Những xét nghiệm máu cần biết

Nơi giúp đỡ lẫn nhau trau giồi kiến thức.

Những xét nghiệm máu cần biết

Gửi bàigửi bởi admin » Thứ 4 Tháng 8 24, 2016 8:31 pm

Âm tính hay dương tính

Là khái niệm dùng để chỉ kết luận một xét nghiệm hay một nghiệm pháp có tính chất định tính (Tức là có - Dương tính, hay không - âm tính) một dấu hiệu, đặc điểm, chất ... nào đó. Như vậy ý nghĩa của âm tính hay dương tính nó phụ thuộc vào loại xét nghiệm gì, nghiệm pháp gì mà nó là "Có bệnh" hay "Không bệnh", "Tốt" hay "Xầu". 

Xét nghiệm HbsAg trong viêm gan B thì không ai muốn kết quả dương tính cả. Nhưng xét nghiệm tìm kháng thể chống lại virus viêm gan (Người ta hay làm để kiểm tra hiệu quả của tiêm vacxin) thì người ta lại mong muốn nó dương tính (Để chứng tỏ người đó có khả năng chống lại virus viêm gan). Cũng như vậy một người phụ nữ mong có con mà đi thử thai nếu cho kết quả dương tính thì đó là niềm hạnh phúc của họ. Nhưng nếu người đó chưa có gia đình thì có lẽ kết quả dương tính sẽ là bất hạnh. 

Cách để Xác định Nhóm máu Dương tính và Âm tính

Biết được nhóm máu của mình là một điều quan trọng, đặc biệt nếu bạn là người hay phải truyền máu hoặc đang muốn mang thai. Hệ thống nhóm máu ABO phân loại các nhóm máu khác nhau bằng các chữ cái A, B, AB và O. Máu của bạn cũng có yếu tố Rhesus hay Rh, yếu tố này có thể dương tính hoặc âm tính. Bạn được thừa hưởng nhóm máu và yếu tố Rh từ bố mẹ mình.  Để xác định yếu tố Rh, hãy tìm hiểu về yếu tố Rh của bố mẹ bạn để có thêm thông tin. Bạn cũng có thể làm xét nghiệm máu tại phòng khám.

Sử dụng Thông tin có sẵn để Xác định Yếu tố Rh

1-Hiểu về những yếu tố quyết định yếu tố Rh của bạn. 
Trong tế bào hồng cầu của bạn, yếu tố Rh là một loại protein mà bạn được hoặc không được kế thừa từ cha mẹ bạn. Bạn thuộc nhóm Rh dương tính nếu bạn có loại protein này. Còn nếu bạn không có loại protein này, bạn thuộc nhóm Rh âm tính.
Những người có yếu tố Rh thì có nhóm máu dương tính như A+, B+, AB+, hay O+. Những người không có yếu tố Rh thì có nhóm máu âm tính ví dụ A-, B-, AB-, hay O-.
Đa số mọi người có yếu tố Rh trong máu.


2-Kiểm tra biểu đồ sức khỏe của bạn
Nếu có thể thì khi xét nghiệm máu hãy kiểm tra cả yếu tố Rh trong máu bạn. Hỏi bác sĩ của bạn xem liệu họ có thông tin nhóm máu của bạn trong hồ sơ không. Nếu bạn hay phải truyền máu, thì có lẽ nhóm máu của bạn đã được ghi lại. Tương tự như vậy nếu bạn đi hiến máu.
Nếu bạn có yếu tố Rh dương tính trong máu, bạn có thể tiếp nhận cả nhóm máu Rh+ hoặc Rh- khi được truyền máu. Còn nếu bạn có nhóm máu Rh-, bạn chỉ có thể tiếp nhận nhóm máu Rh  (trừ những trường hợp cấp cứu có thể nguy hiểm đến tính mạng, bạn cần tiếp nhận cả nhóm máu Rh+).


3-Tìm hiểu về yếu tố Rh của bố mẹ bạn. 
Hỏi bố mẹ bạn về nhóm máu của họ. Bạn có thể xác định nhóm máu Rh của mình thông qua việc phân tích nhóm máu của bố mẹ.  Nếu cả bố và mẹ bạn có nhóm máu Rh-, rất có thể bạn sẽ có nhóm máu Rh- (trừ một số ngoại lệ ở phía dưới). Nếu mẹ bạn có nhóm máu Rh âm và bố bạn có nhóm máu Rh dương (hoặc ngược lại), bạn có thể có nhóm máu Rh dương hoặc âm. Trong trường hợp này, bạn sẽ cần xét nghiệm cụ thể hơn bởi bác sĩ tại phòng thí nghiệm hoặc trung tâm huyết học. Cũng cần lưu ý rằng dù bố mẹ bạn đều thuộc nhóm máu Rh+, bạn vẫn có thể thuộc nhóm máu Rh-.
Vì mỗi người có nhóm máu dương tính có thể sở hữu cả hai gen Rh dương (Rh+/Rh+) hoặc một gen Rh dương và một gen Rh âm (Rh+/Rh-), do vậy có trường hợp cả bố và mẹ đều có nhóm máu dương tính nhưng con lại có nhóm máu âm tính.


Làm Xét nghiệm Nhóm máu

1-Hỏi bác sĩ về việc xét nghiệm nhóm máu. 
Nếu bố mẹ của bạn có nhóm máu Rh khác nhau (hoặc bố mẹ bạn đều có nhóm máu dương tính và bạn muốn chắn chắn rằng mình có nhóm máu dương tính), bạn có thể đề nghị tiến hành xét nghiệm nhóm máu. Thủ tục lấy máu khá nhanh và không đau lắm. Bạn có thể về nhà ngay sau đó.

2-Làm xét nghiệm máu. 
Bác sĩ hoặc y tá sẽ làm sạch phía trong cùi chỏ hoặc cổ tay của bạn bằng băng khử trùng. Y tá sẽ xác định tĩnh mạch dễ lấy máu nhất tại khu vực này. Sau khi buộc garô tại phần cánh tay phía trên của bạn để giữ máu lại, y tá sẽ đâm kim tiêm vào tĩnh mạch của bạn. Kim tiêm thường kết nối với xi lanh, phần lấy máu của bạn ra. Một khi đã lấy đủ lượng máu cần thiết, y tá sẽ đưa kim tiêm ra và ấn nhẹ vào phần vừa bị tiêm bằng bông vô trùng. Sau đó, bạn sẽ được băng chỗ đó lại. Tiếp theo, y tá sẽ đánh dấu mẫu của bạn và gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra.
Bác sĩ thường lấy mẫu máu của trẻ em ở mu bàn tay.
Nếu bạn cảm thấy mình sắp ngất, hãy nói với y tá. Họ sẽ giúp bạn nằm xuống.
Bạn có thể cảm thấy đau, nhói, hoặc đau nhẹ khi y tá đâm kim. Sau khi lấy máu, bạn có thể bị thâm tím vùng bị châm kim. Cơn đau này thường không kéo dài.


3-Kiểm tra mẫu máu. 
Tại phòng thí nghiệm, chuyên gia kỹ thuật sẽ kiểm tra yếu tố Rh trong mẫu máu của bạn. Họ sẽ kết hợp mẫu máu của bạn với huyết thanh kháng Ph. Nếu tế bào của bạn đông lại, bạn có nhóm máu Rh+. Ngược lại, nếu tế bào của bạn không đông lại, bạn có nhóm máu Rh-.
Phòng thí nghiệm cũng có thể kiểm tra nhóm máu của bạn theo hệ ABO trong quá trình này.


4-Nhận thức được tầm quan trọng của kết quả. 
Lưu thông tin về nhóm máu của bạn tại một nơi an toàn và chia sẻ thông tin này với những người nằm trong danh sách liên lạc khẩn cấp của bạn. Bạn sẽ cần thông tin này nếu bạn phải truyền máu hoặc ghép tạng. Thêm vào đó, nếu bạn chuẩn bị mang thai thì việc biết nhóm máu Rh của bạn rất quan trọng.


5-Hãy đề phòng những rủi ro khi mang thai. 
Nếu bạn là phụ nữ và có nhóm máu Rh-, bạn đời của bạn cần phải làm xét nghiệm yếu tố Rh. Nếu bạn có nhóm máu Rh- và anh ấy có nhóm máu Rh+, bạn có thể sẽ gặp phải trường hợp không tương thích yếu tố Rh. Điều này có nghĩa là nếu con của bạn kế thừa nhóm máu Rh+ từ bố, kháng thể của bạn có thể tấn công tế bào hồng cầu của đứa trẻ. Điều này dẫn đến việc thiếu máu trầm trọng và đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Trong suốt quá trình mang thai, nếu bạn có nhóm máu Rh-, bạn cần kiểm tra máu để xem liệu cơ thể bạn có sản sinh ra kháng thể chống lại nhóm máu Rh+ hay không. Lần kiểm tra thứ nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ và lần thứ hai sẽ diễn ra vào tuần thứ 28 của thai kỳ. Nếu kháng thể không xuất hiện, bạn sẽ được tiêm huyết thanh miễn dịch Rh. Mũi tiêm này sẽ ngăn cơ thể bạn sản sinh ra những kháng thể nguy hiểm chống lại con bạn.
Nếu cơ thể bạn sản sinh ra kháng thể chống lại nhóm máu Rh+, bạn không thể tiêm huyết thanh miễn dịch Rh. Thay vào đó, bác sĩ của bạn sẽ theo dõi sát sao sự phát triển của đứa trẻ. Trước hoặc sau khi sinh, đứa trẻ sẽ được truyền máu.
Một khi đứa trẻ được sinh ra, bác sĩ có thể kiểm tra nhóm máu Rh của trẻ. Nếu trẻ có cùng nhóm máu Rh của bạn, bạn không cần tiếp tục điều trị. Nếu bạn thuộc nhóm Rh- nhưng con bạn thuộc nhóm Rh+, bạn sẽ phải tiêm thêm một liều huyết thanh miễn dịch Rh nữa.

Bệnh Viện dùng que test giả biến bệnh nhân âm tính thành dương tính viêm gan B?

Nhận kết quả dương tính với HBsAg (vi rút viêm Gan B), bệnh nhân V.T.D vô cùng hoang mang. Sau khi làm lại xét nghiệm ở BV khác, ông quyết định quay lại BV Thể thao Việt Nam làm rõ vụ việc.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin ngày 28/5, gần một tháng sau khi diễn ra việc xét nghiệm ở hai BV cho ra hai kết quả ngược nhau, ông V.T.D. cho biết: “Sau khi quay lại bệnh viện Thể Thao Việt Nam, tôi tìm cách chụp lại được những que thử được sử dụng ở bệnh viện này rồi đem đi hỏi người có hiểu biết về ngành y.
Người ta bảo với tôi đây không phải là test chuẩn, không đáp ứng tiêu chuẩn của Sở Y tế. Khả năng cao là que test của Trung Quốc”.
Kết quả xét nghiệm máu của ông V.T.D (Hà Đông, Hà Nội) tại BV Thể thao Việt Nam cho ra kết quả dương tính với HBsAg (vi rút Viêm gan B)
Ông D. sau đó đã liên lạc với ban Giám đốc bệnh viện. Một cuộc họp giữa ban giám đốc, ông D. và người phụ trách kho, chuyên môn giữ test được tiến hành ngay sau đó.
Khi nhìn bức ảnh về que thử của ông D., TS.BS Võ Tường Kha, Phó Giám đốc bệnh viện khẳng định đây không phải là que test được sử dụng trong bệnh viện.
Loại test mà BV sử dụng là que test của Hàn Quốc. BS Kha khẳng định que test mà anh D. chụp là test giả, tuy nhiên không lý giải được vì sao lại được sử dụng trong bệnh viện, ai là người đưa test giả vào sử dụng cho bệnh nhân.

Ông D. đề nghị bệnh viện phải kiểm tra lại nhân viên, đặc biệt là nhân viên phụ trách phòng khám khoa huyết học.
“Bác sỹ Kha đã hứa với tôi sẽ tìm đúng người, đúng bệnh, xử đúng pháp luật người đã đưa que thử giả vào bệnh viện, tuy nhiên từ thời điểm đó đến giờ đã hơn nửa tháng trôi qua, tôi vẫn chưa nhận được phản hồi gì thêm từ phía bệnh viện.

Trong thời gian này, tôi cũng đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho bác sỹ Kha để hỏi về tình hình vụ việc, nhưng cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có gì mới”, ông D. bức xúc.
Ông này cũng cho biết thêm, sở dĩ ông muốn đi đến cùng vụ việc với mong muốn sẽ không có thêm người nào phải nhận thêm một “giấy báo tử giả” tương tự như của mình nữa.
Được biết, giá que test thử của Trung Quốc và loại test đang được chính thức sử dụng trong các bệnh viện công hiện nay có giá chênh lệch khá lớn.
Như báo Người Đưa Tin đã đưa ra trước đó, ngày 4/5, ông V.T.D ở Hà Đông, Hà Nội có đi làm xét nghiệm HIV và HBsAg tại BV Thể thao Việt Nam.
Kết quả xét nghiệm tại BV này cho thấy ông V.T.D dương tính với HBsAg và âm tính với HIV. Quá lo sợ, ông D. đã đi làm xét nghiệm ở BV Đa khoa Medlatec ở Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội.
Tại đây, kết quả xét nghiệm máu của ông D. lại là âm tính cả với HBsAg và HIV. Trong cùng một ngày, kết quả xét nghiệm máu của một người tại hai bệnh viện lại trái ngược nhau khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về sự minh bạch trong việc sử dụng các thiết bị y tế tại BV công- ở đây là BV Thể thao Việt Nam.
Vi Hậu- Đỗ Huệ

Kiểm tra định lượng HBV-DNA

Là một xét nghiệm kiểm tra viêm gan B tiên tiến nhất tại nước ta đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm tra viêm gan B. Phát hiện HBV-DNA lâm sàng là áp dụng để chuẩn đoán tình hình hoạt động và số lượng virus viêm gan B để bác sĩ cân nhắc điều trị

Xét nghiệm HBV-DNA là gì?

- Virus viêm gan B có phần lõi của nó là DNA tức là acid nhân chứa đựng các thông tin di truyền của virus.
- Virus viêm gan B một khi nhân bản hoàn chỉnh thì sẽ tạo được một virus hoàn chỉnh tức là bên trong phần vỏ của nó (đó là kháng nguyên vỏ hay kháng nguyên bề mặt HBsAg) có chứa được phần lõi HBV-DNA.
- Xét nghiệm HBV- DNA tức là xét nghiệm tìm xem trong máu của bệnh nhân có mang virus hoàn chỉnh hay không. Đây là xét nghiệm sinh học phân tử, thông thường được thực hiện bằng kỹ thuật PCR (polymerase chain reaction) là kỹ thuật nhân bản DNA trong ống nghiệm qua các chu kỳ nhiệt độ.

Xét nghiệm HBV-DNA được thực hiện khi nào?

Trong  các trường hợp xét nghiêm viêm gan B dương tính, người ta thường yêu cầu làm thêm xét nghiệm tìm HBV- DNA như:
- Có biến chủng precore khi HbeAg (-) và anti HBe (+).
- Trên lâm sàng cho thấy có liên quan đến viêm gan siêu vi mà tất cả các dấu hiệu huyết thanh còn lại đều âm tính, đặc biệt là HBsAg.
Trước khi quyết định điều trị, bệnh nhân cũng cần làm xét nhiệm HBV DNA và dựa trên kết quả dương tính của HBV- DNA để bác sĩ đưa ra quyết định điều trị phù hợp.

Mục đích và ý nghĩa của xét nghiệm HBV-DNA

Định lượng virus để cân nhắc điều trị

Những trường hợp người lành mang virus, nếu thử máu sẽ thấy HBsAg dương tính nhưng dấu hiệu cho thấy có virus hoàn chỉnh là HBV-DNA, tức là acid nhân của virus, thường âm tính hay dương tính với số lượng (số copies) rất thấp (<105/ml). Nhưng nếu hệ miễn dịch không kiềm hãm được mà để virus nhân bản nhiều trong tế bào gan tạo ra được nhiều virus hoàn chỉnh vào máu của bệnh nhân và lúc này thử máu sẽ thấy HBsAg dương tính đồng thời có virus hoàn chỉnh hiện diện trong máu với số lượng cao phát hiện thông qua xét nghiệm HBV-DNA cho kết quả dương tính và số lượng vượt trên 105copies/ml.

- Nếu HBV-DNA dương tính với số lượng quá 105/ml thì phải tiếp tục xem men gan (là thử nghiệm ALT hay SGPT) của họ có cao không? Nếu cao vượt ngưỡng 2 lần bình thường (ALT bình thường là 19 IU ở nữ và 33 IU ở nam) thì được coi là viêm gan mạn tính và phải điều trị.
Nếu men gan bình thường thì cần phải chắc chắn là tế bào gan có bị thương tổn không thông qua xét nghiệm về hình thái tế bào gan như sinh thiết gan hay fibroscan. Nếu kết quả cho thấy có thương tổn thì họ cũng phải được xem là đang bị viêm gan mạn tính và phải cần điều trị đặc hiệu cho bệnh nhân dù men gan bình thường.

Theo dõi điều trị
- Định lượng HBV-DNA còn phải được dùng để theo dõi hiệu quả điều trị của các thuốc kháng virus mà bác sĩ chỉ định trên bệnh nhân. Nếu sau khi chỉ định điều trị khoảng 1 – 3 tháng mà kết quả xét nghiệm cho thấy lượng virus (được gọi là HBV-DNA copy hay IU) giảm được 100 lần (gọi là giảm 2 log) thì bác sĩ điều trị có thể đánh giá là thuốc kháng virus có hiệu quả.
- Hiện nay có khá nhiều thuốc kháng virus dành cho viêm gan B mạn tính rất hiệu quả, HBV bị ngăn chặn không cho nhân bản rất nhanh, chính vì vậy HBV-DNA biến mất khỏi máu sớm hơn là HbeAg. Chính vì vậy HBV-DNA là một dấu ấn rất tốt để theo dõi được đáp ứng khá sớm của điều trị và hiện nay các nhà y học thống nhất sử dụng HBV-DNA làm chỉ số theo dõi đáp ứng điều trị hơn là HbeAg.
- Ngoài ra xét nghiệm này cũng phải được chỉ định cứ mỗi 3 tháng trong quá trình điều trị để đánh giá hiệu quả điều trị và nguy cơ kháng thuốc của virus trên bệnh nhân. Bất cứ khi nào kết quả phát hiện và định lượng HBV-DNA cho thấy có sự xuất hiện trở lại HBV-DNA trên ngưỡng phát hiện thì bác sĩ điều trị phải lưu ý vì đây chính là dấu hiệu cho thấy virus đang kháng thuốc điều trị hay bệnh nhân không tuân thủ liệu pháp điều trị mà bác sĩ đang chỉ định.
Xét nghiệm phát hiện đột biến kháng thuốc
- Trong thời gian điều trị, xét nghiệm theo dõi virus là HBV-DNA bỗng nhiên bị trở lại dương tính và lượng HBV-DNA bị tăng lên dần thì đây chính là dấu hiệu cho biết virus có khả năng kháng lại thuốc đang điều trị. Lúc này cần phải xét nghiệm để phát hiện xem thuốc có bị virus đề kháng không?
- Nếu trong máu bệnh nhân có sự xuất hiện HBeAg thì có nghĩa là có sự nhân bản của virus trong cơ thể. Nếu bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng virus thì virus sẽ bị chặn lại và không nhân bản được đồng. Xảy ra sự đột biến kháng thuốc nếu kết quả xét nghiệm cho thấy HBeAg âm tính, AntiHBeAg dương tính, nhưng HBV-DNA lại xuất hiện dương tính, đồng thời men gan trồi sụt thất thường, thì đây chính là dấu hiệu báo động nguy cơ virus đột biến

Điều trị viêm gan B thông qua xét nghiệm

- Trong quá trình xét nghiệm viêm gan B, nếu kiểm tra kết quả định lượng HBV-DNA trong cơ thể bệnh nhân viêm gan B ít hơn 1000copies/ml thì tức là tính sao chép của virus viêm gan B chậm hay thậm chí đã dừng sao chép, tính truyền nhiễm yếu.
- Lúc này bệnh nhân nên định kì đến bệnh viện kiểm tra, đồng thời, dưỡng gan bảo gan 1 cách khoa học trong cuộc sống sinh hoạt hang ngày mới có lợi cho việc hồi phục bệnh tình.
- Sau khi bắt đầu điều trị đặc hiệu khoảng 3 tháng, bác sĩ sẽ cho xét nghiệm lại máu của bệnh nhân để đếm số lượng virus viêm gan B (xét nghiệm định lượng HBV-DNA) có trong máu là bao nhiêu. Nếu lượng HBV-DNA trong máu giảm hơn trước khi điều trị trên 100 lần thì có nghĩa là điều trị có hiệu quả, và xét nghiệm này phải được làm liên tục cứ mỗi 3 tháng một lần cho đến khi xét nghiệm định lượng HBV-DNA cho kết quả dưới ngưỡng phát hiện.
- Nếu trong thời  gian  điều trị,  xét  nghiệm theo  dõi  virus là HBV-DNA  bỗng  nhiên  bị trở lại dương tính và lượng HBV-DNA bị tăng lên dần thì đây chính là dấu hiệu cho biết virus có khả năng kháng lại thuốc đang điều trị, số lượng virus trong cơ thể người bệnh là rất cao, cần phải điều trị kháng virus ngay.
Hiện nay người bệnh viêm gan B cần chú ý áp dụng kiểm tra định lượng HBV- DNA, nhưng chỉ có các bệnh viện có quy mô lớn mới có thể có những sự chuẩn bị tốt và kỹ thuật hiện đại, một số bệnh viện hay phòng khám nhỏ không có đủ điều kiện để phát hiện ra định lượng HBV-DNA. Bệnh nhân nhiễm viêm gan B cần kiểm tra xét nghiệm này tại các bệnh viện lớn để cân nhắc điều trị bệnh.
Theo NTD

7 phương pháp xét nghiệm máu, đàn ông cần biết

Dưới đây là 7 phương pháp xét nghiệm máu mà đàn ông cần phải biết để hiểu hơn về cơ thể của mình.

Máu cũng tự nó kể cho bạn nghe những câu chuyện bí mật của cơ thể. Màu sắc, mùi vị và cảm nhận, máu có thể hé lộ nhiều chi tiết về các điều kiện đang hoạt động khắp cơ thể của bạn. Dưới đây là 7 phương phápxét nghiệm máu mà đàn ông cần phải biết để hiểu hơn về cơ thể của mình.

Lượng máu cơ bản
Đàn ông 30 tuổi nên làm xét nghiệm máu cơ bản (CBC). CBC là một chuỗi các nhân tố quan trọng chẳng hạn như các tế bào hồng cầu (mang ôxy), các tế bào bạch cầu (chống nhiễm khuẩn) và các tiểu cầu (các hạt máu đông). Chỉ trong CBC, một điểm hematocrit chỉ ra tỷ lệ các tế bào hồng cầu trong tổng lượng máu của bạn và việc đo lường hemoglobin sẽ đánh giá chất đạm mang ôxy trong các tế bào hồng cầu nhiều hay ít.

Chỉ số đường huyết
Các xét nghiệm máu giống như radar theo dõi bệnh đái tháo đường týp 2. Cách đo tiêu chuẩn là kiểm tra lượng đường huyết lúc đói. Đường huyết lúc đói thường kết hợp với xét nghiệm A1c (lượng đường máu trung bình của bạn trước 2 - 3 tháng). Nhưng nếu bạn có điểm số cao trên những bài xét nghiệm này (trên 100mg/dl)/xét nghiệm lúc đói, hay trên 6%/A1c) bạn nên đề nghị bác sĩ kiểm tra khả năng dung nạp glucose (OGTT). Nếu chỉ số đường huyết cao, cam đoan rằng bạn đang ở trong tỷ lệ 80 - 90% số người mắc bệnh đái tháo đường týp 2, những người quá thừa cân. Hãy điều chỉnh chế độ ăn uống và tăng cường chạy bộ từ 15 - 20 phút mỗi ngày có thể làm tăng cường lượng insulin cho cơ thể.

Kiểm soát chất béo
“Việc tiêu thụ lipid đã gây ra những triệu chứng tim mạch bất thường ở những chàng trai”, bác sĩ David Perkins quả quyết. Nhìn chung, HDL cholesterol (tốt) nên nằm khoảng giữa 45 - 50mg/dl, trong khi LDL cholesterol (xấu) nên thấp dưới 130mg/dl. Nếu bạn có các nhân tố rủi ro liên quan đến bệnh tim mạch chẳng hạn như các sự kiện về tim mạch trong quá khứ, tiểu sử gia đình về căn bệnh này, tăng huyết áp hay bạn là người nghiện thuốc lá, thì mục tiêu LDL của bạn phải thấp hơn 100mg/dl. Nếu bạn có rủi ro cao, bạn nên hỏi bác sĩ về kiểm tra lipid mở rộng, tiếp tục phá hủy các phân nhóm LDL nguy hiểm. Nếu HDL của bạn quá thấp, hãy cho thêm quả óc chó vào món sữa chua sẽ làm tăng cholesterol tốt lên 9%. Nếu Triglyceride của bạn cao, hãy cắt giảm tinh bột, bánh mì, mì ống.

Các dấu hiệu viêm nhiễm
Quá trình các động mạch bị viêm dẫn đến hình thành căn bệnh tim mạch xem ra là vô hình, ngoại trừ có một sự đánh dấu: một mức độ cao của chất đạm phản ứng C (CRP) trong máu của bạn. “Nếu CRP cùng tổng lượng cholesterol trong cơ thể bạn cao, bạn đang gặp rủi ro về bệnh đau tim”, dẫn lời tuyên bố của TS. David Sandmire, giáo sư sinh lý học tại Đại học New England (Biddeford, Maine, Mỹ). Bạn nên giữ mức CPR dưới 1mg/l máu; nếu nó trên 3mg, cơn đau tim của bạn sẽ tăng gấp đôi. Lưu ý những người hút thuốc lá: Chắc chắn là lượng CRP sẽ giảm khi bạn bỏ thuốc lá.

Kiểm tra tuyến tiền liệt
Hơn 180.000 người Mỹ đã bị chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt vào năm 2008, vì lẽ đó bạn phải đặc biệt chú ý theo dõi đến kháng nguyên tuyến tiền liệt cụ thể của bạn (PSA). Mức độ PSA cao có thể làm gia tăng ung thư tuyến tiền liệt hay sự nhiễm khuẩn bởi một loại vi khuẩn viêm tuyến tiền liệt. PGS. Johnson tư vấn: “Khi bạn đạt 50 tuổi (hoặc 40 tuổi nếu là đàn ông châu Phi), bạn nên tiến hành kiểm tra PSA. Ngay cả ở ngưỡng tuổi 30 cũng đừng tỏ ra nhút nhát khi hỏi bác sĩ về căn bệnh này.

Kiểm tra tuyến giáp
Với một tuyến giáp hoạt động quá mức, có thể liên quan đến dấu hiệu của bệnh bướu cổ. Bệnh cường giáp sẽ dẫn đến gia tăng tỷ lệ bệnh tim, lo âu, giấc ngủ trục trặc và sụt cân. Những triệu chứng liên quan đến suy giáp bao gồm thay đổi cá tính, rụng tóc, tăng cân, trí nhớ mông lung. Bệnh đe dọa đến tính mạng nhiều hơn nếu như không được điều trị phù hợp. Bằng việc kiểm tra kích thích hormon tuyến giáp (TSH) sẽ xác định xem liệu bạn có bị mắc bệnh không.

Kiểm tra sau cùng
TS. John A. Elefteriades khuyên: “Aspirin, một loại thuốc cũ kỹ và giá rẻ bèo nhưng thật sự là một thứ thuốc kỳ diệu”. Đó là bởi vì aspirin làm giảm độ dính của tiểu cầu, làm cho chúng ít có khả năng gắn lại với nhau và ngăn chặn tình trạng tắc nghẽn mạch máu. Nhưng không phải tất cả đàn ông đều phản ứng với hướng điều trị này - và có bài kiểm tra để xác định ở những người không phản ứng. Kháng aspirin được tìm thấy ở 20% bệnh nhân nam giới được xét nghiệm. Nếu bạn rơi vào tình huống kháng aspirin, hãy chế biến thức ăn với dầu ôliu. 3 muỗng cafe dầu ôliu mỗi ngày có thể làm cải thiện tuần hoàn máu ở động mạch - theo tuyên bố của các nhà khoa học Tây Ban Nha.

Nguyễn Thanh Hải


10 điều liên quan đến xét nghiệm máu bác sĩ không nói cho bệnh nhân biết

Trừ khi được yêu cầu, còn không bác sĩ sẽ không nói cho bệnh nhân biết các kết quả xét nghiệm máu. Đôi khi có cả xét nghiệm âm tính lẫn dương tính giả có thể xảy ra, thậm chí kết quả là bình thường nhưng bác sĩ vẫn không nói cho người bệnh hay.

1. Bác sĩ thường bỏ qua những thông tin tốt
Thông lệ, bác sĩ cần trao đổi kết quả xét nghiệm với bệnh nhân, nhưng nhiều người vẫn duy trì quan niệm “không có thông tin nào là tốt cả” nên họ đã im lặng. Nếu số lượng hồng cầu (CBC), sinh hóa, cholesterol nằm trong giới hạn bình thường, bác sĩ không nói, nếu có cũng chỉ gửi kết quả mà không có bình luận. Theo các chuyên gia Viện tim phổi và Huyết học quốc gia Mỹ, ngay cả khi kết quả xét nghiệm bình thường, giới chuyên môn cũng nên trao đổi cho người bệnh biết để giải quyết khâu tư tưởng, an tâm, phấn khởi phối hợp phòng ngừa đạt hiệu quả cao hơn.

2. Sự “bình thường” trong xét nghiệm ở đàn ông và đàn bà không giống nhau
Nếu so sánh kết quả xét nghiệm của hai người cùng tuổi, ở hai giới đôi khi khác nhau. Ví dụ, ngưỡng bình thường và số lượng hồng cầu hoặc xét nghiệm CBC thường ở trong giới hạn 5 - 6 triệu tế bào/microliter đối với đàn ông còn ở phụ nữ lại thấp hơn, nhất là nhóm mãn kinh. Ở nhóm mãn kinh, chỉ số này chỉ đạt 4 - 5 triệu tế bào do người trong cuộc đã trải qua giai đoạn hành kinh nên số lượng tế bào giảm.

3. Kết quả xét nghiệm máu có ý nghĩa khác nhau dựa trên độ tuổi
Mức bình thường hemoglobin, một phần trong thử nghiệm CBC sẽ khác nhau theo tuổi tác, nhất là ở trẻ em và người lớn. Đối với trẻ em, hemoglobin thường đứng ở mức 11 - 13gram/dl (gm/dl) được coi là bình thường, trong khi đó ở đàn ông là 13,5 - 17,5gm/dl, ở nhóm phụ nữ trưởng thành là 12 - 15,5gm/dl. Về cholesterol, hầu hết mọi người nên duy trì cholesterol LDL ở ngưỡng dưới 130mg/dL; riêng nhóm đàn ông trên 45 hoặc phụ nữ trên 55 tuổi, nếu cholesterol LDL ở ngưỡng 160 - 190mg/dl thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch rất tiềm ẩn.

4. Kết quả xét nghiệm “dương tính” không phải là thông tin tích cực
Một số xét nghiệm máu nhằm tìm kiếm các chất tạo phân tử trong máu, trong đó có cả xét nghiệm máu tế bào hình liềm, xét nghiệm HIV, xét nghiệm viêm gan C, và xét nghiệm gen gây ung thư vú, ung thư buồng trứng BRCA1 hoặc BRCA2. Kết quả được coi là “dương tính” khi phát hiện thấy các chất tạo bệnh, ADN hoặc protein. Trong những trường hợp này, kết quả xét nghiệm dương tính có nghĩa người trong cuộc có thể mắc bệnh hoặc đã đã tiếp xúc, phơi nhiễm nguồn gây bệnh trong quá khứ.

5. Kết quả xét nghiệm “âm tính” thường là thông tin tốt lành
Kết quả xét nghiệm “âm tính” không phải là xấu hay “tiêu cực”. Một xét nghiệm âm tính có nghĩa không phát hiện thấy chất gây bệnh hoặc một yếu tố nguy cơ đối với tình trạng sức khỏe hiện tại. Khi xét nghiệm máu để kiểm tra bệnh truyền nhiễm, hay xét nghiệm máu nhanh để phát hiện bệnh viêm gan C, nếu kết quả là âm tính có nghĩa tốt lành, không có bằng chứng của nhiễm trùng.

6. Kết quả xét nghiệm “dương tính” giả đôi khi vẫn có
Các kết quả xét nghiệm dương tính giả đôi khi vẫn gặp. Vì vậy để đảm bảo độ chính xác, người ta phải xét nghiệm nhiều lần, ở nhiều cơ sở để đối chứng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC), đảm bảo độ chính xác có ý nghĩa rất lớn đối với sức khỏe của người bệnh. Riêng xét nghiệm HIV cao tốc, thì kết quả dương tính giả rất phổ biến. Ví dụ trong các cộng đồng nơi có tỉ lệ 1% dân số bị nhiễm virút, thì cứ 10 xét nghiệm nhanh HIV có tới 2 là dương tính giả.

7. Và… có cả các kết quả xét nghiệm “âm tính” giả
Trong thực tế, kết quả xét nghiệm máu âm tính giả đôi khi vẫn xảy ra, bởi vậy có người mang bệnh đích thực nhưng xét nghiệm máu vẫn kết luận là âm tính. Ví dụ, bệnh viêm gan C đôi khi xét nghiệm máu vẫn có kết quả âm tính, nhưng trong vài tháng gần nhất người trong cuộc vẫn tiếp xúc với virút thì nguy cơ vẫn cao nhưng nhưng xét nghiệm không nhận thấy. Vì lý do này, việc xét nghiệm lại là cần thiết, nhất là nhóm người liên tục tiếp xúc với nguồn truyền nhiễm.

8. Kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế không đồng nhất
Theo Cơ quan Quản lý Thực - Dược Mỹ (FDA), việc tham chiếu kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế là chuyện của mỗi người, nó chỉ dùng cho mục đích tham khảo. Kết quả không giống nhau cũng là chuyện thường tình, không có vấn đề gì vì nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thậm chí xét nghiệm máu giữa các lần ngay trong cùng một cơ sở cũng có trường hợp tương tự.

9. Kết quả xét nghiệm bất thường đôi khi không phải do mắc bệnh.
Nếu kết quả thử nghiệm máu nằm ngoài phạm vi cho phép thường được kết luận là mắc bệnh hoặc bị rối loạn. Nhưng kết quả thử nghiệm cũng có thể là bất thường vì nhiều lý do khác. Ví dụ, nếu xét nghiệm glucose (đường huyết) mà không nhịn ăn hoặc đã uống rượu trong đêm hoặc dùng thuốc thì kết quả tạm thời là bất thường.

10. Sai lầm của con người
Mặc dù kết quả “lộn xộn” trong xét nghiệm máu hiếm khi xảy ra, nhưng trong thực tế vẫn tồn tại. Điều này do nhiều lý do, kể cả chủ quan lẫn khách quan và đôi khi bác sĩ không nói cho bệnh nhân biết. Trong đó có sai lầm của chính con người, kể cả bệnh nhân lẫn bác sĩ. Ví dụ tình trạng nhầm mẫu máu của người này với người kia và cả ở khâu vận chuyển, lưu giữ mẫu máu trước khi xét nghiệm...
Khắc Nam
Theo THS-5/2015


Xét nghiệm ung thư chỉ với 1 mẫu máu

Startup Miroculus đã phát triển một hệ thống sàng lọc cho hàng chục bệnh nhân ung thư trong vòng 90 phút.

Startup Miroculus đã phát triển một hệ thống sàng lọc cho hàng chục bệnh nhân ung thư trong vòng 90 phút.
Những người ở độ tuổi nhất định hoặc có một số yếu tố nguy cơ cần phải thường xuyên khám sàng lọc ung thư. Đàn ông trên 50 tuổi thường phải kiểm tra tuyến tiền liệt, những người da trắng có nhiều nốt ruồi cần được kiểm tra hàng năm và những người có tiền sử gia đình có người bị ung thư cũng nên tiến hành các xét nghiệm di truyền. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu một người không có triệu chứng rõ ràng hoặc không có các yếu tố nguy cơ? Trong nhiều trường hợp, ung thư là nỗi bất hạnh đối với cả bệnh nhân và bác sĩ. Trường hợp xấu nhất là chỉ được phát hiện ung thư khi bệnh đã đến giai đoạn di căn (giai đoạn 3 và giai đoạn 4), khi khối u lan đến hạch bạch huyết lân cận, các mô và cơ quan hoặc các bộ phận khác của cơ thể.


Rất may, việc phát hiện ung thư có thể sớm trở nên đơn giản khi sàng lọc trở thành một phần của kiểm tra sức khỏe hàng năm, cùng với sàng lọc bệnh đái tháo đường và cholesterol cao.

Miroculus hiện là một mẫu thử nghiệm, sẽ sàng lọc cho hàng chục loại ung thư bằng cách tìm các dấu ấn sinh học microRNA trong mẫu máu.
Nhiều nhà nghiên cứu bao gồm cả đồng sáng lập Miroculus Fay Christodoulou, trước đó đã cho biết microRNA – các phân tử nhỏ kiểm soát cách biểu hiện gen của con người và chi phối protein trong cơ thể - là những chỉ báo sinh học có thể cho biết một số loại ung thư như u lympho, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi.
Không giống các phương pháp sàng lọc ung thư xâm lấn và kéo dài khác như chụp phim và sinh thiết, bác sĩ có thể lấy một mẫu microRNA từ máu và sử dụng nó để phát hiện ung thư ở những bệnh nhân không có triệu chứng. Về bản chất, sự hiện diện của một hoặc một tập hợp microRNA (bộ gen con người có hơn 2.000 gen) như một dấu hiệu của bệnh.
Mặc dù có xét nghiệm microRNA nhưng chi phí cao cho việc đầu tư trang thiết bị, đào tạo cán bộ và thời gian chờ kết quả xét nghiệm dài. Ví dụ như một xét nghiệm ung thư phổi tốn gần 6.400 đô-la Mỹ và mất 7 ngày mới nhận được kết quả. Nhưng khi Miroculus ra mắt Miriam, thiết bị sẽ có giá khoảng 510 đô-la Mỹ và điều dưỡng viên cũng có thể thực hiện được. Mỗi xét nghiệm sẽ có giá ít nhất là 150 đô-la Mỹ và cho kết quả trong vòng 90 phút.
Theo Giám đốc kỹ thuật Jorge Soto, Miriam đại diện cho sự chuyển đổi quan trọng trong nghiên cứu microRNA. Có rất nhiều bằng chứng khoa học về sự hữu ích của microRNA nhưng không nhiều trên lâm sàng. Chúng ta đang khởi đầu một làn sóng mới cho các nghiên cứu về ứng dụng trên lâm sàng.
Các Miroculus làm việc theo 3 bước sau: lấy mẫu, thử phản ứng và phân tích. Đầu tiên, máy hoặc bác sĩ sẽ sử dụng một bộ dụng cụ lắp đặt sẵn để tách chiết ARN từ 1ml mẫu máu. Sau đó tiến hành tách thành 96 ô nhỏ trên 1 tấm bảng, đây gọi là xét nghiệm sinh học. Mỗi một ô sẽ được xử lý trước bằng hỗn hợp hóa sinh riêng được thiết kế để phản ứng với một loại microRNA đặc biệt. Sau đó đặt các tấm bảng trong một thiết bị độc lập tránh tiếp xúc với ánh sáng và giữ chúng ở nhiệt độ thích hợp để kích hoạt phản ứng. Nếu một ô phát sáng, xác nhận có sự hiện diện của microRNA.
Công nghệ này đặt một điện thoại thông minh trên nắp thiết bị để cho máy ảnh của chúng có thể ghi lại hình ảnh bên trong (các phiên bản sau của Miriam sẽ có máy tính trên tấm bảng). Trong suốt 60 phút, các máy ảnh chụp một loạt hình ảnh của các ô nhỏ và theo dõi những thay đổi bao gồm ô nào phát sáng, tần suất và cường độ xuất hiện. Dữ liệu được gửi tới máy chủ điện toán đám mây của Miroculus để phân tích. Nó so sánh những kết quả với dữ liệu hiện có để xác định xem mẫu hiện diện có thể là của loại ung thư nào không.
Cho đến nay, nhóm nghiên cứu đã có thể phát hiện ung thư phổi, ung thư vú và ung thư tụy ở chuột. Các nhà nghiên cứu cũng sẽ tham gia một thử nghiệm lâm sàng ở Đức bao gồm 200 bệnh nhân ung thư vú.
Miroculus cũng gặp phải sự cạnh tranh. Một nghiên cứu tương tự ở Nhật Bản với sự tham gia của Trung tâm Ung thư quốc gia Nhật Bản với mục đích mang lại một sản phẩm tương tự trong vòng 5 năm. Công việc của nhóm nghiên cứu là phân tích mẫu máu của 6.500 bệnh nhân để phát hiện ra các đặc điểm microRNA của 13 loại ung thư.
Dù các phương pháp này đầy hứa hẹn, các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng chúng ta cần nhiều dữ liệu hơn nữa để làm cho việc chẩn đoán microRNA đạt độ chính xác cao như chương trình Miroculus. Điều đơn giản như cảm lạnh thông thường hoặc dùng 1 viên aspirin có thể ảnh hưởng đến sự hiện diện của microRNA trong máu. Do đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu tham chiếu của Miroculus quan trọng như độ chính xác của chính xét nghiệm sinh học.
(Theo Smith)
BS. Mai Hương



Xét nghiệm máu phát hiện ung thư :

Các nhà khoa học tại Trường ĐH Bradford căn cứ vào độ nhạy cảm của hệ gen tế bào bạch huyết trong xét nghiệm

Các nhà khoa học tại Trường ĐH Bradford căn cứ vào độ nhạy cảm của hệ gen tế bào bạch huyết trong xét nghiệm đánh giá tế bào bạch huyết và đo lường sự tổn hại DNA của chúng gây ra một cách khác nhau tùy theo cường độ của tia cực tím chiếu vào. Nhóm nghiên cứu cho rằng có sự khác biệt rất rõ về sự tổn hại của DNA tế bào bạch huyết giữa bệnh nhân ung thư, bệnh nhân ở giai đoạn tiền ung thư và người khỏe mạnh. Trưởng nhóm nghiên cứu - GS. Dianna Anderson - giải thích: “Tế bào bạch huyết là một phần của hệ thống phòng vệ tự nhiên trong cơ thể. Chúng ta biết rằng chúng bị áp lực khi phải chống chọi với ung thư và bệnh tật khác. Vì thế, chúng tôi tự đặt vấn đề liệu có thể đo lường được điều gì đó ở bệnh nhân ung thư khi gây thêm áp lực bằng tia cực tím và chúng tôi phát hiện rằng, bệnh nhân ung thư có DNA bị tổn hại nhiều hơn trước tia cực tím so với người khỏe mạnh”. Kết luận nói trên được rút ra từ cuộc thử nghiệm trên 208 người, trong đó có 58 bệnh nhân ung thư, 56 tiền ung thư và 94 người khỏe mạnh. Xét nghiệm đã có thể chẩn đoán ung thư, tiền ung thư ở 3 dạng ung thư da, ruột kết và phổi. Nhóm nghiên cứu đồng thời ghi nhận xét nghiệm này là trợ giúp hữu ích đối với các dạng ung thư khó chẩn đoán hơn.

Lưu Minh


Bệnh ung thư phổi có thể được phát hiện sớm qua xét nghiệm máu.

Bệnh ung thư phổi có thể được phát hiện sớm qua xét nghiệm máu. Khám phá này được xem là “bước đột phá thế giới trong lĩnh vực ung thư phổi” do một nhóm nghiên cứu Đại học y khoa Nice, miền Nam nước Pháp thực hiện.

Kỹ thuật chẩn bệnh dựa trên thử máu cho phép phát hiện sự hiện diện của tế bào ung thư nhiều tháng, có khi nhiều năm, trước khi bệnh phát ra ở một số bệnh nhân có triệu chứng sưng và nghẹt khí quản. Tuy nhiên, theo các bác sĩ ở Nice, phương pháp này cần được nghiên cứu thật rộng rãi, ít nhất với 800 người mới có thể kết luận mức độ chính xác.

Ung thư phổi là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu ở nam giới, bệnh khá thường gặp và có liên quan chặt chẽ tới hút thuốc lá. Tỷ lệ ung thư phổi mới mắc trên toàn thế giới đã lên tới 1,35 triệu trường hợp, chiếm 12,4% tổng số các loại ung thư, tần xuất mắc ung thư phổi ở nam là 35,5/100.000 dân, ở nữ là 12,1/100.000 dân. Số tử vong do ung thư phổi là 1,15 triệu trường hợp mỗi năm, chiếm 17,6% tổng số tử vong do ung thư, trong đó 49,9% các trường hợp mới mắc là ở các nước đang phát triển.
admin
Site Admin
 
Bài viết: 6798
Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 4 17, 2011 12:18 am

Quay về Chia xẻ Kinh Nghiệm Chữa Bệnh

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến10 khách