Cầu nguyện là gì

Cầu nguyện là gì

Gửi bàigửi bởi hoangthuynam » Thứ 6 Tháng 2 22, 2013 3:35 am

1- Cầu nguyện là gì:
Mỗi giây phút trôi qua, hàng tỷ người trên thế gian lúc nào cũng có người đang cầu nguyện. Cầu nguyện gắn liền với con người giống như một thực thể tinh thần thiêng liêng, quen thuộc như ăn, mặc, hít thở. Nhân loại hầu như ai cũng cầu nguyện. Những trục trặc, những bất hạnh, những bế tắc tưởng chừng như không thể nào vượt qua được, đã tự nhiên qua đi như một giấc chiêm bao sau những lời cầu nguyện chân thành, khiến chúng ta phải giật mình suy nghĩ về sự hiện diện của chư vị Thần linh bên thế giới vô hình.
Như vậy cầu nguyện là một hình thức bày tỏ sự van xin của con người đối với các thế lực siêu nhiên mỗi khi gặp những khó khăn, trắc trở.
Cũng có nhiều người xem cầu nguyện như là một hình thức để tâm sự, chuyện vãn với bề trên .Tùy theo tín ngưỡng, tư thế cầu nguyện của mỗi người cũng khác nhau .

2- Tại sao và khi nào thì nên cầu nguyện:
Hầu hết các tôn giáo đều cho rằng con người là con cái của Thượng Đế (Bề Trên). Nếu quả thật như vậy thì cha mẹ phải biết con cái cần gì để lo cho con cái của mình, đâu cần con cái phải xin? Một người cha dạy con, khi con còn nhỏ, cha mẹ sẽ làm tất cả mọi chuyện để săn sóc. Khi dần khôn lớn, cha mẹ cũng phải giáo dục theo sự lớn khôn của con. Khi con bắt đầu có trí khôn, cha mẹ sẽ bắt đầu bàn bạc, hướng dẫn rồi cùng tham gia công việc với con. Nhưng khi con đã trưởng thành, cha mẹ sẽ không còn làm thay cho con phải cầu viện sự trợ giúp của cha mẹ.
Tại sao ta phải cầu xin? Là khi ta bắt đầu cảm thấy bế tắc và yếu đuối cần nhờ đến tha lực. Tuy nhiên ta chỉ nên cầu xin sau khi đã tận hết sức mình. Vì nếu chưa tận hết sức mình mà đã cầu xin thì chẳng khác gì đứa con đã lớn mà lúc nào cũng muốn ỷ lại vào cha mẹ. Nên cầu xin hạnh phúc cho bản thân vì khi có hạnh phúc thì cũng đã có tất cả những thứ khác. Khi gặp trường hợp đặc biệt, có thể cũng có thể cầu xin sức khỏe, xin việc làm, xin gia đạo an vui, xin mua bán hanh thông. Con cái thì lúc nào cũng muốn trông cậy vào sự che chở của cha mẹ, khi gặp khó khăn thì muốn cha mẹ cứu giúp. Cha mẹ tốt sẽ làm gì khi nhận được sự cầu xin của con cái? Cho liền hay phải xem sự cầu xin của con cái có đúng đắn không? Nên cho hay là chưa cho? Hay là không cho? Cho thì có lợi gì, có hại gì?
3- Ai cầu nguyện:
Hầu như tất cả mọi người đều cầu nguyện khi lâm vào hoàn cảnh nguy khốn.
4- Cầu nguyện với ai:
Chúng ta nên cầu nguyện với Đấng mà chúng ta hằng thờ phượng từ bao lâu nay.
5- Bề trên có nghe lời cầu nguyện của chúng ta hay không:
Tất cả những lời cầu nguyện của chúng ta, bề trên đều nghe, chỉ có điều chấp nhận hay không là vấn đề quan trọng. Nhiều người nghĩ rằng phải cầu nguyện nhiều thì bề trên mới nghe . Nhiều trường hợp bề trên đã ban cho rồi nhưng do chưa đúng ý mình nên vẫn tiếp tục van cầu
6- Lợi ích của cầu nguyện:
Khi bắt đầu cầu nguyện có nghĩa là chúng ta bắt đầu cảm thấy bài học quá khó đối với ta và ta bắt đầu viện đến sự trợ giúp của cha mẹ. Đây là dấu hiệu tốt của sự thăng tiến tâm linh nếu vượt qua được bài học khó này. Quan trọng là sau khi được bề trên giúp vượt qua khó khăn, chúng ta học được bài và thăng tiến .
Cầu nguyện cần thiết, giúp ta nuôi dưỡng tâm đạo, mục đích của cầu nguyện không phải để van xin lợi ích vật chất. Hiểu như vậy chúng ta sẽ cầu nguyện với đúng ý nghĩa của cầu nguyện. Khi cầu nguyện phải sử dụng lòng thành tâm của mình, biểu hiện qua tâm thành, ý thành và thân thành. Nếu cầu nguyện không đúng thì cũng giống như hối lộ bề trên hoặc là xem thường bề trên .
Mục đính của cầu nguyện nhằm giúp con người hướng đến cõi tâm linh huyền nhiệm, giúp hạ thấp bản ngã cá nhân, hướng thiện và nghĩ đến mọi người chung quanh.
7- Cầu và nguyện:
Hàng tỷ người trên thế gian mỗi khi cầu nguyện đều chỉ mong cầu Bề Trên ban cho mình những gì mình cầu xin, và thường ít khi cầu xin chỉ một điều.
Hiếm người hiểu được quy luật hai chiều trong cầu nguyện. Cầu nguyện gồm có hai phần; cầu xin và nguyện hứa. Khi ta cầu xin với Bề Trên một điều gì, chúng ta cần phải nguyện hứa một điều gì với Bề Trên. Và khi điều chúng ta nguyện hứa hoàn thành, bề trên sẽ ban cho chúng ta điều chúng ta cầu xin.
8- Cầu nguyện thế nào cho đúng: Cầu xin:
- Mỗi lần chỉ nên cầu xin một điều
- Điều cầu xin không trái với đạo lý, trái với lẽ thường
- Điều cầu xin không làm hại người khác
- Chỉ cầu xin sau khi đã tận hết khả năng
- Chỉ nên cầu cho bản thân
- Phải có một lời nguyện hứa khi có một lời cầu xin
Nguyện hứa:
- Chỉ nguyện hứa một điều
- Hợp thiên ý nhất là hứa sửa tánh
- Chỉ hứa sửa một tánh cụ thể mà thôi
- Không hứa làm điều vượt quá khả năng
- Không hứa làm điều với quá tầm tay
Ngay sau khi công trình nguyện hứa hoàn thành, lời cầu xin lập tức ứng nghiệm, đây là phép lạ được hiển hiện một cách rõ ràng. Hai vợ chồng cùng cầu nguyện cho cùng một vấn đề, cách tốt nhất là cùng nhau sửa tánh và làm cho nhau hạnh phúc, chắc chắn lời cầu xin sẽ được Bề Trên đáp ứng. Thí dụ hai vợ chồng cùng cầu nguyện và hứa sửa tánh.
Chúng ta có thể cầu nguyện cho chính bản thân mình, có thể dâng lời cầu nguyện cho người khác, cũng như hợp chung lời cầu nguyện cùng với mọi người. Có khi chúng ta tự xin nhưng cũng có khi chúng ta cần nhờ gia đình bạn bè cầu xin cho chúng ta. Tuy nhiên như đã trình bày ở trên, lời cầu xin có được chứng hay không còn phải dựa vào lời nguyện hứa của người cầu xin.
Một trong những điều nên tránh nhất của cầu nguyện là sự mặc cả với Bề Trên. Nhiều người cầu xin cho thi đậu, con sẽ ăn chay 3 tháng, cho cưới được người con yêu con sẽ đi cúng 10 chùa, cho trúng số con sẽ cạo đầu… Đây là những sự mặc cả rất ngây thơ giống như một đứa con dại đang trả giá với cha mẹ của mình nhằm vòi vĩnh một món đồ chơi mà cha mẹ chưa hoặc không thể nào cho con được.
9- Cám ơn sau khi cầu nguyện :
Thật ra, Bề Trên sẽ ban cho chúng ta những gì chúng ta xin đúng, và cũng sẽ ban cho ta những gì chúng ta cần mặc dù chúng ta không xin. Vì vậy chúng ta không nên than trời trách đất tại sao bất công, xin hoài mà không cho trong lúc người khác thì lại có được cái mà mình xin hoài không được. Mỗi người đều có những hoàn cảnh khác nhau với những bài học khác nhau. Người nghèo thì xin cho có tiền, người có tiền thì xin cho có sức khỏe, người có sức khỏe thì xin cho có học vấn, người có học vấn thì xin cho có địa vị…, cứ như vậy không bao giờ chấm dứt sự xin xỏ trong vòng luẩn quẩn đó.
Mỗi khi cầu nguyện, chúng ta nên cám ơn bề trên 3 điều:
- Cám ơn Bề Trên về những gì chúng ta xin và được Bề Trên ban cho.
- Cám ơn Bề Trên về những gì chúng ta xin mà Bề Trên không cho.
- Cám ơn Bề Trên về những gì chúng ta không xin mà Bề Trên vẫn ban cho.
Những gì ta xin mà Bề Trên cho là vì Bề Trên biết chúng ta xin đúng theo Thiên Ý. Đây là dấu hiệu sự trưởng thành của con cái và cha mẹ vui mừng ban cho những gì chúng ta cần trên con đường tu tiến.
Những gì ta xin mà Bề Trên không cho vì Bề Trên biết được những gì ta xin nếu ban thì sẽ không mang lại lợi ích cho ta, mà ngược lại nhiều khi gây hại. Con cái còn nhỏ, cha mẹ phải hiểu rõ điều lợi điều hại đối với con cái. Con cái lúc nào cũng muốn làm theo ý mình vì nghĩ điều đó tốt cho mình, nên khi xin gì cũng cố van nài để cha mẹ động lòng.
10- Kết luận:
Cầu nguyện giúp chúng ta hướng về thế giới tâm linh
Cầu nguyện giúp chúng ta khiêm tốn, hạ thấp bản ngã
Cầu nguyện giúp chúng ta thắng được lòng tự cao, háo thắng
Cầu nguyện giúp chúng ta hướng thiện
Cầu nguyện là cần thiết sau khi đã tận hết sức mình.
Cầu nguyện đúng, phép lạ sẽ xảy ra
Nếu không có gì cầu xin, chúng ta cũng nên cầu nguyện
Như vậy rõ ràng cầu nguyện cũng chính là món ăn tinh thần tuyệt vời cho bất cứ ai thật sự biết thưởng thức. Nếu hiểu đúng ý nghĩa, cầu nguyện thật sự là giây phút chúng ta đang tâm sự, chuyện vãn với cha mẹ … Thật là tuyệt vời những giây phút này nếu biết tận hưởng .

St
hoangthuynam
 
Bài viết: 282
Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 12 22, 2011 1:10 pm

Quay về Linh Tinh

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến1 khách