Chữa bệnh bằng chuột lang
Người da đỏ ở Nam Mỹ phục hồi sức khỏe bằng những phương pháp kỳ lạ khiến ta phải bật cười hoặc ngạc nhiên. Thế nhưng họ lại sống lâu hơn chúng ta và ít ốm đau hơn. Tại sao vậy?
Có rất nhiều người ngồi chờ đợi đến lượt mình được khám bệnh. Đàn bà thì đội mũ nồi, mặc áo váy có thêu ren ở cạp, đàn ông thì khoác những tấm vải sặc sỡ, trầm ngâm nhai thuốc lá. Họ cầm trên tay những bức tượng Chúa nhỏ nhắn sẫm màu. Thầy lang không lấy tiền. Các con bệnh mang đến trứng gà, khoai tây, ngô và... những con chuột lang còn sống được gọi bằng một cái từ khó hiểu là “Cui”. Những con chuột lang này hoàn toàn không phải dùng để làm quà tặng cho thầy lang mà dùng để chữa bệnh. Người da đỏ ở Peru và Bolivia thực lòng coi những con vật này là một thứ Xquang có khả năng nhìn thấu nhiều chứng bệnh khác nhau.
Viên thuốc bọc đường tai họa
Người da đỏ thuộc các bộ lạc xa xưa là những con người phức tạp – GS. Ernesto Lasalie của Trường đại học y khoa ở La Paz (Bolivia) giải thích. Họ hầu như không đến khám bệnh ở chỗ các thầy thuốc châu Âu mà thích đến chỗ các thầy lang bản địa vốn chữa bệnh theo kiểu dân gian. Một là, phương pháp điều trị hiện đại đối với họ tốn rất nhiều tiền, và, hai là, họ tín nhiệm các thầy lang hơn. Theo con số thống kê thì 95% dân chúng ở nông thôn đến chữa bệnh ở chỗ thầy lang.
Cách chẩn bệnh của thầy lang trông bề ngoài thật kỳ quặc khiến những người bình thường muốn bỏ chạy. Thoạt tiên thân thể của bệnh nhân được rửa bằng một thứ thuốc sắc đặc biệt pha chế từ hoa, sau đó, suốt trong hai tiếng đồng hồ, thầy lang dùng con chuột lang (mà dứt khoát phải có bộ lông đen) chà xát mạnh lên khắp cơ thể người bệnh. Trong lúc đó, người bệnh cầm trong tay cây thánh giá và lẩm nhẩm cầu kinh: những cảnh này thường gặp ở Nam Mỹ là nơi đạo Thiên Chúa gắn kết khăng khít với các tín ngưỡng đa thần giáo. Người ta cho rằng mọi vấn đề sức khỏe của con người nhất thiết phải được phản ánh trên cơ thể con vật chịu nhiều đau khổ. Nếu như tình hình sức khỏe của con bệnh rất xấu thì đến cuối buổi khám bệnh, con chuột lang sẽ chết. Sau liệu pháp này, thầy lang lột da con vật bất hạnh và căn cứ vào tình hình nội tạng của nó mà xác định xem người đó mắc bệnh gì. Những cơ quan có vấn đề (chẳng hạn tim hoặc dạ dày) thì ắt được che phủ bằng những mảng phù thũng hoặc bầm tím. Xuất phát từ đó, thầy lang kê đơn cho bệnh nhân bằng những cây thuốc có tại địa phương.
Ngay từ thời đế chế Incơ cổ đại, chuột lang được xem là một thứ “Xquang” độc đáo – GS. Lasalie nói: Các vị tư tế đã gọi loài gặm nhấm là “món quà của rừng núi linh thiêng”. Con vật này cũng được sử dụng trong các nghi lễ thần bí, kể cả việc bói toán về tương lai. Theo cách nhìn thông thường thì đúng là ở thời buổi ngày nay mà đi mua chuột lang đen chứ không đi chụp Xquang là một điều kỳ quặc. Con vật cũng được đặt lên cơ thể khi dạ dày có vấn đề vì người ta cho rằng nó làm giảm đau. Ngoài ra, việc dùng chuột lang để mát-xa cũng chữa được chứng loạn thần kinh chức năng. Chúng tôi cố thuyết phục dân chúng áp dụng phương pháp điều trị thông thường (ở Bolivia có nhiều bác sĩ Cuba đến làm việc, họ được coi là những thầy thuốc giỏi nhất châu Mỹ Latinh) song điều này thường là vô ích. Chẳng hạn nếu người da đỏ bị sốt rét thì không cách gì có thể ép họ uống viên thuốc Tây y bọc đường, bởi lẽ họ tin chắc rằng chỉ có vị thật đắng mới xua đuổi được các hung thần.
Không biết đến ung thư và nhồi máu
Chính người da đỏ đã giải thích việc không chấp nhận nền y học hiện đại một cách đơn giản – họ không cần đến nó. Có thể điều đó quả là như thế. Bởi lẽ các bộ lạc da đỏ cư trú trên hai bên bờ sông Amazon và các làng mạc ở chân núi Ande không có những vấn đề về sức khỏe mà dân cư ở các thành phố lớn gặp phải. Chẳng hạn trên thực tế, họ không mắc các chứng bệnh ung thư, họ rất ít khi bị đau tim, họ không biết thế nào là bệnh hen. Tuổi thọ trung bình của người da đỏ dài hơn 7 năm so với những người sống trong các đô thị lớn. Mặc dù dân đồng rừng Amazon không sống trong khách sạn 5 sao và nguy cơ mắc bệnh sốt rét nhiệt đới hoặc bị báo tấn công là rất lớn.
Nói chung thì bí quyết thật đơn giản – GS. Ernesto Lasalie khẳng định. Và nó hoàn toàn không phải ở phép màu nhiệm của chuột lang. Trên bờ sông Amazon không có những nhà máy hóa chất, không có hàng triệu xe ô tô, ở đây không ai bị đuổi việc, không tồn tại stress và sự trầm uất vốn rút ngắn cuộc đời con người. Cộng thêm vào đó là những cánh rừng rậm Amazon – kho báu vô tận của những cây thuốc, một phòng dược hoang dã thực thụ. Mỗi người dân da đỏ từ nhỏ đã biết cần phải nhai thứ lá gì để giảm đau, bông hoa gì phòng ngừa được bệnh sốt rét, nước thuốc sắc từ cây gì có chứa kháng sinh. Có thứ cây cho ta chất iốt dùng để khử trùng vết thương, nhựa của một số cây leo có khả năng diệt khuẩn trong nước để có thể uống được. Hiện nay các nhà khoa học phương Tây đang nghiên cứu cây cọ nước. Trong vỏ của nó có loại chế phẩm có khả năng củng cố chất miễn dịch; người da đỏ nhai thứ xơ này để tránh bệnh sởi do những người chinh phạt Tây Ban Nha đem đến từ châu Âu.
Tại chợ thuốc đông dược nổi tiếng ở thủ đô La Paz của Bolivia, các bà lão da đỏ bán những thứ thuốc làm ta phát khiếp, khiến cho nền y học cổ truyền Trung Hoa cũng phải chào thua. Sản phẩm chủ yếu là thai lạc đà đã được sấy khô hoàn toàn.
Người ta cho rằng nếu như chôn xác con vật xuống dưới nền của một ngôi nhà mới thì các thành viên trong gia đình đó ít bị ốm đau. Không một ngôi nhà nào trong thành phố được xây cất mà lại thiếu cái thứ “bùa” cần thiết ấy. Ngoài ra, người ta treo móng lạc đà ở phía trên giường của đứa trẻ sơ sinh, nó tránh cho trẻ những cơn ác mộng ban đêm. Phổ biến nhất là những cái hộp xinh xắn được nhuộn màu mà trong đó người ta chôn những con chuột lang đã chết một cách “anh dũng” trong quá trình chẩn bệnh. Theo tín ngưỡng của người da đỏ thì căn bệnh mà họ nhiễm phải có thể lan sang người khác, bởi vậy chuột lang phải được chôn ở một nơi riêng biệt, dưới độ sâu đáng kể. Không được thương tiếc những con chuột lang tội nghiệp. Với chúng ta, chúng là những con vật đáng yêu nuôi trong nhà, nhưng ở Peru và Bolivia – chúng chỉ là phương tiện chữa bệnh.
Giải thích cho người da đỏ về thuốc kháng sinh, aspirin và paracetamol là hoàn toàn vô ích. Chúng ta coi những cách điều trị của họ là lỗi thời, là không khoa học. Song họ không quan tâm tới điều ấy. Thế nhưng họ ít ốm đau hơn chúng ta và sống lâu hơn. Thật khó mà tranh cãi với luận cứ này.
Lê Sơn (Theo “A&F”)