằng bất biến giống như Luận Câu Xá chủ trương và những nhân tố này được nội kết tùy theo nghiệp duyên của mỗi chúng sanh hữu tình gây tạo qua thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp để thành định luật tất yếu có tánh cách giai đoạn ngắn hạn trong một chu kỳ của một sinh mệnh sanh khởi theo nghiệp báo. Cũng từ quan niệm này, Vô Minh trong mười hai Nhân Duyên chính là tên khác của Si Mê, một trong sáu phiền não căn bản chỉ ảnh hưởng riêng từng cá nhân của một chúng sanh hữu tình và nó không có tánh cách ảnh hưởng chung cho tất cả chúng sanh hữu tình, như ảnh hưởng chung cho loài người, ảnh hưởng chung cho loài ngạ quỷ, ảnh hưởng chung cho loài súc sanh v.v... giống như đức Phật đã nói trong Tương Ưng Bộ Kinh mà Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận của Hòa Thượng Thích Quãng Độ dịch, trang 236 ghi: “Phật cho vô minh là nguồn gốc của hết thảy hữu tình”.

6.- Ý Nghĩa Nguyên Thủy Mười Hai Nhân Duyên:

Ý nghĩa nguyên thủy của mười hai Nhân Duyên là ý nghĩa đầu tiên được duyệt xét vào thời kỳ chính kim khẩu của đức Phật thuyết minh sau khi giảng giải Tứ Thánh Đế để độ cho năm anh em ông Kiều Trần Như. Mười hai Nhân Duyên này có thể được rút ra tinh yếu từ nơi Kinh Hoa Nghiêm của đức Phật nói nơi cội Bồ Đề sau khi thành đạo nhằm để biện minh cho Tập Đế, một trong Tứ Thánh Đế. Trong Tứ Thánh Đế, đức Phật đã trình bày rất tường tận và phong phú về phương diện Khổ Đế trong các kinh luận chẳng những để độ cho năm anh em ông Kiều Trần Như mà còn để độ cho tất cả đệ tử sau này sớm được giác ngộ và giải thoát. Đặc biệt về phương diện Đạo Đế, đức Phật đưa ra rất nhiều pháp môn tu tập để diệt Tập Đế mà trong đó căn bản nhất và đầu tiên nhất là ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo. Riêng Tập Đế, đức Phật trình bày rất nhiều nguyên nhân gây ra Khổ Đế cho chúng sanh hữu tình, trong đó nào là Hoặc, Nghiệp, Căn Bản Phiền Não, Tùy Phiền Não v.v... Trong đây, mười hai Nhân Duyên là những luật tắc trợ duyên cho những phiền não của Hoặc và Nghiệp để hình thành sinh mệnh cho chúng sanh hữu tình và vũ trụ của chúng theo nhân quả nghiệp báo.
Mười hai Nhân Duyên trong các kinh luận giải thích thì không đồng nhất với nhau, điều đó chứng tỏ những sự sai biệt về ý nghĩa và về danh số của mười hai Nhân Duyên là do các nhà kiết tập thêm bớt hoặc sửa đổi theo trình độ kiến giải riêng biệt của mình và so với lối giải thích đầu tiên của đức phật có phần khác biệt đôi chút. Như Tương Ưng Bộ Kinh II, Phật Tự Thuyết Đại Phẩm của Luật, trang 57 do Hoà Thượng Minh Châu dịch thì ghi đầy đủ mười hai Chi và ngược lại Trường Bộ Kinh III, Kinh số XV thì ghi chỉ có chín Chi, trong đó thiếu Vô Minh, Hành và Lục Nhập. Hơn nữa về phần Lão Tử trong mười hai Nhân Duyên, đức Phật chỉ trình bày một trong những nhân tố duyên khởi để hình thành sinh mệnh của chúng sanh hữu tình và ở đây không bao giờ kê khai một lô các Chi khác như Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não đã được Trường Bộ Kinh III, Kinh số XV đã ghi. Nguyên do tánh chất của Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não là thuộc về thành phần kết quả của Khổ Đế và chúng không phải nhân tố của Tập Đế. Ngoài ra, mười hai Nhân Duyên nếu như cộng thêm Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não vào thì không còn danh số là mười hai Chi mà phải gọi là mười bảy Chi. Từ đó cho thấy mười hai Nhân Duyên có thêm các chi như Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não trong đó là do các nhà kiết tập sau này thêm vào và chúng không phải do đức Phật chủ trương. Như đã trước đã giải thích, đức Phật chỉ luận bàn rất nhiều đến giá trị Vô Minh và Ái Dục cho là quan trọng trong việc sanh khởi chúng sanh hữu tình và lúc đó chưa thấy đề cập đến vấn đề Si Mê như là trong Kinh Trường A Hàm đã giải thích. Điều đặc biệt kinh Tạp A Hàm giống với ý của đức Phật ở chỗ cho Thức Chi trong mười hai Nhân Duyên là yếu tố quan trọng hơn cả trong việc hình thành sinh mệnh chúng sanh hữu tình và cũng giải thích rằng Thức chi này bị Vô Minh che lấp và bị Ái Dục lôi cuốn vào vòng sanh tử lưu chuyển. Nhưng lối thuyết minh mười hai Nhân Duyên của Kinh Tạp A Hàm thì khác xa với mục tiêu của đức Phật được biểu hiện trong các kinh luận. Trong các kinh luận, đức Phật thường nói: “Phật Pháp tại thế gian bất ly thế gian giác”, nghĩa là Phật Pháp được giác ngộ từ nơi thế gian và ngoài thế gian không có Phật Pháp. Nói cách khác, đức Phật giác ngộ từ nơi thế gian và ngoài thế gian không thể giác ngộ. Cũng từ giá trị này, những kinh luận nào trình bày rất hợp lý trong thế gian chính là Phật Pháp, chính là bản ý của đức Phật. Qua lời nói trên của đức Phật, mười hai Nhân Duyên giải thích như thế nào khi một con người, một chúng sanh hữu tình được sanh trong thế gian.

7.- Giá Trị Mười Hai Nhân Duyên:

l. -Trong mười hai Nhân Duyên, Thức chi đứng địa vị quan trọng trên hết trong việc thành hình vạn pháp cả hai mặt, xây dựng chúng sanh hữu tình thuộc chánh báo và ngoài ra còn kiến tạo vũ trụ thuộc y báo để làm môi trường sống cho chúng sanh hữu tình chánh báo nói trên nẩy nở và phát triển. Vũ trụ y báo làm môi trường sống cho chúng sanh hữu tình chánh báo sanh trưởng trong đó gồm có không gian thuộc không đại và chúng sanh vô tình thuộc khí thế gian. Tất cả sinh mệnh của các chúng sanh hữu tình thuộc chánh báo và tất cả sinh mệnh của các chúng sanh vô tình thuộc Y Báo vừa kể trên đều do Thức chi trong mười hai Nhân Duyên xây dựng thành hình. Cụ thể như trong một trứng gà có trống, Thức Chi của gà con nhơn lúc gà mẹ đang ấp để đem sức ấm làm trợ duyên liền lấy chất liệu tròng đỏ tròng trắng gọi là sắc xây dựng bộ máy sinh lý thành gà con. Cũng như Thức Chi của con người gọi là Danh liền lấy tinh cha huyết mẹ gọi là Sắc xây dựng thành hệ thống sinh lý của đứa bé trong bào thai. Thức Chi trong mười hai Nhân Duyên, nhà Duy Thức gọi là Thức Alaya. Thức Chi nếu như không hiện hữu thì vạn hữu vũ trụ không thành hình và sinh mệnh của muôn loài chúng sanh không tồn tại. Cho nên Thức Chi trong mười hai Nhân Duyên là một loại tâm thức vô cùng siêu đẳng và không còn ai có khả năng thay thế nhiệm vụ của nó trong việc kiến tạo sinh mệnh cho muôn loài chúng sanh. Thức Chi này được nhà Duy Thức đánh giá với danh nghĩa là Siêu Thức.
2.- Hai Chi Vô Minh và ái Dục là hai nhân tố chính của sanh tử lưu chuyển trong ba cõi. Vô Minh Chi thì thuộc về Hoặc và Ái Dục Chi thì thuộc về Nghiệp. Vô Minh Chi mê hoặc và lôi cuốn Thức Chi tạo thành dòng sinh mệnh tổng thể của vũ trụ trong ba cõi như vũ trụ loài người, vũ trụ loài súc sanh, vũ trụ loài ngạ quỷ v.v... Còn Ái Dục Chi thì thúc dục và điều khiển Thức Chi tạo thành sinh mệnh cá thể của một chúng sanh hữu tình như xây dựng con người trong loài người, xây dựng con chó trong loài thú, xây dựng con yêu trong loài ngạ quỷ v.v...
3.- Lục Nhập Chi là tên riêng của sáu Thức, từ Nhãn Thức cho đến Ý Thức (một phần trong Thập Bát Giới) mà trong Kinh Niết Bàn quyển 23, đức Phật gọi là sáu Căn. Sáu Căn đây không phải là sáu giác quan của Duy Thức chủ trương mà nó chính là sáu Căn Thức, nghĩa là sáu nguồn gốc của Tâm Thức, tức là chỉ cho sáu chủng tử của Tâm Thức. Sáu giác quan của Duy Thức thì thuộc về Ngoại Lục Nhập và sáu căn của Lục Nhập Chi thì thuộc về Nội Lục Nhập tức là sáu cánh cửa của Danh Sắc để hiểu biết. Trong thời kỳ đầu tiên thuyết pháp về Tứ Thánh Đế cũng như Thập Nhị Nhân Duyên, đức Phật chỉ dùng danh từ Lục Nhập để khai triển mà ở đây chưa có sử dụng đến danh xưng Lục Thức, Lục Xứ hay Lục Căn. Về sau đi sâu vào tư tưởng, đức Phật mới sử dụng đến danh từ chuyên môn Lục Thức, Lục Xứ, Lục Căn v.v… trong các kinh luận.
4.- Danh Sắc Chi ở đây chính là chỉ cho Thân Trung Ấm được thành hình bởi năm Ấm (ngũ ấm) mà trong đó Sắc Chi thì thuộc về Sắc Ấm và Danh Sắc còn được gọi là Nhân Dị Thục thuộc Nội Chủng Tử mà trong đó Thức Dị Thục là nhân tố vô cùng quan trọng cho việc xây dựng thành hình một sinh mệnh ở kiếp sau. Còn tinh cha huyết mẹ thì thuộc về Sắc Uẩn chỉ làm trợ duyên khởi đầu cho việc hình thành một sinh mệnh chuyển tiếp ở kiếp sau và Sắc Uẩn này còn được gọi là Quán Đãi Nhân trong mười nhân, yếu tố chờ đợi Danh Sắc thuộc Nội Chủng Tử nương tựa để xây dựng. Quán Đãi Nhân thuộc Sắc Uẩn bao gồm cả tinh cha và huyết mẹ ở trong. Tinh của người cha thì thuộc về Năng Tác Nhân trong sáu nhân mà cũng là Tăng Thượng Duyên trong bốn duyên và máu huyết của người mẹ thì thuộc về Câu Hữu Nhân trong sáu nhân mà cũng là Sở Duyên Duyên trong bốn duyên.
5.- Xúc Chi, theo Trường Bộ Kinh III là do Danh Sắc sánh hay nói cách khác Thân Trung Ấm (Danh) gồm có sáu Tâm Thức (Lục Nhập) tiếp xúc với Tâm Thức của cha mẹ để gieo duyên cho kiếp vị lai sanh tồn sau khi lửa dục của cha mẹ lóe ra soi sáng và mở cửa lối vào nên gọi là Xúc. Xúc Chi không phải là chỉ cho Tâm Sở Xúc trong năm Tâm Sở Biến Hành của Duy Thức Học chủ trương, nguyên vì trong thời kỳ này học phái Duy Thức chưa xuất hiện và mặt triết học tâm lý chưa được khai triển, mặc dù Xúc Chi trong mười hai Nhân Duyên và Tâm Sở Xúc trong năm Tâm Sở Biến Hành cùng một danh nghĩa. Chữ Xúc trong mười hai Nhân Duyên cũng không phải là yếu tố riêng biệt mà chữ Xúc ở đây là chỉ cho Thân Trung Ấm (Danh) thuộc Nhân Dị Thục hành động tiếp xúc với Quán Đãi Nhân (một nhân trong mười nhân) nơi cha mẹ để kết duyên cho sinh mệnh của kiếp sau.
6.- Thọ Chi trong mười hai Nhân Duyên có nghĩa là thọ nhận hay thọ thai. Chữ thọ, theo Thuận Chánh Lý Luận, là lãnh nạp cảnh sở duyên. Nói cách khác chữ Thọ ở đây là chỉ cho Thân Trung Ấm của Nhân Dị Thục hành động thọ nhận Quán Đãi Nhân thuộc tinh cha huyết mẹ trong tử cung làm chỗ nương tựa cho sinh mệnh kiếp sau sanh tồn lâu dài nên gọi là Thọ (Thọ Thai). Còn Cảnh Sở Duyên là chỉ cho Quán Đãi Nhân thuộc tinh cha huyết mẹ làm đối tượng của Thân Trung Ấm lãnh nạp. Chữ Thọ này không phải là một yếu tố riêng biệt và cũng không phải chữ Thọ trong năm Biến Hành của Duy Thức chủ trương, mặc dù hai chữ thọ nói trên cùng giống nhau danh nghĩa.
7.- Ái Chi, theo Phật Quang Đại Từ Điển là ái dục, nghĩa là đặt định tình ái đối với nhân vật nào đó mà mình đam mê. Chữ Ái trong mười hai Nhân Duyên thuộc về ái dục là chỉ cho Thân Trung Ấm (Danh) thuộc Nhân Dị Thục bị Ái Dục (Khiên Dẫn Nhân) lôi kéo hành động đam mê sắc dục tình ái giữa nam nữ khác tính với nhau. Theo Liễu Sanh Thoát Tử, Thân Trung Ấm tiếp xúc với tâm thức cha mẹ bằng sự luyến ái của Lục Nhập nên gọi là Ái Dục. Thân Trung Ấm nếu như thuộc nam tính thì luyến ái với người mẹ và Thân Trung Ấm nếu như thuộc nữ tính thì luyến ái với người cha. Sinh mệnh của một chúng sanh hữu tình sau khi sanh ra đời bị ràng buộc bởi luân lý xã hội phân biệt thành cha mẹ và con cái, nhữnh sinh mệnh của chúng sanh hữu tình đó trước khi chưa sanh ra đời với hình thức Thân Trung Ấm thì không có quan niệm vấn đề luân lý xã hội giữa cha mẹ và con cái. Cho nên dưới sự ràng buộc và lôi kéo (Khiên Dẫn Nhân) của Ái Dục, Thân Trung Ấm của chúng sanh hữu tình chỉ biết luyến ái giữa nam tính và nữ tính để tạo dựng sinh mệnh cho kiếp sau. Từ đó cho thấy Chữ Ái trong mười hai Nhân Duyên là nguyên nhân tạo thành sinh mệnh của mỗi chúng sanh hữu tình ở kiếp sau.
8.- Thủ Chi, theo Đại Tỳ Bà Sa Luận nghĩa là giữ gìn, nắm lấy và chọn lựa, tức là chọn lấy và xây dựng vạn pháp. Chữ Thủ trong mười hai Nhân Duyên là chỉ cho Thức Chi trong Thân Trung Ấm (Danh) nương tựa theo ái dục nắm lấy tinh cha huyết mẹ xây dựng chúng sanh hữu tình ở kiếp sau nên gọi là thủ. Thân Trung Ấm được gọi là Nhân Dị Thục và Thức Chi trong Thân Trung Ấm cũng được gọi là Thức Dị Thục (Kiến Phần Thức Alaya). Theo Duy Thức Học, Thức Chi (Thức Dị Thục) của Nhân Dị Thục căn cứ ngã tướng của Thân Trung Ấm cuối cùng và chọn lấy tinh cha huyết mẹ để xây dựng chúng sanh hữu tình sớm được hoàn thành sinh mệnh ở kiếp sau.
9.- Hữu Chi, theo Câu Xá Luận và Thành Duy Thức Luận nghĩa là Nghiệp thường hay dẫn dắt đi đến quả báo nên gọi là Hữu. Những chữ Hữu trong mười hai Nhân Duyên, theo Khảo Nghiệm Duy Thức Học nghĩa là Thân Trung Ấm cuối cùng của Nhân Dị Thục khởi điểm từ hòn máu của sắc chất tượng hình thành một sinh mệnh của kiếp sau do Thức Dị Thục (Kiến Phần Thức Alaya) xây dựng nên gọi là Hữu.
l0.- Sanh Chi nghĩa là xuất hiện một sinh mệnh mới hiện hữu trong dòng sống của vạn hữu theo nghiệp lực cuốn trôi và tuôn chảy muôn đời bất diệt. Chữ Sanh theo Câu Xá Luận nghĩa là một sinh mệnh sau khi chết quan hệ trong một sát na thái thai kết thành đời vị lai. Chữ Sanh trong mười hai Nhân Duyên theo Duy Thức Học là chỉ cho Thân Trung Ấm hội đủ điều kiện tạm thời sanh ra đời để tiếp tục trưởng thành một sinh mệnh nhân duyên nghiệp báo. Một sinh mệnh nhân duyên nghiệp báo của Thân Trung Ấm trưởng thành được gọi là Quả Dị Thục.
11.- Lão Tử Chi, nghĩa là giai đoạn suy tàn và chấm dứt nghiệp báo của một sinh mệnh. Lão Tử trong mười hai Nhân Quyên không phải là một yếu tố kết hợp hay hủy hoại một sinh mệnh mà ở đây là chỉ cho trạng thái suy tàn và hoại diệt của một sinh mệnh thuộc Quả Dị Thục để chuyển sang một sinh mệnh mới thuộc Quả Dị Thục khác ở kiếp sau trong dòng thác sinh mệnh của vũ trụ lưu chuyển muôn đời bất diệt.
Tóm lại, xét qua mười hai Nhân Duyên, Vô Minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Ái Chi mới thực thụ là những yếu tố duyên khởi căn bản để tạo thành sinh mệnh của các chúng sanh hữu tình trong thế gian và các Chi còn lại như Xúc, Thọ, Thủ, Hữu, Sanh, Lão Tử chỉ là những hiện tượng sinh mệnh trong tiến trình duyên khởi do các yếu tố duyên khởi căn bản nói trên xây dựng từ trạng thái Nhân Dị Thục đến trạng Quả Dị Thục. Trong các yếu tố duyên khởi căn bản của mười hai Nhân Duyên, Thức Chi mới là yếu tố quan trọng cho việc kiến tạo sinh mệnh của các chúng sanh hữu tình góp mặt trong thế gian. Thức Chi xây dựng chúng sanh hữu tình cả hai lãnh vực: xây dựng chánh báo của chúng sanh hữu tình và xây dựng y báo cho chúng sanh hữu tình đó nương tựa sanh tồn. Thức Chi nương tựa nơi Ái Chi xây vựng sinh mệnh cá thể riêng biệt của từng chúng sanh hữu tình từ Nhân Dị Thục đến Quả Dị Thục trải qua những hiện tượng Danh Sắc, Lục Nhập phối hợp và trưởng thành. Đồng thời Thức Chi nương tựa nơi Vô Minh và Hành xây dựng vũ trụ y báo thuộc môi trường sống cho chúng sanh hữu tình nói trên nẩy nở và phát triển. Riêng Xúc, Thọ, Thủ, Hữu, Sanh, Lão Tử đều là chỉ cho những hiện tượng trưởng thành và biến hoại qua những đoạn của Thân Trung Ấm nơi mỗi chúng sanh hữu tình trong vòng sanh tử lưu chuyển từ Nhân Dị Thục đi đến chấm dứt Quả Dị Thục để chuyển sang Nhân Dị Thục khác của kiếp sau. Ngoài ra các chi khác như, Xúc, Thọ, Thủ, Hữu, Sanh, Lão Tử không phải là những đơn vị biệt lập trong tiến trình duyên khởi của mười hai Nhân Duyên giống như Vô Minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập đã đề cập ở trên.

8.- Sự Sinh Hoạt Của Mười Hai Nhân Duyên:
Như trước đã trình bày, Chủng Tử có hai loại: Nội Chủng Tử và Ngoại Chủng Tử. Nội Chủng Tử thường gọi là Dị Thục Nhân gồm có các nhân duyên như Sanh Khởi Nhân thuộc Nhân Duyên, Khiên Dẫn Nhân thuộc Biến Hành Nhân và cũng tức là Nghiệp Lực, Tùy Thuyết Nhân thuộc Nghiệp Tướng và Ngoại Chủng Tử thường gọi là Dị Thục Quả gồm có các nhân duyên như Quán Đãi Nhân thuộc Năng Tác Nhân và cũng là Tăng Thượng Duyên, Câu Hữu Nhân tức là Sở Duyên Duyên, Nhiếp Thọ Nhân thuộc Tương Ưng Nhân và cũng tức là Đẳng Vô Gián Duyên, Dẫn Phát Nhân v.v...
Tánh chất Nội Chủng Tử gồm có hai loại, một loại có bản chất (Bản Hữu Chủng Tử) và một loại không có bản chất do nội kết thành hạt giống (Tập Sở Thành Chủng Tử). Những loại có bản chất bao gồm các hạt giống như hạt giống của tám Tâm Thức (Chủng Tử Tám Tâm Thức) và hạt giống của Tứ Đại. Những loại không có bản chất bao gồm các hạt giống như hạt giống Nghiệp Lực và hạt giống Nghiệp Tướng. Những hạt giống thuộc Nội Chủng Tử trong Tâm Thức Alaya nếu như không hoá giải thì chúng tồn tại muôn đời không hư thối để chờ đợi duyên đến đặng sinh hoạt. Nhưng những hạt giống thuộc Ngoại Chủng Tử chỉ có thể để giống ở mức độ ngắn hạn theo tánh chất độ bền mà chúng tồn tại và sẽ bị biến hoại theo thời gian, vì chúng hoàn toàn thuần túy thuộc về vật lý kết hợp.
Đầu tiên khi một chúng sanh hữu tình nào đó vừa mới chết, Kiến Phần Thức Alaya của họ bỏ thân tướng Quả Dị Thục đã sử dụng liền chun vào thân tướng chuyển tiếp trong trung giới mà họ thường nằm mơ gọi là Thân Trung Ấm. Thân này hoàn toàn bằng Thức Ấm, một trong năm Ấm để làm môi trường chuyển tiếp cho kiếp sau. Điều đáng chú ý Thân Trung Ấm vừa mới đề cập ở trên với bất cứ hình thức nào đều có mặt sáu Tâm Thức ở trong gọi là Lục Nhập và sinh hoạt như một sinh mệnh chuyển tiếp của kiếp sau. Một số học giả cho rằng, con người sau khi chết liền đi đầu thai thẳng sang sau mà không bao giờ qua trung gian Thân Trung Ấm chuyển tiếp và họ theo quan niệm nói trên giảng giải rất nhiều đề tài trong các giai thoại Thiền Môn. Họ giải thích như thế toàn không đúng hẳn nếu không nói là sai lầm. Ngoại trừ những người suốt cuộc từ vô lượng kiếp về trước cho đến ngày nay chỉ thuần túy gây một thứ thiện nghiệp của một loại chúng sanh trong một cõi mà không phải tạo nhiều thứ nghiệp của các chúng sanh trong các cõi hoặc chỉ gây một thứ ác nghiệp của một loại chúng sanh trong một cõi mà không phải tạo nhiều thứ ác nghiệp của các loại chúng sanh trong các cõi thì sau khi chết liền đi đầu thai thẳng sang kiếp sau và chun vào loại chúng sanh của nghiệp đó ở cõi đó mà cần phải qua Thân Trung Ấm chuyển tiếp làm trung gian. Trái lại từ xưa đến nay, loài người cho đến tất cả chúng sanh hữu tình khác đa số trong kiếp hiện tại nếu như không đề cập đến vô lượng kiếp về trước, đã gây tạo không biết bao nhiêu nghiệp thiện trong các cõi như cõi người, cõi sắc, cõi vô sắc v.v… và cũng đã gây tạo không biết bao nhiều nghiệp ác trong các cõi như cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ, cõi súc sanh v.v... thì sau khi chết Thần Thức Thân Trung Ấm của họ lẽ tất nhiên phải bị các nghiệp nói trên tranh nhau đòi nợ theo luật nhân quả nghiệp báo. Cho nên bất cứ ai kể cả các động vật khác cũng thế, sau khi chết phải qua Thân Trung Ấm chuyển tiếp làm trung gian theo sự tranh giành của các nghiệp lực (Khiên Dẫn Nhân) nói trên và giá trị thời gian của Thân Trung Ấm để cho các Nghiệp lực chọn lựa thân phận kiếp sau, theo Liễu Sanh Thoát Tử được giới hạn chỉ trong vòng bốn mươi chín ngày để định nghiệp. Những hiện tượng vừa trình bày là theo hệ thống thông lệ và trong đây không đề cập đến trường hợp đặc biệt của các vị Bồ Tát hoá thân.
Sau bốn mươi chín ngày tranh giành, Nghiệp Nhân nào một khi thắng cuộc thì trước hết lôi kéo (Khiên Dẫn Nhân) Kiến Phần Thức Alaya chun vào hạt giống Nghiệp Tướng (Nhị Thủ Tập Khí bao gồm cả Danh Xưng ở trong) của chúng sanh hữu tình nào quan hệ với Nghiệp Nhân thắng cuộc để sinh hoạt. Hạt giống Nghiệp Tướng khi có mặt Kiến Phần Thức Alaya ở trong do Nghiệp Nhân thắng cuộc lôi kéo được gọi là Nhân Dị Thục (nguyên nhân chưa sanh khởi) của Nhân Duyên và Kiến Phần Thức Alaya trong Nhân Dị Thục được gọi là Thức Dị Thục tức là THỨC CHI trong mười hai Nhân Duyên. Nhân Dị Thục của Nhân Duyên này quan hệ với Nghiệp Nhân thắng cuộc (Khiên Dẫn Nhân) liên sanh khởi (Sanh Khởi Nhân) để kết thành thân thể của Quả Dị Thục cho chúng sanh ở kiếp sau.
Nghiệp Tướng (Form) trong Nhân Dị Thục của chúng sanh hữu tình quan hệ với Nghiệp Nhân thắng cuộc được gọi là Nhân Tướng và hình tướng trong thân thể Quả Dị Thục của chúng sanh hữu tình ở kiếp sau được gọi là Quả Tướng. Nhân Dị Thục của Nhân Tướng nếu như không có môi trường để sanh khởi thì bị hư hoại và từ đó kể như hạt giống Nghiệp Lực của Nghiệp Nhân thắng cuộc nói trên bị xoá đi tập khí không còn hiện hữu nữa trong Tâm Thức Alaya để đòi nợ.
Trường hợp này cũng giống như hạt đậu xanh một khi đã nứt mộng, nếu như không gặp được các duyên như phân, đất, nước, ánh sáng, không khí v.v... để sanh khởi thành cây trái thì bị hư thối và nó không thể để giống được nữa cho sau này.
Nghiệp Tướng trong Nhân Dị Thục (Sanh Khởi Nhân) của chúng sanh hữu tình đi thọ sanh ở kiếp sau, trước hết sau bốn mươi chín ngày chuyển thành một loại hình tướng Thân Trung Ấm cuối cùng quan hệ mật thiết với Nghiệp Nhân thắng cuộc nói trên mang danh nghĩa là DANH CHI, một trong mười hai Nhân Duyên. Thân Trung Ấm nếu là con người sau khi chết vẫn là hình tướng con người và bảy lần thay đổi hình tướng theo sự tranh giành của Nghiệp Nhân. Nghiệp Nhân nào cuối cùng thắng cuộc nếu là con nai thì Thân Trung Ấm (mang danh nghĩa Danh) cuối cùng của họ sau bốn mươi chín ngày bị biến đổi với hình tướng con nai làm Nhân Dị Thục để chuyển thành nai con ở kiếp sau mà không phải là hình tướng người khi họ mới chết. Nghiệp Nhân nào cuối cùng thắng cuộc nếu là Ngạ Quỷ thì Thân Trung Ấm (mang danh nghĩa Danh) cuối cùng sau bốn mươi chín ngày với hình tướng con quỷ làm Nhân Dị Thục để chuyển thành quỷ con ở kiếp sau v.v...
Thân Trung Ấm cuối cùng sau bốn mươi chín ngày của Nhân Dị Thục mang danh nghĩa là Danh bao gồm cả LỤC NHẬP CHI của mười hai Nhân Duyên ở trong do Khiên Dẫn Nhân (Nghiệp Nhân) lôi kéo đi trên các duyên quan hệ để thọ thân kiếp sau theo luật nhân quả nghiệp báo quyết định. Trong lúc cha mẹ giao hợp, lửa ái dục lóe ra là mở cửa kiếp sau dành cho Thân Trung Ấm cuối cùng gọi là Danh chun vào kết duyên. Thân Trung Ấm cuối cùng chun vào tiếp xúc với Tâm Thức của cha mẹ để kết duyên cho kiếp sau gọi là Xúc tức là XÚC CHI trong mười hai Nhân Duyên. Thân Trung Ấm cuối cùng tiếp xúc với Tâm Thức của cha mẹ để kết duyên cho kiếp sau bằng sự luyến ái nên gọi là Ái Dục tức là ÁI CHI trong mười hai Nhân Duyên. Thân Trung Ấm cuối cùng theo Liễu Sanh Thoát Tử, nếu như nam tính thì luyến ái với mẹ (giống âm) và nếu như nữ tính thì luyến ái với cha (giống dương). Vì sự luyến ái nổi lên, Thân Trung Ấm cuối cùng không còn sáng suốt để phân biệt và trong lúc còn ở trạng thái Thân Trung Ấm thì không có vấn đề luân lý ràng buộc giữa cha và mẹ, liền bị mê vọng và chấp nhận Quán Đãi Nhân trong tử cung gọi là SẮC (tức là Danh Sắc) làm chỗ gá thân cho kiếp sau nên gọi là Thọ Thai tức là THỌ CHI trong mười hai Nhân Duyên. Sau khi thọ thai, hạt giống Quán Đãi Nhân thuộc nữ tính (giống âm) của Ngoại Chủng Tử sau khi được Năng Tác Nhân thuộc nam tính (giống dương) cũng của Ngoại Chủng Tử hoà hợp biến thành Câu Hữu Nhân (trong đó có mầm sống hiện hữu), nghĩa là có mặt Thức Dị Thục của Nhân Dị Thục ở trong. Thức Chi (Thức Dị Thục) của mười hai Nhân Duyên trong giai đoạn thọ thai liền sinh hoạt trên hai phương diện: một là xây dựng sinh mệnh cá thể chánh báo theo tinh thần tự biến cho Nhân Dị Thục thành hình thân thể Quả Dị Thục và hai là xây dựng vũ trụ môi trường sống y báo theo tinh thần cộng biến cho sinh mệnh cá thể chánh báo của Quả Dị Thục nói trên nẩy nở và phát triển.
Thứ nhất Thức Dị Thục (Kiến Phần Thức Alaya) trong Thân Trung Ấm cuối cùng lấy tinh huyết cha mẹ Câu Hữu Nhân trong Quán Đãi Nhân thuộc sắc chất (Tứ Đại) gọi là Sắc Uẩn mang tên Danh Sắc của mười hai Nhân Duyên và căn cứ theo Nghiệp Tướng kiểu mẫu (Form) đã có sẵn trong Nhân Dị Thục bắt đầu xây dựng thân thể Quả Dị Thục (Quả Tướng) của chúng sanh hữu tình ở kiếp sau nên gọi là THỦ CHI (Thủ nghĩa là xây dựng). Trước hết, Thức Dị Thục sử dụng tinh huyết cha mẹ (Câu Hữu Nhân) trong Quán Đãi Nhân xây dựng hệ thống tiếp liệu, nếu thuộc về Thai Sanh gọi là Nhau Bào Thai nối liền từ nơi Huyệt Thần Khuyết (lỗ rốn) của Nghiệp Tướng kiểu mẫu đứa con đến các mạch máu nơi tử cung trong bụng mẹ và nếu thuộc về Noãn Sanh cũng như Thấp Sanh thì không cần hệ thống tiếp liệu qua hình thức Nhau Bào Thai. Những nguyên liệu trong giai đoạn đầu để xây dựng đứa con thành hình trong nhau bào thai qua sự ăn uống hít thở của người mẹ cũng như những nguyên liệu trong giai đoạn đầu để xây dựng đứa con trong trứng v.v... thuộc ngoại chủng tử đều được gọi là Nhiếp Thọ Nhân trong mười Nhân hoặc Tương Ưng Nhân trong sáu Nhân hay Đẳng Vô Gián Duyên trong bốn Duyên. Tinh cha huyết mẹ trong tử cung hoặc trong trứng mang danh Quán Đãi Nhân chính là Sắc Uẩn một trong năm Uẩn thuộc về trước khí tạo thành thân thể ô trược nhơ nhớp tanh hôi gọi là trược thân. Thân Trung Ấm cuối cùng của Nhân Dị Thục được tượng hình từ hòn máu thành đứa con trong bụng mẹ hoặc trong trứng do Thức Dị Thục liên tục xây dựng nên gọi là Hữu Chi trong mười hai Nhân Duyên (Hữu Chi nghĩa là tượng hình) và cũng gọi là Sanh Khởi Nhân trong mười nhân. Đứa con trong bụng mẹ hoặc trong trứng v.v... của Thân Trung Ấm cuối cùng hội đủ điều kiện liên sanh ra gọi là Sanh Chi một trong mười hai nhân duyên và đây cũng thuộc về Quả Dị Thục được thành hình. Sau khi đứa con được sanh ra, Thức Dị Thục trong Thân Trung Ấm cuối cùng không còn tiếp nhận nguyên liệu bên trong do người mẹ cung cấp qua nhau bào thai hay nguyên liệu có sẵn trong trứng và ở đây phải lấy nguyên liệu từ bên ngoài do chính những đứa con mới sanh tự ăn uống hít thở để tiếp tục xây dựng hoàn thành Ngã Tướng của Quả Dị Thục.
Những nguyên liệu bên ngoài do những đứa con mới sanh ăn uống hít thở để trưởng thành Quả Dị Thục chính là Bất Tương Vi Nhân trong mười nhân và cũng là Tăng Thượng Duyên trong bốn duyên và cũng là Tương Ưng Nhân trong sáu nhân, còn những điều kiện bên ngoài làm trở ngại cho sự nẩy nở và trưởng thành của đứa con mới sanh được gọi là Tương Vi Nhân trong mười nhân. Những đứa con mới sanh nhờ Thức Dị Thục tiếp tục xây dựng qua sự ăn uống hít thở của chính chúng nó để trưởng thành Ngã Tướng của Quả Dị Thục gọi là Dẫn Phát Nhân trong mười nhân và cũng gọi là Tăng Thượng Quả trong năm quả. Nghiệp Tướng của con người thì thành Quả Dị Thục với hình tướng con người, Nghiệp Tướng của con thú thì thành Quả Dị Thục với hình tướng con thú, Nghiệp Tướng của anh A thì thành Quả Dị Thục không phải hình tướng anh B, Nghiệp Tướng của con heo thì thành Quả Dị Thục không phải con chó v.v... nghĩa là Nghiệp Tướng của loại nào thì thành Quả Dị Thục của loại đó không giống loại khác và sự khác biệt của Nghiệp Tướng này được gọi là Định Biệt Nhân trong mười nhân. Thân thể Quả Dị Thục của những đứa con mới sanh khi ngã tướng lớn lên tột cùng liền đứng trụ lại gọi là Trụ Tướng, mặc dù những đứa con đó vẫn ăn uống và hít thở. Sau khi ngã tướng trụ lại, thân thể Quả Dị Thục của những đứa con nói trên bắt đầu già lần và chết đi để chấm dứt một sinh mệnh đã định nghiệp gọi là Lão Tử để chuyển sang một sinh mệnh định nghiệp khác trong dòng thác sanh tử lưu chuyển.
Thứ hai, Thức Dị Thục (Kiến Phần Thức Alaya) thuộc Thức Chi trong mười hai nhân Duyên khi xây dựng sinh mệnh cá thể chánh báo cho Nhân Dị Thục đồng thời cũng xây dựng vũ trụ môi trường sống y báo cho sinh mệnh chánh báo đó nẩy nở và phát triển. Trước hết Thức Dị Thục nương tựa Vô Minh và Hành của mười hai nhân duyên là những nguyên lý cấu tạo vũ trụ của mỗi loại chúng sanh hữu tình để xây dựng môi trường sống y báo của sinh mệnh chánh báo quan hệ. Vô Minh và Hành là nguyên lý thuộc cộng nghiệp (nghiệp chung) của từng loại chúng sanh, như loài người, loài thú, loài ngạ quỷ v. v… Trường hợp như Thức Dị Thục nương theo Danh Sắc xây dựng cá thể anh A thì căn cứ theo Vô Minh và Hành thuộc cộng nghiệp của loài người mà anh A quan hệ liền xây dựng môi trường sống y báo cho anh A nẩy nở và phát triển. Giả sử Thức Dị Thục nương theo Danh Sắc xây dựng cá thể một con nai thì căn cứ theo Vô Minh và Hành thuộc cộng nghiệp của loài súc sanh (bàng sanh) mà nai con quan hệ liền xây dựng môi trường sống y báo cho cá thể con nai nẩy nở và phát triển. Sự xây dựng các loài khác của Thức Dị Thục cũng giống như thế.
Theo Duy Thức Học, Nhân Dị Thục thuộc biệt nghiệp của loài nào thì Thức Dị Thục dựa theo Vô Minh và Hành thuộc cộng nghiệp của loài đó để xây dựng vũ trụ môi trường sống y báo cho Quả Dị Thục chánh báo thuộc biệt nghiệp của loài đó nẩy nở và phát triển. Nhân Dị Thục thuộc biệt nghiệp của con người thì Thức Dị Thục dựa theo Vô Minh và Hành thuộc cộng nghiệp của loài người để xây dựng môi trường sống y báo cho Quả Dị Thục chánh báo thuộc biệt nghiệp cũa con người đó nẩy nở và phát triển. Cũng từ đó, Vô Minh và Hành nơi mười hai nhân duyên là yếu tố tạo nên vũ trụ môi trường sống của từng loại chúng sanh hữu tình và hai chi này thuộc về Định Biệt Nhân trong mười Nhân mà còn có tên nữa là Đồng Loại Nhân trong sáu Nhân.
Nói chung lại, mười hai Nhân Duyên là những điều kiện quan hệ để sanh khởi sinh mệnh cá thể của một chúng sanh hữu tình và chúng không phải là những nhân tố riêng biệt giống như Ngũ Uẩn quan hệ với nhau trong việc cấu trúc sinh mệnh của các chúng sanh hữu tình. Hơn nữa, giá trị nguyên lý mười hai Nhân Duyên chỉ là gạch nối giữa hai dòng sinh mệnh của một cá thể chúng sanh hữu tình khởi điểm từ quá khứ và đi đến vị lai trên lãnh vực duyên khởi. Những từ ngữ trong mười hai Nhân Duyên nhằm diễn tả những điều kiện quan hệ để thành hình sinh mệnh của một chúng sanh hữu tình trên lãnh vực nhân quả nghiệp báo. Sự duyên khởi của mười hai Nhân Duyên là xây dựng nghiệp báo của một chúng sanh hữu tình bắt nguồn từ Nhân Dị Thục chuyển biến qua nhiều trạng thái đi đến Quả Dị Thục để góp mặt trong thế gian. Thức Chi trong mười hai Nhân Duyên là điều kiện quan trọng trong việc xây dựng chúng sanh hữu tình trên hai lãnh vực, một là xây dựng cá thể của một sinh mệnh và hai là xây dựng môi trường sống cho cá thể sinh mệnh đó nẩy nở và phát triển. Thức Chi dựa theo Danh Sắc xây dựng sinh mệnh cá thể cho chúng sanh hội đủ điều kiện nhân duyên để hiện hữu, đồng thời dựa theo Vô Minh và Hành xây dựng môi trường sống cho chúng sanh hữu tình đó nẩy nở và phát triển.
Có thể nói, nguyên lý mười hai Nhân Duyên mà đức Phật chủ trương là rút ra tinh ba từ Kinh Hoa Nghiêm nhằm giải thích sự sanh thành một chúng sanh hữu tình qua lãnh vực nhân quả nghiệp báo trên dòng thác sánh tử luân hồi trong ba cõi của Khổ Đế và Tập Đế mà kinh Phật thường gọi là Thuận Lưu Sanh Tử. Còn như muốn ra khỏi dòng thác sanh tử luân hồi của Khổ Đế và Tập Đế, chúng ta theo lời đức Phật dạy phải sống đúng Bát Chánh Đạo thuộc nguyên lý nghịch dòng sanh tử luân hồi của Đạo Đế và Diệt Đế mà Kinh Phật thường gọi là Nghịch Lưu Sanh Tử.


MƯỜI HAI BỘ KINH


Tôi đọc kinh sách Phật thường nghe nói tới “Thập Nhị Bộ Kinh “ tức “mười hai bộ kinh”. Vậy xin hỏi mười hai bộ kinh là gì? Có phải là các bộ kinh Trường Bộ, Trung Bộ, Tiểu Bộ không …?

TRẢ LỜI:

Thập Nhị Bộ Kinh là 12 chủng loại của tất cả các kinh điển mà đức Phật đã thuyết. Theo kinh Đại Bát Niết Bàn cũng như Luận Trí Độ, Mười Hai Bộ Kinh là:Tu Đa La, Kỳ Dạ, Thọ Ký, Dà Đà, Ưu Đà Na, Ni Đà Na, A Ba Đà Na, Y Đế Mục Đà Na, Xà Đà Dà, Tỳ Phật Lượt, A Phù Đà Đạt Ma và Ưu Bà Đề Xá. Dưới đây là gỉai thích về 12 bộ kinh:

Trong Ba Tạng Kinh Điển của đạo Phật theo thể tài chia làm mười hai bộ. Người Trung Hoa thường gọi Thập Nhị Phần Giáo.

Tu Đa La (Sustram: Kinh).

“Khế Kinh”:Đức Phật thuyết pháp dùng lối văn trường thiên cho dễ hiểu mà gọn, ta thường gọi là tản văn hay văn xuôi, không có sự cầu kỳ hoa mỹ như những lối văn từ phú… nhưng rất hợp thời, hợp lý, hợp cơ.

Kỳ Dạ (Geyam:Ứng Tụng, cũng gọi là Mỹ Âm Kinh):

Tổng luận, chú thích những ý nghĩa của văn trường hàng (văn chỉnh cú). Lối văn thuộc văn từ phú, văn biền ngẫu, có tính cách văn chương, vì đức Phật muốn cho Chính Pháp được truyền bá sâu rộng thì phải dùng mọi thể văn, giúp cho đệ tử dễ ghi nhớ.

Hòa Già LaNa (Vyàkàranam: Thụ ký):

Những lời truyền dạy do đức Phật thụ ký, chứng nhận cho các vị Bồ tát, các bậcThanh văn, đệ tử mai sau thành Phật; và thuyết lý những việc sẽ xảy ra…

Già Đà (Gàthàm: Cũng gọi là Ký Chú Kinh hay Phúng Tụng):

Nghĩa là không thuật lại văn trường hàng, mà chỉ là từng bài kệ, tức là lối văn thi ca để nói riêng cho mỗi bộ kinh.

Ưu Đà La (Udànam:Tán Thán Kinh, cũng gọi là Tự Thuyết):

Những kinh do đức Phật dùng trí tuệ xem xét căn cơ chúng sinh rồi tự nói ra các Pháp, không phải đợi có người thưa thỉnh, yêu cầu mới nói.

Ni Đà Na (Nidàna: Quảng Thuyết Kinh cũng gọi là Nhân Duyên):

Những kinh văn nói về nhân duyên khi đức Phật thuyết pháp và người nghe pháp, hoặc nói rõ những nơi có nhân duyên mà Ngài đến hóa độ. Những kinh văn do đức Phật dạy về “lý căn hội duyên”, khởi điểm của vũ trụ vạn hữu, thuyết lý Nhân Duyên Sinh.

ABa ĐàNà (Avadanam:Diễn Thuyết Giải Ngộ Kinh, cũng gọi là Thí Dụ):

Những pháp của Phật nói rất mầu nhiệm, người căn cơ thấp kém khó có thể lĩnh hội, nên đức Phật cần phải lấy sự vật hiện hữu làm tỉ dụ, chứng minh cho đạo lý cao siêu để chúng sinh dễ hiểu. Những lời ví dụ tượng trưng bát ngát trong các kinh điển đạo Phật.

Y Đế Mục ĐaGia (Itivrttakam:Như Th ịPháp Hiện Kinh cũng gọi là Bản Sự):

Những thuyết giáo của đức Phật nói về sự tu nhân chứng quả của các vị Bồ tát, đệ tử trong các đời quá khứ, vị lai.

Xà Đà Gia (Jatakam: Đản Sinh Kinh hay gọi là Bản Sinh):

Lời đức Phật nhắc lại những công hạnh tu chứng ở đời quá khứ của các đức Phật ,Bồ tát.

Tỳ Phật Lược (Vaipulyam: Quảng Đại Kinh, cũng gọi là Phương Quảng):

Những Kinh, cũng gọi là Phương Quảng): Những kinh điển thuộc Đại Thừa Phương Quảng, với nghĩa lý rộng lớn cao thượng và thâm thúy.

A Phù Đà Đạt Ma (Addhutadharmah:Hy Pháp, cũng gọi là Vị Tằng Hữu):

Những kinh điển nói về thần lực của chư Phật thị hiện, cùng những việc bất khả tư nghị trong những nơi nói pháp và những cảnh giới kỳ diệu, hy hữu mà trí người phàm không thể hiểu.

Ưu Ba Đề Xá (Upad’sah: Cận Sự Thỉnh Vấn Kinh cũng gọi là Luận Nghị):

Những lời văn có tính cách vấn đáp và biện luận cho rõ các lẽ tà, chính, nghĩa là, giữa đức Phật và các đệ tử đàm luận đạo lý bằng cách tranh luận, giải thích từng giảng mục.

Tuy chia ra 12 phần giáo, 3 loại trên là thể tài chính của các Kinh; còn 9 loại sau chẳng qua theo các điều kiện chép ở trong Kinh, lập ra.

Trong 12 phần giáo nói trên không phải Kinh nào cũng có đủ cả, có Kinh chỉ có 5, 6 phần, ấy là tùy theo cơ duyên mà đức Phật nói pháp có sai khác. Nhưng trong tất cả Kinh, không nhiều thì ít, đều có ghi chép mọi kinh nghiệm về giáo lý cũng như công hạnh tu chứng của các đức Phật và đệ tử…

http://www.thuvienhoasen.org/phathoctinhhoa-02.htm
admin
Site Admin
 
Bài viết: 6821
Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 4 17, 2011 12:18 am

Re: TÔI TU TỊNH ĐỘ

Gửi bàigửi bởi admin » Thứ 2 Tháng 5 17, 2021 3:14 pm

Nguyên văn kinh Đại Bát Niết Bàn Phẩm Phạm Hạnh Thứ 20 nói về 12 bộ kinh như sau:

"Bồ-Tát-Ma-Ha-Tát như thế nào gọi là biết pháp. Nầy Thiện nam tử! Bồ Tát nầy biết mười hai bộ kinh tức là Tu Đa La, Kỳ Dạ, Thọ Ký, Dà Đà, Ưu Đà Na, Ni Đà Na, A Ba Đà Na, Y Đế Mục Đà Na, Xà Đà Dà, Tỳ Phật Lược, A Phù Đà Đạt Ma, Ưu Bà Đề Xá.

Đây là khế kinh Tu Đa La: Từ “như thị ngã văn nhẫn đến câu hoan hỷ phụng hành” tất cả như vậy gọi là Tu Đa La kinh (trường hàng).

Đây là Kỳ-dạ : Phật bảo các Tỳ kheo ngày xưa ta cùng các ông ngu si không trí huệ, chẳng thể thấy bốn chơn đế đúng như thật, nên lưu chuyển mãi trong biển khổ sanh tử. Bốn chơn đế là :Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế, và Đạo Đế.

Ngày xưa đức Phật vì các Tỳ Kheo nói khế kinh xong lại có hàng chúng sanh căn trí sáng tỏ, vì muốn nghe pháp nên đến chỗ Phật hỏi mọi người rằng, đức Như Lai vừa rồi nói những việc gì ? Lúc đó Phật vì hàng chúng sanh ấy đem kinh vừa giảng nói thành kệ tụng:
Ta xưa cùng các ông, Chẳng thấy bốn chơn đế, Nên phải lưu chuyển mãi, Trong biển khổ sanh tử, Nếu thấy được bốn đế, Thời dứt đặng sanh tử. Sanh tử đã hết rồi, Chẳng còn thọ thân nữa.
Kệ tụng trên đây gọi là Kỳ-Dạ kinh (trùng tụng).

Những gì gọi là thọ ký? Như có lúc đức Như Lai nói kinh hay luật, vì các hàng trời hay người mà thọ ký sẽ làm Phật. Như nói : “Đời sau có vua hiệu là Nhương Khư, ông A Dật Đa sẽ ở cõi nầy thành bực chánh giác hiệu là Di Lặc Phật. Đây gọi là thọ ký kinh.

Những gì gọi là Dà Đà ? Trừ trường hàng và các giới luật, ngòai ra những bài kệ bốn câu như :
Các điều ác chớ làm, Phụng hành những điều lành, Lóng sạch tâm ý mình, Là lời dạy của Phật.
Trên đây gọi là Dà Đà kinh ( kệ cô khởi).

Những gì gọi là Ưu Đà Na? Như đức Phật lúc xế chiều nhập thiền định, vì chư thiên giảng rộng các pháp yếu. Lúc đó các Tỳ- kheo đều nghĩ rằng : Giờ đây đức Như Lai đang làm việc gì ?
Sáng ngày sau, đức Như Lai xuất định, không ai hỏi, dùng tha tâm trí mà tự nói rằng : Nầy các Tỳ-kheo : Tất cả chư thiên thọ mạng rất dài. Lành thay! Các Tỳ-kheo biết vì người, chẳng cầu tư lợi, biết thiểu dục, biết tri túc, được tịch tịnh.

Những kinh như trên đây không ai hỏi đức Phật tự giảng nói đó gọi là Ưu Đà Na kinh (tự thuyết).

Những gì là Ni Đà Na? Như trong các kinh do nhơn duyên Phật vì người khác diễn nói. Lệ như : Trong nước Xá Vệ có một chàng trai giăng lưới bắt chim, bắt đặng chim nhốt trong lồng, cho ăn lúa uống nước rồi lại thả đi. Đức Thế Tôn biết nhơn duyên đó mà nói kệ rằng:
Chớ khinh tội nhỏ, Cho là không họa, Giọt nước dầu nhỏ, Lần đầy lu lớn.

Như trên đây gọi là Ni Đà Na kinh (nhơn duyên).

Những gì là A Ba Đà Na? Như những thí dụ trong luật nói.

Những gì là Y Đế Mục Đa Dà ! Lệ như đức Phật nói : Nầy các Tỳ-kheo ! Lúc ta xuất thế những điều ta dạy bảo gọi là giới kinh. Lúc đức Câu Lưu Tôn Phật xuất thế lời Phật dạy gọi là trống Cam-lồ. Lúc đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni xuất thế lời Phật dạy gọi là Pháp cảnh.
Lúc đức Phật Ca Diếp xuất thế lời Phật dạy gọi là Phân biệt không.
Như trên đây gọi là Y Đế Mục Đa Dà kinh (bổn sự).

Những gì là Xà Đà Dà ? Lệ như đức Phật xưa kia làm vị Bồ Tát tu khổ hạnh. Như Phật nói : Nầy các Tỳ kheo! Thuở quá khứ ta từng làm nai, làm gấu, làm cheo, làm thỏ, làm quốc vương, làm Chuyển Luân Thánh Vương, làm rồng, làm kim súy điểu v.v… Như trên đây gọi là Xa Đà Dà kinh (bổn sanh).

Những gì là Tỳ Phật Lược? Tức là những kinh điển thuộc về Đại thừa Phương đẳng nghĩa lý rộng lớn dường như hư không (phương quảng).

Những gì là vị tằng hữu? Lệ như lúc đức Bồ Tát mới sanh không ai đỡ dắt mà tự đi bảy bước, phóng quang minh lớn ngó khắp mười phương. Lệ như con vượn tay bưng bát mật dâng cúng đức Như Lai,. Lệ như chó cổ trắng đến bên Phật nghe pháp. Lệ như ma vương Ba Tuần biến làm trâu xanh đi trong bát sành, làm cho các bát sành đụng chạm lẫn nhau mà không nứt bể. Lệ như Phật lúc mới sanh lúc vào thiên miếu làm cho thiên tượng đứng dậy bước xuống đảnh lễ.
Những đoạn kinh như trên đây gọi làVị Tằng Hữu kinh.

Những gì là Ưu Ba Đề Xá? Lệ như đức Phật lúc nói kinh hoặc luận nghĩa cùng phân biệt giảng rộng biện luận các tướng mạo, đây gọi là Ưu Ba Đề Xá kinh (luận nghị).
Bồ Tát nếu có thể rõ biết mười hai bộ kinh như vậy thời gọi là biết pháp."

http://www.thuvienhoasen.org/kinh-dbnb-20.htm

5.- Luận A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập:
Luận A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập, quyển 4 giải thích mười hai Nhân Duyên cũng trên lãnh vực tu tập Thiền Quán. Theo luận này, mười hai Nhân Duyên có hai lãnh vực quán chiếu: quán theo lối tạp nhiễm gọi là Tạp Nhiễm Quán và quán theo lối thanh tịnh gọi là Thanh Tịnh Quán.

a/- QUÁN THEO LỐI TẠP NHIỄM (Tạp Nhiễm Quán):
Lối quán này cũng có hai cách: Quán thuận theo lối sanh khởi tạp nhiễm gọi là Sanh Khởi Tạp Nhiễm Quán và quán nghịch theo lối sanh khởi tạp nhiễm gọi là Sanh Khởi Tạp Nhiễm Nghịch Quán.

1]- Quán Thuận Theo Lối Sanh Khởi Tạp Nhiễm:
Mười hai Duyên Khởi theo bộ luận trình bày như sau:
“Bắt đầu từ Vô Minh và Hành quán thuận theo thứ lớp thì Vô Minh sanh khởi ra Hành, Hành sanh khởi ra Thức, Thức sanh khởi ra Danh Sắc, Danh Sắc sanh khởi ra Lục Nhập, Lục Nhập sanh khởi ra Xúc, Xúc sanh khởi ra Thọ, Thọ sanh khởi ra Ái, Ái sanh khởi ra Thủ, Thủ sanh khởi ra Hữu, Hữu sanh khởi ra Sanh, Sanh sanh khởi ra Lão Tử”.

2]- Quán Nghịch Theo Lối Sanh Khởi Tạp Nhiễm:
“Bắt đầu từ Sanh và Lão Tử quán nghịch theo thứ lớp thì Lão Tử sở dĩ sanh khởi là do Sanh, Sanh sở dĩ sanh khởi là do Hữu, Hữu sở dĩ sanh khởi là do Thủ, Thủ sở dĩ sanh khởi là do Ái, Ái sở dĩ sánh khởi là do Thọ, Thọ sở dĩ sanh khởi là do Xúc, Xúc sở dĩ sanh khởi là do Lục Nhập, Lục Nhập sở dĩ sanh khởi là do Danh Sắc, Danh Sắc sở dĩ sanh khởi là do Thức, Thức sở dĩ sanh khởi là do Hành, Hành sở dĩ sanh khởi là do Vô Minh”.

b/- QUÁN THEO LỐI THANH TỊNH (Thanh Tịnh Quán):
Lối quán này cũng có hai cách: quán thuận hiện thành theo lối thanh tịnh gọi là Hiện Thành Thanh Tịnh Thuận Quán và quán nghịch hiện thành theo lối thanh tịnh gọi là Hiện Thành Thanh Tịnh Nghịch Quán.

1]- Quán Thuận Hiện Thành Theo Lối Thanh Tịnh:
Cũng mười hai Duyên Khởi này khi đã hiện thành hình tướng, bộ luận trên trình bày như sau:
“Vô Minh diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Danh Sắc diệt, Danh Sắc diệt thì Lục Nhập diệt, Lục Nhập diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thì Sanh diệt, Sanh diệt thì Lão Tử diệt”.

2]- Quán Nghịch Hiện Thành Theo Lối Thanh Tịnh:
Lối quán trên khởi đầu từ Lão Tử quán nghịch lên như sau:
“Lão Tử diệt thì Sanh diệt, Sanh diệt thì Hữu diệt, Hữu diệt thì Thủ diệt, Thủ diệt thì Ái diệt, Ái diệt thì Thọ diệt, Thọ diệt thì Xúc diệt, Xúc diệt thì Lục Nhập diệt, Lục Nhập diệt thì Danh Sắc diệt, Danh Sắc diệt thì Thức diệt, Thức diệt thì Hành diệt, Hành diệt thì Vô Minh diệt”.
Đại ý, nhờ phương pháp Thiền Quán theo lối tạp nhiễm và thanh tịnh, Luận A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập tìm ra nguyên lý của mười hai Nhân Duyên. Theo luận này, nguồn gốc phát sanh ra các Chi trong mười hai Nhân Duyên chính là Vô Minh. Vô Minh sanh ra các Chi theo tiến trình duyên khởi để hình thành một chúng sanh hữu tình trong thế gian, nghĩa là Vô Minh sanh ra Hành, Hành sanh ra Thức, Thức sanh Danh Sắc v.v… cho đến sanh ra Lão Tử để hình thành một sinh mệnh cho một chúng sanh hữu tình. Đây là lối quán chiếu thuận tạp nhiễm của duyên khởi. Để biện minh cho kiến giải này, Luận A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập đưa ra phương pháp nghịch trở lại theo chiều hướng tạp nhiễm khởi điểm từ Lão Tử đi lần lên cho đến Vô Minh để xác quyết giá trị sanh khởi của Vô Minh.
Còn trên lãnh vực thanh tịnh, Luận A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập cho rằng mười hai duyên khởi một khi đã hiện thành hình tướng sinh mệnh của một chúng sanh hữu tình thì đã bị biến chất không còn tồn tại nguyên thể cho một sinh mệnh kế tiếp, cũng như hạt đậu xanh một khi đã nẩy mầm để thành cây thì không thể để giống được nữa mà muốn có một sinh mệnh khác nối tiếp thì phải có hạt giống mười hai Nhân Duyên mới thành hình. Cũng vì đã hiện thành hình tướng cho một chúng sanh hữu tình, thế nên mười hai Nhân Duyên rồi cũng sẽ tuần tự bị diệt theo khi chúng sanh hữu tình đó bị hoại diệt. Cụ thể cho lập thuyết này, Luận trên đưa ra lối kiến giải nghịch lưu để xác định, Lão Tử diệt thì Sanh diệt, Sanh diệt thì Hữu diệt v.v... cho đến Vô Minh diệt. Đây là phương pháp quán tạp nhiễm và thanh tịnh theo chiều hướng thuận nghịch của Luận A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập phát minh.
Nhưng điều đáng chú ý, Luận A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập cho ý nghĩa vô minh không khác gì si mê và giá trị của vô minh giống như giá trị của si mê. Theo luận này, mỗi chúng sanh hữu tình đều có một vô minh riêng và vô minh đó là cội gốc sanh ra các chi khác của mười hai Nhân Duyên trong tiến trình duyên khởi sinh mệnh cho chính họ. Một chúng sanh hữu tình nào khi bị tiêu diệt (chết) thì vô minh hình thành ra họ cũng bị diệt theo và nếu như vô minh không còn tồn tại thì các chi khác trong mười hai Nhân Duyên cũng tuần tự bị tiêu diệt, nguyên vì các chi này đã tác dụng để hình thành sinh mệnh cho chúng sanh hữu tình đó. Bất cứ chúng sanh hữu tình nào hiện có mặt trong thế gian đều do chính mười hai nhân Duyên kiếp trước của họ hiện thành hình tướng. Trong thời gian sanh tồn, họ lại gây tạo ra mười hai hạt giống Nhân Duyên của kiếp sau để làm nhân tố chuyển tiếp cho việc duyên khởi sinh mệnh mới trong vị lai và họ cứ tiếp nối gây tạo những nhân duyên như thế sẽ bị luân hồi mãi trong vòng sanh tử lưu chuyển. Trong thời gian kiếp hiện tại nếu như không gây tạo những hạt giống mười hai nhân duyên cho kiếp vị lai, họ sau khi chấm dứt sinh mệnh hiện hữu thì không còn bị luân hồi trong vòng sánh tử lưu chuyển nữa, nguyên vì họ không có những nhân tố chuyển tiếp để làm môi trường duyên khởi. Thế là họ được giải thoát khổ đau sanh tử.
Đúng như quan niệm trên của luận A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập, mười hai Nhân Duyên không phải là định luật thường hằng bất biến giống như Luận Câu Xá chủ trương và những nhân tố này được nội kết tùy theo nghiệp duyên của mỗi chúng sanh hữu tình gây tạo qua thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp để thành định luật tất yếu có tánh cách giai đoạn ngắn hạn trong một chu kỳ của một sinh mệnh sanh khởi theo nghiệp báo. Cũng từ quan niệm này, Vô Minh trong mười hai Nhân Duyên chính là tên khác của Si Mê, một trong sáu phiền não căn bản chỉ ảnh hưởng riêng từng cá nhân của một chúng sanh hữu tình và nó không có tánh cách ảnh hưởng chung cho tất cả chúng sanh hữu tình, như ảnh hưởng chung cho loài người, ảnh hưởng chung cho loài ngạ quỷ, ảnh hưởng chung cho loài súc sanh v.v... giống như đức Phật đã nói trong Tương Ưng Bộ Kinh mà Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận của Hòa Thượng Thích Quãng Độ dịch, trang 236 ghi: “Phật cho vô minh là nguồn gốc của hết thảy hữu tình”.

6.- Ý Nghĩa Nguyên Thủy Mười Hai Nhân Duyên:

Ý nghĩa nguyên thủy của mười hai Nhân Duyên là ý nghĩa đầu tiên được duyệt xét vào thời kỳ chính kim khẩu của đức Phật thuyết minh sau khi giảng giải Tứ Thánh Đế để độ cho năm anh em ông Kiều Trần Như. Mười hai Nhân Duyên này có thể được rút ra tinh yếu từ nơi Kinh Hoa Nghiêm của đức Phật nói nơi cội Bồ Đề sau khi thành đạo nhằm để biện minh cho Tập Đế, một trong Tứ Thánh Đế. Trong Tứ Thánh Đế, đức Phật đã trình bày rất tường tận và phong phú về phương diện Khổ Đế trong các kinh luận chẳng những để độ cho năm anh em ông Kiều Trần Như mà còn để độ cho tất cả đệ tử sau này sớm được giác ngộ và giải thoát. Đặc biệt về phương diện Đạo Đế, đức Phật đưa ra rất nhiều pháp môn tu tập để diệt Tập Đế mà trong đó căn bản nhất và đầu tiên nhất là ba mươi bảy Phẩm Trợ Đạo. Riêng Tập Đế, đức Phật trình bày rất nhiều nguyên nhân gây ra Khổ Đế cho chúng sanh hữu tình, trong đó nào là Hoặc, Nghiệp, Căn Bản Phiền Não, Tùy Phiền Não v.v... Trong đây, mười hai Nhân Duyên là những luật tắc trợ duyên cho những phiền não của Hoặc và Nghiệp để hình thành sinh mệnh cho chúng sanh hữu tình và vũ trụ của chúng theo nhân quả nghiệp báo.
Mười hai Nhân Duyên trong các kinh luận giải thích thì không đồng nhất với nhau, điều đó chứng tỏ những sự sai biệt về ý nghĩa và về danh số của mười hai Nhân Duyên là do các nhà kiết tập thêm bớt hoặc sửa đổi theo trình độ kiến giải riêng biệt của mình và so với lối giải thích đầu tiên của đức phật có phần khác biệt đôi chút. Như Tương Ưng Bộ Kinh II, Phật Tự Thuyết Đại Phẩm của Luật, trang 57 do Hoà Thượng Minh Châu dịch thì ghi đầy đủ mười hai Chi và ngược lại Trường Bộ Kinh III, Kinh số XV thì ghi chỉ có chín Chi, trong đó thiếu Vô Minh, Hành và Lục Nhập. Hơn nữa về phần Lão Tử trong mười hai Nhân Duyên, đức Phật chỉ trình bày một trong những nhân tố duyên khởi để hình thành sinh mệnh của chúng sanh hữu tình và ở đây không bao giờ kê khai một lô các Chi khác như Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não đã được Trường Bộ Kinh III, Kinh số XV đã ghi. Nguyên do tánh chất của Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não là thuộc về thành phần kết quả của Khổ Đế và chúng không phải nhân tố của Tập Đế. Ngoài ra, mười hai Nhân Duyên nếu như cộng thêm Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não vào thì không còn danh số là mười hai Chi mà phải gọi là mười bảy Chi. Từ đó cho thấy mười hai Nhân Duyên có thêm các chi như Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não trong đó là do các nhà kiết tập sau này thêm vào và chúng không phải do đức Phật chủ trương. Như đã trước đã giải thích, đức Phật chỉ luận bàn rất nhiều đến giá trị Vô Minh và Ái Dục cho là quan trọng trong việc sanh khởi chúng sanh hữu tình và lúc đó chưa thấy đề cập đến vấn đề Si Mê như là trong Kinh Trường A Hàm đã giải thích. Điều đặc biệt kinh Tạp A Hàm giống với ý của đức Phật ở chỗ cho Thức Chi trong mười hai Nhân Duyên là yếu tố quan trọng hơn cả trong việc hình thành sinh mệnh chúng sanh hữu tình và cũng giải thích rằng Thức chi này bị Vô Minh che lấp và bị Ái Dục lôi cuốn vào vòng sanh tử lưu chuyển. Nhưng lối thuyết minh mười hai Nhân Duyên của Kinh Tạp A Hàm thì khác xa với mục tiêu của đức Phật được biểu hiện trong các kinh luận. Trong các kinh luận, đức Phật thường nói: “Phật Pháp tại thế gian bất ly thế gian giác”, nghĩa là Phật Pháp được giác ngộ từ nơi thế gian và ngoài thế gian không có Phật Pháp. Nói cách khác, đức Phật giác ngộ từ nơi thế gian và ngoài thế gian không thể giác ngộ. Cũng từ giá trị này, những kinh luận nào trình bày rất hợp lý trong thế gian chính là Phật Pháp, chính là bản ý của đức Phật. Qua lời nói trên của đức Phật, mười hai Nhân Duyên giải thích như thế nào khi một con người, một chúng sanh hữu tình được sanh trong thế gian.

7.- Giá Trị Mười Hai Nhân Duyên:

l. -Trong mười hai Nhân Duyên, Thức chi đứng địa vị quan trọng trên hết trong việc thành hình vạn pháp cả hai mặt, xây dựng chúng sanh hữu tình thuộc chánh báo và ngoài ra còn kiến tạo vũ trụ thuộc y báo để làm môi trường sống cho chúng sanh hữu tình chánh báo nói trên nẩy nở và phát triển. Vũ trụ y báo làm môi trường sống cho chúng sanh hữu tình chánh báo sanh trưởng trong đó gồm có không gian thuộc không đại và chúng sanh vô tình thuộc khí thế gian. Tất cả sinh mệnh của các chúng sanh hữu tình thuộc chánh báo và tất cả sinh mệnh của các chúng sanh vô tình thuộc Y Báo vừa kể trên đều do Thức chi trong mười hai Nhân Duyên xây dựng thành hình. Cụ thể như trong một trứng gà có trống, Thức Chi của gà con nhơn lúc gà mẹ đang ấp để đem sức ấm làm trợ duyên liền lấy chất liệu tròng đỏ tròng trắng gọi là sắc xây dựng bộ máy sinh lý thành gà con. Cũng như Thức Chi của con người gọi là Danh liền lấy tinh cha huyết mẹ gọi là Sắc xây dựng thành hệ thống sinh lý của đứa bé trong bào thai. Thức Chi trong mười hai Nhân Duyên, nhà Duy Thức gọi là Thức Alaya. Thức Chi nếu như không hiện hữu thì vạn hữu vũ trụ không thành hình và sinh mệnh của muôn loài chúng sanh không tồn tại. Cho nên Thức Chi trong mười hai Nhân Duyên là một loại tâm thức vô cùng siêu đẳng và không còn ai có khả năng thay thế nhiệm vụ của nó trong việc kiến tạo sinh mệnh cho muôn loài chúng sanh. Thức Chi này được nhà Duy Thức đánh giá với danh nghĩa là Siêu Thức.

2.- Hai Chi Vô Minh và ái Dục là hai nhân tố chính của sanh tử lưu chuyển trong ba cõi. Vô Minh Chi thì thuộc về Hoặc và Ái Dục Chi thì thuộc về Nghiệp. Vô Minh Chi mê hoặc và lôi cuốn Thức Chi tạo thành dòng sinh mệnh tổng thể của vũ trụ trong ba cõi như vũ trụ loài người, vũ trụ loài súc sanh, vũ trụ loài ngạ quỷ v.v... Còn Ái Dục Chi thì thúc dục và điều khiển Thức Chi tạo thành sinh mệnh cá thể của một chúng sanh hữu tình như xây dựng con người trong loài người, xây dựng con chó trong loài thú, xây dựng con yêu trong loài ngạ quỷ v.v...

3.- Lục Nhập Chi là tên riêng của sáu Thức, từ Nhãn Thức cho đến Ý Thức (một phần trong Thập Bát Giới) mà trong Kinh Niết Bàn quyển 23, đức Phật gọi là sáu Căn. Sáu Căn đây không phải là sáu giác quan của Duy Thức chủ trương mà nó chính là sáu Căn Thức, nghĩa là sáu nguồn gốc của Tâm Thức, tức là chỉ cho sáu chủng tử của Tâm Thức. Sáu giác quan của Duy Thức thì thuộc về Ngoại Lục Nhập và sáu căn của Lục Nhập Chi thì thuộc về Nội Lục Nhập tức là sáu cánh cửa của Danh Sắc để hiểu biết. Trong thời kỳ đầu tiên thuyết pháp về Tứ Thánh Đế cũng như Thập Nhị Nhân Duyên, đức Phật chỉ dùng danh từ Lục Nhập để khai triển mà ở đây chưa có sử dụng đến danh xưng Lục Thức, Lục Xứ hay Lục Căn. Về sau đi sâu vào tư tưởng, đức Phật mới sử dụng đến danh từ chuyên môn Lục Thức, Lục Xứ, Lục Căn v.v… trong các kinh luận.

4.- Danh Sắc Chi ở đây chính là chỉ cho Thân Trung Ấm được thành hình bởi năm Ấm (ngũ ấm) mà trong đó Sắc Chi thì thuộc về Sắc Ấm và Danh Sắc còn được gọi là Nhân Dị Thục thuộc Nội Chủng Tử mà trong đó Thức Dị Thục là nhân tố vô cùng quan trọng cho việc xây dựng thành hình một sinh mệnh ở kiếp sau. Còn tinh cha huyết mẹ thì thuộc về Sắc Uẩn chỉ làm trợ duyên khởi đầu cho việc hình thành một sinh mệnh chuyển tiếp ở kiếp sau và Sắc Uẩn này còn được gọi là Quán Đãi Nhân trong mười nhân, yếu tố chờ đợi Danh Sắc thuộc Nội Chủng Tử nương tựa để xây dựng. Quán Đãi Nhân thuộc Sắc Uẩn bao gồm cả tinh cha và huyết mẹ ở trong. Tinh của người cha thì thuộc về Năng Tác Nhân trong sáu nhân mà cũng là Tăng Thượng Duyên trong bốn duyên và máu huyết của người mẹ thì thuộc về Câu Hữu Nhân trong sáu nhân mà cũng là Sở Duyên Duyên trong bốn duyên.

5.- Xúc Chi, theo Trường Bộ Kinh III là do Danh Sắc sánh hay nói cách khác Thân Trung Ấm (Danh) gồm có sáu Tâm Thức (Lục Nhập) tiếp xúc với Tâm Thức của cha mẹ để gieo duyên cho kiếp vị lai sanh tồn sau khi lửa dục của cha mẹ lóe ra soi sáng và mở cửa lối vào nên gọi là Xúc. Xúc Chi không phải là chỉ cho Tâm Sở Xúc trong năm Tâm Sở Biến Hành của Duy Thức Học chủ trương, nguyên vì trong thời kỳ này học phái Duy Thức chưa xuất hiện và mặt triết học tâm lý chưa được khai triển, mặc dù Xúc Chi trong mười hai Nhân Duyên và Tâm Sở Xúc trong năm Tâm Sở Biến Hành cùng một danh nghĩa. Chữ Xúc trong mười hai Nhân Duyên cũng không phải là yếu tố riêng biệt mà chữ Xúc ở đây là chỉ cho Thân Trung Ấm (Danh) thuộc Nhân Dị Thục hành động tiếp xúc với Quán Đãi Nhân (một nhân trong mười nhân) nơi cha mẹ để kết duyên cho sinh mệnh của kiếp sau.

6.- Thọ Chi trong mười hai Nhân Duyên có nghĩa là thọ nhận hay thọ thai. Chữ thọ, theo Thuận Chánh Lý Luận, là lãnh nạp cảnh sở duyên. Nói cách khác chữ Thọ ở đây là chỉ cho Thân Trung Ấm của Nhân Dị Thục hành động thọ nhận Quán Đãi Nhân thuộc tinh cha huyết mẹ trong tử cung làm chỗ nương tựa cho sinh mệnh kiếp sau sanh tồn lâu dài nên gọi là Thọ (Thọ Thai). Còn Cảnh Sở Duyên là chỉ cho Quán Đãi Nhân thuộc tinh cha huyết mẹ làm đối tượng của Thân Trung Ấm lãnh nạp. Chữ Thọ này không phải là một yếu tố riêng biệt và cũng không phải chữ Thọ trong năm Biến Hành của Duy Thức chủ trương, mặc dù hai chữ thọ nói trên cùng giống nhau danh nghĩa.

7.- Ái Chi, theo Phật Quang Đại Từ Điển là ái dục, nghĩa là đặt định tình ái đối với nhân vật nào đó mà mình đam mê. Chữ Ái trong mười hai Nhân Duyên thuộc về ái dục là chỉ cho Thân Trung Ấm (Danh) thuộc Nhân Dị Thục bị Ái Dục (Khiên Dẫn Nhân) lôi kéo hành động đam mê sắc dục tình ái giữa nam nữ khác tính với nhau. Theo Liễu Sanh Thoát Tử, Thân Trung Ấm tiếp xúc với tâm thức cha mẹ bằng sự luyến ái của Lục Nhập nên gọi là Ái Dục. Thân Trung Ấm nếu như thuộc nam tính thì luyến ái với người mẹ và Thân Trung Ấm nếu như thuộc nữ tính thì luyến ái với người cha. Sinh mệnh của một chúng sanh hữu tình sau khi sanh ra đời bị ràng buộc bởi luân lý xã hội phân biệt thành cha mẹ và con cái, nhữnh sinh mệnh của chúng sanh hữu tình đó trước khi chưa sanh ra đời với hình thức Thân Trung Ấm thì không có quan niệm vấn đề luân lý xã hội giữa cha mẹ và con cái. Cho nên dưới sự ràng buộc và lôi kéo (Khiên Dẫn Nhân) của Ái Dục, Thân Trung Ấm của chúng sanh hữu tình chỉ biết luyến ái giữa nam tính và nữ tính để tạo dựng sinh mệnh cho kiếp sau. Từ đó cho thấy Chữ Ái trong mười hai Nhân Duyên là nguyên nhân tạo thành sinh mệnh của mỗi chúng sanh hữu tình ở kiếp sau.

8.- Thủ Chi, theo Đại Tỳ Bà Sa Luận nghĩa là giữ gìn, nắm lấy và chọn lựa, tức là chọn lấy và xây dựng vạn pháp. Chữ Thủ trong mười hai Nhân Duyên là chỉ cho Thức Chi trong Thân Trung Ấm (Danh) nương tựa theo ái dục nắm lấy tinh cha huyết mẹ xây dựng chúng sanh hữu tình ở kiếp sau nên gọi là thủ. Thân Trung Ấm được gọi là Nhân Dị Thục và Thức Chi trong Thân Trung Ấm cũng được gọi là Thức Dị Thục (Kiến Phần Thức Alaya). Theo Duy Thức Học, Thức Chi (Thức Dị Thục) của Nhân Dị Thục căn cứ ngã tướng của Thân Trung Ấm cuối cùng và chọn lấy tinh cha huyết mẹ để xây dựng chúng sanh hữu tình sớm được hoàn thành sinh mệnh ở kiếp sau.

9.- Hữu Chi, theo Câu Xá Luận và Thành Duy Thức Luận nghĩa là Nghiệp thường hay dẫn dắt đi đến quả báo nên gọi là Hữu. Những chữ Hữu trong mười hai Nhân Duyên, theo Khảo Nghiệm Duy Thức Học nghĩa là Thân Trung Ấm cuối cùng của Nhân Dị Thục khởi điểm từ hòn máu của sắc chất tượng hình thành một sinh mệnh của kiếp sau do Thức Dị Thục (Kiến Phần Thức Alaya) xây dựng nên gọi là Hữu.

l0.- Sanh Chi nghĩa là xuất hiện một sinh mệnh mới hiện hữu trong dòng sống của vạn hữu theo nghiệp lực cuốn trôi và tuôn chảy muôn đời bất diệt. Chữ Sanh theo Câu Xá Luận nghĩa là một sinh mệnh sau khi chết quan hệ trong một sát na thái thai kết thành đời vị lai. Chữ Sanh trong mười hai Nhân Duyên theo Duy Thức Học là chỉ cho Thân Trung Ấm hội đủ điều kiện tạm thời sanh ra đời để tiếp tục trưởng thành một sinh mệnh nhân duyên nghiệp báo. Một sinh mệnh nhân duyên nghiệp báo của Thân Trung Ấm trưởng thành được gọi là Quả Dị Thục.

11.- Lão Tử Chi, nghĩa là giai đoạn suy tàn và chấm dứt nghiệp báo của một sinh mệnh. Lão Tử trong mười hai Nhân Quyên không phải là một yếu tố kết hợp hay hủy hoại một sinh mệnh mà ở đây là chỉ cho trạng thái suy tàn và hoại diệt của một sinh mệnh thuộc Quả Dị Thục để chuyển sang một sinh mệnh mới thuộc Quả Dị Thục khác ở kiếp sau trong dòng thác sinh mệnh của vũ trụ lưu chuyển muôn đời bất diệt.

Tóm lại, xét qua mười hai Nhân Duyên, Vô Minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập, Ái Chi mới thực thụ là những yếu tố duyên khởi căn bản để tạo thành sinh mệnh của các chúng sanh hữu tình trong thế gian và các Chi còn lại như Xúc, Thọ, Thủ, Hữu, Sanh, Lão Tử chỉ là những hiện tượng sinh mệnh trong tiến trình duyên khởi do các yếu tố duyên khởi căn bản nói trên xây dựng từ trạng thái Nhân Dị Thục đến trạng Quả Dị Thục. Trong các yếu tố duyên khởi căn bản của mười hai Nhân Duyên, Thức Chi mới là yếu tố quan trọng cho việc kiến tạo sinh mệnh của các chúng sanh hữu tình góp mặt trong thế gian. Thức Chi xây dựng chúng sanh hữu tình cả hai lãnh vực: xây dựng chánh báo của chúng sanh hữu tình và xây dựng y báo cho chúng sanh hữu tình đó nương tựa sanh tồn. Thức Chi nương tựa nơi Ái Chi xây vựng sinh mệnh cá thể riêng biệt của từng chúng sanh hữu tình từ Nhân Dị Thục đến Quả Dị Thục trải qua những hiện tượng Danh Sắc, Lục Nhập phối hợp và trưởng thành. Đồng thời Thức Chi nương tựa nơi Vô Minh và Hành xây dựng vũ trụ y báo thuộc môi trường sống cho chúng sanh hữu tình nói trên nẩy nở và phát triển. Riêng Xúc, Thọ, Thủ, Hữu, Sanh, Lão Tử đều là chỉ cho những hiện tượng trưởng thành và biến hoại qua những đoạn của Thân Trung Ấm nơi mỗi chúng sanh hữu tình trong vòng sanh tử lưu chuyển từ Nhân Dị Thục đi đến chấm dứt Quả Dị Thục để chuyển sang Nhân Dị Thục khác của kiếp sau. Ngoài ra các chi khác như, Xúc, Thọ, Thủ, Hữu, Sanh, Lão Tử không phải là những đơn vị biệt lập trong tiến trình duyên khởi của mười hai Nhân Duyên giống như Vô Minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Lục Nhập đã đề cập ở trên.

8.- Sự Sinh Hoạt Của Mười Hai Nhân Duyên:
Như trước đã trình bày, Chủng Tử có hai loại: Nội Chủng Tử và Ngoại Chủng Tử. Nội Chủng Tử thường gọi là Dị Thục Nhân gồm có các nhân duyên như Sanh Khởi Nhân thuộc Nhân Duyên, Khiên Dẫn Nhân thuộc Biến Hành Nhân và cũng tức là Nghiệp Lực, Tùy Thuyết Nhân thuộc Nghiệp Tướng và Ngoại Chủng Tử thường gọi là Dị Thục Quả gồm có các nhân duyên như Quán Đãi Nhân thuộc Năng Tác Nhân và cũng là Tăng Thượng Duyên, Câu Hữu Nhân tức là Sở Duyên Duyên, Nhiếp Thọ Nhân thuộc Tương Ưng Nhân và cũng tức là Đẳng Vô Gián Duyên, Dẫn Phát Nhân v.v...
Tánh chất Nội Chủng Tử gồm có hai loại, một loại có bản chất (Bản Hữu Chủng Tử) và một loại không có bản chất do nội kết thành hạt giống (Tập Sở Thành Chủng Tử). Những loại có bản chất bao gồm các hạt giống như hạt giống của tám Tâm Thức (Chủng Tử Tám Tâm Thức) và hạt giống của Tứ Đại. Những loại không có bản chất bao gồm các hạt giống như hạt giống Nghiệp Lực và hạt giống Nghiệp Tướng. Những hạt giống thuộc Nội Chủng Tử trong Tâm Thức Alaya nếu như không hoá giải thì chúng tồn tại muôn đời không hư thối để chờ đợi duyên đến đặng sinh hoạt. Nhưng những hạt giống thuộc Ngoại Chủng Tử chỉ có thể để giống ở mức độ ngắn hạn theo tánh chất độ bền mà chúng tồn tại và sẽ bị biến hoại theo thời gian, vì chúng hoàn toàn thuần túy thuộc về vật lý kết hợp.
Đầu tiên khi một chúng sanh hữu tình nào đó vừa mới chết, Kiến Phần Thức Alaya của họ bỏ thân tướng Quả Dị Thục đã sử dụng liền chun vào thân tướng chuyển tiếp trong trung giới mà họ thường nằm mơ gọi là Thân Trung Ấm. Thân này hoàn toàn bằng Thức Ấm, một trong năm Ấm để làm môi trường chuyển tiếp cho kiếp sau. Điều đáng chú ý Thân Trung Ấm vừa mới đề cập ở trên với bất cứ hình thức nào đều có mặt sáu Tâm Thức ở trong gọi là Lục Nhập và sinh hoạt như một sinh mệnh chuyển tiếp của kiếp sau. Một số học giả cho rằng, con người sau khi chết liền đi đầu thai thẳng sang sau mà không bao giờ qua trung gian Thân Trung Ấm chuyển tiếp và họ theo quan niệm nói trên giảng giải rất nhiều đề tài trong các giai thoại Thiền Môn. Họ giải thích như thế toàn không đúng hẳn nếu không nói là sai lầm. Ngoại trừ những người suốt cuộc từ vô lượng kiếp về trước cho đến ngày nay chỉ thuần túy gây một thứ thiện nghiệp của một loại chúng sanh trong một cõi mà không phải tạo nhiều thứ nghiệp của các chúng sanh trong các cõi hoặc chỉ gây một thứ ác nghiệp của một loại chúng sanh trong một cõi mà không phải tạo nhiều thứ ác nghiệp của các loại chúng sanh trong các cõi thì sau khi chết liền đi đầu thai thẳng sang kiếp sau và chun vào loại chúng sanh của nghiệp đó ở cõi đó mà cần phải qua Thân Trung Ấm chuyển tiếp làm trung gian. Trái lại từ xưa đến nay, loài người cho đến tất cả chúng sanh hữu tình khác đa số trong kiếp hiện tại nếu như không đề cập đến vô lượng kiếp về trước, đã gây tạo không biết bao nhiêu nghiệp thiện trong các cõi như cõi người, cõi sắc, cõi vô sắc v.v… và cũng đã gây tạo không biết bao nhiều nghiệp ác trong các cõi như cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ, cõi súc sanh v.v... thì sau khi chết Thần Thức Thân Trung Ấm của họ lẽ tất nhiên phải bị các nghiệp nói trên tranh nhau đòi nợ theo luật nhân quả nghiệp báo. Cho nên bất cứ ai kể cả các động vật khác cũng thế, sau khi chết phải qua Thân Trung Ấm chuyển tiếp làm trung gian theo sự tranh giành của các nghiệp lực (Khiên Dẫn Nhân) nói trên và giá trị thời gian của Thân Trung Ấm để cho các Nghiệp lực chọn lựa thân phận kiếp sau, theo Liễu Sanh Thoát Tử được giới hạn chỉ trong vòng bốn mươi chín ngày để định nghiệp. Những hiện tượng vừa trình bày là theo hệ thống thông lệ và trong đây không đề cập đến trường hợp đặc biệt của các vị Bồ Tát hoá thân.
Sau bốn mươi chín ngày tranh giành, Nghiệp Nhân nào một khi thắng cuộc thì trước hết lôi kéo (Khiên Dẫn Nhân) Kiến Phần Thức Alaya chun vào hạt giống Nghiệp Tướng (Nhị Thủ Tập Khí bao gồm cả Danh Xưng ở trong) của chúng sanh hữu tình nào quan hệ với Nghiệp Nhân thắng cuộc để sinh hoạt. Hạt giống Nghiệp Tướng khi có mặt Kiến Phần Thức Alaya ở trong do Nghiệp Nhân thắng cuộc lôi kéo được gọi là Nhân Dị Thục (nguyên nhân chưa sanh khởi) của Nhân Duyên và Kiến Phần Thức Alaya trong Nhân Dị Thục được gọi là Thức Dị Thục tức là THỨC CHI trong mười hai Nhân Duyên. Nhân Dị Thục của Nhân Duyên này quan hệ với Nghiệp Nhân thắng cuộc (Khiên Dẫn Nhân) liên sanh khởi (Sanh Khởi Nhân) để kết thành thân thể của Quả Dị Thục cho chúng sanh ở kiếp sau.
Nghiệp Tướng (Form) trong Nhân Dị Thục của chúng sanh hữu tình quan hệ với Nghiệp Nhân thắng cuộc được gọi là Nhân Tướng và hình tướng trong thân thể Quả Dị Thục của chúng sanh hữu tình ở kiếp sau được gọi là Quả Tướng. Nhân Dị Thục của Nhân Tướng nếu như không có môi trường để sanh khởi thì bị hư hoại và từ đó kể như hạt giống Nghiệp Lực của Nghiệp Nhân thắng cuộc nói trên bị xoá đi tập khí không còn hiện hữu nữa trong Tâm Thức Alaya để đòi nợ.
Trường hợp này cũng giống như hạt đậu xanh một khi đã nứt mộng, nếu như không gặp được các duyên như phân, đất, nước, ánh sáng, không khí v.v... để sanh khởi thành cây trái thì bị hư thối và nó không thể để giống được nữa cho sau này.
Nghiệp Tướng trong Nhân Dị Thục (Sanh Khởi Nhân) của chúng sanh hữu tình đi thọ sanh ở kiếp sau, trước hết sau bốn mươi chín ngày chuyển thành một loại hình tướng Thân Trung Ấm cuối cùng quan hệ mật thiết với Nghiệp Nhân thắng cuộc nói trên mang danh nghĩa là DANH CHI, một trong mười hai Nhân Duyên. Thân Trung Ấm nếu là con người sau khi chết vẫn là hình tướng con người và bảy lần thay đổi hình tướng theo sự tranh giành của Nghiệp Nhân. Nghiệp Nhân nào cuối cùng thắng cuộc nếu là con nai thì Thân Trung Ấm (mang danh nghĩa Danh) cuối cùng của họ sau bốn mươi chín ngày bị biến đổi với hình tướng con nai làm Nhân Dị Thục để chuyển thành nai con ở kiếp sau mà không phải là hình tướng người khi họ mới chết. Nghiệp Nhân nào cuối cùng thắng cuộc nếu là Ngạ Quỷ thì Thân Trung Ấm (mang danh nghĩa Danh) cuối cùng sau bốn mươi chín ngày với hình tướng con quỷ làm Nhân Dị Thục để chuyển thành quỷ con ở kiếp sau v.v...
Thân Trung Ấm cuối cùng sau bốn mươi chín ngày của Nhân Dị Thục mang danh nghĩa là Danh bao gồm cả LỤC NHẬP CHI của mười hai Nhân Duyên ở trong do Khiên Dẫn Nhân (Nghiệp Nhân) lôi kéo đi trên các duyên quan hệ để thọ thân kiếp sau theo luật nhân quả nghiệp báo quyết định. Trong lúc cha mẹ giao hợp, lửa ái dục lóe ra là mở cửa kiếp sau dành cho Thân Trung Ấm cuối cùng gọi là Danh chun vào kết duyên. Thân Trung Ấm cuối cùng chun vào tiếp xúc với Tâm Thức của cha mẹ để kết duyên cho kiếp sau gọi là Xúc tức là XÚC CHI trong mười hai Nhân Duyên. Thân Trung Ấm cuối cùng tiếp xúc với Tâm Thức của cha mẹ để kết duyên cho kiếp sau bằng sự luyến ái nên gọi là Ái Dục tức là ÁI CHI trong mười hai Nhân Duyên. Thân Trung Ấm cuối cùng theo Liễu Sanh Thoát Tử, nếu như nam tính thì luyến ái với mẹ (giống âm) và nếu như nữ tính thì luyến ái với cha (giống dương). Vì sự luyến ái nổi lên, Thân Trung Ấm cuối cùng không còn sáng suốt để phân biệt và trong lúc còn ở trạng thái Thân Trung Ấm thì không có vấn đề luân lý ràng buộc giữa cha và mẹ, liền bị mê vọng và chấp nhận Quán Đãi Nhân trong tử cung gọi là SẮC (tức là Danh Sắc) làm chỗ gá thân cho kiếp sau nên gọi là Thọ Thai tức là THỌ CHI trong mười hai Nhân Duyên. Sau khi thọ thai, hạt giống Quán Đãi Nhân thuộc nữ tính (giống âm) của Ngoại Chủng Tử sau khi được Năng Tác Nhân thuộc nam tính (giống dương) cũng của Ngoại Chủng Tử hoà hợp biến thành Câu Hữu Nhân (trong đó có mầm sống hiện hữu), nghĩa là có mặt Thức Dị Thục của Nhân Dị Thục ở trong. Thức Chi (Thức Dị Thục) của mười hai Nhân Duyên trong giai đoạn thọ thai liền sinh hoạt trên hai phương diện: một là xây dựng sinh mệnh cá thể chánh báo theo tinh thần tự biến cho Nhân Dị Thục thành hình thân thể Quả Dị Thục và hai là xây dựng vũ trụ môi trường sống y báo theo tinh thần cộng biến cho sinh mệnh cá thể chánh báo của Quả Dị Thục nói trên nẩy nở và phát triển.
Thứ nhất Thức Dị Thục (Kiến Phần Thức Alaya) trong Thân Trung Ấm cuối cùng lấy tinh huyết cha mẹ Câu Hữu Nhân trong Quán Đãi Nhân thuộc sắc chất (Tứ Đại) gọi là Sắc Uẩn mang tên Danh Sắc của mười hai Nhân Duyên và căn cứ theo Nghiệp Tướng kiểu mẫu (Form) đã có sẵn trong Nhân Dị Thục bắt đầu xây dựng thân thể Quả Dị Thục (Quả Tướng) của chúng sanh hữu tình ở kiếp sau nên gọi là THỦ CHI (Thủ nghĩa là xây dựng). Trước hết, Thức Dị Thục sử dụng tinh huyết cha mẹ (Câu Hữu Nhân) trong Quán Đãi Nhân xây dựng hệ thống tiếp liệu, nếu thuộc về Thai Sanh gọi là Nhau Bào Thai nối liền từ nơi Huyệt Thần Khuyết (lỗ rốn) của Nghiệp Tướng kiểu mẫu đứa con đến các mạch máu nơi tử cung trong bụng mẹ và nếu thuộc về Noãn Sanh cũng như Thấp Sanh thì không cần hệ thống tiếp liệu qua hình thức Nhau Bào Thai. Những nguyên liệu trong giai đoạn đầu để xây dựng đứa con thành hình trong nhau bào thai qua sự ăn uống hít thở của người mẹ cũng như những nguyên liệu trong giai đoạn đầu để xây dựng đứa con trong trứng v.v... thuộc ngoại chủng tử đều được gọi là Nhiếp Thọ Nhân trong mười Nhân hoặc Tương Ưng Nhân trong sáu Nhân hay Đẳng Vô Gián Duyên trong bốn Duyên. Tinh cha huyết mẹ trong tử cung hoặc trong trứng mang danh Quán Đãi Nhân chính là Sắc Uẩn một trong năm Uẩn thuộc về trước khí tạo thành thân thể ô trược nhơ nhớp tanh hôi gọi là trược thân. Thân Trung Ấm cuối cùng của Nhân Dị Thục được tượng hình từ hòn máu thành đứa con trong bụng mẹ hoặc trong trứng do Thức Dị Thục liên tục xây dựng nên gọi là Hữu Chi trong mười hai Nhân Duyên (Hữu Chi nghĩa là tượng hình) và cũng gọi là Sanh Khởi Nhân trong mười nhân. Đứa con trong bụng mẹ hoặc trong trứng v.v... của Thân Trung Ấm cuối cùng hội đủ điều kiện liên sanh ra gọi là Sanh Chi một trong mười hai nhân duyên và đây cũng thuộc về Quả Dị Thục được thành hình. Sau khi đứa con được sanh ra, Thức Dị Thục trong Thân Trung Ấm cuối cùng không còn tiếp nhận nguyên liệu bên trong do người mẹ cung cấp qua nhau bào thai hay nguyên liệu có sẵn trong trứng và ở đây phải lấy nguyên liệu từ bên ngoài do chính những đứa con mới sanh tự ăn uống hít thở để tiếp tục xây dựng hoàn thành Ngã Tướng của Quả Dị Thục.
Những nguyên liệu bên ngoài do những đứa con mới sanh ăn uống hít thở để trưởng thành Quả Dị Thục chính là Bất Tương Vi Nhân trong mười nhân và cũng là Tăng Thượng Duyên trong bốn duyên và cũng là Tương Ưng Nhân trong sáu nhân, còn những điều kiện bên ngoài làm trở ngại cho sự nẩy nở và trưởng thành của đứa con mới sanh được gọi là Tương Vi Nhân trong mười nhân. Những đứa con mới sanh nhờ Thức Dị Thục tiếp tục xây dựng qua sự ăn uống hít thở của chính chúng nó để trưởng thành Ngã Tướng của Quả Dị Thục gọi là Dẫn Phát Nhân trong mười nhân và cũng gọi là Tăng Thượng Quả trong năm quả. Nghiệp Tướng của con người thì thành Quả Dị Thục với hình tướng con người, Nghiệp Tướng của con thú thì thành Quả Dị Thục với hình tướng con thú, Nghiệp Tướng của anh A thì thành Quả Dị Thục không phải hình tướng anh B, Nghiệp Tướng của con heo thì thành Quả Dị Thục không phải con chó v.v... nghĩa là Nghiệp Tướng của loại nào thì thành Quả Dị Thục của loại đó không giống loại khác và sự khác biệt của Nghiệp Tướng này được gọi là Định Biệt Nhân trong mười nhân. Thân thể Quả Dị Thục của những đứa con mới sanh khi ngã tướng lớn lên tột cùng liền đứng trụ lại gọi là Trụ Tướng, mặc dù những đứa con đó vẫn ăn uống và hít thở. Sau khi ngã tướng trụ lại, thân thể Quả Dị Thục của những đứa con nói trên bắt đầu già lần và chết đi để chấm dứt một sinh mệnh đã định nghiệp gọi là Lão Tử để chuyển sang một sinh mệnh định nghiệp khác trong dòng thác sanh tử lưu chuyển.
Thứ hai, Thức Dị Thục (Kiến Phần Thức Alaya) thuộc Thức Chi trong mười hai nhân Duyên khi xây dựng sinh mệnh cá thể chánh báo cho Nhân Dị Thục đồng thời cũng xây dựng vũ trụ môi trường sống y báo cho sinh mệnh chánh báo đó nẩy nở và phát triển. Trước hết Thức Dị Thục nương tựa Vô Minh và Hành của mười hai nhân duyên là những nguyên lý cấu tạo vũ trụ của mỗi loại chúng sanh hữu tình để xây dựng môi trường sống y báo của sinh mệnh chánh báo quan hệ. Vô Minh và Hành là nguyên lý thuộc cộng nghiệp (nghiệp chung) của từng loại chúng sanh, như loài người, loài thú, loài ngạ quỷ v. v… Trường hợp như Thức Dị Thục nương theo Danh Sắc xây dựng cá thể anh A thì căn cứ theo Vô Minh và Hành thuộc cộng nghiệp của loài người mà anh A quan hệ liền xây dựng môi trường sống y báo cho anh A nẩy nở và phát triển. Giả sử Thức Dị Thục nương theo Danh Sắc xây dựng cá thể một con nai thì căn cứ theo Vô Minh và Hành thuộc cộng nghiệp của loài súc sanh (bàng sanh) mà nai con quan hệ liền xây dựng môi trường sống y báo cho cá thể con nai nẩy nở và phát triển. Sự xây dựng các loài khác của Thức Dị Thục cũng giống như thế.
Theo Duy Thức Học, Nhân Dị Thục thuộc biệt nghiệp của loài nào thì Thức Dị Thục dựa theo Vô Minh và Hành thuộc cộng nghiệp của loài đó để xây dựng vũ trụ môi trường sống y báo cho Quả Dị Thục chánh báo thuộc biệt nghiệp của loài đó nẩy nở và phát triển. Nhân Dị Thục thuộc biệt nghiệp của con người thì Thức Dị Thục dựa theo Vô Minh và Hành thuộc cộng nghiệp của loài người để xây dựng môi trường sống y báo cho Quả Dị Thục chánh báo thuộc biệt nghiệp cũa con người đó nẩy nở và phát triển. Cũng từ đó, Vô Minh và Hành nơi mười hai nhân duyên là yếu tố tạo nên vũ trụ môi trường sống của từng loại chúng sanh hữu tình và hai chi này thuộc về Định Biệt Nhân trong mười Nhân mà còn có tên nữa là Đồng Loại Nhân trong sáu Nhân.
Nói chung lại, mười hai Nhân Duyên là những điều kiện quan hệ để sanh khởi sinh mệnh cá thể của một chúng sanh hữu tình và chúng không phải là những nhân tố riêng biệt giống như Ngũ Uẩn quan hệ với nhau trong việc cấu trúc sinh mệnh của các chúng sanh hữu tình. Hơn nữa, giá trị nguyên lý mười hai Nhân Duyên chỉ là gạch nối giữa hai dòng sinh mệnh của một cá thể chúng sanh hữu tình khởi điểm từ quá khứ và đi đến vị lai trên lãnh vực duyên khởi. Những từ ngữ trong mười hai Nhân Duyên nhằm diễn tả những điều kiện quan hệ để thành hình sinh mệnh của một chúng sanh hữu tình trên lãnh vực nhân quả nghiệp báo. Sự duyên khởi của mười hai Nhân Duyên là xây dựng nghiệp báo của một chúng sanh hữu tình bắt nguồn từ Nhân Dị Thục chuyển biến qua nhiều trạng thái đi đến Quả Dị Thục để góp mặt trong thế gian. Thức Chi trong mười hai Nhân Duyên là điều kiện quan trọng trong việc xây dựng chúng sanh hữu tình trên hai lãnh vực, một là xây dựng cá thể của một sinh mệnh và hai là xây dựng môi trường sống cho cá thể sinh mệnh đó nẩy nở và phát triển. Thức Chi dựa theo Danh Sắc xây dựng sinh mệnh cá thể cho chúng sanh hội đủ điều kiện nhân duyên để hiện hữu, đồng thời dựa theo Vô Minh và Hành xây dựng môi trường sống cho chúng sanh hữu tình đó nẩy nở và phát triển.
Có thể nói, nguyên lý mười hai Nhân Duyên mà đức Phật chủ trương là rút ra tinh ba từ Kinh Hoa Nghiêm nhằm giải thích sự sanh thành một chúng sanh hữu tình qua lãnh vực nhân quả nghiệp báo trên dòng thác sánh tử luân hồi trong ba cõi của Khổ Đế và Tập Đế mà kinh Phật thường gọi là Thuận Lưu Sanh Tử. Còn như muốn ra khỏi dòng thác sanh tử luân hồi của Khổ Đế và Tập Đế, chúng ta theo lời đức Phật dạy phải sống đúng Bát Chánh Đạo thuộc nguyên lý nghịch dòng sanh tử luân hồi của Đạo Đế và Diệt Đế mà Kinh Phật thường gọi là Nghịch Lưu Sanh Tử.


MƯỜI HAI BỘ KINH


Tôi đọc kinh sách Phật thường nghe nói tới “Thập Nhị Bộ Kinh “ tức “mười hai bộ kinh”. Vậy xin hỏi mười hai bộ kinh là gì? Có phải là các bộ kinh Trường Bộ, Trung Bộ, Tiểu Bộ không …?

TRẢ LỜI:

Thập Nhị Bộ Kinh là 12 chủng loại của tất cả các kinh điển mà đức Phật đã thuyết. Theo kinh Đại Bát Niết Bàn cũng như Luận Trí Độ, Mười Hai Bộ Kinh là:Tu Đa La, Kỳ Dạ, Thọ Ký, Dà Đà, Ưu Đà Na, Ni Đà Na, A Ba Đà Na, Y Đế Mục Đà Na, Xà Đà Dà, Tỳ Phật Lượt, A Phù Đà Đạt Ma và Ưu Bà Đề Xá. Dưới đây là gỉai thích về 12 bộ kinh:

Trong Ba Tạng Kinh Điển của đạo Phật theo thể tài chia làm mười hai bộ. Người Trung Hoa thường gọi Thập Nhị Phần Giáo.

Tu Đa La (Sustram: Kinh).

“Khế Kinh”: Đức Phật thuyết pháp dùng lối văn trường thiên cho dễ hiểu mà gọn, ta thường gọi là tản văn hay văn xuôi, không có sự cầu kỳ hoa mỹ như những lối văn từ phú… nhưng rất hợp thời, hợp lý, hợp cơ.

Kỳ Dạ (Geyam:Ứng Tụng, cũng gọi là Mỹ Âm Kinh):

Tổng luận, chú thích những ý nghĩa của văn trường hàng (văn chỉnh cú). Lối văn thuộc văn từ phú, văn biền ngẫu, có tính cách văn chương, vì đức Phật muốn cho Chính Pháp được truyền bá sâu rộng thì phải dùng mọi thể văn, giúp cho đệ tử dễ ghi nhớ.

Hòa Già LaNa (Vyàkàranam: Thụ ký):

Những lời truyền dạy do đức Phật thụ ký, chứng nhận cho các vị Bồ tát, các bậcThanh văn, đệ tử mai sau thành Phật; và thuyết lý những việc sẽ xảy ra…

Già Đà (Gàthàm: Cũng gọi là Ký Chú Kinh hay Phúng Tụng):

Nghĩa là không thuật lại văn trường hàng, mà chỉ là từng bài kệ, tức là lối văn thi ca để nói riêng cho mỗi bộ kinh.

Ưu Đà La (Udànam:Tán Thán Kinh, cũng gọi là Tự Thuyết):

Những kinh do đức Phật dùng trí tuệ xem xét căn cơ chúng sinh rồi tự nói ra các Pháp, không phải đợi có người thưa thỉnh, yêu cầu mới nói.

Ni Đà Na (Nidàna: Quảng Thuyết Kinh cũng gọi là Nhân Duyên):

Những kinh văn nói về nhân duyên khi đức Phật thuyết pháp và người nghe pháp, hoặc nói rõ những nơi có nhân duyên mà Ngài đến hóa độ. Những kinh văn do đức Phật dạy về “lý căn hội duyên”, khởi điểm của vũ trụ vạn hữu, thuyết lý Nhân Duyên Sinh.

ABa ĐàNà (Avadanam:Diễn Thuyết Giải Ngộ Kinh, cũng gọi là Thí Dụ):

Những pháp của Phật nói rất mầu nhiệm, người căn cơ thấp kém khó có thể lĩnh hội, nên đức Phật cần phải lấy sự vật hiện hữu làm tỉ dụ, chứng minh cho đạo lý cao siêu để chúng sinh dễ hiểu. Những lời ví dụ tượng trưng bát ngát trong các kinh điển đạo Phật.

Y Đế Mục ĐaGia (Itivrttakam:Như Th ịPháp Hiện Kinh cũng gọi là Bản Sự):

Những thuyết giáo của đức Phật nói về sự tu nhân chứng quả của các vị Bồ tát, đệ tử trong các đời quá khứ, vị lai.

Xà Đà Gia (Jatakam: Đản Sinh Kinh hay gọi là Bản Sinh):

Lời đức Phật nhắc lại những công hạnh tu chứng ở đời quá khứ của các đức Phật ,Bồ tát.

Tỳ Phật Lược (Vaipulyam: Quảng Đại Kinh, cũng gọi là Phương Quảng):

Những Kinh, cũng gọi là Phương Quảng): Những kinh điển thuộc Đại Thừa Phương Quảng, với nghĩa lý rộng lớn cao thượng và thâm thúy.

A Phù Đà Đạt Ma (Addhutadharmah:Hy Pháp, cũng gọi là Vị Tằng Hữu):

Những kinh điển nói về thần lực của chư Phật thị hiện, cùng những việc bất khả tư nghị trong những nơi nói pháp và những cảnh giới kỳ diệu, hy hữu mà trí người phàm không thể hiểu.

Ưu Ba Đề Xá (Upad’sah: Cận Sự Thỉnh Vấn Kinh cũng gọi là Luận Nghị):

Những lời văn có tính cách vấn đáp và biện luận cho rõ các lẽ tà, chính, nghĩa là, giữa đức Phật và các đệ tử đàm luận đạo lý bằng cách tranh luận, giải thích từng giảng mục.

Tuy chia ra 12 phần giáo, 3 loại trên là thể tài chính của các Kinh; còn 9 loại sau chẳng qua theo các điều kiện chép ở trong Kinh, lập ra.

Trong 12 phần giáo nói trên không phải Kinh nào cũng có đủ cả, có Kinh chỉ có 5, 6 phần, ấy là tùy theo cơ duyên mà đức Phật nói pháp có sai khác. Nhưng trong tất cả Kinh, không nhiều thì ít, đều có ghi chép mọi kinh nghiệm về giáo lý cũng như công hạnh tu chứng của các đức Phật và đệ tử…

http://www.thuvienhoasen.org/phathoctinhhoa-02.htm

Nguyên văn kinh Đại Bát Niết Bàn Phẩm Phạm Hạnh Thứ 20 nói về 12 bộ kinh như sau:

"Bồ-Tát-Ma-Ha-Tát như thế nào gọi là biết pháp. Nầy Thiện nam tử! Bồ Tát nầy biết mười hai bộ kinh tức là Tu Đa La, Kỳ Dạ, Thọ Ký, Dà Đà, Ưu Đà Na, Ni Đà Na, A Ba Đà Na, Y Đế Mục Đà Na, Xà Đà Dà, Tỳ Phật Lược, A Phù Đà Đạt Ma, Ưu Bà Đề Xá.

Đây là khế kinh Tu Đa La: Từ “như thị ngã văn nhẫn đến câu hoan hỷ phụng hành” tất cả như vậy gọi là Tu Đa La kinh (trường hàng).

Đây là Kỳ-dạ :Phật bảo các Tỳ kheo ngày xưa ta cùng các ông ngu si không trí huệ, chẳng thể thấy bốn chơn đế đúng như thật, nên lưu chuyển mãi trong biển khổ sanh tử. Bốn chơn đế là :Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế, và Đạo Đế.

Ngày xưa đức Phật vì các Tỳ Kheo nói khế kinh xong lại có hàng chúng sanh căn trí sáng tỏ, vì muốn nghe pháp nên đến chỗ Phật hỏi mọi người rằng, đức Như Lai vừa rồi nói những việc gì ? Lúc đó Phật vì hàng chúng sanh ấy đem kinh vừa giảng nói thành kệ tụng:
Ta xưa cùng các ông, Chẳng thấy bốn chơn đế, Nên phải lưu chuyển mãi, Trong biển khổ sanh tử, Nếu thấy được bốn đế, Thời dứt đặng sanh tử. Sanh tử đã hết rồi, Chẳng còn thọ thân nữa.
Kệ tụng trên đây gọi là Kỳ-Dạ kinh (trùng tụng).

Những gì gọi là thọ ký? Như có lúc đức Như Lai nói kinh hay luật, vì các hàng trời hay người mà thọ ký sẽ làm Phật. Như nói : “Đời sau có vua hiệu là Nhương Khư, ông A Dật Đa sẽ ở cõi nầy thành bực chánh giác hiệu là Di Lặc Phật. Đây gọi là thọ ký kinh.

Những gì gọi là Dà Đà ? Trừ trường hàng và các giới luật, ngòai ra những bài kệ bốn câu như :
Các điều ác chớ làm, Phụng hành những điều lành, Lóng sạch tâm ý mình, Là lời dạy của Phật.
Trên đây gọi là Dà Đà kinh ( kệ cô khởi).

Những gì gọi là Ưu Đà Na? Như đức Phật lúc xế chiều nhập thiền định, vì chư thiên giảng rộng các pháp yếu. Lúc đó các Tỳ- kheo đều nghĩ rằng : Giờ đây đức Như Lai đang làm việc gì ?
Sáng ngày sau, đức Như Lai xuất định, không ai hỏi, dùng tha tâm trí mà tự nói rằng : Nầy các Tỳ-kheo : Tất cả chư thiên thọ mạng rất dài. Lành thay! Các Tỳ-kheo biết vì người, chẳng cầu tư lợi, biết thiểu dục, biết tri túc, được tịch tịnh.

Những kinh như trên đây không ai hỏi đức Phật tự giảng nói đó gọi là Ưu Đà Na kinh (tự thuyết).

Những gì là Ni Đà Na? Như trong các kinh do nhơn duyên Phật vì người khác diễn nói. Lệ như : Trong nước Xá Vệ có một chàng trai giăng lưới bắt chim, bắt đặng chim nhốt trong lồng, cho ăn lúa uống nước rồi lại thả đi. Đức Thế Tôn biết nhơn duyên đó mà nói kệ rằng:
Chớ khinh tội nhỏ, Cho là không họa, Giọt nước dầu nhỏ, Lần đầy lu lớn.

Như trên đây gọi là Ni Đà Na kinh (nhơn duyên).

Những gì là A Ba Đà Na? Như những thí dụ trong luật nói.

Những gì là Y Đế Mục Đa Dà ! Lệ như đức Phật nói : Nầy các Tỳ-kheo ! Lúc ta xuất thế những điều ta dạy bảo gọi là giới kinh. Lúc đức Câu Lưu Tôn Phật xuất thế lời Phật dạy gọi là trống Cam-lồ. Lúc đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni xuất thế lời Phật dạy gọi là Pháp cảnh.
Lúc đức Phật Ca Diếp xuất thế lời Phật dạy gọi là Phân biệt không.
Như trên đây gọi là Y Đế Mục Đa Dà kinh (bổn sự).

Những gì là Xà Đà Dà ? Lệ như đức Phật xưa kia làm vị Bồ Tát tu khổ hạnh. Như Phật nói : Nầy các Tỳ kheo! Thuở quá khứ ta từng làm nai, làm gấu, làm cheo, làm thỏ, làm quốc vương, làm Chuyển Luân Thánh Vương, làm rồng, làm kim súy điểu v.v… Như trên đây gọi là Xa Đà Dà kinh (bổn sanh).

Những gì là Tỳ Phật Lược? Tức là những kinh điển thuộc về Đại thừa Phương đẳng nghĩa lý rộng lớn dường như hư không (phương quảng).

Những gì là vị tằng hữu? Lệ như lúc đức Bồ Tát mới sanh không ai đỡ dắt mà tự đi bảy bước, phóng quang minh lớn ngó khắp mười phương. Lệ như con vượn tay bưng bát mật dâng cúng đức Như Lai,. Lệ như chó cổ trắng đến bên Phật nghe pháp. Lệ như ma vương Ba Tuần biến làm trâu xanh đi trong bát sành, làm cho các bát sành đụng chạm lẫn nhau mà không nứt bể. Lệ như Phật lúc mới sanh lúc vào thiên miếu làm cho thiên tượng đứng dậy bước xuống đảnh lễ.
Những đoạn kinh như trên đây gọi làVị Tằng Hữu kinh.

Những gì là Ưu Ba Đề Xá? Lệ như đức Phật lúc nói kinh hoặc luận nghĩa cùng phân biệt giảng rộng biện luận các tướng mạo, đây gọi là Ưu Ba Đề Xá kinh (luận nghị).
Bồ Tát nếu có thể rõ biết mười hai bộ kinh như vậy thời gọi là biết pháp."

http://www.thuvienhoasen.org/kinh-dbnb-20.htm
admin
Site Admin
 
Bài viết: 6821
Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 4 17, 2011 12:18 am

Re: TÔI TU TỊNH ĐỘ

Gửi bàigửi bởi admin » Thứ 4 Tháng 8 31, 2022 11:38 pm

Tập thở khí công Tịnh Độ vừa niệm Phật được nhiếp tâm, vừa tăng cường khí oxy để chữa bệnh

Cộng tu Khí Công Tịnh Độ qua Zoom
Niệm Phật kim cang trì là luyện thở tăng cường oxy để chữa bệnh nan y
Liên lạc với tôi qua Viber +1 7607611116
Xin vào Zoom Cộng Tu Khí Công Tịnh độ trực tiếp, giờ Montreal 7:30-9:00 am và pm, giờ VN 6:30-8:00 am, pm
Meeting : ID 7819792463 password : phbtt
Trước giờ tu có bài khai thị 10 phút tụng bài sám hối 20 phút





BÀI TẬP KHÍ CÔNG 1. TẬP TRONG 1 TUẦN Niệm Nam Mô A Di Đà Phật theo Khí công Tịnh Độ là niệm kim cang trì miệng niệm nhỏ tiếng tai đủ nghe nhắm mắt theo dõi tiếng niệm hòa cùng hơi thở tại Đan Điền Thần đặt bàn tay dương dưới mỏm xương ức. Bàn tay dương của nam là bàn tay trái, của nữ là bàn tay phải, đặt nhẹ dưới mỏm xương ức dưới qủa tim, tay kia đặt chồng lên bên ngoài. Người nào ngắn hơi thì niệm 1 câu Nam Mô A Di Đà Phật là 1 hơi cho quen dần dần hơi dài hơn thì 2 câu một hơi và cuối cùng hơi dài niệm đủ 3 câu một hơi. Công dụng nhiếp tâm, hơi thở dài không mệt, tăng cường oxy, tăng hồng cầu, da dẻ hồng hào, cơ thể và bàn tay nóng ấm, ổn định áp huyết cao hay thấp trở về trung bình, làm hạ đường huyết, tiêu hóa tốt. Niệm ra tiếng theo kim cang trì là thể động. Tối trước khi đi ngủ, dùng Ý niệm thuộc thể tĩnh, miệng không niệm, là mở máy niệm Phật tập thở theo tiếng niệm, hay tự mình theo dõi hơi thở theo Ý niệm Nam Mô A Di Đà Phật, dần dần sẽ rơi vào giấc ngủ thiền, tần số sóng não khi thức là sóng alpha, đi dần vào giấc ngủ là sóng theta mà còn tỉnh thức thì 1 giờ thiền tương đương với 2 giờ ngủ bình thường, nên cơ thể không mệt mỏi.
KẾT QỦA SAU KHI TẬP :
Kiểm chứng lại áp huyết 2 tay trước và sau khi tập, sẽ thấy nhịp tim tăng, tăng thân nhiệt, bàn tay ấm, tiêu hóa thức ăn bụng nhẹ, đường huyết trước khi tập cao, sau tập đường huyết giảm, sau 30 phút nhịp tim trở về tiêu chuẩn. Ai có đường huyết thấp thì tập không có kết qủa, nên trước khi tập đường huyết trên 12mmol/l, sau tập, đường huyết xuống 8mmol/l mới đủ giữ ấm thân nhiệt, không bị bệnh suy tim mạch làm tiêu cholesterol và không bị máu đông tạo thành mỡ xấu triglycerid, nên những người thiếu đường, kiêng đường, cần phải uống thêm đường cát vàng cho tăng đường huyết, để đủ nguyên liệu đường chuyển hóa thức ăn thành máu, mà không bị thiếu máu và không bị thức ăn biến thành mỡ.

BÀI TẬP THỞ 2-CÔNG DỤNG PHƯƠNG PHÁP THỞ PHỒNG-XẸP 1-Giữ nguyên áp huyết không thay đổi thờ 1-1 A-Khi niệm kim cang trì 3 câu Nam Mô A Di Đà Phật, thả lỏng người, bàn tay vẫn đặt ử Đan Điền Thần như BÀI 1 a-Đối với người ngắn hơi : Niệm câu 1 Nam Mô A Di Đà Phật, thì tập cho Đan Điền Thần phồng lên nhẹ cho hết câu 1, bật đầu câu niệm 2 cho Đan Điền Thần xẹp hóp vào, câu 3 lại co phồng lên, câu 1 cho xẹp xuống, câu 2 cho phồng lên, câu 3 cho xẹp xuống b-Đối với người dài hơi, thì câu 1 và 2 niệm cho đan điền thiền phồng- câu 3 và 1 cho đan điền xẹp, ngườo giỏi hơn thì cho 3 câu phồng-3 câu xẹp B-Khi dùng Ý, ngậm miệng, niệm trong đầu cũng theo 3 câu niệm Phật, 1 phồng-1 xẹp, hay 2 phồng-2 xẹp, hay 3 phồng-3 xẹp 2-Muốn làm tăng áp huyết thấp lên ít, phương pháp phồng 2-xẹp 1: Cũng niệm kim cang trì, hay ngậm miệng niệm trong đầu như trên nhưng câu 1 và 2 phông, câu 3 xẹp. 3-Muốn làn hạ áp huyết cao xuống thấp ít , phương pháp phồng 1-rồi buông lỏng không có thì xẹp 4-Muốn làm áp huyết tăng cao nhiều, dùng phương pháp phồng 3-rồi buông lỏng xẹp tự động, rồi lại phồng theo 3 câu niệm, rồi lại buông lỏng 5-Muốm làn hạ áp huyết nhanh dùng phương pháp xẹp 3-rồi buông lỏng không có thì phồng Kiểm chứng kết qủa sau khi tập so sánh với các thông số trước khi tập : Lúc nào công phu tu đường huyết bị tụt mất khoảng 100mg/dl, nếu trước khi công phu hay tập thở mà không đủ đường thì không ngồi tu lâu được, khi cơ thể mất đường, sẽ hụt hơi, mệt, buồn ngủ hôn trầm, bàn tay lạnh, thân nhiệt giảm, nhịp tim bị tụt thấp. Còn bình thường, sau khi tập, bàn tay nóng ắm, tăng thân nhiệt, bàn tay nóng ấm hơn, tăng nhịp tim, tăng pH, còn ạp huyết tâm thu sẽ tăng hay giảm theo mục đích của phương pháp thở, tuy nhiên tâm trương được điều chỉnh khi tâm trương cao do thức ăn không tiêu được chuyển hóa hết thì tâm trương hạ thấp, hay thức ăn trong bao tử lạnh không hấp thụ chuyển hóa thì tâm trương thấp được sẽ nhờ cách thở mà tự động điều chỉnh tăng lên cao hơn.

BÀI TẬP 3. PHẬT THÔNG THIÊN MÔN THEO PHƯƠNG PHÁP CON THOI Vùng trên giữa đỉnh đầu có một cửa vô hình thoát ra ngoài trời gọi là Thiên Môn, Bài học 1 và 2 chúng ta đã tập niệm Nam Mô A Di Đà Phật theo kim cang trì, miệng niệm nhỏ tiếng vừa đủ tai nghe, và tưởng tượng đưa âm thanh và ánh sáng hào quang của Phật vào trong tim, đặt bàn tay nơi đan điền thần để theo dõi kết qủa tập ở nơi mỏm xương ức dưới qủa tim cũng là nơi thu phát thần lực duy trì sự sống của con người giúp chức năng hoạt động của tim luôn khỏe mạnh, làm tan máu mỡ đông hay máu ứ tắc hay mỡ bao tim làm nghẹt gây ra bệnh tim. Theo Tịnh độ, là 1 trong 6 nẻo luân hồi khi cận tử nghiệp đến, sau khi linh hồn thoát ra khỏi cơ thể, thân thể lạnh nhưng có 1 trong 6 điểm còn hơi ấm là nơi linh hồn đầu thai thì linh hồn nào thoát ra từ tim sẽ trở lại làm người, là những người thiện lương giữ 5 giới làm thập thiện. Linh hồn nào thoát ra từ trán sẽ sanh thiên là cõi lành, thoát ra khỏi đỉnh đầu ấm nóng về cõi Phật. Bụng ấm sẽ vào cõi ngạ qủy, Đầu gối ấm vào cõi súc sanh, dưới chân vào cõi địa ngục. Khi huyệt Thiên Môn mở, trường sinh nhân điện gọi là mở Luân Xa 7 với mục đích thu nạp năng lượng vũ trụ mà không biết năng lượng ngoài không gian có rất nhiều tầng năng lượng tốt và xấu ở cõi ta bà của các thiện thần và ác thần và cả ma qủy, ngay cả linh hồn người chết chưa siêu thoát nhập vào, mượn thân xác mình làm nhà trú ngụ ở lại trần gian, các thầy mở luân xa cho đệ tử gặp trường hợp đệ tử bị vong nhập cũng không biết chữa. Nên phải để ý mình được các thầy mở luân xa cho mình ở cảnh giới nào, nếu các thầy còn phá giới, ăn mặn, rượu chè cờ bạc, trai gái, tham sân si, thì luân xa của mình được mở cũng sẽ thuộc cảnh giới đó, còn sức khỏe các thầy còn bệnh thì các thầy lại truyền bệnh cho mình, rất nguy hiểm, từ đó các vong sẽ nhập vào mình. Khác với khí công tịnh độ nhờ tha lực của Phật qua ánh hào quang thông Thiên Môn cho mình khi mình niệm 6 chữ Nam Mô A Di Đà Phật, điểm từ tim gọi là điểm B lên đỉnh đầu khoảng 60cm là điểm từ tim thoát ra, Tưởng tượng điểm trên đỉnh đầu cũng cao 60cm là điểm A. Chúng ta khi niệm 6 chữ, chia điều cho 6 chữ, tưởng tượng từ điểm A niệm chữ Nam Mô A thì bụng phồng lên đưa khí xuống đến tim điểm B, rồi chữ Di Đà Phật từ tim điểm B bụng xẹp xuống lại phóng lên đỉnh đầu điểm A cho tà khí trong người thoát ra. Khí vào-khí ra, hào quang vào, đem tà khí trong người ra, đều đặn theo tiếng niệm Phật, theo phồng-xẹp nơi đan điền thần, tạm gọi là phương pháp con thoi. Khí đan điền thần phồng lên-xẹp xuống, cho hào quang của Phật vào-ra đều theo phương pháp 1-1 thì áp huyết bình thường, tập lâu thỉ bàn tay và thân người tăng nhiệt độ làm ấm nóng lòng bàn tay, và chỉ làm tăng nhịp tim trong lúc tập.Trước khi tập, dùng ngón tay gõ lên Thiên Môn để biết cửa ra vào, khi tập có cảm nhận khí thoát ra, khí đi vào, là Luân Xa đã được Phật mở bằng hào quang của Phật thì không bị tà khí hay vong nhập.


BÀI TẬP 4-TẦM QUAN TRỌNG CỦA THIÊN MÔN THU NẠP NĂNG LƯỢNG HÀO QUANG Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đã dạy, ai niệm Vô Lượng Quang Như Lai Thần Chú sẽ có hào quang của Đức Từ Phụ A Di Đà tụ trên đỉnh đầu, chỉ có nghĩa là dấu hiệu của Phật tử Tịnh độ, nhưng khi cận tử nghiệp đến có vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc được không còn tùy vào thuận duyên hay bị chướng duyên trở ngại do mất trí nhớ để niệm Phật, tai điếc không thể nghe tiếng hộ niệm, do thân thể đau đớn tâm chỉ nghĩ đến chỗ đau, do quyến luyến người thân....những trở ngại này cũng chính là những oan gia, tạo ra lục đạo luân hồi. Cho nên dù có hào quang Phật tụ trên đỉnh đầu mà chưa thông cửa Thiên Môn để huân tập lâu ngày, do mình không biết cách thông Thiên Môn thì cũng chưa bảo đãm vãng sanh về Cực Lạc. Vì nếu cận tử nghiệp mình bị đau ở đâu thì luôn nghĩ về điểm đau, theo khí công tịnh độ, Ý dẫn đầu các phát, ý để tâm ở đâu, thì khí sẽ đến đó, khí đến đâu máu sẽ đến đó, gan chứa máu, tàng hồn, có nghĩa hồn sẽ ở đó, nên đau ở bụng, hồn xuất ra khỏi bụng đọa lvề cõi ngạ qủy, đau ở đầu gối, hồn xuất ra khỏi đầu gối đọa làm súc sanh, đau dưới chân, hồn xuất ra đọa vào địa ngục. Kinh nghiệm theo giáo lý Phật gọi là tâm viên, ý mã, là tâm đi đến đâu, ý theo đến đó tạo ra các pháp lành hay dữ đều do tâm, ý khác là ngoài tâm không có Phật, ý khác nữa là vạn pháp do tâm sanh, vạn pháp do tâm diệt. Do đó khi cận tử nghiệp, thay vì để tâm chạy lăng xăng, thì trụ ý về tim có nghiĩa là vạn pháp do tâm diệt, ngoài tâm không nghĩ đến điểm nào khác thì hồn xuất ra tái sanh làm người. Khác với những ai đã niệm Nam Mô A Di Đà Phật để thông cửa Thiên Môn và dùng Vô Lượng Thọ Thần Chú dẫn hào quang của Phật vào tim đi theo máu tuần hoàn đi nuôi khặc các tế bào toàn thân, các tế bào đều có chứa linh hồn được niệm Phật chung, các chủng tử lành là các tế bào lành được tăng trưởng, các chủng tử xấu bệnh hoạn được hào quang chữa lành không làm cho cơ thể chúng ta bị bệnh,các chủng tử oan gia trong cơ thể muốn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc sẽ theo hơi thở ra của tiếng niệm Phật theo hào quang của Phật xuất ra khỏi Thiên Môn theo Phật về cõi Cực Lạc trước, đến khi chúng ta bỏ thân xác vào lúc cận tử nghiệp đến, thân thể không đau bệnh, linh hồn vẫn tỉnh táo, tự tại xuất ra khỏi Thiên Môn khi Phật và Thánh chúng đến đón. CÁCH TẬP : Trong thời khóa cộng tu hàng ngày, khi niệm Phật, tụng Chú Đại Bi, Chú Vãng Sanh, Chú Vô Lượng Thọ Chân Ngôn, chúng ta đều niệm theo phương pháp con thoi phồng-xẹp ỡ đan điần thần, dẫn khi vào-ra Thiên Môn, vừa tăng cường năng lượng cho cơ thể khỏe mạnh, thân không bệnh tật, tâm hồn tỉnh táo không hôn mê, niệm chú, niệm Phật tiễn đưa các chủng tử oan gia trái chủ theo hào quang của tiếng niệm Phật về Cực Lạc trước, để sau này mình được tự tại theo Phật và Thánh chúng về Cực Lạc sau.


BÀI TẬP 5-PHƯƠNG PHÁP THỞ TỰ ĐỘ VÀ ĐỘ THA Trong thời khóa Cộng tu Khí Công Tịnh Độ, có đọc chú Đại Bi, Chú Vãng Sanh, Vô Lượng Tho Như Lai Thần Chú, và niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật. Nếu miệng chỉ đọc thì cũng giống như mở máy ph́át ra tiếng để nghe thì không phải là khí công tịnh độ, khí công tịnh độ là phải nhắm mắt lắng nghe để dùng ý dẫn khí đưa tiếng niệm vào-ra theo phương pháp con thoi theo 2 mục đích : 1-Phương pháp thở Tự Độ, chỉ đưa các câu chú, câu niệm Phật từ ngoài điểm A vào tim điểm B : Tự độ có nghĩa là đưa tiếng niệm Phật và ánh sáng hào quang của Phật vào tim qua cửa Thiên Môn, để lan tỏa sự gia hộ của Phật đối với các chủng tử tế bào có trong máu đang theo dòng máu tuần hoàn khắp toàn thân. Khi đưa mỗi câu chú, mỗi câu niệm Phật vào cơ thể thì đan điền thần cứ phồng lên từ từ theo từng câu để tích lũy nhiều năng lượng hào quang, để các chủng tử tế bào tiếp nhận, được tu theo tiếng niệm Phật hòa với hơi thở của mình mỗi ngày để cùng nhau tiến hóa 2-Phương pháp thở Độ Tha, chỉ đưa các câu chú, các câu niệm Phật từ tim điểm B ra khỏi cửa Thiên Môn. Trước khi thở Độ Tha, chụ́ng ta nguyện hồi hướng công đức xin Đức Từ Phụ tiếp dẫn cho các vong nhập, ma chướng, nghiệp chướng, oan gia có trong cơ thể theo Phật về Tây Phương Cực Lạc. Cách thở : Khi đưa mỗi câu chú, mỗi câu niệm Phật ra khỏi Thiên Môn thì đan điền thần càng ngày càng xẹp, Có thể thở 1 biến vào là Tự Độ, 1 biến ra là Độ Tha. Hay tập Tự Độ 7 biến, tập Độ Tha 7 biến. Tập mỗi ngày thì các chủng tử tế bào trong cơ thể dần dần cũng trở thành phật tử thiện lành cùng với mình tu mỗi ngày, thì khi báo thân này kết thúc thì cũng được Đức Từ Phụ A Di Đà Phật và thánh chúng tiếp dẫn, không còn bị các chủng tử xấu hay oan gia trái chủ gây bệnh đau đớn, sẽ được an nhiên tự tại vãng sanh. Cách dễ nhất vừa Tự Độ, vừa Độ Tha là : Khi Tự Độ niệm 3 câu Nam Mô A Di Đà Phật vào đan điền thần phồng lên từ từ thu nạp năng lượng hào quang. Khi Độ Tha, niệm 3 câu ra thì đan điền thần từ từ xẹp xuống hết để tiễn đưa các chủng tử tế bào nào muốn theo Phật về Tây Phương Cực Lạc . Ghi chú : Nhiều người theo Nhân Điện được mở luân xa 7 mà bị vong nhập, không biết cách tự chữa, nhờ các thầy Pháp trục vong, hay đóng Luân Xa là một sai lầm lớn, giống như đóng bít lối ra vào cửa Thiên Môn, nhốt cả mình và vong trong cơ thể, và cũng là chặn con đường vãng sanh về Cực Lạc.

BÀI 6 : THÔNG THIÊN MÔN BẰNG Ý với 3 câu niệm Nam Mô A Di Đà Phật, Nhắm mắt cuốn lưỡi đụng lên vòm họng trên, bàn tay dương đặt tại đan điền thần, tai nghe tiếng máy hay tiếng niệm của máy. Câu 1 vào, câu 2 ra, câu 3 vào, câu 1 ra, câu 2 vào, câu 3 ra, câu 1 vào, câu 2 ra, câu 3 vào....cứ 1 câu vào, 1 câu ra.., không cần để ý hơi thở.. Dùng ý dẫn câu 1 từ điểm ngoài đỉnh đầu cao khoảng 0,6m hào quang của Phật phóng xuống huyệt Thiên Môn xuống đan điền thần Dùng ý dẫn câu 2 ra từ đan điền thần lại dẫn qua Thiên Môn lên cao khỏi đ̉nh đầu 0,6m. Dùng ý dẫn câu 3 vào, dùng ý dẫn câu 3 ra,.... Sau khi tập lâu và đều, có cảm giác khí vào trong đầu, đan điền thần và bàn tay ấm nóng, đúng theo lý thuyết đông y khí công là ý đi đến đâu, máu sẽ chạy đến đó, chỗ nào máu chạy đến thì nóng, máu không chạy đến thì lạnh, nên những ai tập mà chưa cảm thấy nóng ắm nơi lòng bàn tay đặt ở đan điền thần là chưa có kết qủa


BÀI 7 : THÔNG THIÊN MÔN BẰNG TIẾNG NIỆM TỪNG CÂU NAM MÔ A DI ĐÀ PHẠT Niệm từng câu nhỏ tiếng tai vừa đủ nghe, không tốn hơi mất sức, gọi là niệm kim cang trì. Trên đỉnh đầu cao khoảng 60cm gọi là điểm A tưởng tượng có 1 đường thẳng chạy qua Thiên Môn nối thẳng với điểm B là nơi bàn tay dương đặt tại Đan Điền Thẩn, ngay dưới mỏm xương ức Niệm câu 1 Nam Mô A Di Đà Phật, ý từ điểm A bắt đầu niệm chữ Nam đi theo đường thẳng xuống điểm B là vừa niệm xong hết 1 câu đi xuống, không chú ý đến hơi thở, mà chú ý tiếng niệm. Niệm câu 2, từ điểm B niệm chữ Nam đi theo đường thắng qua Thiên Môn lên điểm A là hết đến chữ Phật. Niệm câu 3, lại từ điểm A xuống B Trở lại câu 1 từ B lên A, câu 2 từ A xuống B. Cứ 1 câu vào Thiên Môn, 1 câu ra khỏi Thiên Môn, gọi là tập thở thông Thiên Môn, hay tập đóng-mở Thiên Môn, tập lâu dần nhiều ngày thì cửa Thiên Môn nở to rộng dần thì thu hút năng lượng hào quang của Phật vào cơ thể càng nhiều để thanh lọc tế bào cơ thể, tăng hồng cầu, tăng lượng máu , khi dùng câu niệm Phật ra khỏi Thiên Môn thì ý của mình nguyện cho các tế bào oan gia trái chủ trong thân mình theo hào quang của Phật tiếp độ cho các oan gia trái chủ, hay các khí trược thoát ra khỏi cơ thể. Thiên Môn ví như cổ chai, khi trời mưa ví như năng lượng vũ trụ, cổ chai to thì sẽ chứa được nhiều nước, còn cổ chai nhỏ chỉ thu được ít nước. Còn ai không mở được Thiên Môm thì không thu được năng lượng, ví như chai còn đậy nắp, dù có ra hứng nước khi trời mưa, chỉ cảm nhận được nước mưa rơi lộp bộp vào nắp chái, chứ trong chai không chức được giọt nước nào. Nên mọi người lầm tưởng tôi đã được mở luân xa 7, tôi có cảm nhận được năng lượng, nhưng chính sức khỏe mình không có năng lượng để cải thiện, mà lại đi làm thầy chữa bệnh cho người khác bằng năng lượng rồi càng ngay mình cành bị bệnh nặng thêm, thì không phải trong người mình có năng lượng, mà chỉ là bình thông nhau, mình và bệnh nhân chia đều năng lượng, người khỏe thì mất năng lượng, người bệnh yếu thì khỏe hơn trước, mình lại tưởng do mình truyên năng lượng chữa mà bệnh nhân được khoẻ... Trong cơ thể chúng ta có khoảng hơn 40 ngàn tế bào, là những chủng tử có sự sống là có linh hồn, có chủng tử tốt giúp chúng ta khỏe mạnh là những thức ăn thực vật, có chủng tử xấu gây bệnh do từ những thức ăn động vật, khi ăn nhai nuốt chúng vào bụng, mình tưởng tượng như có loại người khổng lồ, nắm người chúng ta trong bàn tay, xé ra từng miếng rồi bỏ vào miệng ăn nhai nuốt, chúng ta đau đớn căm hận muốn trả thù, thì chúng ta sẽ trở thành chủng tử tế bào oan gia chờ cơ hội trả thù khiến cho kẻ đã ăn thịt mình. Khi cận tử nghiệp, lúc lâm chung,, chúng ta dù có tu hành, nhưng không sám hối nghiệp chướng, sám hối các oan gia, không tập đóng mở Thiên Môn thu nạp năng lượng, dân gian gọi là năng lượng vũ trụ bao gồm năng lượng xấu trong vũ trụ, năng lượng của các các thần thiện và ác, khác với khí công tịnh độ, chúng ta thu năng lượng hào quang của Phật A Di Đà để thanh lọc bản thể, thân tâm, cùng khuyến khích oan gia trái chủ hay vong nhập trong thân chúng ta cùng tu chung với chúng ta cải ác theo hào quang của Phật A Di Đà tiếp độ về Tây Phương Cực Lạc trước, đến khi chúng ta bỏ báo thân,, thì thân chúng ta không còn tật bệnh, không hôn mê, hồn thoát ra khỏi đỉnh đầu theo Đức Phật A Di Đà và Thánh Chúng về Tây Phương Cực Lạc. Nếu chúng ta không niệm Phật cầu vãng sanh, không niệm Phật, sám hối các oan gia trái chủ, thì trong giờ phút lâm chung mà bị các oan gia trái chủ trong thân gây ra đau đớn, thì tâm ý chỉ nghĩ đến cái đau, như đau ngực, tái sanh làm người, đau bụng, tái sanh làm ngạ qủy, đau đầu gối tái sanh làm súc sanh, đau dưới chân đọa địa ngục, vì chỉ nghĩ đến cái đau thì ý ở đâu, thì linh hồn sẽ xuất ra ở đó, không còn nghĩ đến Thiên Môn để thoát ra theo Phật về Cực Lạc. Do đó ngày nào tu chúng ta cũng phải tập cho thành thói quen cho thông Thiên Môn.

BÀI 8 :VỪA THÔNG THIÊN MÔN VỪA QUÁN HƠI THỞ PHỒNG-XẸP ĐAN ĐIỀN THẦN THEO TIẾNG NIỆM TỪNG CÂU NAM MÔ A DI ĐÀ PHẠT BÀI 7 là chỉ niệm kim cang trì không quán hơi thở, không có hít vào thở ra gì cả. Bài này khó hơn chia ra 3 giai đọan : Giai đoạn 1 : Chỉ nghe máy niệm từng câu, bàn tay dương đặt tại Đan Điền Thần theo dõi nơi này khi máy bắt đầu niệm câu 1 thì mình hơi phình đan điền thần đẩy bàn tay lên cao khoảng 2-3cm, khi câu 2, thì hóp đan điên thần xẹp xuống 2-3cm, rồi câu 3 lại phồng lên, câu 1 lại xẹp xuống, tập nhiều lần cho quen và đều , không bị mệt hay hụt thiếu hơi, không dùng sức ph̀nh qúa hay xẹp qúa. Khi đã quen, thì sang giai đoạn 2 : Giại đoạn 2 : Bắt đầu máy niệm thì mình niệm theo , nhỏ tiếng vừa đủ nghe, kim cang trì, miệng vừa niệm câu 1 , thì đan điền thần phồng theo, câu 2 thì đan điên thần xẹp theo, câu 3 đan điền thần phồng theo, câu 1 đan điền thần xẹp theo, khi đã quen, sang giai đoạn 3. Giai đoạn 3 : Miệng vừa niệm, câu 1 ý́ tưởng tượng bắt đầu thu năng lượng hào quang của Phật từ điểm A vào đan điền điểm B thì phồng lên từ từ. Niệm câu 2 tưởng tượng tà khí trược khí oan gia theo sức đẩy của đan đìền thần đang xẹp xuống đẩy tà khí trược khí, oan gia theo lên ra khỏi Thiên Môn lên điểm A, rồi đến câu 3 lại thu năng lượng vào phồng đan điền chứa năng lượng, trở lại câu 1 cho đan điền xẹp từ từ đẩy trược khí thoát ra Thiên Môn lên điểm A. Cứ tiếp tục từng câu, vừa niệm câu vào thì phồng đan điền, câu ra thì xẹp đan điền, trong khi miệng vẫn niệm 3 câu theo máy đều đều, không phải là hít vào thở ra, vì đang niệm là hơi ra vào tự động , nhưng quan trọng là tập cho đan điền tự phồng lên chứa năng lượng hào quang, cho đan điền xẹp xuống dẫn trược khí hay oan gia trái chủ ra khỏi Thiên Môn, cứ mỗi ngày niệm cho năng lượng hào quang vào, các chủng tử oan gia trái chủ ra theo hào quang của Phật, lâu dần thì cơ thể chỉ còn toàn là thanh khí, giúp cơ thể khỏe mạnh, Kết qủa da dẻ hồng hào, bàn tay ấm, nhịp tim đều, thông Thiên Môn thì không bị nhức đầu, không bị tẩu hoả nhập ma, không bị tăng áp huyết làm vỡ mạnh máu não gây tê liệt, và tập Khí Công Tịnh Độ thì không bị bệnh tiểu đường.

BÀI 9 THÔNG THIÊN MÔN 3 THÌ :VÀO-NGƯNG-RA Giai đoạn 1 : Dùng Ý ; Nghe tiếng máy niệm 3 câu Nam M̀ô A Di Đà Phật Câu 1 ỵ́ đặt tại điểm A trên cao khỏi đầu 60cm cho câu niệm Phật xuống đến Thiên Môn thì ngưng, tưởng tượng Thiên Môn đang mở giãn to rộng ra Câu 2 Ý giữ câu 2 cho khí tụ ở Thiên Môn, có cảm giác đỉnh đầu hơi nóng và hơi căng, Câu 3, Ý tưởng tượng áp lực khí trong đầu phóng lên điểm A để đẩy nhiệt khí ra khỏi đầu và cửa Thiên Môn khép nhỏ lại Giai đoạn 2 : Vừa dùng Ý vừa niệm nhỏ tiếng kim cang trì, mục địch làm mở rộng Thiên Môn và khép lại Thiên Môn Tập cho quen làm ấm nóng đầu nhưng không làm tăng áp huyết hay làm nhức đầu mới là tập đúng

BÀI 10.TẬP THU- PHÓNG NĂNG LƯỢNG DÙNG Ý VÀ KHÍ. THỞ 3 THÌ. THÌ HÍT VÀO-THÌ NGƯNG-THÌ THỞ RA BẰNG MŨI. Nhắm mắt, cuốn lưỡi lên hàm trên, ngậm miệng, ngửa hai lòng bàn tay đặt trên đùi, nghe tiếng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, khi nghe câu 1 thì hí́t thu năng lượng hào quang của Phật từ điểm A trên đỉnh đầu vào điểm B nơi đan điền thần hơi phồng lên. Câu 2 ngưng không thở để giữ khí tại đan điền thần. Câu 3 thở ra cho đan điền thần xẹp xuống cùng lúc tưởng tượng nghĩ đến lòng bàn tay khí đang thoát ra 5 đầu ngón tay và lòng bàn tay theo hơi thở ra. Như vậy câu 1 hít vào bằng mũi từ ngoài Thiên Môn vào đan điền thần Câu 2, ý nghĩ tại đan điền thần để giữ khí, tụ khí. Câu 3, ý nghĩ đến lòng bàn tay và 5 ngón tay, khi thở ra cũng bằng mũi, tưởng tượng ý đang dẫn câu 3 theo khí thở ra các đầu ngón tay. Trở lại câu 1,hít và thu năng lượng hào quang vào đan điền thần Câu 2 ngưng không thở để giữ tụ khí tại đan điền thần. Câu 3, ý nghĩ đến lòng bàn tay và 5 ngón tay, khi thở ra cũng bằng mũi, tưởng tượng ý đang dẫn câu 3 theo khí thở ra các đầu ngón tay. Tập thời gian lâu, nhiều ngày cho quen. Giai đoạn ngưng thở không được nén khí mà để tự nhiên sẽ không bị tức hơi, nghẹn ngực, và kết qủa, đo nhiệt kế và dùng bút thử điện đo điện từ trường ở lòng bàn tay và 5 đầu ngón tay để kiểm chứng kết qủa xem tập đúng hay sai, thấy nhiệt độ lòng bàn tay và 5 đầu ngón tay 36-37 độ C, điện từ trường 100-600 volt. Đo Thiên Môn, có điện từ trường, nhưng phải có nhiệt độ thấp hơn bàn tay là đúng, nghĩa là khí đi ra lòng bàn tay, ngược lại trên đỉnh đầu nóng hơn là khí đã đi ngược lên Thiên Môn làm tăng áp huyết, nóng nhức đầu là tập sai, thay vì ý nghĩ ở bàn tay cho khí đi xuống thoát ra, thì lại nghĩ ở đỉnh đầu. Theo lý thuyết đông y khí công, ý ở đâu khí đi đến đó, khí đến đâu dẫn máu theo đến đó, thì mục đích bài tập này cho ý dẫn khí xuống tay, chứ không phải cho lên đầu.

BÀI 11.NIỆM PHẬT THU-PHÓNG NĂNG LƯỢNG RA TAY Nhắm mắt, ngửa hai lòng bàn tay đặt trên đùi, nghe tiếng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, và niệm theo nhỏ tiếng tai vừa đủ nghe, niệm câu 1 thì dùng ý thu năng lượng hào quang của Phật từ điểm A trên đỉnh đầu vào điểm B nơi đan điền thần hơi phồng lên. Câu 2 vẫn niệm nhưng giữ khí tại đan điền thần vẫn trong tình trạng đan điền thần đang phồng. Câu 3 miệng vẫn niệm 6 chữ và cho đan điền thần xẹp xuống cùng lúc tưởng tượng nghĩ câu Nam Mô A Di Đà Phật đang tuôn chạy từ 2 cánh tay thoát ra khỏi 5 đầu ngón tay Như vậy câu 1 niệm 6 chữ từ ngoài Thiên Môn vào đan điền thần phồng lên từ từ Câu 2, miệng niệm 6 chữ tụ tại đan điền thần để giữ khí, tụ khí, đan điền thần vẫn trong tình trạng phồng. Câu 3, miệng niệm 6 chữ, tưởng tượng 6 chữ chạy ra 2 cánh tay thoát ra khỏi 5 đầu ngón tay cùng lúc đan điền thần xẹp xuống đưa khi thoát ra 5 đầu ngón tay. Trở lại câu 1, niệm 6 chữ thu năng lượng hào quang vào đan điền thần cho phồng lên từ từ Câu 2 niệm 6 chữ tại đan điền thần vẫn đang phồng. Câu 3, niệm 6 chữ tưởng tượng đan điền thần xẹp xuống từ từ cho 6 chữ theo ra 2 cánh tay chạy thoát ra 5 đầu ngón tay . Kiểm chứng : Đo Thiên Môn, có điện từ trường, nhưng phải có nhiệt độ thấp hơn bàn tay là đúng, nghĩa là khí đi ra lòng bàn tay, ngược lại trên đỉnh đầu nóng hơn là khí đã đi ngược lên Thiên Môn làm tăng áp huyết, nóng nhức đầu là tập sai, thay vì ý nghĩ ở bàn tay cho khí đi xuống thoát ra, thì lại nghĩ ở đỉnh đầu. Theo lý thuyết đông y khí công, ý ở đâu khí đi đến đó, khí đến đâu dẫn máu theo đến đó, thì mục đích bài tập này cho ý dẫn khí xuống tay, chứ không phải cho lên đầu. Bài 10 chỉ dùng Ý chứ không niệm, bài 11 phải niệm theo, tập thu và phóng năng lượng ra tay cho quen, và dùng năng lượng hào quang của Phật A Di Đà để thanh lọc khí trược trong cơ thể đã gây bệnh cho các tế bào cơ thể bị đẩy ra khỏi bàn tay khi cơ thể bị nhiễm bệnh do môi trường thời tiết hay do thức ăn nhiễm độc hại.

BÀI 12.NIỆM PHẬT DÙNG Ý THANH LỌC TÀ KHÍ THÔNG NGŨ TẠNG Nhắm mắt, ngửa hai lòng bàn tay đặt trên đùi, miệng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, nhỏ tiếng tai vừa đủ nghe theo máy niệm, niệm 3 câu thì dùng ý thu năng lượng hào quang của Phật từ điểm A trên đỉnh đầu vào điểm B nơi đan điền thần GỌI LÀ TÂM HỎA. Không cần chú ý đến hơi thở phồng-xẹp đan điền. Theo ngũ hành tạng phủ tương sinh của đông y, tâm hỏa sinh Tỳ Vị thổ, thổ sinh phế kim, kim sinh thận thủy, thủy sinh gan mộc, mộc sinh tâm hỏa, là xong một vòng ngũ hành trở về tâm hỏa. Miệng niệm 3 câu Nam Mô A Di Đà Phật, dùng ý dẫn năng lượng hào quang từ ngoài Thiên Môn vào đan điền thần, cảm nhận đan điền ấm nóng, niệm tiếp 3 câu ý lại dẫn năng lượng xuống bao tử, giữa bụng, huyệt Trung Quản, cảm nhận bao tử ấm nóng, niệm 3 câu khác ý lại nghĩ đến 2 hõm vai, 2 huyệt Trung Phủ hai bên phổi, cảm nhận ấm nóng, niệm 3 câu khác ý lại nghĩ đến 2 qủa thận sau lưng, cảm nhận 2 qủa thận vùng lưng dưới ấm nóng, niệm 3 câu khác, ý nghĩ đến vùng gan dưới bẹ sườn bên phải, cảm nhận gan ấm nóng, rồi niệm 3 câu khác, ý lại đưa năng lượng hào quang về đan điền thần, là thông ngũ tạng được 1 vòng. Niệm Phật thông 3 vòng ngũ tạng, rồi dùng niệm Nam Mô A Di Đà Phật nhiều lần tưởng tưởng đưa ra 2 cánh tay cho khí ra 2 bàn tay thoát khỏi 5 đầu ngón tay, cảm nhận khí đang thoát ra đầu ngón tay theo từng câu niệm Phật. Rồi ḷại tập lần 2 hay nhiều lần đi 3 vòng ngũ tạng rồi lại cho tà khí phóng ra 5 đầu ngón tay. Bài này cũng là bài thu-phóng năng lượng, nhưng trước khi phóng ra khỏi cơ thể thì dùng năng lượng hào quang để thông khí huyết ngũ tạng thanh lọc trước khi phóng ra khỏi 5 ngón tay


BÀI 13.NIỆM PHẬT DÙNG Ý BỔ-TẢ TẠNG BỆNH
Nhắm mắt, ngửa hai lòng bàn tay đặt trên đùi, miệng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, nhỏ tiếng tai vừa đủ nghe theo máy niệm, niệm 3 câu thì dùng ý thu năng lượng hào quang của Phật từ điểm A trên đỉnh đầu vào điểm B nơi đan điền thần GỌI LÀ TÂM HỎA. Không cần chú ý đến hơi thở phồng-xẹp đan điền.
Theo ngũ hành tạng phủ tương sinh của đông y, tâm hỏa sinh Tỳ Vị thổ, thổ sinh phế kim, kim sinh thận thủy, thủy sinh gan mộc, mộc sinh tâm hỏa, là xong một vòng ngũ hành trở về tâm hỏa.
BỔ TẠNG HƯ :
Theo đông y hư thì bổ mẹ, thí dụ tỳ vị thuộc thổ hư yếu, ăn không tiêu, hư gọi là con hư, thì phài bổ mẹ của thổ là tâm hỏa, nơi đan điền thần.
Bổ bao tử, tỳ vị , đưa năng lượng hào quang vào đan điền thần liên tục.:
Khi chúng ta niệm Nam Mô A Di Đà Phật đưa năng lượng hào quang vào đan điền thần thuộc tâm hỏa là mẹ của tỳ vị thổ, nên tỳ vị thổ khỏe mạnh, sẽ hấp thụ và chuyển hóa thức ăn thành máu.
Bổ phế kim,

Miệng niệm 3 câu Nam Mô A Di Đà Phật, dùng ý dẫn năng lượng hào quang từ ngoài Thiên Môn vào đan điền thần, cảm nhận đan điền ấm nóng, niệm tiếp 3 câu ý lại dẫn năng lượng xuống bao tử, giữa bụng, huyệt Trung Quản, cảm nhận bao tử ấm nóng, niệm 3 câu khác ý lại nghĩ đến 2 hõm vai, 2 huyệt Trung Phủ hai bên phổi, cảm nhận ấm nóng, niệm 3 câu khác ý lại nghĩ đến 2 qủa thận sau lưng, cảm nhận 2 qủa thận vùng lưng dưới ấm nóng, niệm 3 câu khác, ý nghĩ đến vùng gan dưới bẹ sườn bên phải, cảm nhận gan ấm nóng, rồi niệm 3 câu khác, ý lại đưa năng lượng hào quang về đan điền thần, là thông ngũ tạng được 1 vòng.
Niệm Phật thông 3 vòng ngũ tạng, rồi dùng niệm Nam Mô A Di Đà Phật nhiều lần tưởng tưởng đưa ra 2 cánh tay cho khí ra 2 bàn tay thoát khỏi 5 đầu ngón tay, cảm nhận khí đang thoát ra đầu ngón tay theo từng câu niệm Phật.
Rồi ḷại tập lần 2 hay nhiều lần đi 3 vòng ngũ tạng rồi lại cho tà khí phóng ra 5 đầu ngón tay.
Bài này cũng là bài thu-phóng năng lượng, nhưng trước khi phóng ra khỏi cơ thể thì dùng năng lượng hào quang để thông khí huyết ngũ tạng thanh lọc trước khi phóng ra khỏi 5 ngón tay

Theo quy luật con hư bổ mẹ, hay bổ mẹ để chữa bệnh con hư, thì chức năng của bao tử là thổ luôn luôn suy yếu khi chúng ta ăn thức ăn sai, ăn nhiều không tiêu, không chuyển hóa thức ăn thành chất bổ máu thì sẽ chuyển hóa thành mỡ, khi khám tây y sẽ có kết qủa cao cholesterol, khi thứ ăn hàn lạnh luôn làm cho nhịp tim thấp dưới 70 thì bao tử bị hàn lạnh, sẽ bị máu đông, mỡ đặc làm nghẽn mạch tim, tắc động mạch vành gây ra nhiều dấu hiệu của bệnh suy tim mạch, hay ngược lại ăn nhiều thức ăn cay nóng, làm nhịp tim tăng cao trên 80, gây ra cao áp huyết làm đứt mạch máu não, hay nhồi máu cơ tim...
Do đó cần phải tập niệm Nam Mô A Di Đà Phật thanh lọc thông ngũ tạng nhiều vòng, khi vòng cuối muốn dừng nghỉ thì ngưng tại đan điền thần, thì năng lượng hào quang của Phật giúp chức năng hoạt động của tim mạnh là bổ tâm hỏa, tâm hỏa sẽ nuôi con là tỳ vị thổ mạnh để chuyển hóa thức ăn thành chất bổ máu nuôi các tế bào cơ thể khỏe mạnh
Cách tập :
Niệm câu 1 thu năng lượng hào quang vào đan điền phồng lên, câu 2, niệm câu 2 xẹp đan điền, ý đươa xuống giữa bụng là bao tử, niệm câu
Câu 2 vẫn niệm nhưng giữ khí tại đan điền thần vẫn trong tình trạng đan điền thần đang phồng.
Câu 3 miệng vẫn niệm 6 chữ và cho đan điền thần xẹp xuống cùng lúc tưởng tượng nghĩ câu Nam Mô A Di Đà Phật đang tuôn chạy từ 2 cánh tay thoát ra khỏi 5 đầu ngón tay
Như vậy câu 1 niệm 6 chữ từ ngoài Thiên Môn vào đan điền thần phồng lên từ từ
Câu 2, miệng niệm 6 chữ tụ tại đan điền thần để giữ khí, tụ khí, đan điền thần vẫn trong tình trạng phồng.
Câu 3, miệng niệm 6 chữ, tưởng tượng 6 chữ chạy ra 2 cánh tay thoát ra khỏi 5 đầu ngón tay cùng lúc đan điền thần xẹp xuống đưa khi thoát ra 5 đầu ngón tay.
Trở lại câu 1, niệm 6 chữ thu năng lượng hào quang vào đan điền thần cho phồng lên từ từ
Câu 2 niệm 6 chữ tại đan điền thần vẫn đang phồng.
Câu 3, niệm 6 chữ tưởng tượng đan điền thần xẹp xuống từ từ cho 6 chữ theo ra 2 cánh tay chạy thoát ra 5 đầu ngón tay .
Kiểm chứng :
Đo Thiên Môn, có điện từ trường, nhưng phải có nhiệt độ thấp hơn bàn tay là đúng, nghĩa là khí đi ra lòng bàn tay, ngược lại trên đỉnh đầu nóng hơn là khí đã đi ngược lên Thiên Môn làm tăng áp huyết, nóng nhức đầu là tập sai, thay vì ý nghĩ ở bàn tay cho khí đi xuống thoát ra, thì lại nghĩ ở đỉnh đầu.
Theo lý thuyết đông y khí công, ý ở đâu khí đi đến đó, khí đến đâu dẫn máu theo đến đó, thì mục đích bài tập này cho ý dẫn khí xuống tay, chứ không phải cho lên đầu.
Bài 10 chỉ dùng Ý chứ không niệm, bài 11 phải niệm theo, tập thu và phóng năng lượng ra tay cho quen, và dùng năng lượng hào quang của Phật A Di Đà để thanh lọc khí trược trong cơ thể đã gây bệnh cho các tế bào cơ thể bị đẩy ra khỏi bàn tay khi cơ thể bị nhiễm bệnh do môi trường thời tiết hay do thức ăn nhiễm độc hại.
admin
Site Admin
 
Bài viết: 6821
Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 4 17, 2011 12:18 am

Re: TÔI TU TỊNH ĐỘ

Gửi bàigửi bởi admin » Thứ 2 Tháng 8 28, 2023 2:01 pm

NIỆM NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT NGUYỆN SANH TÂY PHƯƠNG
https://youtu.be/ZSMnnHPWBXc
admin
Site Admin
 
Bài viết: 6821
Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 4 17, 2011 12:18 am

Trang trước

Quay về Địa Điểm Khí Công Y Đạo VN

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến12 khách