NHÌN LẠI VỤ ÁN ĐỒNG NỌC NẠN

NHÌN LẠI VỤ ÁN ĐỒNG NỌC NẠN

Gửi bàigửi bởi admin » Thứ 5 Tháng 4 27, 2017 2:12 pm

NHÌN LẠI VỤ ÁN ĐỒNG NỌC NẠN



BVB – Vụ án Nọc Nạn (tiếng Pháp: l’Affaire de Phong Thanh) – tranh chấp đất đai lớn, xảy ra năm 1928 tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu (nay là ấp 4, xã Phong Thạnh B, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) giữa một bên là các gia đình nông dân Biện Toại, Mười Chức và bên kia là giới địa chủ cường hào ác bá và quan chức (thực dân Pháp) cùng tham quan Nam triều. Vụ án gây thiệt mạng 5 người, là một ví dụ điển hình của chính sách phân chia và quản lý ruộng đất bất công tại Nam kỳ dưới thời thuộc Pháp, sau này, được Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tôn vinh như một biểu hiện của sự đấu tranh và phản kháng của nông dân với thực dân Pháp.
Nhà Hương chánh Luông khai phá đất
Trước 1900, một nông dân đến khai phá khu rừng ở rạch Nọc Nạn, được 73 ha. Năm 1908, nông dân này chết, để lại đất cho con là Hương chánh Luông. Khi khai phá, Bạc Liêu còn hẻo lánh, việc đo đạc ruộng đất, lập bản đồ đất đai chậm so với các tỉnh khác ở Nam kỳ.
Năm 1910, Hương chánh Luông chính thức làm đơn xin khẩn 20 ha đất, chịu đóng thuế trên diện tích này, được chính quyền chấp nhận bằng văn bản. Năm 1912, gia đình Luông lại làm đơn xin đo đạc và cấp bằng khoán (giấy chứng nhận sở hữu đất) chính thức cho toàn bộ diện tích đất canh tác 73 ha. Chủ tỉnh Bạc Liêu chấp thuận, trao cho Luông bản đồ phần đất.
Năm 1916, Tăng Văn Đ. kiện lên chủ tỉnh Bạc Liêu, yêu cầu không cấp đất cho Luông, với lý do Đ. cũng góp sức khẩn hoang. Nhà chức trách xử Đ. thua kiện, vẫn cấp giấy tờ đất cho Luông, nhưng cắt 4,5 ha cho Đ.. Luông được cấp tờ bằng khoán tạm số 303 đề ngày 7 tháng 8 năm 1916.
Âm mưu của Hoa kiều Mã Ngân
Luông qua đời, người con trai cả là Biện Toại thừa kế phần đất trên. Năm 1917, Hoa kiều giàu khét tiếng Bạc Liêu là Mã Ngân, thường gọi là Bang Tắc, muốn tranh chiếm đất đai nhà Biện Toại. Là người tinh ranh luật lệ, Bang Tắc mua lại phần đất giáp ranh Biện Toại của bà Nguyễn Thị Dương, nhưng trong hợp đồng ghi bán phần đất với ranh giới bao trùm luôn khoảnh đất anh em Biện Toại đang sử dụng. Bang Tắc biết đất của nhà Biện Toại mới chỉ có bằng khoán tạm.
Tranh chấp đất nổ ra, hai phía thưa kiện nhau bốn lần lên chủ tỉnh Bạc Liêu và bốn lần lên Thống đốc Nam Kỳ, lên cả Toàn quyền Đông Dương. Năm 1919, Bang Tắc sai tá điền đốt một căn chòi ruộng và giết một con trâu của Biện Toại để dằn mặt. Anh em Biện Toại không phản kháng, chờ nhà chức trách phân xử. Viên quan phủ H. ở quận Giá Rai, theo dư luận nghi ngờ, đã nhận tiền của Bang Tắc, yêu cầu chia đôi phần đất: Biện Toại một nửa, Bang Tắc một nửa.
Cũng năm 1919, quan phủ Ngô Văn H. được cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng phái viên (commission administrative), có trách nhiệm khảo sát đất đai, chính thức cấp bằng khoán đất ở làng Phong Thạnh. Hội đồng này xác nhận phần đất của gia đình Biện Toại thuộc về Nguyễn Thị Dương, và nay là của Bang Tắc.
Ngày 13 tháng 4 năm 1926, Thống đốc Nam Kỳ ký Nghị định bán lô đất 50 ha trên phần đất của Biện Toại với giá 5.000 đồng cho Bang Tắc. Đến đây, chính quyền chính thức công nhận phần đất mà gia đình Biện Toại đã hai đời khai thác và sử dụng là của Bang Tắc. Anh em Biện Toại vô cùng căm phẫn, chống đối ra mặt. Bang Tắc không dám làm to chuyện, bèn bán lô đất 50 ha cho một người rất quyền lực là bà Hà Thị Tr., mẹ vợ anh ruột quan phủ H.
alt
Bà Tr (mẹ vợ anh ruột quan phủ H) vào cuộc
Bà Tr. bắt đầu đòi anh em Biện Toại phải nộp địa tô, coi họ như tá điền trên chính phần đất họ đã khai khẩn. Ngày 6 tháng 12 năm 1927, bà Tr. xin được án lệnh của tòa, cho phép tịch thu tất cả lúa của anh em Biện Toại. Ngày 13 tháng 2 năm 1928, lính mã tà gặp anh em Biện Toại để thực thi lệnh tịch thu lúa, anh em Biện Toại kháng cự. Ngày hôm sau, mã tà lại tới, anh em Biện Toại lại kháng cự, mã tà phải rút.
Trước thái độ cứng rắn của anh em Biện Toại, hương chức làng liền tự ý bắt giữ bà hương chánh Luông (mẹ Biện Toại) trong 24 giờ. Thương mẹ, Biện Toại hứa không kháng cự. Bà Luông được thả. Tối 14 tháng 2 năm 1928, anh em nhà Biện Toại họp, làm lễ lạy ông bà tổ tiên và bà Luông, gọi là báo hiếu lần chót. Họ trích huyết thề ăn thua, không sợ chết, rút thăm để ông bà chỉ định ai là người hy sinh đầu tiên. Lần đầu, cô em gái tên Út Trong rút được thăm. Anh em yêu cầu bốc lại. Lần thứ hai, Út Trong vẫn rút được thăm. Cô nói: “Ông bà đã dạy, em xin liều chết!”
Thảm kịch đồng Nọc Nạn
Sáng 16 tháng 2 năm 1928, khoảng 7g, hai viên cò Pháp là Tournier và Bouzou cùng bốn lính mã tà từ Bạc Liêu đến Phong Thạnh để tiếp tay viên chức làng tịch thu lúa của gia đình Biện Toại. Đến gần đống lúa, Tournier yêu cầu hương chức làng mời một người trong gia đình ra chứng kiến. Mười lăm phút sau, cô Nguyễn Thị Trong, em gái Biện Toại đi ra, dắt theo một bé gái 14 tuổi, tên là Tư. Tournier đuổi Trong, vì cho cô là phụ nữ và còn nhỏ tuổi, không thể chứng kiến việc đong lúa. Trong không đi, còn yêu cầu đong lúa xong phải ghi biên nhận.
Tournier từ chối, tát tai Trong. Cô lập tức rút ra cây dao nhỏ. Tournier đập báng súng, làm cô ngất đi. Bouzou tước dao khỏi tay Trong. Trong lúc lấy dao, ông này bị một vết thương nhỏ không đáng kể ở tay. Đứa cháu tên Tư bèn chạy về cấp báo. Anh em Biện Toại từ nhà chạy ra, mang theo dao mác gậy gộc. Họ chia thành hai tốp, tốp đầu do Mười Chức, em ruột Biện Toại, dẫn đầu. Tốp thứ nhì do bà Nghĩa (vợ Mười Chức) dẫn đầu. Tổng cộng năm đàn ông, năm phụ nữ. Tournier ra lệnh cho lính chuẩn bị ứng phó, bắn chỉ thiên, nhưng Mười Chức không dừng lại. Tournier bèn bắn Mười Chức. Bị thương nặng, nhưng Mười Chức vẫn gắng nhào đến, đâm lưỡi mác trúng bụng Tournier, rồi mới ngã xuống.
Bạo lực trở nên không thể kiểm soát. Bouzou rút súng bắn bị thương nặng bốn người phía Biện Toại. Hết đạn, Bouzou lại lấy súng của Tournier, bắn tiếp, làm nhiều người thương vong. Sáng hôm đó, Mười Chức và vợ đang mang thai (bà Nghĩa), một người anh tên Nhẫn, đều chết. Nhịn, Liễu (hai em Mười Chức) bị thương nặng. Ba ngày sau, Nhịn chết tại bệnh viện. Về phía nhà cầm quyền, Tournier thiệt mạng ngày 17 tháng 2 tại bệnh viện Bạc Liêu.
alt
Phiên tòa
Tòa Đại hình Cần Thơ xét xử vụ án Nọc Nạn ngày 17 tháng 8 năm 1928. Chánh án là De Rozario, công tố viên là Moreau, Hội thẩm là ông Sự. Các luật sư biện hộ (miễn phí) cho gia đình Biện Toại là người Pháp, Tricon và Zévaco, theo lời nhờ của nhà báo Lê Trung Nghĩa.
Diễn biến phiên tòa
Ông phủ Tâm, viên chức phụ trách đất đai tỉnh Bạc Liêu, nói giấy tờ lưu trong sổ bộ của nhà chức trách về tờ biên lai cấp đất cho hương chánh Luông năm 1910 đã bị mất cắp. Điều này gây ra nghi ngờ có khả năng hồ sơ trong văn khố cũ bị thủ tiêu, có lợi cho những kẻ cường hào.
Hương thân làng Phong Thạnh Hồ Văn Hi xác nhận Tournier nổ súng trước. Mười Chức đâm Tournier sau khi trúng đạn.
Lâm Văn Kiết, thành viên Hội đồng phái viên, xác nhận phần đất do Hương chánh Luông và con là Biện Toại khai khẩn trước. Công tố viên nói ông Kiết không dám cãi cấp trên của mình là tri phủ H., người theo phe bang Tắc và là chủ tịch Hội đồng phái viên.
Tri phủ Ngô Văn H. cho rằng vấn đề đất đai quá phức tạp, mất thì giờ, nên ông đã buông xuôi. Công tố viên rất giận dữ, cho rằng lề lối làm việc của ông H. quá bừa bãi, không thể viện lý do mất thì giờ mà không phân xử rạch ròi. Bị luật sư chất vấn, ông H. thú nhận anh ruột của ông có hùn vốn làm ăn với Bang Tắc. Sau vụ án, ông H. bị bãi chức tri phủ.
Bang Tắc ra làm chứng, nói không hối hận gì. Viên hội thẩm bức xúc: “Dân chúng nói đáng lý ra ông phải chết thay cho viên cò Tournier”.
Trước khi buộc tội, công tố viên Moreau đề nghị tòa thận trọng, nhắc lại vụ án Ninh Thạnh Lợi năm 1927. Ông cho rằng vụ này chứng tỏ bất ổn xã hội về đất đai đang gia tăng hết sức nghiêm trọng. Ông nói tình cảnh của gia đình Biện Toại rất đáng thương: bị những kẻ không có trái tim (hommes sans coeur) đến cướp đất, rồi bọn có quyền thế tiếp tay với bọn cường hào. Ông đề nghị tòa tha bổng Biện Toại, cô Liễu (em Biện Toại) và con là Tia, giảm nhẹ cho cô Trong và Miều (em rể Biện Toại, chồng Liễu).
Biện hộ của luật sư
Luật sư Tricon nhận định nguồn gốc của vụ án là vấn đề điền địa. Ông cho rằng chính sách ruộng đất thời Nguyễn công bằng và hợp thực tế, còn luật lệ do người Pháp đặt ra chưa được áp dụng đúng, thiếu thực tế, những người trong Hội đồng phái viên chỉ ngồi một chỗ, chưa hề bước ra sở đất mà họ xem xét, chỉ quyết định dựa trên báo cáo. Ông ca ngợi tinh thần lao động khẩn hoang của gia đình Biện Toại: họ phải đấu tranh với thiên nhiên, với bọn cường hào, với cả các thủ tục pháp lý, nói: Chúng ta, những người Pháp, nên xây dựng ở xứ này một chế độ độc tài. Không phải độc tài bằng sức mạnh của súng đạn, nhưng là sự độc tài của trái tim (Non pas de la dictature de la force du mousqueton, mais de la dictature du coeur).. Ông cũng ca ngợi lập luận của công tố viên, cho rằng chính sách của nhà nước thì tốt, nhưng người thừa hành xấu đã làm cho chính sách trở nên xấu đối với dân chúng. Ông nói nên sa thải vài ông phủ, ông huyện bất hảo và vạch rõ hành động của cặp bài trùng Bang Tắc-tri phủ H. đã dẫn đến tấn thảm kịch Nọc Nạn. Ông xin tòa tha thứ cho các bị can, nói: Lần này sẽ có một bà lão khóc về cái chết của bốn đứa con. Bốn người này đã chết, vì họ tưởng rằng có thể tự lực gìn giữ phần đất ruộng mà họ đã từng rưới mồ hôi và máu của họ lên đó.
Án tuyên
Tòa Đại hình Cần Thơ tuyên Biện Toại, Nguyễn Thị Liễu (em út Toại) và Tia (con trai Toại) được tha bổng. Cô Nguyễn Thị Trong, sáu tháng tù (đã bị tạm giam đủ sáu tháng). Miều (chồng Liễu), hai năm tù vì tiền án ăn trộm.
alt
Làn sóng công luận
Báo chí Sài Gòn bấy giờ đua nhau phản ánh vụ Nọc Nạn. Nhà báo xuống tận nơi điều tra. Dư luận từ mọi giới, kể cả giới thực dân, đều thuận lợi cho gia đình Biện Toại. Họ bị áp bức quá lộ liễu. Họ là những tiểu điền chủ siêng năng nhưng bọn cường hào cấu kết với quan lại tham nhũng đã đẩy họ đến đường cùng.
Các phong trào yêu nước bấy giờ đang sôi nổi. Hai năm trước (1926) vừa xảy ra đám tang chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh, Đảng Lập hiến của ông Bùi Quang Chiêu cũng vừa ra đời. Dù chủ trương Pháp –Việt dề huề, ông Bùi Quang Chiêu chính là người lập tờ báo tiếng Pháp La Tribune Indochinoise. Phóng viên báo này – Lê Trung Nghĩa – đã nhờ hai luật sư Tricon và Zévacon biện hộ cho gia đình Biện Toại.
Tại tòa, trừ tờ La Dépâche l’Indochine, tất cả báo chí Sài Gòn đều có mặt: L’Écho Annamite, Đông Pháp thời báo, L’Impartial, l’Opinion, Le Courrier Saigonnais, Le Phare, La Tribune Indochinoise.
Sau phiên tòa, các nhân sĩ và đồng bào ở Phong Thạnh như các ông Huỳnh Minh Trí, Nguyễn Duy Biện, Nguyễn Viết Trọng ở Giá Rai, Bùi Văn Túc ở Long Điền, làm tiệc cảm ơn hai vị luật sư và các nhà báo Pháp và Việt, theo truyền thống trung hậu và hào hoa cố hữu của người Bạc Liêu. Bà Hương chánh Luông cũng tham dự buổi tiệc này.
Dư âm Nọc Nạn
Trong các tác phẩm văn nghệ
Vụ án Nọc Nạn xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn nghệ sau này
Bài vè Nọc Nạn, được dân gian sáng tác sau vụ án không lâu
Vở cải lương Máu thắm đồng Nọc Nạn của tác giả Phạm Ngọc Truyền
Phim truyền hình năm tập Đồng Nọc Nạn, đạo diễn Trần Vinh, kịch bản Chu Lai, nhà sản xuất Đài truyền hình Bạc Liêu năm 2004
Bộ phim truyền hình nổi tiếng Đất phương Nam , do TFS sản xuất năm 1997, cũng có đề cập đến vụ án Nọc Nạn trong một tập phim.
Di tích cấp quốc gia Nọc Nạn
Di tích Nọc Nạn, được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia của Việt Nam, hiện ở ấp 4, xã Phong Thạnh B, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Di tích gồm hai phần: sân phơi lúa và khu mộ ông bà Tám Luông (Hương chánh Luông), cách nhau khoảng 300 m. Sau khi song thân mất, anh em ông Biện Toại đắp một nền mộ rộng khoảng 700 m2, cao 50 cm để an táng và xây nhà mồ. Sau sự kiện Nọc Nạn, những người thiệt mạng được chôn rải rác gần đó, đến năm 1963 được quy tập về khu mộ. Những người anh em ông Mười Chức mất sau này cũng được an táng tại đó.
Hiện nay, Bảo tàng Bạc Liêu còn lưu giữ ảnh những người đã bị giết trong vụ Nọc Nạn và những người tham gia cuộc đấu tranh của anh em Biện Toại. Ngoài ra còn có ảnh chân dung các luật sư biện hộ cho gia đình nạn nhân. Nhà nước Việt Nam đã đầu tư trùng tu và mở rộng khu di tích lên khoảng 3 ha, gồm các hạng mục khu mộ gia đình Mười Chức, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, cụm tượng tái hiện trận đánh giữa gia đình Mười Chức và binh lính chính quyền, với kích thước người thật.
————————
alt
Tiên Lãng (Hải Phòng) 5-1-2012
*** Lần đầu tiên Đài phát thanh – truyền hình Bạc Liêu bỏ vốn ra làm phim truyện. “Khoảng 600 triệu cho năm tập phim”, giám đốc đài Vũ Thanh cho biết. Số tiền “coi được”, so với điều kiện làm phim của nhà đài trong toàn cõi VN nói chung (thông thường khoảng 80-100 triệu/tập phim).
Bộ phim mang tên Đồng Nọc Nạn (kịch bản Chu Lai, đạo diễn Trần Vịnh). Phim đã làm xong và sẽ được phát sóng ở đài Bạc Liêu trước khi phát toàn quốc trên sóng VTV vào trung tuần tháng 12.
Xem Đồng Nọc Nạn người nổi gai vì xúc động, vì “máu lửa” bất khuất của người dân xứ Bạc Liêu. Phim Đồng Nọc Nạn đánh thức tinh thần đồng bào và ý thức công dân.
Bộ phim dựa vào câu chuyện có thật, xảy ra trong khoảng thời gian 1917-1927, với sự kiện thảm sát 17 người trong gia đình của Tám Luông (Minh Chiến đóng) ở đồng Nọc Nạn (huyện Giá Rai, Bạc Liêu) trong một cuộc tử chiến giữa nông dân với bọn cường hào, gây chấn động dân tình thời ấy và kéo dài ảnh hưởng đến các thập niên sau đó. “Hạt nổ” là chuyện đất ruộng, nhưng sâu xa của sự kiện là tình trạng người chèn ép người, bất công thậm tệ dưới ách cường quyền.
alt
Khu Di tích Nọc Nạn (Bạc Liêu)
(Kỷ niệm 80 năm sự kiện Đồng Nọc Nạn (17.2.1928- 17.2.2008), ngày 16-2, tỉnh Bạc Liêu khánh thành
việc trùng tu, mở rộng
khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đồng Nọc Nạn
tại thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai.
Nhiều tình tiết trải dài suốt năm tập phim, xem đến “no”. Ngay đầu phim, khán giả chạm ngay “cơn sốc”: thân phụ của Tám Luông mất nhưng không có đất để chôn vì lệnh cấm của bà Xã Út, chỉ vì còn thiếu nợ mỗi ba giạ lúa, chưa trả nợ thì cho dù thi hài có thối rữa cũng để đó. “Nghĩa tử là nghĩa tận” hóa ra không tác dụng gì đối với loại người coi đồng tiền lớn hơn mạng người. Sau cú tàn độc của bà Xã, đến lượt ông bà hội đồng tung đòn. Đủ loại “thuế”, từ lúa ruộng, lúa vay, cho đến lúa miễu, lúa canh, lúa lệ… giáng xuống tới tấp.
Xem mà giật mình: cái luật lệ đóng vai trò “tạo hóa” đối với sinh linh dân đen, cướp trắng công lao dân đen. Gia đình Tám Luông cứ ức trào họng mà không biết “phân tích” thế nào. Đám hương quản cấu kết với quan phủ, đám chủ đất toa rập với quan chức hè nhau lợi dụng người dân không hiểu luật. Có một chi tiết vô cùng đắt giá, đó là lúc ông hội đồng phản đối kịch liệt khi nghe tin quan trên dự định trả mấy chục công đất cho gia đình Tám Luông. Ông hội đồng gào lên: “Cho đất nông dân là mầm mống vô chính phủ”!
Xem phim mà nước mắt đứng lại: cảnh tế sống bà Tám Luông (Hoa Thúy đóng), trước khi các con của bà bước vào cuộc tử chiến chấp nhận thà chết chứ không chịu mất đất (theo lời trăng trối của ông Tám Luông)! Mẹ con vái nhau. Bịt khăn tang lên đầu. Kết phim bằng hình ảnh kiểu này vừa bất khuất vừa day dứt. Theo sử liệu, sau khi nổ ra cảnh máu chảy đầu rơi, một phiên tòa đã được mở ra. Phiên tòa xử Mười Chức (con ông Tám Luông, lãnh đạo cuộc đấu tranh sau khi cha hi sinh) thắng kiện. Sự kiện “đồng Nọc Nạn” mở ra một án lệ: người nông dân khi khai hoang mở đất, đóng thuế là đương nhiên được công nhận quyền làm chủ, được luật pháp bảo vệ quyền sở hữu.
Trong phim, rất đáng chú ý là hình ảnh nhà báo và luật sư sát cánh nhau bảo vệ công lý đã khiến đám quan chức chột dạ. Ký giả Minh Nghĩa (Thành Nam đóng) thẳng thừng trước quan Tây để bảo vệ dân đen, sao mà đáng bái phục. Luật sư Văn (Minh Kha đóng) dám bày tỏ chính kiến riêng, dù biết rằng đó là cái tội… “nói những điều không có lợi đối với nhà nước đương quyền”!
Người Bạc Liêu lúc ấy không chỉ có Mười Chức nông dân. Ngay đến dân giang hồ tứ chiếng, một tay anh chị như Xém (Tấn Hưng đóng) cũng biết trọng việc nghĩa: vì miếng cơm mà đi hầu cận ông hội đồng, tuy nhiên vẫn giữ tư cách “sợ mang tiếng ăn tiền bọn nhà giàu, đi hiếp đáp người ngay” nên từ chối tham gia cuộc tử chiến với anh em Mười Chức.
Đạo diễn Trần Vịnh cho biết: “Tôi được thuyết phục bởi sự kiện đồng Nọc Nạn. Quyền sống của người dân là yếu tố không bao giờ được xem nhẹ. Tôi làm phim trong cảm hứng ấy”.
Cái tinh thần trên của phim Đồng Nọc Nạn cứ âm vang. Cho nên, nếu không có những “hạt sạn” như có nhiều từ ngữ thời nay quá, không hợp thời xưa, càng không “ăn” với lối nói của người dân lục tỉnh, hay đoạn ông Tám Luông mất nhưng sau đó không thấy vợ con ông đeo tang là đoạn sai về tập quán, thì bộ phim Đồng Nọc Nạn sẽ “ngon ăn” hơn nhiều.
(Theo NGUYỄN CHƯƠNG, báo Tuổi trẻ)
*** Kỷ niệm 80 năm sự kiện Đồng Nọc Nạn (17.2.1928- 17.2.2008), ngày 16-2, tỉnh Bạc Liêu khánh thành việc trùng tu, mở rộng khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đồng Nọc Nạn tại thị trấn Giá Rai, huyện Giá Rai.
Khu di tích này có diện tích hơn 3 ha, gồm các hạng mục khu mộ gia đình Mười Chức, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, cụm tượng tái hiện trận đánh giữa gia đình Mười Chức và bọn Tây cướp lúa… với tổng đầu tư trên 8 tỉ đồng. Đây là một trong những sự kiện lập nên những chiến công rất đỗi tự hào, nêu cao tinh thần dũng cảm, khí phách của những nông dân tay lấm chân bùn ở vùng cực Nam Tổ quốc, đứng lên chống ách thống trị của bọn thực dân Pháp và bọn quan lại cường hào. Lễ hội Đồng Nọc Nạn tỉnh Bạc Liêu là hoạt động nằm trong chương trình năm Du lịch Quốc gia Mekong- Cần Thơ 2008 sẽ khai mạc tại Cần Thơ vài ngày tới.
(Báo Bạc Liêu)
admin
Site Admin
 
Bài viết: 6798
Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 4 17, 2011 12:18 am

Quay về Linh Tinh

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến3 khách