Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Bệnh bướu cổ dưới xương đòn (tuyến giáp trạng)

Gửi bàiĐã gửi: Thứ 2 Tháng 3 05, 2012 3:09 pm
gửi bởi admin
Bệnh bướu cổ dưới xương đòn

Thăm khám khối u vùng cổ

1. Thăm khám lâm sàng:

1.1. Nhìn:
Bệnh nhân ngồi, cổ thẳng hoặc hơi ngửa ra sau. Bộc lộ rộng vùng cổ, phần trên trước xương ức, vùng trên và dưới xương đòn. Người khám đứng trước hoặc hơi sang bên cạnh bệnh nhân. Đôi khi có thể để bệnh nhân nằm ngửa có độn gối dưới vai cho cổ ngửa ra sau để khám dễ hơn.
Chú ý nhận xét: màu sắc da, tình trạng phù nề, vị trí các vết loét hay lỗ rò, vị trí các khối bất thường nổi lên dưới da vùng cổ, tình trạng giãn của các tĩnh mạch cổ nông, những thay đổi về hình dáng cổ (hõm trên ức, vệt lõm theo bờ trước cơ ức-đòn-chũm...).
Cho bệnh nhân nuốt có thể giúp nhìn được rõ hơn hình dáng, ranh giới, tính chất di động… của các khối bất thường ở vùng cổ. Đôi khi có thể cho bệnh nhân ho hoặc rặn mạnh để quan sát đánh giá rõ hơn các khối bất thường nằm ở vùng hõm trên ức (ranh giới giữa vùng cổ và trung thất trước).
1.2. Sờ:
Bệnh nhân ngồi đầu thẳng hoặc hơi cúi để làm chùng các cơ vùng cổ trước. Để khám vùng cổ trước và bên, người khám có thể đứng phía sau hoặc hơi sang bên cạnh bệnh nhân, khám bằng 2 tay với các ngón cái đặt ở vùng bên-sau bờ sau cơ ức-đòn-chũm hoặc sau cổ, các ngón còn lại đặt lên vùng cổ trước để khám. .
Đôi khi có thể đứng sang bên cạnh bệnh nhân và dùng một tay để khám từng bên cổ. Lúc này ngón cái thường đặt nhẹ vào một bên cổ và 4 ngón còn lại đặt lên vùng cổ bên đối diện để khám. Trong khi khám cần bảo bệnh nhân nuốt để xác định các triệu chứng rõ hơn.
Chú ý xác định các triệu chứng: tình trạng phù nề, nhiệt độ da… Nếu có khối bất thường ở vùng cổ thì phải đánh giá: vị trí, tính chất bề mặt, mật độ, ranh giới, hình dánh, kích thước, mức độ di động, đau hay không đau, có rung miu hay không, khả năng thay đổi kích thước khi nắn bóp ... của khối bất thường đó.
1.3. Nghe:
Nghe trên khối bệnh lý ở vùng cổ: có thể thấy tiếng thổi liên tục mạnh lên trong thì tâm thu ở các thông động-tĩnh mạch cảnh.
Nghe trên tuyến giáp, nhất là ở phía trước vùng cực trên của tuyến có thể thấy tiếng thổi liên tục mạnh lên ở thì tâm thu trong bệnh Basedow.
Nghe ở vùng trước khí quản trong một số trường hợp khí quản bị chèn ép do các khối bệnh lý ở cổ hay khí quản bị hẹp do các nguyên nhân khác nhau có thể nghe thấy tiếng thở rít ở chỗ lòng khí quản bị hẹp lại.
1.4. Đo:
Đo chu vi vùng cổ ở một mốc nhất định trong các thời gian khác nhau để đánh giá sự phát triển về kích thước của các khối bệnh lý sau các thời gian tiến triển nhất định.

Hình 4.1: Hình ảnh bướu giáp khổng lồ.
2. Thăm khám cận lâm sàng:
2.1. Các phương pháp thăm khám hình ảnh:
Các phương pháp thăm khám hình ảnh cho phép xác định được kích thước, hình dáng, trọng lượng, vị trí phân bố, đặc điểm cấu trúc, tương quan của khối bệnh lý đối với các cơ quan xung quanh, trong một số trường hợp cho phép xác định được cả mức độ hoạt động chức năng và bản chất của khối bệnh lý đó.
2.1.1. Khám xét bằng X quang:
+ Soi và chụp X quang thường hoặc có uống cản quang thực quản: thường chụp vùng cổ thẳng và nghiêng. Có thể xác định được khí quản và thực quản bị chèn ép hoặc đẩy lệch vị trí, hình canxi hoá trong các khối bệnh lý (bướu giáp, u mạch máu)...
+ Chụp X quang đường rò ở vùng cổ: bơm thuốc cản quang vào đường rò (thường dùng các thuốc cản quang dầu) rồi chụp X quang vùng cổ ở các tư thế thích hợp. Có thể xác định được hình thái, tính chất, tương quan giải phẫu… của các đường rò khác nhau ở vùng cổ.
+ Chụp X quang có bơm khí vùng tuyến giáp: thường dùng oxy hoặc CO2 bơm vào vùng dưới các cơ trước tuyến giáp, sau đó chụp X quang thường hoặc cắt lớp vùng cổ thẳng và nghiêng. Có thể xác định được kích thước, hình dáng, ranh giới của tuyến giáp, những di lệch của khí quản và thực quản do bị bướu giáp chèn đẩy.
+ Chụp bạch mạch tuyến giáp gián tiếp: dùng thuốc cản quang dầu bơm vào nhu mô tuyến giáp, sau đó chất cản quang được hấp thu vào hệ bạch mạch của toàn bộ tuyến giáp. Tiến hành chụp X quang vùng cổ thẳng và nghiêng. Có thể xác định được hình thể, kích thước, liên quan giải phẫu của tuyến giáp. Sau 24 - 48 giờ, khi chất cản quang đi tới các hạch bạch huyết vùng cổ và trung thất thì có thể chụp X quang để xác định được tình trạng của hệ thống các hạch đó.
+ Chụp động mạch vùng cổ: có thể luồn catheter đưa thuốc cản quang vào để chụp động mạch cảnh gốc, chụp động mạch tuyến giáp chọn lọc, chụp động mạch tuyến cận giáp chọn lọc... nhằm chẩn đoán các bệnh lý như: phồng động mạch cảnh, thông động-tĩnh mạch cảnh, một số bệnh lý của tuyến giáp và cận giáp.
2.1.2. Ghi xạ hình:
Thường tiến hành ghi xạ hình tuyến giáp để chẩn đoán các bệnh lý tại tuyến giáp: các chất đồng vị phóng xạ thường được sử dụng là 131I, 32P (uống), 99mTC-tetrofosmin, 99mTC - sestamibi (tiêm tĩnh mạch). Sau khi cho bệnh nhân dùng các chất này, dùng máy ghi phóng xạ ghi lại sự phân bố của chúng ở vùng cổ và tuyến giáp.
+ Ghi xạ hình tuyến giáp bằng 131I phóng xạ: cho phép đánh giá được vị trí, hình dáng, kích thước, khối lượng và cả chức năng của tuyến giáp. Đặc biệt có thể xác định được các tổ chức tuyến giáp lạc chỗ, các nhân nóng (vùng nhu mô giáp tăng chức năng nên hấp thu nhiều 131I) và các nhân lạnh (vùng tập trung ít 131I, gặp trong các nang tuyến giáp hoặc ung thư).
+ Ghi xạ hình tuyến giáp bằng 32P, 99mTC - tetrofosmin, 99mTC - sestamibi: ngoài việc xác định được các đặc điểm hình ảnh của tuyến giáp, phương pháp này còn giúp chẩn đoán phân biệt giữa ung thư tuyến giáp và các bệnh lành tính khác tại tuyến giáp do tổ chức ung thư thường có khả năng giữ các chất phóng xạ đó cao hơn các tổ chức tuyến giáp bình thường.
2.1.3. Siêu âm vùng cổ và tuyến giáp:
+ Siêu âm vùng cổ: dùng để thăm khám các khối bệnh lý vùng cổ nói chung. Xác định được vị trí, kích thước, hình dạng, tương quan giải phẫu, đặc điểm cấu trúc… của khối bệnh lý. Siêu âm Doppler còn được dùng để thăm khám các khối bệnh lý nghi là phồng động mạch hay thông động-tĩnh mạch.
+ Siêu âm tuyến giáp: dùng đầu dò tần số cao, ít nhất 5 MHz, phần lớn thời gian phải dùng tần số trên 7,5MHz. Bảng áp điện thẳng, đủ rộng để có thể xem được cả 2 thùy trên cùng một mặt cắt. Đôi khi phải dùng túi nước hoặc gối nhựa (gối Reston) để có được hình ảnh siêu âm tốt hơn.
- Tuyến giáp bình thường: cao 1,5 - 5,5cm; dày 0,5 - 1,5cm; rộng 1 - 2,5 cm; eo dày 0,5 - 1cm. Thể tích tuyến giáp có thể được tính theo công thức của Gutekunst:
V = 0,479 x a x b x c
V = thể tích tuyến giáp tính bằng ml,
a = chiều cao, b = chiều rộng, c = chiều dày.
Người trưởng thành bình thường có thể tích tuyến giáp trung bình ở nam là 25 ml và nữ là 18 ml.
- Siêu âm tuyến giáp có thể phát hiện được các nhân có đường kính từ 0,5cm trở lên, nhờ đó có thể xác định được vị trí, số lượng, kích thước, hình dạng, cấu trúc của nhân (đặc, lỏng hay hỗn hợp)… Ngoài ra siêu âm còn được dùng để hướng dẫn cho chọc sinh thiết các nhân tuyến giáp nhằm chẩn đoán tế bào học và mô bệnh học. Siêu âm Doppler màu cho phép đánh giá được tình trạng dòng máu trong tuyến giáp nhờ đó có thể sơ bộ đánh giá được tình trạng hoạt động chức năng của nhu mô giáp.
2.1.4. Một số phương pháp thăm khám hình ảnh khác:
Trong một số trường hợp có thể sử dụng các phương pháp thăm khám hình ảnh khác để chẩn đoán các bệnh lý ngoại khoa vùng cổ như:
+ Chụp cắt lớp máy tính (CT:Computed Tomography).
+ Chụp cộng hưởng từ (MRI:Magnetic Resonance Imaging).
+ Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET: Positron Emission Tomography).

Hình 4.2 : ghi xạ hình tuyến giáp
a) Xạ hình đồ tuyến giáp bằng 123 I.
b) Xạ hình đồ tuyến giáp bằng 99mTC.
2.1.5. Nội soi:
+ Soi thanh quản gián tiếp:
Dùng để xác định có tình trạng liệt dây thanh âm hay không trong các trường hợp bị khàn tiếng hoặc nghi ngờ có tổn thương dây thần kinh quặt ngược do những bệnh lý ở vùng cổ.
+ Nội soi khí-phế quản, nội soi thực quản…:
Có thể sử dụng trong thăm khám các bệnh lý vùng cổ có liên quan đến các cơ quan đó như: rò xoang lê, rò thực quản, u đoạn trên thực quản…
2.2. Các phương pháp xét nghiệm tế bào học và tổ chức học:
2.2.1. Xét nghiệm tế bào học:
+ Sinh thiết hút tế bào bằng kim nhỏ:
Sử dụng kim cỡ nòng nhỏ (21 - 25 gauge) chọc trực tiếp vào và hút lấy tế bào của khối bệnh lý ở vùng cổ. Làm phiến đồ, nhuộm và quan sát dưới kính hiển vi quang học hoặc kính hiển vi điện tử để xác định các đặc điểm tế bào học của khối bệnh lý đó.
Phương pháp xét nghiệm này được sử dụng ngày càng rộng rãi vì có nhiều ưu điểm: dễ thực hiện, ít tốn kém, ít tai biến và biến chứng, độ nhậy và độ đặc hiệu của chẩn đoán khá cao.
+ Sinh thiết áp tổ chức bệnh lý trong mổ:
Trong khi mổ, tiến hành cắt ngang khối bệnh lý và làm tiêu bản áp kính ở mặt cắt đó. Đọc tiêu bản để chẩn đoán tế bào học tức thì trong mổ, giúp cho phẫu thuật viên dễ dàng hơn trong quyết định mức độ can thiệp phẫu thuật.
2.2.2. Xét nghiệm mô bệnh học:
Tiêu bản mô bệnh học có thể thu được từ các phương pháp khác nhau như: sinh thiết tổ chức bệnh lý bằng các kim sinh thiết đặc biệt (kim Trucut, kim Silverman…), mổ sinh thiết, sinh thiết tổ chức bệnh lý để xét nghiệm mô bệnh học tức thì trong mổ, xét nghiệm mô bệnh học tổ chức bệnh lý sau mổ…
Kết quả xét nghiệm mô bệnh học thường được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán xác định bản chất của các tổ chức bệnh lý nói chung.
2.3. Các xét nghiệm miễn dịch học và gen học:
2.3.1. Các xét nghiệm miễn dịch học:
+ Các xét nghiệm miễn dịch học dịch thể:
Trong một số bệnh lý nhất là của tuyến giáp có thể sử dụng các xét nghiệm miễn dịch để phát hiện các tự kháng thể kháng các thành phần khác nhau của tổ chức tuyến giáp. Bản chất cũng như nồng độ của các tự kháng thể này có thể đặc trưng cho từng loại bệnh khác nhau của tuyến giáp: các tự kháng thể kháng thụ cảm thể TSH của tế bào tuyến giáp thường gặp trong bệnh Basedow, kháng thể kháng thyroglobulin và kháng thể kháng microsom thường gặp trong các bệnh viêm tuyến giáp tự miễn dịch…
+ Các xét nghiệm hoá miễn dịch tế bào và hoá miễn dịch mô:
Sử dụng các kỹ thuật xét nghiệm hoá miễn dịch để xác định các đặc điểm về hoá miễn dịch của các bệnh phẩm tế bào học và mô bệnh học. Phương pháp này được sử dụng ngày càng rộng rãi với mục đích chính là để phân định chính xác hơn các u lành tính và ác tính của tuyến giáp.
2.3.2. Các xét nghiệm gen học:
Sử dụng các kỹ thuật xét nghiệm gen để xác định các gen có liên quan đến các bệnh lý ở vùng cổ, giúp cho chẩn đoán xác định bệnh chính xác hơn: các gen sinh u ras (ras oncogene), gen tiền sinh u RET (RET proto-oncogene) hoặc gen ức chế u P53… có liên quan đến sự phát triển các u ở tuyến giáp
2.4. Các xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp:
Trong các bệnh lý ngoại khoa vùng cổ thì những bệnh lý của tuyến giáp rất hay gặp, vì tuyến giáp là một tuyến nội tiết nên việc thăm khám đánh giá tình trạng chức năng của tuyến giáp có vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán các bệnh lý tuyến giáp.
2.4.1. Điện tim:
+ Bình thường: nhịp xoang, đều, dao động từ 60 - 90 lần một phút.
+ Cường giáp: nhịp xoang nhanh (trên 90 lần một phút) thường xuyên, thường có các rối loạn dẫn truyền, thiểu dưỡng cơ tim, đôi khi có ngoại tâm thu thất, loạn nhịp hoàn toàn.
+ Nhược giáp: nhịp xoang chậm (dưới 60 lần một phút), biên độ các sóng thấp, thiểu dưỡng cơ tim...
2.4.2. Đo chuyển hoá cơ sở:
Chuyển hoá cơ sở là năng lượng tối thiểu mà cơ thể dùng để thực hiện các chức phận sinh lý quan trọng nhất cho đời sống. Trong thực hành, nó được tính một cách gián tiếp thông qua mức tiêu thụ oxy của cơ thể trong điều kiện yên tĩnh hoàn toàn về thể lực và tâm thần. Kết quả được quy ra số phần trăm tăng hay giảm so với hằng số chuẩn lý thuyết của người bình thường. Hormon tuyến giáp chi phối chặt chẽ các quá trình oxy hoá nên nó ảnh hưởng lớn đến mức tiêu thụ oxy của cơ thể và do đó ảnh hưởng đến kết quả đo chuyển hoá cơ sở.
Bình thường số đo chuyển hoá cơ sở nằm trong khoảng ± 10%. Khi cường chức năng tuyến giáp thì số đo chuyển hoá cơ sở sẽ tăng và ngược lại, khi nhược năng tuyến giáp thì số đo chuyển hoá cơ sở sẽ giảm.
2.4.3. Đo độ tập trung iod phóng xạ tại tuyến giáp:
Cho bệnh nhân uống 131I phóng xạ, rồi đo lượng phóng xạ của 131I tập trung tại tuyến giáp sau 2, 4, 6 và 24 giờ.
Bình thường độ tập trung 131I ở tuyến giáp đạt khoảng 8% sau 2 giờ, 12% sau 4 giờ, 37% sau 6 giờ và 48% sau 24 giờ. Khi cường chức năng tuyến giáp, độ tập trung 131I phóng xạ đó tăng nhanh (sau 3 - 6 giờ có thể tới 60%) rồi giảm nhanh, tạo nên góc thoát đặc trưng trên biểu đồ đo. Trong nhược năng tuyến giáp, cả tốc độ và mức độ tập trung 131I tại tuyến giáp đều thấp hơn bình thường.
2.4.4. Định lượng các hormon tuyến giáp và TSH huyết thanh:
Bình thường: T3 (triiodothyronine) = 1 - 3 nmol/l; T4 (tetraiodothyronine) = 60 - 150 nmol/l; FT4 (free tetraiodothyronine) = 11,5-23,2 pmol/l; FT3 (Free triiodothyronine) = 3,5 - 6,5 pmol/l; TSH (thyroid stimulating hormone) = 0,3 - 5,5 mU/l.
Khi cường chức năng tuyến giáp T3, FT3, T4 và FT4 đều tăng còn TSH giảm. Ngược lại trong nhược năng tuyến giáp T3, FT3, T4 và FT4 đều giảm còn TSH tăng.
2.4.5. Một số xét nghiệm khác:
Xét nghiệm tìm các chất đánh dấu khối u như: HTG (Human Thyroglobulin), CEA (Carcino Embrionic Antigen)... trong ung thư tuyến giáp
Tuyến giáp
Và những căn bệnh kéo theo khi suy giảm chức năng
Tuyến giáp là cơ quan ổn định nhiệt và quyết định nhiệt độ, tốc độ của quá trình trao đổi chất. Nếu vì lý do nào đó, chức năng tuyến giáp bị suy giảm thì tất cả các tế bào trong cơ thể sẽ không còn hoạt động hiệu quả như nó vốn có.
Tuyến giáp sinh sản hàng loạt hormone, trong đó quan trọng nhất là thyroxine (hay còn gọi là T4). Khi ra khỏi tuyến giáp, T4 chuyển hoá thành T3 (tri-iodothyro-nine), là dạng hoạt động mạnh của T4. Trong điều kiện bình thường, T3 đi vào các tế bào, điều khiển tế bào dùng oxy đốt cháy nhiên liệu để sản sinh ra năng lượng, đồng thời thải nhiệt năng lượng. Càng nhiều hormone T3, quá trình trao đổi chất diễn ra càng nhanh, cơ thể càng ít tăng cân và càng ấm.
Tuyến giáp và sức khoẻ
Các hormone của tuyến giáp ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể. Tình trạng thiếu các loại hormone này có thể dẫn tới hàng loạt bệnh hoặc không giảm được trọng lượng dù đã dùng mọi biện pháp như ăn kiêng hay tập luyện chuyên cần.
Thiếu hormone tuyến giáp, cơ thể sẽ giữ nước, muối và protein; lượng cholesterol trong máu tăng; da, tóc và móng tay phát triển chậm. Những người suy giảm chức năng tuyến giáp thường mệt mỏi và lờ đờ, chậm chạp trong nhận thức. Tuyến giáp còn liên quan chặt chẽ tới các yếu tố của hệ thống hormone như các tuyến điều khiển khả năng tình dục. Nam giới bị suy giảm tuyến giáp có thể bị liệt dương. Còn phụ nữ sẽ gặp các vấn đề liên quan tới kinh nguyệt.
Hiện nay, xét nghiệm máu thông thường có thể chỉ ra bạn có mắc bệnh hay không. Ngoài ra, có một phương pháp khác có thể kiểm tra chức năng tuyến giáp ngay tại nhà, đó là phương pháp đo nhiệt độ cơ thể hay còn gọi là kiểm tra Barnes. Theo bác sĩ người Mỹ Broda Barnes, khi không bị bệnh nhiệt độ cơ thể được quyết định hoàn toàn bởi tuyến giáp, chính xác nhất là vào buổi sáng, khi mới tỉnh dậy.
Theo phương pháp này, buổi sáng, trước khi bước xuống giường, bạn nên đo nhiệt độ bằng nhiệt kế thuỷ ngân để có kết quả chính xác nhất. Kẹp nhiệt kế vào nách trong 10 phút rồi ghi lại nhiệt độ. Theo bác sĩ Barnes, nhiệt độ trung bình của cơ thể vào buổi sáng là từ 36,6-36,8OC, từ 36,4OC trở xuống chứng tỏ tuyến giáp suy yếu.

Nguyên nhân gây suy giảm tuyến giáp
Nguyên nhân đầu tiên là sự thiếu iốt (iodine), một dưỡng chất thiết yếu cho chức năng tuyến giáp. Không có iốt, tuyến giáp dễ bị suy giảm chức năng và to ra, tạo thành bướu cổ. Nhưng cũng có trường hợp, dù cơ thể đủ lượng iốt nhưng chất này không thực hiện tốt chức năng của nó cũng là suy giảm tuyến giáp. Iốt xuất phát từ nhóm hoá học fluorine, chlorine, bromine, những chất ngày càng có nhiều trong môi trường. Theo các nhà khoa học, có thể các chất này đang can thiệp vào quá trình sử dụng iốt của cơ thể.
Nguyên nhân thứ hai là do các chất hoá học gây ô nhiễm môi trường. Một số nghiên cứu gần đây đã chứng minh được sự liên quan giữa môi trường sống, những chất gây ô nhiễm và làm việc với suy giảm tuyến giáp.
Yếu tố di truyền là nguyên nhân thứ ba. Hiện nay, theo các nhà nghiên cứu, việc truyền bệnh suy giảm tuyến giáp từ đời nọ sang đời kia ngày càng tăng. Suy giảm tuyến giáp làm giảm khả năng tình dục, nguy cơ vô sinh cao nên không thể truyền gene bệnh sang các đời sau. Nhưng với sự phát triển hiệu quả của kháng sinh và các thuốc điều trị tuyến giáp, gene này truyền từ đời này sang đời khác. Do đó, số người bị suy giảm tuyến giáp cũng tăng cao hơn.
Cách điều trị bệnh
Có 3 cách điều trị là dùng dưỡng chất và thảo dược, dùng thyroxine nhân tạo và dùng chiết xuất từ tuyến giáp. Có một số dưỡng chất và thảo dược có tác dụng tốt đối với sự hỗ trợ chức năng tuyến giáp như iốt, selen, vitamin A, canxi và manhe, L-Tyrosine, L-Glutamin và L-Glycine.
Như đã nói ở trên, iốt là thành phần thiết yếu của hormone tuyến giáp, không có nó tuyến giáp không sản xuất đủ lượng hormone cần thiết cho cơ thể. Iốt có thể bổ sung ở dạng tảo biển hoặc tảo đun. Dưới dạng thuốc uống, các chuyên gia y tế khuyên rằng, không nên sử dụng quá 500mcg (microgam) mỗi ngày để tránh gây áp lực lên tuyến giáp. Selen tham gia vào quá trình chuyển hoá T4 thành T3 nên thiếu nó, quá trình này sẽ bị trì hoãn. Theo các nghiên cứu, hàm lượng selen ở mức dưới 300mcg mỗi ngày là hợp lý. Canxi và manhe là hai khoáng chất hỗ trợ cho quá trình hoạt động của tuyến giáp và các tuyến bên cạnh. L-Tyrosine là acid amino có vai trò thiết yếu trong sự hình thành của các hormone tuyến giáp. Bổ sung acid amino này cho người bệnh sẽ hỗ trợ điều trị. L-Glutamine và L-Glycine cũng là hai acid amino thúc đẩy quá trình hoạt động của tuyến giáp.
Theo các bác sĩ, bổ sung thyroxine buộc người bệnh phải dùng thuốc ngày cả đời. Nhiều bệnh nhân đã có phản ứng tích cực với thuốc, đặc biệt là khi bổ sung thêm selen. Cũng có một phương pháp khác là dùng thuốc có các tế bào mô của tuyến giáp, còn được gọi là “thuốc chứa các tổ chức của tuyến giáp” được sản xuất từ tuyến giáp của bò hoặc lợn và nó còn chứa cả T3, T4. Loại thuốc này chỉ cần sử dụng theo đợt điều trị (1-2 năm). Sau đó, người bệnh có thể bỏ thuốc mà không tái phát.
Ngoài ra, sau khi sử dụng thuốc, người bệnh nên tự theo dõi tiến triển của bệnh. Mà điển hình là sự thay đổi thân nhiệt vào buổi sáng. Khuyến cáo của các chuyên gia y tế là tự kiểm tra thân nhiệt bằng phương pháp kiểm tra Barnes vào mỗi buổi sáng, ghi lại để thông báo với bác sĩ điều trị.
TĂNG NĂNG TUYẾN GIÁP - BAZEDOW
Cường Giáp - Giáp Trạng Tuyến Công Năng Cang Tiến Chứng, Bướu Cổ Lồi Mắt, - Hyperthyroidie, Maladie de Basedow)
Đại Cương
Là một bệnh Cường giáp là một bệnh rối loạn nội tiết thường gặp, gây ra do sự mất điều chỉnh giữa hai tuyến nội tiết: Tuyến yên và Tuyến giáp trạng. Bệnh do yếu tố phản ứng tự miễn của cơ thể gây nên sự tăng tiết của tế bào tuyến giáp mà sinh bệnh.
Bình thường tuyến giáp bài tiết ra Thyroxin dưới sự kích thích của tuyến yên. Thyroxin là do Iod kết hợp với Globulin có vai trò quan trọng trong việc phát dục và chuyển hoá chung.
Bệnh cường tuyến giáp là bệnh cường chức năng đó, tuyến giáp trạng to lên toàn bộ, có một hạt bướu ác tính khu trú hoặc bệnh phát triển trên một bướu cổ cũ.
Đa số kèm theo to tuyến giáp, một số ít phát bệnh sau một chấn thương tinh thần mạnh, nhất là tuổi trung niên từ 30 đến 45 tuổi, nữ mắc bệnh nhiều hơn nam, tỷ lệ mắc bệnh nam: nữ là 1:4. Bệnh nhân thường tính tình dễ nóng nảy, hồi hộp, nhiều mồ hôi, dễ đói, người gầy sụt cân, ngón tay run giật, tuyến giáp to, mắt lồi...
Thường gặp nhất là Tuyến giáp viêm mạn kèm cường giáp (bệnh Grave).
Bệnh cường giáp có liên hệ với chứng ‘Can Hỏa’, ‘Anh Lựu’ của Đông y.
Nguyên nhân gây bệnh
Theo YHHĐ:
Có một số yếu tố thuận lợi dẫn đến tăng năng tuyến giáp như sau:
. Cường nội tiết sinh dục nữ (tăng Folliculine).
. Trạng thái thần kinh (Cơ địa).
. Chấn thương tinh thần (Stress).
. Yếu tố gia đình.
. Các bệnh nhiễm khuẩn (tuyến giáp viêm, thương hàn, cúm...).
. Nhiễm độc Thủy ngân, tinh chất tuyến giáp...
Theo YHCT
+ Có liên quan đến sự rối loạn tình chí.
. Sách Chư Bệnh Nguyên Hậu Luận’, mục ‘Anh Lựu’ viết: "Chứng anh là do lo buồn khí kết sinh ra".
. Sách "Ngoại Khoa Chính Tông’ viết: "Chứng anh lựu phát sinh không phải âm dương chính khí kết thũng thì cũng là do ngũ tạng ứ huyết, trọc khí đàm trệ mà sinh ra”.
Như vậy, nguyên chủ yếu của bệnh là do khí uất, đàm kết, huyết ứ, hỏa uất, âm hư gây nên.
Có thể phân tích nguyên nhân bệnh lý như sau:
- Khí uất: chủ yếu là can khí uất trệ như sách "Tế Sinh Phương’, mục ‘Anh Lựu Luận Trị’ viết: "Chứng anh lựu đa số do vui giận thất thường, ưu tư quá độ mà sinh bệnh". Triệu chứng lâm sàng thường có: bệnh nhân bứt rứt, dễ cáu gắt, lo lắng nhiều.
- Đàm kết: do khí trệ lâu ngày sinh ra, triệu chứng của đàm kết là tuyến giáp sưng to mức độ khác nhau và mắt lồi.
- Huyết ứ: do khí trệ đàm kết cũng gây tắc mạch, huyết ứ triệu chứng chủ yếu là đau ngực, phụ nữ tắt kinh, mạch Kết, Đại.
- Hỏa uất xông lên cũng do khí trệ đàm kết gây nên, triệu chứng là phiền nhiệt (nóng nảy bứt rứt, hồi hộp, mau đói, nhiều mồ hôi, mặt nóng đỏ, rêu vàng, mạch Sác.
- Âm hư: do uất nhiệt lâu ngày làm tổn thương chân âm có những triệu chứng như người gầy nóng, tay run, sốt nhẹ, miệng khô, nam liệt dương, nữ thì tắt kinh, lưỡi thon đỏ, ít rêu mạch Tế Sác.
Triệu Chứng Lâm Sàng:
Triệu chứng chung
+ Rối loạn tuyến giáp trạng:
. Gầy nhanh và toàn thể, nhất là trong những đợt tiến triển sút 2-3 kg trong tuần dù ăn nhiều.
. Nhịp tim thường nhanh (Nhịp tim nhanh trên 100/phút thường xuyên là triệu chứng không thể thiếu được.
+ Rối loạn tuyến yên:
. Lồi mắt: cả hai bên, mắt hơi lồi hoặc lồi nhiều rõ rệt. Nhìn xuống, mi mắt trên không che kín tròng trắng.
. Run tay: thường run ở các đầu ngón tay và bàn tay, run đều, độ run nhẹ, run tăng khi bị xúc động, sợ hãi.
. Thay đổi tính tình: dễ xúc cảm, khó ngủ, rối loạn tính tình, rối loạn kinh nguyệt.
. Tuyến giáp trạng to.
Trừ một số ít bệnh nhân do chấn thương tinh thần hoặc do nhiễm khuẩn tuyến giáp nên bệnh phát đột ngột, đa số bệnh phát từ từ, lâm sàng triệu chứng nặng nhẹ rất khác nhau, có thể phân làm 4 thể bệnh: nhẹ, nặng, chứng nguy và biến chứng.
1. Chứng nhẹ: Thường là giai đoạn bệnh mới mắc, bệnh nhân thường bứt rứt, tính tình dễ nóng nảy, mệt mỏi, tim hồi hộp, đánh trống ngực, sụt cân, chất lưỡi đỏ, rêu mỏng trắng hoặc hơi vàng, mạch Huyền Tế Sác.
2. Chứng nặng: Xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh, ngoài những triệu chứng chủ quan trên đây nặng hơn, thường có sốt nhẹ, nhiều mồ hôi, mau đói, ăn nhiều, nam liệt dương, nữ thì tắt kinh, sút cân nhiều hơn, mặt đỏ ửng, ngón tay run, tuyến giáp to, mắt lồi, chất lưỡi đỏ, ít rêu hoặc rêu vàng mỏng, mạch Tế Sác hoặc Kết Đại.
3. Chứng nguy: Bệnh nhân sốt cao ra nhiều mồ hôi, nôn, tiêu chảy, tinh thần hoảng hốt, nói sảng, hoặc sắc mặt tái nhợt, chân tay lạnh, tinh thần uể oải, mạch Vi Tế khó bắt, huyết áp hạ, có thể có vàng da.
4. Biến chứng: Bệnh cường tuyến giáp là một bệnh nặng, tiến triển bất ngờ, từng đợt, nếu không điều trị, bệnh dẫn đến:
+ Đau ngực: Đánh trống ngực hồi hộp, tức ngực, khó thở, vùng trước tim đau.
+ Cơ bắp yếu mềm, đi lại khó khăn do kali máu hạ..
+ Suy tim: báo hiệu bằng những cơn nhịp tim nhanh, kịch phát, sau đó loạn nhịp tim hoàn toàn rồi to tim toàn bộ.
+ Suy mòn: người gầy đét rồi chết.
+ Nếu được điều trị kịp thời, bệnh có thể ổn định, bịnh nhân lên cân, ngủ được, nhịp tim trở lại bình thường, kinh nguyệt đều.
Chẩn đoán: chủ yếu Căn cứ vào:
1. Triệu chứng lâm sàng: có 4 loại triệu chứng chính:
. Tuyến giáp to vừa, lan tỏa hay có nhân.
- Triệu chứng rối loạn chức năng thần kinh tinh thần: Bứt rứt dễ cáu gắt, đau đầu, mất ngủ, kém tập trung.
Rối loạn vận động như run tay, động tác không tự chủ, thân nhiệt tăng, mồ hôi ra nhiều.
- Rối loạn tuần hoàn và tim mạch: tim nhịp nhanh hoặc nhịp tim không đều, có tiếng thổi, tăng huyết áp kỳ tâm thu, giảm huyết áp kỳ tâm trương.
- Mắt lồi, dấu hiệu Graph (+).
2. Trường hợp triệu chứng lâm sàng không điển hình, thường ở trẻ em và người cao tuổi, cần làm các xét nghiệm sau để xác định chẩn đoán:
Chuyển hóa cơ bản tăng (trị số bình thường: -10 - +10%, có thể theo công thức: Chuyển hóa cb = số mạch/ph + mạch áp - 111%.
(Mạch áp = huyết áp tâm thu - huyết áp tâm trương (tính bằng mmHg). Thí dụ: Huyết áp của ông A = 120/80 mmHg thì mạch áp của ông A = 120 - 80 = 40, và nếu mạch đập của ông A là 80 lần/phút thì chuyển hóa cơ bản = 80 + 40 - 111 = +9%).
Cholesterol máu giảm.
- Thyroxin máu cao từ 12-20mcg% (bình thường 4- 8mcg%)
Độ tập trung Iod trên 50%.
Căn cứ vào kết quả đo chuyển hóa cơ bản để đánh giá tình trạng nặng nhẹ của bệnh cường giáp thành 4 độ như sau: '
- Cường giáp độ I: chuyển hóa cơ bản = +15 - +30%, nhịp tim dưới 100 lần/phút
Cường giáp độ II: chuyển hóa cơ bản = +30 - + 60%, nhịp tim = 100 – 120 lần/phút.
- Cường giáp độ III: chuyển hóa cơ bản = trên + 60%, nhịp tim = trên 120 lần/phút.
Cường giáp độ IV: chuyển hóa cơ bản = trên + 100%, nhịp tim = trên 120 lần/phút.
(Nhịp tim phải lấy mạch lúc bệnh nhân được nghỉ ngơi đầy đủ. Bệnh độ I là bệnh nhẹ, độ II là trung bình, độ III là bệnh nặng và độ IV là rất nặng).
Điều trị:
Đông Y trị chứng cường giáp lấy biện chứng luận trị làm cơ sở nhưng phân từng loại cũng có sự khác biệt.
* Y Viện Nam Kinh phân thành 4 loại: Can khí uất trệ, Đờm khí giao kết, Can hỏa vượng và Tâm Can âm hư.
* Y Viện Thượng Hải phân làm 3 loại: Khí trệ đờm ngưng, Can hỏa cang thịnh và Tâm Can Âm hư.
* Y Viện Bắc Kinh cho rằng chứng trạng điển hình của bệnh cường giáp không xuất hiện đồng thời mà ở các giai đoạn khác nhau đều có các chứng khác nhau.
Các phương pháp phân loại của các tác giả tuy không hoàn toàn giống nhau nhưng trên cơ bản đều cho rằng diễn biến của bệnh này có các quy luật sau:
+ Mới phát: Chủ yếu là Can uất đờm kết, chữa trị nên lý khí, hóa đờm, nhuyễn kiên, tán kết.
+ Thời kỳ sau: Phần âm suy, hao tổn, chữa trị nên nhu Can, tư Thận.
Cách chung (Theo Hiện Đại Nội Khoa Trung Y Học).
+ Chứng nhẹ: Biểu hiện chủ yếu là thể can khí uất kết, đàm kết sinh hỏa gây nhiễu tâm nên phép trị chủ yếu là sơ can, thanh tâm, hóa đàm, tán kết, dùng bài Đơn Chi Tiêu Dao Tán hợp Toan Táo Nhân Thang gia giảm (Sao Sơn Chi, Tri Mẫu, Liên Tử, Đơn Bì, Ngân Sài Hồ, Bạch Thược, Đương Qui, Toan Táo Nhân, Viễn Chí, Tượng Bối Mẫu, Hải Tảo, Mẫu Lệ. Có kết quả tốt thì bài thuốc chuyển làm thuốc hoàn hoặc cao tiếp tục uống trong 2 - 3 tháng. Trường hợp không khỏi chuyển sang dùng phép trị chứng nặng.
+ Chứng nặng: Biểu hiện chủ yếu là khí uất, đàm kết, táo hỏa thương âm, phép trị chủ yếu là dưỡng âm, tả hỏa, hóa đàm, tán kết, dùng bài thuốc có các vị Hạ Khô Thảo, Tri Mẫu, Cúc Hoa, Huyền Sâm, Thiên Hoa Phấn, Côn Bố, Trúc Nhự, Bối Mẫu, Sinh Long Cốt, Sinh Mẫu Lệ, Sinh Đại Hoàng sắc uống. Nếu kết quả tốt dùng trong 2 - 3 tháng chuyển sang uống thuốc hoàn để củng cố.
3) Chứng nguy: Biểu hiện chủ yếu là táo hỏa cực thịnh làm suy kiệt khí âm, cần truyền dịch hồi sức cấp cứu theo tây y, khí âm được hồi phục, chuyển sang điều trị như đối với thể nặng có kết hợp thuốc tây.
Biện chứng luận trị
l) Can khí uất trệ: Ngực sườn đau tức, bụng đầy ăn ít, rìa lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch Huyền.
Phép trị: Sơ Can thanh nhiệt, lý khí, giải uất.
- Bài thuốc: Đơn Chi Tiêu Dao Tán gia giảm: Đơn Bì, Chi Tử đều 12g, Sài Hồ 8g, Đương Qui 16g, Bạch Thược, Bạch Truật, Bạch Linh đều 12g, Bạc Hà (cho sau), Trần Bì, Hậu Phác đều 10g, Gừng tươi 3 lát sắc uống.
2) Can hỏa thịnh: Bứt rứt, nóng nảy, hay cáu gắt, sắc mặt đỏ ửng, sợ nóng, miện đắng, mồ hôi ra nhiều, hoa mắt, chóng mặt, chân tay run, lưỡi đỏ, rêu mỏng vàng, mạch Huyền Sác.
Trường hợp can hỏa phạm vị, bệnh nhân mau đói, ăn nhiều.
Phép trị: Thanh can, tả hỏa.
Bài thuốc: Long Đởm Tả Can Thang Gia giảm: Long Đởm Thảo, Hoàng Cầm, Chi Tử, Thiên Hoa Phấn đều 12g, Sinh Địa, Bạch Thược đều 16g, Ngọc Trúc 20g, sắc uống.
Trường hợp vị nhiệt mau đói, ăn nhiều thêm Hoàng Liên, Thạch Cao để tả vị nhiệt. Tính tình nóng nảy, dễ cáu gắt, mặt đỏ tay run gia Trân Châu, Từ Thạch, Câu Đằng, Địa Long để bình can, tiềm dương. Táo bón thêm Đại Hoàng để thông tiện.
3) Tâm âm hư: Bứt rứt khó ngủ, hồi hộp ra mồ hôi, mệt mỏi, ngắn hơi (hụt hơi), chất lưỡi đỏ bóng, ít rêu hoặc rêu mỏng, mạch Tế Sác.
Phép trị: Dưỡng tâm, an thần, tư âm, sinh tân.
- Bài thuốc: Bổ Tâm Đơn gia giảm: Sa Sâm 16g, Huyền Sâm, Đơn Sâm, Thiên Môn, Mạch Môn, Đương Qui, Sinh Địa, Bá Tử Nhân đều 12g, Ngũ Vị Ttử 4g, Sao Táo Nhân 20g, Viễn Chí 6g, Chu Sa 1g (tán bột mịn hòa thuốc uống).
Trường hợp thận âm hư (ù tai, miệng khô, vùng thắt lưng đau, gối mỏi, thêm Nữ trinh tử, Hạn liên thảo, Quy bản, Kỷ tử để bổ thận âm.
Trường hợp âm hư hỏa vượng, thêm Tri Mẫu, Hoàng Bá để tư âm tả hỏa.
4- Đàm Thấp Ngưng Kết: Tuyến giáp to, ngực đầy tức, không muốn ăn, nôn, buồn nôn, tiêu lỏng, lưỡi bệu, rêu lưỡi dày, nhớt, mạch Nhu Hoạt.
Điều trị: Hóa đàm, lợi thấp, nhuyễn kiên, tán kết.
Bài thuốc: Hải Tảo Ngọc Hồ Thang gia giảm: Hải Tảo, Côn Bố, Hải Đới đều 20 - 40g, Bán Hạ, Triết Bối Mẫu, Trạch Tả, Phục Linh, Đương Qui đều 12g, Thanh Bì 10g, Xuyên Khung 6g. Trường hợp ngực tức, sườn đau thêm Xuyên Luyện Tử, Diên Hồ Sách để sơ can chỉ thống. Nếu nôn, buồn nôn, tiêu lỏng, mệt mỏi thêm Bạch Truật, Ý Dĩ, Biển Đậu để kiện tỳ trừ thấp.
4) Biến Chứng
+ Đau ngực (hung tý): do can khí uất trệ, nhiệt đàm làm tắt kinh lạc. Phép trị là sơ can, thông lạc, thanh nhiệt, hóa đàm dùng các vị: Khương Bán Hạ, Qua Lâu Bì, Chỉ Thực, Uất Kim, Hồng Hoa, Đơn Sâm, Đăng Tâm, sao Hoàng Liên. Hết đau (hung tý được tuyên thông) tiếp tục phép trị chứng nặng, thêm thuốc hoạt huyết hóa ứ.
+ Chân tay yếu mềm: Triệu chứng của can thịnh tỳ hư, khí thoát, đàm kết, phép trị dùng thanh can, trợ tỳ hóa đàm, tán kết, dùng các vị Đơn Bì, Chi Tử, Thái Tử Sâm, Bạch Truật sống, chích Hoàng Kỳ, Khương Bán Hạ, Thanh Bì, Trần Bì, Xuyên Ngưu Tất, Tàm Sa, Côn Bố, có kết quả rồi tiếp tục dùng phép trị chứng nhẹ. Thời gian điều trị bằng đông y có kết quả phải từ một đến 2 năm. Cần chú ý theo dõi bệnh nhân trong quá trình điều trị nếu không kết quả phải dùng thuốc kháng giáp kết hợp.
Châm Cứu
Châm có thể làm cho thần kinh giao cảm ở cổ bớt khẩn trương, úc chế sự phân tiết của tuyến giáp làm nhãn cầu bớt ứ huyết và các hột mắt bớt lồi.
Châm Liêm Tuyền, Nhân Nghênh, Thủy Đột, Thiên Đột, Thiên Trụ, Phong Trì, Đại Chùy, Đại Trử.
Nếu lồi mắt châm thêm Tứ Bạch, Đồng Tử Liêu.
Mạch quá nhanh châm Nội Quan hoặc ấn từ từ và nhẹ ở vùng xoang động mạch cảnh (huyệt Thủy Đột) và hai nhãn cầu khoảng 30 giây đến một phút.
Châm có thể đề phòng hiện tượng tim đập nhanh quá trong và sau khi mổ Bazedow. Năm phút trước khi mổ, châm Nội Quan (chủ yếu), Thần Môn, Túc Tam Lý, Tam Âm Giao cả hai bên. Lưu kim suốt 10 giờ. Trong lúc mổ, cứ 15 phút vê nhẹ một lần. Sau khi mổ, cứ 2 giờ vê nhẹ một lần. Kết quả rất tốt.
Tham Khảo
+ BÌNH ANH PHÚC PHƯƠNG (Viện Văn Học, bệnh viện Nhân Dân Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm TQ): Huyền Sâm, Bạch Thược, Đơn Bì, Đương Qui, Phục Linh, Sinh Đia, Triết Bối Mẫu, Thanh Bì, Trần Bì, Tam Lăng, Nga Truật đều 9g, Sơn Thù Nhục 6g,. Sinh Mẫu lệ 30g, Hạ Khô Thảo 12g, Ngọa Lăng tử 15g, sắc uống.
Bài thuốc có tác dụng dục âm, tiềm dương, dưỡng tâm, ích thận, sơ can, tỉnh tỳ, hóa đàm, thanh anh, chủ trị chứng cường giáp âm hư dương thịnh.
Kết quả lâm sàng:
Đã dùng bài thuốc theo biện chứng gia giảm trị 110 ca cường giáp, kết quả: khỏi (hết triệu chứng lâm sàng, chuyển hóa cơ bản và kết quả xét nghiệm hồi phục bình thường) 38 ca, tiến bộ (triệu chứng giảm rõ, chuyển hóa cơ bản và xét nghiệm đều bình thường) 63 ca, có kết quả (triệu chứng và chuyển hóa cơ bản đều giảm, xét nghiệm chưa bình thường): 6 ca, không kết quả rõ: 3 ca.
Trong số bệnh nhân có 77 ca tuyến giáp sưng, sau điều trị hết sưng có 59 ca, nhỏ hơn: 10 ca, có lồi mắt 54 ca, sau điều trị hết lồi 40 ca, lồi giảm 10 ca.
Phần lớn bệnh nhân sau khi uống thuốc 3 - 6 ngày triệu chứng lâm sàng bắt đầu giảm, thuốc đối với triệu chứng mắt lồi cũng có tác dụng tốt.
+ KHÁNG GIÁP PHIẾN (Trương Triết Thần, bệnh viện trực thuộc Học Viện Trung Y Sơn Đông): Quất Hồng 100g, Bán Hạ, Bạch Linh, Hải Tảo, Côn Bố, Mẫu Lệ (nung), Đại Bối Mẫu đều 150g, Hạ Khô Thảo 200g, Tam Lăng 100g, Hoàng Dược Tử, Cam Thảo đều 50g, Hổ Phách, Chu Sa đều 10g, tất cả tán bột mịn, trộn với mật làm thành viên, mỗi viên nặng 15g. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 viên.
Bài thuốc có tác dụng tư âm, thanh nhiệt, hóa đàm, tán kết.
Kết quả lâm sàng: Đã dùng trị 125 ca, kết quả khỏi 65 ca, kết quả tốt (cơ bản hết triệu chứng lâm sàng, chức năng tuyến giáp gần bình thường) 24 ca, có kết quả 23 ca, không kết quả (sau 2 tháng điều trị, triệu chứng lâm sàng không thay đổi) 13 ca.
Trong bài đã dùng Cam Thảo với Côn Bố, Hải Tảo nhưng không thấy có phản ứng phụ.
+ PHỨC PHƯƠNG KHÁNG GIÁP CAO (Từ Vĩnh Phổ, bệnh viện trực thuộc số 1 trường Đại học Y khoa Triết Giang): Hoàng Kỳ, Đảng Sâm, Mạch Môn, Bạch Thược, Hạ Khô Thảo đều 15g, Sinh Địa, Đơn Sâm, Sinh Mẫu Lệ đều 30g, Tô Tử, Ngũ Vị Tử, Hương Phụ chế đều 10g, Bạch Giới Tử 6g. Nấu thành cao. Mỗi lần uống 1 thìa canh, ngày 3 lần. Một liệu trình 3 tháng, có thể dùng mấy liệu trình.
Kết quả lâm sàng: Trị 50 ca, triệu chứng giảm tốt 90,9%, trong 40 ca có đo chuyển hóa cơ bản, 20 ca hồi phục bình thường, giảm rõ (khoảng 50% 5 ca. Có đo độ hấp thu iốt của tuyến giáp 10 ca, có 5 ca hồi phục bình thường, 2 ca giảm rõ . Theo nhận xét của tác giả, thuốc điều trị không có ảnh hưởng đến công thức máu và chức năng gan, có kết quả tốt đối với bệnh thể nhẹ và trung bình. Đối với thể nặng, dùng kết hợp với MTU có kết quả tốt hơn. Thuốc có thể dùng làm thuốc củng cố chống tái phát sau khi đã điều trị ổn định bằng MTU.
+ SÀI HỒ LONG MẪU THANG (Dụ Kế Sinh, bệnh viện Ninh Hương, tỉnh Hồ Nam): Sài Hồ, Cương Tàm đều 10g, Hoàng Cầm, Pháp Bán Hạ, Câu Đằng, Sinh Thiết Lạc đều 15g, Long Cốt, Mẫu Lệ, Sinh Thạch Cao đều 30g, Cát Căn 20g, Chu Sa 3g, Cam Thảo 5g, sắc nước uống. Táo bón thêm Đại Hoàng 6g.
Kết quả lâm sàng: Dùng điều trị 100 ca, kết quả tốt (hết triệu chứng, lên cân) 50 ca, có kết quả (u giáp nhỏ, hết lồi mắt, mạch bình thường) 41 ca, không kết quả 9 ca.
+ KHÁNG GIÁP THANG (Hạ Thiếu Nông và cộng sự, Bệnh viện Thử Quang, trực thuộc học viện Trung y Thượng Hải): Hoàng Kỳ 30 - 45g, Bạch Thược, Hương Phụ đều 12g, Sinh Địa 15g, Hạ Khô Thảo 30g, Hà Thủ Ô đỏ 20g, sắc uống. Thuốc có tác dụng ích khí dưỡng âm. Gia giảm: Tỳ hư bỏ Sinh Địa thêm Hoài Sơn, Bạch Truật, Thần Khúc. Tâm hỏa vượng thêm Hoàng Liên. Can hỏa vượng thêm Long Đảm Thảo.
Kết quả lâm sàng: Trị 98 ca, khỏi (thử nghiệm độ tập trung iốt (I 131), T3, T4 đều bình thường) 61 ca, tốt (trong 3 mục trên có 2 mục bình thường 19 ca, có kết quả (trong 3 mục trên có một mục bình thường) 8 ca, không kết quả 10 ca. Tác giả có thử bỏ Hoàng Kỳ trong một số ca để so sánh có nhận xét là tác dụng của Hoàng Kỳ rất tốt trong việc cải thiện triệu chứng lâm sàng và hạ T3 T4. Và cũng chứng minh Hoàng Kỳ có tác dụng cải thiện chức năng miễn dịch và việc làm hạ TS, T4 huyết thanh có phải là do nâng cao miễn dịch (?) là một vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.
+ TRƯƠNG THỊ KHÁNG GIÁP PHƯƠNG (Trương Tuấn Văn, Bệnh viện trực thuộc số 1 Y học viện Tây An, tỉnh Thiển Tây): (l) Sinh Thạch cao 30g, Mạch Môn, Bạch Thược, Hạ Khô Thảo đều 15g, Thiên Hoa Phấn, Sinh Địa đều 24g, Thạch Hộc, Đương Qui, Hoàng Cầm, Thạch Liên nhục đều 12g, Xuyên Khung 10g, Hoàng Liên 6g, Hoàng Bá 9g, Ô Mai 20g sắc uống. Tác dụng: dưỡng âm huyết, thanh vị hỏa. Trị cường giáp do vị hỏa.
(2) Long Đởm Thảo, Sinh Địa, Trân Châu Mẫu đều 15g, Chi Tử, Đương Qui, Sài Hồ đều 10g, Hoàng Cầm, Mạch Đông đều 12g, Hạ Khô Thảo, Huyền Sâm, Sinh Long Cốt, Sinh Mẫu Lệ, Địa Cốt Bì đều 30g, sắc uống. Tác dụng: thanh can hỏa. Trị thể can kinh thực hỏa.
(3) Đương Qui, Bạch Thược, Hương Phụ, Huyền Sâm đều 15g, Sài Hồ, Bạch Linh, Bạc Hà, Uất Kim, Hoàng Cầm đều 10g, Bạch Truật, Đơn Bì, Chi Tử đều 12g, Hạ Khô Thảo 24g, sắc uống. Tác dụng: sơ can, thanh nhiệt. Trị thể can uất hóa nhiệt.
Biện chứng gia giảm: Hồi hộp nhiều thêm Bá Tử Nhân 30g, Khổ Sâm 15g, Ngũ Vị Tử 15g. Mồ hôi nhiều thêm Long Cốt, Mẫu Lệ, Hoàng Kỳ đều 30g. Mất ngủ thêm sao Táo Nhân 15g, Long Xỉ, Viễn Chí, Ngũ Vị Tử đều 15g. Tuyến giáp to thêm Hoàng Dược Tử 10g. Lồi mắt thêm Xuyên Sơn Giáp 12g, Địa Long 12g.
Kết quả lâm sàng: Trị 32 ca, khỏi (hết triệu chứng lâm sàng, độ tập trung I131 bình thường) một ca, chuyển biến tốt (triệu chứng cải thiện rõ, độ tập trung I131 bình thường) 9 ca, có kết quả (các mặt đều tiến bộ) 21 ca, không kết quả (các mặt không thay đổi) một ca.
+ TRI BÁ DƯỠNG VỊ THANG (Trương Vĩnh Tịnh, bệnh viện Hồng Thập Tự tỉnh Vân Nam): Sao Tri Mẫu, tiêu Hoàng Bá, Đơn Bì, Thạch Hộc, Trạch Tả, Ngọc Trúc đều 12g, Hoài Sơn, Phục Linh, Mạch Đông, Hải Tảo, Côn Bố đều 15g, Sinh Địa 20g, Đơn Sâm, Hoàng Dược Tử đều 30g, sắc uống. Dưỡng âm,thanh nhiệt, sơ can, hoạt huyết, hóa đàm, nhuyễn kiên. Trị cường giáp thể thận âm hư vì nhiệt.
Kết quả lâm sàng: Điều trị 34 ca (Trung tây y kết hợp 26 ca, Trung y 8 ca). Kết quả khỏi (hết triệu chứng, chuyển hóa cơ bản, độ tập trung I131 bình thường, công tác sinh hoạt hồi phục bình thường, theo dõi 1 - 2 năm không tái phát), 4 ca (đông tây y điều trị 3 ca, trung y một ca) tiến bộ (triệu chứng giảm, chuyển hóa cơ bản hồi phục gần bình thường, công tác sinh hoạt bình thường) 30 ca (trong đó, trung tây y kết hợp 23 ca, trung y 7 ca).
+ GIÁP KHÁNG HƯ THỰC PHƯƠNG (Đặng Ngọc Linh, tỉnh An Huy, T.Q): (l) Quế chi, Xích thược, Bạch thược, Đào nhân, Sài hồ đều 10g, Sinh long cốt, Sinh Mẫu lệ, Ý dĩ nhân đều 20g, Chích Cam thảo 9g, Phục linh 12g, Bán hạ, Thanh bì đều 6g, Slnh khương 2 lát, Hồng táo 3 quả, sắc uống.
(2) Bạch linh, Đơn bì, Chi tử, Quế chi, Triết Bối Mẫu đều 10, Sinh Long Cốt, Sinh Mẫu Lệ đều 20g, Thiên Hoa Phấn 15g, Hạ Khô Thảo 12g, Bạch Thược 9g, Đương Qui 8g, Thanh Bì 6g, sắc uống.
Gia giảm: Trường hợp triệu chứng lâm sàng được cải thiện nhưng bướu giáp còn to, thêm Hạ khô thảo, Hương phụ, Triết bối mẫu đều 10g. Miệng khô bứt rứt thêm vào bài vào bài số 2: Mạch môn, Huyền sâm đều 10g, Liên tử tâm 3g.
Kết quả lâm sàng: Trị 80 ca kết quả khỏi (triệu chứng hết, đo tập trung I 131 bình thường, chuyển hóa cơ bản bình thường): 16 ca, có kết quả (triệu chứng cơ bản hết, chuyển hóa cơ bản bình thường, độ tập trung I 131 giảm: 13 ca, không kết quả: một ca.
+ THÂN THỊ GIÁP KHÁNG PHƯƠNG (Thân Trường Chinh, bệnh viêïn Trung y Càn An, tỉnh Cát Lâm): (l) Hoàng Dược Tử, Hải Tảo, Côn Bố, Hải Phù Thạch, Hải Cáp Phấn, Sinh Mẫu Lệ, Lộ Lô đều 25g, Mộc Hương 7, 5g, Tam Lăng, Nga Truật đều 15g, Trần Bì 10g, Đại Hoàng 7,5g, sắc uống. Tác dụng: Tiêu anh, phá khí, trị cường giáp thể can uất đàm kết.
(2) Hoàng Dược Tử, Sinh Địa, Sinh Mẫu Lệ, Hyền Sâm đều 25g, Hoàng Liên, Hoàng Cầm, Hoàng Bá, Đởm Thảo đều 10g, Cam Thảo 15g, sắc uống. Trị cường giáp thể âm hư hỏa vượng.
Biện chứng gia giảm: Khí trệ thêm Thanh Bì, Ô Dược. Đàm thịnh thêm Triết Bối Mẫu. Cảm hàn tắt tiếng thêm Xạ Can. Can dương thượng kháng thêm Trân Châu Mẫu, Câu Đằng. Tuyến giáp to thêm Giáp Châu, Lậu Lô.
Kết quả lâm sàng: Trị 32 ca, hoàn toàn ổn định (triệu chứng mất, xét nghiệm bình thường): 11 ca, tiến bộ (triệu chứng giảm, kết quả xét nghiệm gần bình thường) 18 ca, không kết quả: 3, ca.
+ DƯỠNG ÂM TÁN KẾT THANG (Cù Minh Nghĩa, Sở nghiên cứu Trung y tỉnh Hà Nam): Sa Sâm, Mạch Môn, Sinh Địa, Hoa Phấn, Côn Bố, Hải Tảo đều 15g, Ngũ Vị tử, Triết Bối Mẫu đều 10g, sắc uống.
Biện chứng gia giảm: Tuyến giáp to thêm Hải Phù Thạch, Hạ Khô Thảo đều 15g. Tay run thêm Sinh Long Cốt, Sinh Mẫu Lệ đều 15g. Thèm ăn tăng Sinh Địa lên 30g, gia Huyền Sâm 15g. Khát, bứt rứt thêm Ô Mai 15g, Thạch Hộc 15g. Tỳ hư, tiêu lỏng bỏ Sinh Địa, thêm Sơn Dược 30g. Khí hư, mồ hôi nhiều thêm Thái Tử Sâm 30g, Bạch Thược 15g. Kinh nguyệt lượng ít hoặc dương suy thêm Dâm Dương hoắc 15g.
Kết quả điều trị: 31 ca, ổn định (triệu chứng lâm sàng hết, chuyển hóa cơ bản bình thường, trên một năm không tái phát): 18 ca, ổn định phần lớn (triệu chứng phần lớn hết, chuyển hóa cơ bản gần bình thường): 13 ca, không kết quả, 3 ca.
+ GIÁP KHÁNG BÌNH (Thẩm Ngọc Minh, bệnh viện Nhân dân huyện Phú Dương, tỉnh Triết Giang): Thái Tử Sâm 30g, Mạch Môn, Huyền Sâm đều 10g, Xuyên Thạch Hộc, Triết Bối Mẫu, Hạ Khô Thảo đều 12g, Sinh Mẫu Lệ 30g, Sinh Cáp Xác 15g, sắc uống.
Biện chứng gia giảm: Can uất thêm Sinh Mạch Nha, Lậu Lô. Vị hỏa thịnh thêm Sinh Thạch Cao, Hà Diệp. Tỳ vị hư thêm Hoài Sơn, Bạch Biển Đậu. Tuyến giáp sưng thêm Đơn Sâm, Sơn Từ Cô. Mắt lồi thêm Thạch Xương Bồ. Mồ hôi nhiều thêm Phù Tiểu Mạch. Tim hồi hộp nặng thêm Chu Sa.
Kết quả lâm sàng: Bài thuốc có tác dụng ích khí, dưỡng âm, thanh nhiệt, tán kết, dùng trị cường giáp 40 ca, khỏi (hết triệu chứng, kiểm tra chức năng tuyến giáp hồi phục bình thường): 24 ca, tốt (triệu chứng giảm nhẹ, chức năng tuyến giáp gần bình thường): 9 ca, có kết quả (triệu chứng chức năng tuyến giáp đều giảm nhẹ): 7 ca. Thời gian điều trị ngắn nhất là 38 ngày, dài nhất 6 tháng, bình quân 67 ngày.
+ GIÁP KHÁNG TIỄN (Khúc Trúc Thu, Bệnh viện trực thuộc Viện Y học Thiên Tân): Bạch Thược, Ô Mai, Mộc Qua, Sa Sâm, Mạch Môn, Thạch Hộc, Biển Đậu, Liên Nhục đều 10g, Sài Hồ, Tang Diệp, Hắc Chi Tử, Côn Bố đều 6 - 10g, sắc uống.
Biện chứng gia giảm: Mắt lồi rõ thêm Bạch Tật Lê, Thảo Quyết Minh, Sung Úy Tử. Tuyến giáp to cứng thêm Sơn Từ Cô, Sinh Mẫu Lệ. Tim đập nhanh rõ thêm sao Táo Nhân, Sinh Long Cốt (hoặc Long Xỉ).
Kết quả lâm sàng: Trị 60 ca, khỏi (hết triệu chứng lâm sàng, T3, T4 hồi phục bình thường): 28 ca, cơ bản khỏi (hết triệu chứng, T3, T4 bình thường, tuyến giáp còn to, mắt còn lồi): 10 ca, có kết quả rõ (triệu chứng lâm sàng cơ bản hết, T3, T4 so với trước giảm trên 50%): 8 ca, có chuyển biến (triệu chứng giảm, rõ, T3, T4 giảm dưới 50%): 11 ca, không kết quả (sau thời gian điều trị 3 tháng không thay đổi): 3 ca.
Ghi chú: Bắt đầu uống thuốc thang, sau khi bệnh ổn định, theo đơn thang thuốc trên làm hoàn, mỗi hoàn 9g, ngày uống 2 hoàn để củng cố, chống tái phát.
+ HỨA THỊ TRỊ KHÁNG PHƯƠNG (Hứa Vân Trai, bệnh viện Nhân dân Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây): (l) Hoàng Cầm 9g, Hoàng Bá 6 g, Hoàng Liên 3g, Ngọc Trúc 21g, Tế Sinh Địa 24g, Bạch Thược 15g, Cam Thảo 9 g, Hoa Phấn, Đảng Sâm đều 15g, sắc uống.
(2) Chi Tử, Hoàng Cầm, Đởm Thảo, Cam Thảo đều 9g, Sinh Đỉa, Ngoc Trúc đều 21g, Hoa Phấn, Đảng Sâm, Bạch Thược đều 15g sắc uống.
Thuốc thang uống từ 7 - 10 thang hết các triệu chứng, dùng Địa Hoàng uống để duy trì kết quả.
Bài (1) trị cường giáp thể dương minh vị nhiệt, bài (2) trị cường giáp thể thiếu dương đởm nhiệt.
Biện chứng gia giảm: Trường hợp tiêu chảy thêm Bạch Linh, Trạch Tả đều 9g. Mặt có phát ban khô thêm Liên Kiều, Ngân Hoa đều 15g.
Kết quả lâm sàng: Trị 42 ca, bài (l) trị khỏi 25 ca, bài (2) trị khỏi 17 ca.
+ TRƯƠNG THỊ NHUVỄN KIÊN PHƯƠNG (Bệnh viện Nam Khai, Thiên Tân): Sinh Mẫu Lệ, Hải Tảo, Côn Bố, Tật Lê, Bạch Thược, Sinh Địa, Huyền Sâm, Kỷ Tử, Sung Úy Tử, lượng bằng nhau đều tán bột mịn, mật hoàn, mỗi hoàn 10g, mỗi ngày uống 2 - 3 hoàn.
Biện chứng gia giảm: Bướu to lâu khỏi thêm Thổ Phục Linh. Nhịp tim nhanh thêm Khổ Sâm.
Kết quả lâm sàng: Trị 50 ca, cơ bản khỏi lâm sàng 8 ca, tiến bộ rõ rệt 18 ca, có cải thiện 22 ca, không kết quả: 2 ca.
Những bài thuốc kinh nghiệm dân gian
(l) Hải Đới 250g. Rửa sạch, dùng lửa nhỏ, nấu đặc thành cao, bỏ bã, uống ngày một thang.
(2) Hải Tảo, Hải Đới đều 500g, rửa sạch sấy khô tán bột mịn. Mỗi ngày uống 10g với nước sôi nguội. Hải Tảo không được dùng chung với Cam Tthảo.
(3) Côn Bố 30g, Toàn Yết (Bò cạp) một con. Côn Bố sắc bỏ xác, Toàn Yết nung cháy tán bột. Nước sắc thuốc uống với bột Bò cạp mỗi sáng một lần, liên tục 10 ngày.
(4) Côn Bố, Hải Tảo, Mẫu Lệ đều 15g, sắc uống, ngày một thang, liên tục trong nhiều ngày. Dùng tốt cho thể can khí uất.
(5) Sài Hồ, Phật Thủ đều 9g, Uất Kim, Hải Tảo đều 15g. Sắc, bỏ bã, cho gạo nấu cháo thêm đường mía uống, ngày một thang, liên tục trong 10 - 15 ngày.
(6) Hạ Khô Thảo 100g, Sa Sâm, Mạch Môn, Sinh Địa, Huyền Sâm đều 30g, Hải Tảo 50g. Sắc 2 lần được 500ml, cho đường trắng nấu cao. Mỗi lần uống 20ml, ngày 3 lần.
(7) Xuyên Bối, Côn Bố, Đơn Sâm đều 15g, Ý Dĩ 30g, Đông Qua 60g, đường đỏ vừa đủ . 2 vị trước sắc bỏ bã, các vị sau cho vào nấu cháo ăn, ngày một thang, liên tục uống 15 - 20 thang. Dùng cho thể đàm thấp kết tụ.
(8) Hải Tảo, Hải Đới đều 15g, Mẫu Lệ Nhục 60g. 2 vị đầu rửa sạch cát cho Mẫu Lệ Nhục vào nấu chín, ăn thịt uống nước. Dùng tốt cho bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh thể cường giáp thiếu iốt.
(9) Đậu Xanh 60g, Hải Đái, gạo đều 30g, Trần Bì 6g, Đường đỏ 60g. Sắc chín đậu xanh nở là ăn được.
(10) Hạ Khô Thảo 20g, Mẫu Lệ 15g, Hải Tảo, Côn Bố đều 10g. Sắc uống kèm theo uống Bổ Tâm Đơn.
(11) Hoàng Kỳ, Hạ Khô Thảo đều 30g, Đảng Sâm 20g, Miết Giáp 15g, Quy Bản, Thủ Ô, Sinh Địa, Bạch Thược, Hoài Sơn, chế Hương Phụ đều 12g. Sắc uống. Dùng cho bệnh nhân kèm tuyến giáp to.
(12) Đương Qui, Chi Tử, Bạch Truật, Mạn Kinh Tử, Uất Kim đều 10g, Sài Hồ, Đơn Sâm, Bạch Thược, Hoàng Cầm đều 12g, lá Bạc Hà, Cam Thảo đều 6g. Sắc uống, 10 ngày là một liệu trình.
(13) Đương Qui 10g, Sinh Hoàng Kỳ 30g, Sinh Thục Địa, Hoàng Bá đều 10g, Hoàng Cầm, Ngũ Vị Tử, Đơn Bì đều 10g, Sinh Mẫu Lệ, Bạch Đầu Ông đều 30g, Hạ Khô Thảo 15g. Sắc uống. Dùng cho bệnh nhân hồi hộp, mệt mỏi, ăn uống nhiều, tuyến giáp to.
(14) Đương Qui, Mạch Đông, Ngũ Vị, Đảng Sâm, Tam Lăng, Côn Bố, Hải Tảo, Nga Truật, Ngọc Trúc, Ô Mai, Sinh Thục Địa, Hoàng Cầm, Hoàng Liên, Hoàng Bá đều 30g, Bạch Đầu Ông 60g, Sinh Mẫu Lệ, Lệ Chi Hạch, Quất Hạch đều 50g, Sinh Hoàng Kỳ, Hạ Khô Thảo đều 90g. Tất cả tán bột mịn, trộn với mật làm hoàn, mỗi hoàn 10g. ngày uống 2 hoàn vào sáng và tối.
(15) Sinh Hoàng kỳ 20g, Đương Qui, Sinh Thục Địa, Hoàng Cầm đều 10g,, Hoàng Liên 3g, Hoàng Bá, Quất Hạch, Lệ Chi Hạch đều 10g, Hạ Khô Thảo 20g, Mẫu Lệ, Bạch Đầu Ông đều 30g. Sắc uống.
(16) Đảng Sâm, Chỉ Xác, Ô Mai, Côn Bố, Mạch Môn, Ngũ Vị Tử đều 30g, Quất Hạch, Lệ Chi Hạch, Hải Tảo, Hạ Khô Thảo đều 50g, Đơn Sâm 90g, Quy Bản, Bạch Đầu Ông đều 60g. Tất cả tán bột, trộn với mật làm thành hoàn, mỗi hoàn 10g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 hoàn.
4. Điều Trị Bằng Châm Cứu
+ THỂ CHÂM
. Thiên Song, Nhu Hội, Khí Xá (Giáp Ất Kinh).
. Cự Anh, Phù Đột, Thiên Đột, Thiên Song, Khuyết Bồn, Du Phủ, Trung Phủ, Đản Trung,
Hợp Cốc, Thập Tuyên (chích máu) Liệt Khuyết (châm trước) (Châm Cứu Đại toàn).
. Huyệt chính: Nội Quan, Gian Sử, Thần Môn, Túc Tam Lý, Tam Âm giao, Thái Khê, Phục Lưu, Thái Xung, Chiếu Hải, Quan Nguyên.
Huyệt phối hợp: Bướu giáp to thêm huyệt Khí Anh (tương đương huyệt Thủy đột), Bình Anh (đường chính giữa đốt xương sống cổ 3 - 5 ngang ra 2 bên mỗi bên 0,5 thốn). Mắt lồi thêm huyệt Thượng Thiên Trụ, Phong Trì (Hiện Đại Nội Khoa Học).
Cách châm: Mỗi lần chọn 4 - 5 huyệt, huyệt Bình anh châm 2 bên, vê kim nhiều, bổ tả kết hợp. Lưu kim 30 phút, châm cách nhật, một liệu trình 3 tháng.
Có thể kết hợp điện châm.
+ Châm huyệt Thượng Thiên Trụ, Phong Trì, Đồng Tử liêu, Toàn Trúc và Hiệp Cốc.
Cách châm: huyệt Thượng Thiên Trụ và Phong Trì châm mũi kim hướng về phía đầu mũi, sâu không quá 1,2 thốn, theo phương pháp vê kim đề tháp. Huyệt vùng mặt châm luồn kim dưới da. Châm huyệt Hợp Cốc, mũi kim hướng về phía cổ tay. Lưu kim 30 phút, cứ 10 phút lại vê kim 1 lần. Kết quả đạt 67,6 - 90% (Ngô Trạch Lâm, Giang Tô Trung Y Tạp Chí 1986: 1, 28).
+ Liêu Phương Chính trong ‘Thành Đô Trung Y Học Viện Học Báo’ số (1) .23/1987 dùng phương pháp cứu chữa 30 trường hợp cường tuyến giáp:
Huyệt chính : Đại Trữ, Phong Môn, Phế Du, Du Phủ, Đại Chùy, Thân Trụ, Phong Trì.
Phương pháp: 30 người bệnh chia ra làm 3 nhóm:
. Cứu ngoài da.
. Cứu + châm.
. Cứu sâu.
Có người bệnh phối hợp dùng ôn châm.
Kết quả: Khỏi : 4, khá 15, kém 11.
+ Ngô Trạch Sinh trong ‘Trung Quốc Châm Cứu’ số (1).14/1985 báo cáo trị 45 trường hợp Bướu cổ lồi mắt bằng huyệt kinh nghiệm: Thượng Thiên Trụ, Phong Trì. Để đạt được kết quả, phân theo loại chứng gia giảm:
1-Khí âm đều hư : ích khí dưỡng âm làm chính. Huyệt chính: Nội Quan, Túc Tam Lý, Tam Âm Giao, Phục Lưu. Phối hợp với huyệt Thái Dương, Ty Trúc Không.
2- Âm hư hỏa vượng: Tư âm thanh hỏa là chính. Huyệt chính: Gian Sử, Thái Xung, Thái Khê. Phối hợp với huyệt Thái Dương, Toàn Trúc.
Kinh nghiệm lâm sàng cho thấy: chứng bướu cổ lồi mắt, theo biện chứng YHCT thuộc chứng Âm hư hỏa vượng.”
2. NHĨ CHÂM: Thường chọn các huyệt chính: Nội Tiết, Tuyến Giáp, Giao Cảm, Thần Môn, Dưới vỏ não.
Huyệt phụ: Tâm, Phế.
Mỗi lần chọn 2 - 3 huyệt. Dùng gài kim nhỏ hoặc nhĩ hoàn dán băng dính lưu kim một
tuần, mỗi ngày kích thích kim 2 - 3 lần.
3. MAI HOA CHÂM: Dùng kim mai hoa gõ vùng tuyến giáp và 2 bên cột sống dọc theo đường kinh Bàng quang. Gõ cường độ vừa đạt bệnh nhân có cảm giác dễ chịu, mỗi lần gõ 15 - 30 phút. Một liệu trình 30 lần, gõ hàng ngày hoặc cách ngày..
4- THỦY CHÂM
Huyệt dùng: Thượng Thiên Trụ (trên huyệt Thiên Trụ 0,5 thốn). Châm sâu 1 - 1,5 thốn, mũi kim hướng về phía mắt. Cách một ngày thủy châm một lần, 10 lần là một liệu trình. Kết quả đạt 83,6%. Tác giả giải thích: huyệt Thượng Thiên Trụ thuộc về đường kinh túc thái dương Bàng quang, bên trong có huyệt Phong Phủ, bên ngoài có huyệt Phong Trì, là nơi phong khí tụ lại, mà kinh dương tụ hợp tại đầu. Vì vậy dùng huyệt Thượng Thiên Trụ để vận chuyển nhãn cầu, có tác dụng thanh tức phong dương, thông khiếu, minh mục, tiêu ứ, tán kết (Chu Đức Bảo, Trung Quốc Châm Cứu 1987: 3, 7).
5- ĐIỆN CHÂM: Vương Minh Uyên trong Trung y Tạp Chí số (2). 43/1985 dùng xung điện trị 48 trường hợp cường giáp:
. Huyệt chính: 2 bên phía ngoài tuyến giáp, kích thích mạnh.
. Huyệt phụ: 2 bên vòng tuyến giáp phình ra, 2 bên huyệt Thái Dương, kích thích mạnh. Nội Quan, Thần Môn kích thích vừa... có tác dụng làm kích thích tố giảm, thậm chí trở lại bình thường.
Tham Khảo:
- Hà Thiệu Kỳ trong ‘Hiện Đại Nội Khoa Trung Y Học’ báo cáo: “ Đối với bệnh cường giáp, theo biểu hiện lâm sàng, nhiều học giả cho rằng thuộc loại âm hư dương kháng kiêm đờm, kiêm ứ. Phép trị dùng Tư dưỡng Thận âm, bình Can tiềm dương, hóa đờm, nhuyễn kiên, hoạt huyết, hóa ứ. Dùng bài ‘Bình Anh Phức Phương (Sinh Địa, Huyền Sâm, Đan Bì, Hạ Khô Thảo, Triết Bối Mẫu, Tam Lăng, Nga Truật, Ngọa Lăng Tử, Sơn Dược, Đương Qui, Sơn Thù Nhục), bài Phức Phương Giáp Kháng Cao ( Sinh Địa, Mạch Môn, Bạch Thược, Đan Sâm, Hạ Khô Thảo, Mẫu Lệ,Tô Tử, Ngũ Vị Tử, Hương Phụ (chế), Đảng Sâm, Hoàng Kỳ), bài Giáp Kháng Cơ Bản Phương (Bạch Thược, Sinh Địa, Miết Giáp, Quy Bản, Sơn Dược, Hạ Khô Thảo, Đảng Sâm, Hoàng Tinh), các bài này đối với cường giáp nhẹ và trung bình có kết quả tốt.
- Đối với chứng lồi mắt:
+ Y viện Thự Quang (Thượng Hải) dùng Kỷ Tử, Bạch Giới Tử, Trạch Tất, Ngọa Lõa Tử, Địa Cốt Bì và Bạch Tật Lê để điều trị bướu cổ lồi mắt.
+ Sở nghiên cứu nội tiết Thượng Hải dùng đơn thuần biện chứng luận trị hoặc dùng thuốc YHCT thêm“Thyroid ” (Tuyến giáp trạng phiến) liều thấp, chữa 24 trường hợp bướu cổ lồi mắt, một số chữa kết hợp với châm cứu. Sau khi điều trị 3-6 tháng tỉ lệ có kết quả ở chứng bướu cổ lồi mắt nhẹ là 90,9%, loại vừa là 75%,. Mức độ mắt thu nhỏ là 2,3mm (P< 0.01), nồng độ T3, T4 trong huyết thanh hạ thấp rõ. Người ta cho rằng tác dụng điều trị của thuốc YHCT có khả năng có quan hệ với sự điều chỉnh tính miễn dịch và công năng của thần kinh thực vật.