'Phép mầu' nào giúp Stephen Hawking chống chọi bệnh ALS?

'Phép mầu' nào giúp Stephen Hawking chống chọi bệnh ALS?

Gửi bàigửi bởi audible » Thứ 7 Tháng 3 17, 2018 2:01 am

'Phép mầu' nào giúp Stephen Hawking chống chọi bệnh ALS?

TTO - Người khác mắc bệnh ALS chỉ sống sót 2-3 năm nhưng Stephen Hawking sống hơn 50 năm. Giới khoa học đang cố tìm ra nguyên nhân giúp ông chống lại căn bệnh này.

Thế giới vừa mất đi một trong những bộ óc thông minh nhất khi nhà vật lý huyền thoại Stephen Hawking qua đời ở tuổi 76.

Nguyên nhân cái chết của Hawking có thể là do bệnh xơ cứng teo cơ (ALS), chứng bệnh làm mất dần chức năng thần kinh và cơ bắp theo thời gian.

ALS là gì?

Theo Hiệp hội ALS, bệnh này còn được gọi là bệnh Lou Gehrig, là một căn bệnh thoái hóa thần kinh phát triển không ngừng, làm xói mòn các nơron vận động - vốn là những tế bào trong bộ não và tủy sống kiểm soát chức năng cơ bắp, cho tới khi người bị mắc phải khó hoặc không thể đi lại, nói chuyện, nuốt và thở.

Các triệu chứng ALS thường bắt đầu bằng việc nói líu nhíu hoặc yếu cơ và co giật, rồi trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Thời gian sống sót trung bình của người bệnh là 3 năm sau khi được chẩn đoán.

Dù hiện tại không có thuốc chữa ALS, nhưng tình trạng người bệnh có thể được kiểm soát bằng thuốc, trị liệu vật lý, trị liệu bằng lao động và trị liệu giọng nói. Một số bệnh nhân cũng dùng thiết bị thông để giúp họ thở.

Ai có thể bị ALS?

Hiện các bác sĩ không hoàn toàn chắc điều gì gây nên ALS, dù có vẻ có một thành phần mang tính di truyền ở một số người.

Bệnh này thường được chẩn đoán ở những người tuổi từ 40-60, và đàn ông dường như dễ bị hơn phụ nữ, ít nhất là trước tuổi 65, Bệnh viện Mayo cho biết.

Trường hợp Stephen Hawking hiếm như thế nào?

Theo Hiệp hội ALS, chỉ 5% bệnh nhân ALS sống lâu hơn 20 năm và hầu như không có trường hợp nào sống được 50 năm hoặc hơn.

"Điều này khá không đặc trưng" - Lucie Bruijn, trưởng nhóm các nhà khoa học của Hiệp hội ALS, cho biết. Bà nói thêm rằng mình không biết trường hợp nào bị ALS mà sống lâu hơn Hawking.

Hawking cũng có thể là người không bị mất trí nhớ mà một số người mắc ALS thường phải trải qua ở giai đoạn cuối của căn bệnh này.

Làm thế nào Hawking sống lâu như thế với căn bệnh ALS?

Bruijn cho biết các nhà nghiên cứu không chắc lắm: "ALS là một chứng rối loạn phức tạp, và mỗi hành trình đều có sự biến đổi rất đáng kinh ngạc.

Chúng tôi đang làm việc với các đội ngũ trên toàn cầu, cố gắng hiểu quá trình bệnh của mỗi người, tính di truyền học của họ như thế nào và họ đã tiếp xúc với điều gì. Từ đó chúng tôi hi vọng có thể giải câu đố này".

Với chỉ một vài trường hợp sống cực kỳ lâu được ghi nhận, Bruijn cho rằng chưa đủ dữ liệu để đưa ra kết luận nhờ đâu họ sống lâu, dù có thể đó là sự kết hợp nào đó của gen, môi trường và chăm sóc y tế.

Bruijn cho biết loại nơron vận động bị ảnh hưởng bởi ALS của bệnh nhân cũng có thể góp phần quan trọng, đồng thời lưu ý rằng các nơron vận động kiểm soát chuyển động mắt thường chống lại bệnh ALS lâu hơn nhiều so với những nơron trong bộ não và tủy sống.

"Các nơron vận động đó có gì khác biệt so với những nơron trong tủy sống và bộ não? Chưa có câu trả lời, nhưng tôi nghĩ những nơron đó có thể cho chúng ta manh mối", bà nói.

"Hiểu được cách những tế bào đó ngăn chặn cái chết có thể giúp các nhà khoa học hiểu được sự sống lâu dài", bà thêm.

( tuoitre )

+++++++++++++++++

Định mệnh nghiệt ngã của thiên tài vật lý Stephen Hawking

TTO - Cuộc đời Stephen Hawking đầy trắc trở và bi kịch. Ông lấy nguồn cảm hứng từ trên trời, định mệnh lại luôn muốn kéo ông xuống đất. Nhưng ông không chịu đầu hàng.

Ngày 14-3-2018, nhà vật lý học Stephen Hawking đã vĩnh viễn ra đi. Ông hưởng thọ 76 tuổi. Tin ông ra đi khiến tôi muốn rơi nước mắt. Vì thương ông. Thương cho định mệnh quá nghiệt ngã đối với ông.

Vâng, tuy ông có nhiều thiên thần thương yêu và cứu giúp ông - nhất là người vợ đầu tiên, nhưng ông vẫn chịu một cuộc sống thật vô cùng khó khăn.

Ông luôn luôn lạc quan, có lẽ là người giao tiếp với xã hội nhiều hơn tất cả những nhà khoa học bình thường. Có lẽ vì ông yêu đời, và muốn quên đi căn bệnh của mình.

Quyết không đầu hàng số phận

Stephen Hawking đã trở thành biểu tượng bất tử của một thiên tài khuyết tật, như mọi người đều biết, tên tuổi vang danh từ Đông sang Tây, chỉ sau Albert Einstein.


Cuộc đời ông đầy trắc trở và bi kịch. Ông lấy nguồn cảm hứng từ trên trời, định mệnh lại luôn muốn kéo ông xuống đất. Nhưng ông không chịu đầu hàng.

Ông ngước nhìn trăng sao, thiên hà, vũ trụ, "hố đen", "lỗ giun", "du hành thời gian", những định luật nền tảng của vũ trụ, nhưng vất vả, vấp ngã rồi lại đứng lên trong thân phận của một kẻ bị định mệnh "xử" bất lực cơ thể mình do chứng bệnh ALS (chứng bệnh xơ cứng teo cơ) nghiệt ngã gây ra (80% những người mắc ALS qua đời trong vòng 5 năm sau khi mắc bệnh).

Các bác sĩ cũng tiên lượng ông chỉ có thể sống tối đa thêm 2 năm. Nhưng ông đã sống tiếp 5 thập kỷ nữa.

Chưa đủ, ông lại mất đi vĩnh viễn tiếng nói sau một ca phẫu thuật cứu cấp khi đi dự hội nghị tại CERN năm 1985. Từ đó ông chỉ còn giao tiếp được qua chiếc máy tính điện tử với những chương trình phần mềm đặc biệt dành cho ông.

Với khả năng vô cùng chật vật ấy, vậy mà ông đã viết bảy cuốn sách nổi tiếng cho thế giới.

Nhưng ông cũng có những "thiên thần" hộ mạng. Jane Wilde là người vợ đầu tiên của ông, Elaine Mason là người vợ thứ hai. Mỗi người đã cứu giúp ông một cách.

Jane Wilde yêu và cưới Stephen Hawking dù biết chồng tương lai của mình bị bệnh hiểm nghèo ALS, đã giúp đẩy lùi nỗi tuyệt vọng ở tuổi xuân 21. Cô đã đem lại ý nghĩa sống cho ông, làm sống lên khát vọng khám phá khoa học như ý nghĩa của cuộc đời.

Cô cũng quyết định không chịu rút ống thở ra cho Hawking, ngược lại lời khuyên từ sự tuyệt vọng của các bác sĩ, cô tìm cách cứu ông, "còn nước còn tát". Cô cho ông ba đứa con kháu khỉnh và thành đạt.

Còn Elaine Mason cũng đã cứu ông ba lần với tư cách một y tá điều dưỡng. Mỗi người như muốn kê vai gánh bớt gánh nặng của ông. Ông đã sống thêm hơn nửa thế kỷ vượt qua chẩn đoán 2 năm sống sót của bác sĩ dành cho ông. Một điều kỳ diệu. Và lại nổi tiếng khắp thế giới. Lại kỳ diệu hơn.

Tình yêu của ông mạnh mẽ đối với vũ trụ, nhưng cũng không thiếu phần sôi nổi với người yêu. Tinh thần ông dường như đã kéo lê cơ thể ông buộc phải sống tiếp trong mọi tình huống để phụng sự cho khoa học. Đó là mệnh lệnh. Ông phải sống cho khoa học.

Giống như nhà thơ Friedrich Schiller, đáng lẽ đã chết mười năm trước như bác sĩ chẩn đoán, nhưng vẫn còn sống tiếp vì những ý tưởng văn chương của ông chưa viết hết.

Stephen càng bị tước mất khả năng vật lý thì các ý tưởng của ông lại càng phát triển thêm, tên tuổi ông càng nổi bật, quyết không chịu thua định mệnh.

Hãy tưởng niệm ông bằng hoa và nến

Ông cũng là con người nhân văn, và rất đời thường. Ông rất thích nghe nhạc cổ điển, xem opera cũng như nhạc Beatles.

"Vật lý tất cả đều tốt, nhưng hoàn toàn ‘lạnh lẽo’. Tôi không thể tiếp tục cuộc sống nếu tôi chỉ có vật lý thôi. Cũng như mọi người khác, tôi cần hơi ấm, tình yêu và tình cảm.

Lại một lần nữa, tôi rất được may mắn, may mắn nhiều so với nhiều người có những khuyết tật như tôi, khi tôi nhận được rất nhiều tình yêu và tình cảm. Âm nhạc cũng rất quan trọng đối với tôi" - ông đã trải lòng như thế.

Năm 1992, vào ngày Giáng sinh, khi được chương trình Desert Island Disc của Đài BBC hỏi ông muốn mang theo những thứ gì nếu ông bị lạc lên một hòn đảo hoang vắng và cô lập, ông trả lời một trong những thứ quan trọng mà ông không thể thiếu là sách và âm nhạc.

Vâng, bản nhạc Requiem của Mozart phải có theo, ông sẽ nghe nó bằng Walkman cho tới khi hết pin. Và một ít món tráng miệng khoái khẩu của ông là crème brûleé, "biểu tượng của sự xa xỉ", theo cách nói của ông.

Nếu Việt Nam có người hâm mộ của Hawking, xin các bạn hãy cùng nhau tưởng niệm ông bằng hoa và nến tại một góc phố nào đó, để nói rằng: Việt Nam luôn có những người mến mộ ông.

Tôi tin rằng các nhà khoa học thế giới sẽ có một công trình nào đó về thiên văn xứng đáng để tôn vinh tên tuổi ông mãi mãi.

Nhiều triệu năm liền, nhân loại chỉ sống như các động vật. Nhưng rồi một điều gì đó đã xảy ra, làm giải phóng sức mạnh của óc tưởng tượng chúng ta.

Chúng ta học nói, và học lắng nghe. Ngôn luận - speech - đã cho phép thông tin các ý tưởng làm cho con người có khả năng làm việc chung với nhau để tạo ra những điều thần kỳ bất khả. Những thành tựu lớn nhất của nhân loại đã hình thành bằng lời nói, và những thất bại lớn nhất của nó là do không nói.

Những hi vọng lớn nhất của chúng ta sẽ trở thành sự thực trong tương lai với công nghệ để chúng ta sử dụng. Những khả năng là vô tận. Tất cả những gì chúng ta cần làm là bảo đảm chúng ta tiếp tục nói, nói và nói.

Nếu là con người thông minh duy nhất trong dải ngân hà, chúng ta nên bảo đảm để sống còn và tiếp tục. Nhưng chúng ta đang bước vào một giai đoạn ngày càng nguy hiểm của lịch sử. Dân số chúng ta và cách chúng ta sử dụng các nguồn lực giới hạn của hành tinh Trái đất đang tăng theo hàm mũ, với năng lực kỹ thuật có thể thay đổi môi trường cho những mục tiêu tốt hay xấu.

Nhưng mật mã di truyền của chúng ta vẫn còn mang những bản năng ích kỷ và hiếu chiến, điều có lợi cho sự tồn tại trong những ngày trong hang động. Nhưng tính hiếu chiến giờ đây đang đe dọa tiêu diệt tất cả chúng ta.

Sự khám phá một lý thuyết thống nhất hoàn chỉnh... có thể không giúp bảo đảm sự sống sót của chủng loài chúng ta. Nó cũng có thể không ảnh hưởng lên cách sống của chúng ta. Nhưng từ buổi bình minh của văn minh, người ta đã không hài lòng nhìn những sự kiện như rời rạc và không giải thích được.

Sự khao khát sâu thẳm của nhân loại về tri thức là sự biện minh đầy đủ cho sự tìm kiếm của chúng ta. Và mục tiêu của chúng ta không gì hơn là một sự mô tả đầy đủ của vũ trụ chúng ta sống trong đó.

Stephen Hawking : " Mục tiêu của tôi đơn giản lắm. Đó là hoàn toàn hiểu rõ về vũ trụ, tại sao nó là như vậy và tại sao nó tồn tại ".
audible
 
Bài viết: 598
Ngày tham gia: Thứ 6 Tháng 5 06, 2011 4:32 am

Quay về Thông Tin Y Tế

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến2 khách