Phòng trị bệnh thiếu máu

Phòng trị bệnh thiếu máu

Gửi bàigửi bởi Phoenix » Thứ 2 Tháng 12 26, 2011 3:14 am

NỘI DUNG BUỔI NÓI CHUYỆN VỚI ĐÀI TRUYỀN HÌNH VĨNH LONG(THÁNG 12/2009) của PGS.TS.Lưu Thị Hiệp – Trưởng khoa Đông y BV Đa Khoa Hồng Đức

BTV: Thưa quý vị và các bạn ! Thiếu máu là một căn bệnh thường gặp mà một trong số nguyên nhân đó là do chế độ ăn uống không đủ chất. Đây là một bệnh cũng dể điều trị và phòng tránh nếu chúng ta tuân thủ đúng một số nguyên tắc. Trong mục “Trò chuyện cùng bác sĩ “ kỳ nầy, chương trình sẽ dành thời gian cung cấp một số thông tin về bệnh thiếu máu cùng với sự tham gia của PGS.TS.Lưu Thị Hiệp – Trưởng khoa Đông y BV Đa Khoa Hồng Đức 3. Q.Gò vấp. TP Hồ Chí Minh

BTV: Xin BS cho biết một cách khái quát, thiếu máu là căn bệnh như thế nào?

PGS.TS.Lưu Thị Hiệp trả lời:

Thiếu máu là sự giảm số lượng hồng cầu hoặc giảm số lượng huyếtsắc tố ở máu ngoại vi dẫn đến máu thiếu oxy để cung cấp cho các mô tế bào trong cơ thể.
Một người được coi là thiếu máu khi nồng độ huyết sắc tố trong máu thấp hơn so với người cùng giới, cùng lứa tuổi, cùng một môi trường sống. Hội chứng thiếu máu gồm nhiều triệu chứng do cơ chế sinh bệnh học thiếu máu gây ra. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới thiếu máu, do đó điều trị thiếu máu khác nhau tùy thuộc nguyên nhân.

BTV: Thiếu máu thiếu sắt do những nguyên nhân nào gây ra ạ?

PGS.TS.Lưu Thị Hiệp trả lời:

Những nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt thường gặp bao gồm:
1.Mất máu. Mất máu là nguyên nhân thường gặp nhất gây thiếu máu thiếu sắt. Nguyên nhân là do máu chứa sắt bên trong hồng cầu.
2.Ăn thiếu chất sắt.
3.Cơ thể không thể hấp thu sắt
4.Phụ nữ mang thai. Nếu không được bổ sung sắt, những phụ nữ mang thai có thể sẽ bị thiếu máu thiếu sắt do họ cần phải có sắt dự trữ để phục vụ nhu cầu tăng thể tích máu cũng như là nguồn cung cấp hemoglobin cho cái thai đang lớn trong bụng. Thai nhi cần sắt để phát triển hồng cầu, các mạch máu và cơ.

BTV: Triệu chứng của bệnh Thiếu máu là gì, thưa BS? Có nhiều người khi ngồi hay nằm, nếu thay đổi tư thế đột ngột thường hay bị choáng váng, Và thường cho rằng đây là một dấu hiệu của bệnh nầy, có đúng không ạ?

PGS.TS.Lưu Thị Hiệp trả lời:

Triệu chứng cơ năng:
-Ù tai, hoa mắt, chóng mặt thư­ờng xuyên hay khi thay đổi t­ư thế hoặc khi gắng sức. Có thể ngất lịm nhất là khi thiếu máu nhiều.
-Nhức đầu, giảm trí nhớ, mất ngủ hoặc ngủ gà, thay đổi tính tình (hay cáu gắt), tê tay chân, giảm sút sức lao động trí óc và chân tay.
-Hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, có thể đau vùng trư­ớc tim do thiếu máu cơ tim.
-Chán ăn, đầy bụng, đau bụng, tiêu lỏng hoặc táo bón.
Triệu chứng thực thể:
-Da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt; có thể kèm theo vàng da, niêm mạc nếu thiếu máu huyết tán; có thể kèm theo xạm da, niêm mạc, nếu thiếu máu do rối loạn chuyển hoá sắt.
-Tóc rụng, móng tay giòn dễ gẫy, chân móng bẹt hoặc lõm, màu đục, có khía, bở, dễ gãy, đặc biệt hay gặp trong thiếu máu thiếu sắt mạn tính.
-Mạch nhanh, tim có tiếng thổi tâm thu thiếu máu, thư­ờng nghe rõ ở giữa tim, có thể nghe thấy ở mỏm tim, là tiếng thổi cơ năng do máu loãng gây ra. Thiếu máu lâu có thể dẫn đến suy tim.
Có nhiều người khi ngồi hay nằm, nếu thay đổi tư thế đột ngột thường hay bị choáng váng, có thể đó là tình trạng thay đổi huyết áp theo tư thế, cần theo dõi huyết áp và khám BS để có chẩn đoán bệnh chính xác và có hướng xử trí thích hợp.

BTV: Như vậy Thiếu máu thiếu sắt thường gặp ở đối tượng nào?

PGS.TS.Lưu Thị Hiệp trả lời:

Thiếu máu thường gặp ở những đối tượng sau:
1.Những phụ nữ có chu kỳ kinh nặng nề có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt do họ mất nhiều máu trong khi hành kinh.
2.Những tình trạng mất máu chậm, mạn tính trong cơ thể như:
-Loét đường tiêu hóa, khối u ở thận, bàng quang, polyp đại tràng, ung thư đại trực tràng, u xơ tử cung - có thể gây thiếu máu thiếu sắt.
-Chảy máu đường tiêu hóa có thể là kết quả của quá trình sử dụng thường xuyên các thuốc như aspirin hoặc những thuốc kháng viêm không steroid khác (NSAID). Hãy báo với bác sĩ nếu ban thấy có máu trong phân hoặc nước tiểu.
-Những rối loạn ở ruột non như bệnh Crohn hoặc bệnh tiêu chảy phân mỡ có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức ăn của ruột và dẫn đến tình trạng thiếu máu, thiếu sắt.
-Một số loại thuốc có thể ngăn cản quá trình hấp thu sắt. Chẳng hạn như dùng thường xuyên những loại thuốc làm giảm acid dạ dày có thể dẫn đến thiếu máu thiếu sắt. Cơ thể cần acid dạ dày để chuyển sắt từ thức ăn thành dạng có thể hấp thu được ở ruột non.
3.Phụ nữ mang thai: Nếu không được bổ sung sắt.

BTV: Việc chẩn đoán xác định bệnh được thực hiện ra sao?

PGS.TS.Lưu Thị Hiệp trả lời:

BS chẩn đoán bệnh thiếu máu thiếu sắt chủ yếu dựa vào xét nghiệm máu. BS sẽ xét nghiệm máu để tìm:
-Kích thước và màu sắc hồng cầu. Nếu bị thiếu máu thiếu sắt, hồng cầu sẽ nhỏ hơn và có màu tái hơn bình thường.
-Hematocrit. Tỷ lệ phần trăm của phần thể tích máu tạo nên bởi các hồng cầu. Mức bình thường nằm trong khoảng từ 34.9 đến 44.5% đối với nữ trưởng thành và 38.8 đến 50% đối với nam giới trưởng thành. Những giá trị này có thể thay đổi tùy theo độ tuổi của bệnh nhân.
-Hemoglobin. Nồng độ hemoglobin bình thường nằm trong khoảng từ 11.1 đến 15.0g/dL (111 đến 150g/l), tùy thuộc vào tuổi, giới tính và chủng tộc. Hemoglobin thấp hơn mức bình thường là dấu hiệu biểu hiện thiếu máu.
-Ferritin huyết thanh: Đây là loại protein giúp dự trữ máu trong cơ thể, nồng độ ferritin thấp thường là biểu hiện của tình trạng giảm lượng sắt dự trữ trong cơ thể.
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bạn đang thiếu máu, BS sẽ cho bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm khác sau khi đã điều trị với thuốc bổ sung sắt.

BTV: Đây cũng là một bệnh thường gặp, xin BS cho biết việc điều trị căn bệnh nầy có phức tạp hay không?

PGS.TS.Lưu Thị Hiệp trả lời:

Việc điều trị bệnh khá phức tạp, cần tuân thủ ý kiến của thầy thuốc
1. Điều trị nguyên nhân: là hết sức cần thiết.
2. Điều trị bằng chất sắt: đường uống là tốt nhất. Sắt được sử dụng là sắt có hóa trị 2 (Fe++) dưới dạng hòa tan là sulfate, gluconate...
- Liều lượng: người lớn: 250mg/ngày (tối ưu) chia 2 – 3 lần uống vào bữa ăn; trẻ sơ sinh, trẻ em: 5mg/kg/ngày chia 2 – 3 lần.
- Thời gian điều trị: khi các chỉ số hồng cầu trở lại bình thường, thường khoảng 2 tháng. Sau đó tiếp tục dùng ½ liều lượng trên trong vòng 3 tháng nữa để củng cố sắt dự trữ.
- Theo dõi kết quả điều trị bằng các xét nghiệm: các chỉ số hồng cầu: Hb - số lượng HC, Hematocrit, ferritin huyết thanh.

BTV: Ngoài việc dùng thuốc thì người bệnh cần tuân thủ chế độ ăn uống như thế nào?

PGS.TS.Lưu Thị Hiệp trả lời:

Bạn có thể phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt bằng cách ăn những thực phẩm giàu chất sắt và một bữa ăn cân bằng. Ăn nhiều thức ăn có chứa sắt đặc biệt quan trọng ở những người có nhu cầu sắt cao như trẻ em và những phụ nữ đang hành kinh hay đang có thai.
Những thức ăn có nhiều sắt gồm:
-Thịt heo
-Hải sản
-Thịt gia cầm
-Đậu
-Rau quả có màu xanh sẫm .
-Các loại hạt
-Những trái cây khô như nho và mơ
Sắt có trong thịt dễ được cơ thể hấp thu hơn.
Bạn có thể tăng mức độ hấp thu sắt của cơ thể bằng cách uống nước cam khi ăn những thức ăn có chứa sắt. Vitamin có trong nước cam có thể giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn.
Vitamin C còn được tìm thấy ở:
-Dưa
-Dâu
-Mơ
-Kiwi
-Xoài
-Cải xanh
-Tiêu
-Cà chua
-Cải bắp
-Khoai tây
-Rau dạng lá
Để phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em, cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa bột có chứa sắt trong năm đầu. Sữa bò không phải là nguồn cung cấp sắt tốt cho trẻ em và không được khuyến khích cho trẻ dưới 1 tuổi uống. Sắt có trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn sắt có trong sữa bột.

BTV: Bệnh nầy có khả năng phòng ngừa được hay không? Nếu được thì cần lưu ý vấn đề gì? Xin BS cho một vài lời tư vấn.

PGS.TS.Lưu Thị Hiệp trả lời:

Những lưu ý khác
1.Nên kiểm tra sức khoẻ định kỳ để kịp thời phát hiện bệnh và có giải pháp chữa trị kịp thời.
2.Lưu ý những đối tượng cần bổ sung chất sắt có nguy cơ thiếu máu cao (nếu cần thiết) như phụ nữ có thai, bé gái dậy thì, người đau ốm, bệnh tật...
3.Đa dạng hoá khẩu phần ăn bằng những loại thực phẩm khác nhau. Có thể chia bữa ăn nhỏ thành nhiều lần trong ngày.
4.Hạn chế các loại thực phẩm lạnh, khó tiêu hoá vì chứa nhiều chất béo.

BTV: Xin cảm ơn PGS.TS.Lưu Thị Hiệp rất nhiều.

(nguồn: http://www.dongyhongduc.com/content/detail/5/248)
Phoenix
 
Bài viết: 181
Ngày tham gia: Thứ 2 Tháng 8 29, 2011 2:08 pm
Đến từ: Viet Nam

Quay về Kiến Thức Đó Đây

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến1 khách