Tụng Bồ Tát Giới-Tu học theo hạnh Bồ Tát

Tụng Bồ Tát Giới-Tu học theo hạnh Bồ Tát

Gửi bàigửi bởi admin » Chủ nhật Tháng 5 03, 2020 9:09 pm

TÁN HƯƠNG

Lư hương xạ nhiệt,
Pháp giới mông huân,
Chư Phật hải hội tất diêu văn,
Tùy xứ kiết tường vân,
Thành ý phương ân,
Chư Phật hiện toàn thân.
Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát (3 lần)

KỆ KHAI KINH

Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Nay con nghe thấy chuyên trì tụng
Nguyện tõ Như Lai nghĩa nhiệm mầu

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)
Nam mô Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na Phật (3 lần)

Chúng thọ Bồ Tát giới lắng nghe!


Quy mạng Lô Xá Na,
Mười phương Kim Cương Phật.
Ðảnh lễ đức Di Lặc,
Sẽ hạ sanh thành Phật.
Nay tụng ba tụ giới,
Bồ Tát đều cùng nghe.
Giới như đèn sáng lớn,
Soi sáng đêm tối tăm.
Giới như gươm báu sáng,
Chiếu rõ tất cả pháp.
Giới như châu Ma-Ni,
Rưới của giúp kẻ nghèo.
Thoát khổ mau thành Phật,
Chỉ giới này hơn cả.
Vì thế nên Bồ Tát,
Phải tinh tấn giữ gìn.

Chư Ðại Chúng ! Nay già chết gần kề, Phật Pháp sắp diệt, chư đại chúng, vì muốn đắc đạo nên nhất tâm cần cầu tinh tấn. Chư Phật do nhất tâm tìm cầu tinh tấn nên đặng quả chứng vô thượng chánh đẳng chánh giác, huống là các pháp lành khác.

Nhân lúc còn mạnh khỏe, các Ngài phải gắng sức siêng tu các pháp lành. Ðâu nên chẳng gấp cầu đạo lại chần chờ đợi già yếu. Còn mong mỏi thú vui gì ?...

Ngày nay đã qua.
Mạng sống giảm dần.
Như cá cạn nước.
Nào có vui chi !

MƯỜI GIỚI TRỌNG

Ðức Phật bảo các Phật tử rằng :
Có mười điều giới trọng. Nếu người thọ giới Bồ Tát mà không tụng điều giới nầy, thời người nầy không phải Bồ Tát, không phải là Phật tử. Chính ta cũng tụng như vậy.
Tất cả Bồ Tát đã học, sẽ học và đang học !
Ðã lược giảng xong tướng trạng của giới Bồ Tát cần nên học, hết lòng kính trọng phụng trì.

Ðức Phật dạy :

1.- GIỚI SÁT SANH
Nếu Phật tử, hoặc tự mình giết, bảo người giết, phương tiện giết, khen tặng sự giết, thấy giết mà tùy hỷ, nhẫn đến dùng bùa chú để giết, duyên giết, cách thức giết, nghiệp giết.
Phàm tất cả loài hữu tình có mạng sống đều không ý giết. Là Phật tử lẽ ra phải luôn luôn có lòng từ bi, lòng hiếu thuận, lập thế cứu giúp tất cả chúng sinh mà trái lại tự phóng tâm nỡ lòng sát sinh, Phật tử nầy phạm « Bồ Tát Ba La Di tội ».

2.- GIỚI TRỘM CƯỚP
Nếu Phật tử tự mình trộm cướp, bảo người trộm cướp, phương tiện trộm cướp, nhẫn đến dùng bùa chú trộm cướp ; nhân trộm cướp, duyên trộm cướp, cách thức trộm cướp ...Tất cả tài vật có chủ, dầu là của quỷ thần hay của kẻ giặc cướp, nhẫn đến một cây kim, một ngọn cỏ đều không được trộm cướp. Là Phật tử, lẽ ra phải luôn luôn có lòng từ bi, lòng hiếu thuận, thường giúp cho mọi người được phước, được vui, mà trái lại trộm cướp tài vật của người, Phật tử nầy phạm « Bồ Tát Ba La Di tội ».

3.- GIỚI DÂM
Nếu Phật tử, tự mình dâm dục, bảo người dâm dục, với tất cả phụ nữ, các loài cái, loài mái, cho đến Thiên nữ, quỷ nữ, thần nữ cùng phi đạo mà hành dâm : nhân dâm dục, duyên dâm dục, cách thức dâm dục, nghiệp dâm dục. Là Phật tử, đối với tất cả không được cố dâm dục. Lẽ ra phải có lòng hiếu thuận, cứu độ tất cả những chúng sinh, đem pháp thanh tịnh khuyên dạy người, mà trái lại không có tâm từ bi, làm cho mọi người sinh việc dâm dục, không lựa súc sinh, cho đến hành dâm với mẹ, con, chị, em trong lục thân, Phật tử nầy phạm « Bồ Tát Ba La Di tội ».

4.- GIỚI VỌNG
Nếu Phật tử, tự mình nói vọng ngữ, bảo người vọng ngữ, phương tiện vọng ngữ : nhân vọng ngữ, duyên vọng ngữ, cách thức vọng ngữ, nghiệp vọng ngữ. Nhẫn đến không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, hoặc thân vọng ngữ, tâm vọng ngữ. Là Phật tử, lẽ ra phải luôn luôn chính ngữ, chính kiến, và cũng làm cho tất cả chúng sinh có chính ngữ, chính kiến, mà trái lại làm cho mọi người tà ngữ, tà kiến, tà nghiệp, Phật tử nầy phạm « Bồ Tát Ba La Di tội ».

5.- GIỚI BÁN RƯỢU
Nếu Phật tử, tự mình bán rượu, bảo người bán rượu : nhân bán rượu, duyên bán rượu, cách thức bán rượu, nghiệp bán rượu, tất cả rượu không được bán - Rượu là nhân duyên sinh tội lỗi. Là Phật tử, lẽ ra phải làm cho tất cả chúng sinh có trí huệ sáng suốt, mà trái lại đem sự mê say điên đảo cho tất cả chúng sinh. Phật tử nầy phạm « Bồ Tát Ba La Di tội ».

6.- GIỚI RAO LỖI CỦA TỨ CHÚNG
Nếu Phật tử, tự miệng rao nói tội lỗi của Bồ Tát xuất gia, Bồ Tát tại gia, Tỳ Kheo, Tỳ kheo Ni, hoặc bảo người rao nói những tội lỗi ấy : nhân rao nói tội lỗi, duyên rao nói tội lỗi, cách thức rao nói tội lỗi, nghiệp rao nói tội lỗi. Là Phật tử, khi nghe những kẻ ác, ngoại đạo cùng người nhị thừa nói những điều phi pháp, trái luật trong Phật pháp, thời phải luôn luôn có lòng từ bi giáo hóa những kẻ ác ấy cho họ sinh tín tâm lành đối với đại thừa, mà trái lại Phật tử lại tự mình rao nói những tội lỗi trong Phật pháp. Phật tử nầy phạm « Bồ Tát Ba La Di tội ».

7.- GIỚI TỰ KHEN MÌNH CHÊ NGƯỜI
Nếu Phật tử, tự khen mình chê người, cũng bảo người khác khen ngợi mình chê người : nhân chê người, duyên chê người, cách thức chê người, nghiệp chê người . Là Phật tử, lẽ ra phải thay thế chịu những sự khinh chê khổ nhục cho tất cả chúng sanh, mình nhận lấy việc xấu, nhường cho người việc tốt. Nếu Phật tử tự phô trương tài đức của mình, mà dìm che điều hay tốt của người, làm cho người bị khinh chê, Phật tử nầy phạm « Bồ Tát Ba La Di tội ».

8.- GIỚI BỎN XẺN THÊM MẮNG ÐUỔI
Nếu Phật tử, tự mình bỏn xẻn, bảo người bỏn xẻn : nhân bỏn xẻn, duyên bỏn xẻn, cách thức bỏn xẻn, nghiệp bỏn xẻn. Phật tử khi thấy những người bần cùng đến cầu xin, phải cấp cho theo chỗ cần dùng của họ. Mà Phật tử lại đem lòng giận ghét, cho đến không cho một mảy, có người đến cầu học giáo pháp, cũng chẳng nói một kệ một câu, lại còn xua đuổi quở mắng, Phật tử này phạm « Bồ Tát Ba La Di tội ».

9.- GIỚI GIẬN HỜN KHÔNG NGUÔI
Nếu Phật tử, tự mình giận, bảo người giận : nhân giận, duyên giận, cách thức giận, nghiệp giận. Người Phật tử lẽ ra phải làm cho tất cả chúng sinh được những căn lành không gây gổ ; thường có lòng từ bi, lòng hiếu thuận. Mà trái lại, đối với trong tất cả chúng sinh, cho đến trong loài phi chúng sinh, đem lời ác mạ nhục, còn thêm dùng tay, chân, dao, gậy để đánh đập mà vẫn chưa hả dạ cho đến nạn nhân kia lấy lời nhỏ nhẹ xin lỗi, cầu sám hối tạ tội, nhưng vẫn còn không hết giận, Phật tử này phạm « Bồ Tát Ba La Di tội ».

10.- GIỚI HỦY BÁNG TAM BẢO
Nếu Phật tử, tự mình hủy báng Tam Bảo, xúi người hủy báng Tam Bảo : nhân hủy báng, duyên hủy báng, cách thức hủy báng, nghiệp hủy báng. Phật tử nghe một lời hủy báng Tam Bảo của ngoại đạo và kẻ ác, còn đau lòng như ba trăm cây nhọn đâm vào tim mình, huống là tự miệng mình hủy báng. Không có đức tin và lòng hiếu thuận đối với Tam Bảo, lại còn giúp sức cho những kẻ ác, kẻ tà kiến hủy báng nữa, Phật tử này phạm « Bồ Tát Ba La Di tội ».

48 ÐIỀU GIỚI KHINH

Ðức Phật bảo các vị Bồ Tát rằng :
Ðã giảng mười giới trọng rồi, nay tôi sẽ nói về bốn mươi tám giới khinh :

Giới thứ 1: Phải kính Thầy, quý bạn
Giới thứ 2: Không được uống rượu
Giới thứ 3: Không ăn thịt
Giới thứ 4: Không ăn ngũ vị tân
Giới thứ 5: Phải dạy người có tội sám hối
Giới thứ 6: Phải cung cấp người thỉnh pháp
Giới thứ 7: Không được giải đãi không nghe pháp
Giới thứ 8: Không được trái với Đại thừa, hướng về Tiểu thừa.
Giới thứ 9: Phải chăm sóc người bệnh
Giới thứ 10: Không được chứa khí cụ sát sanh
Giới thứ 11: Không được đi sứ
Giới thứ 12: Không được buôn bán phi pháp
Giới thứ 13: Không được hủy báng Tam Bảo
Giới thứ 14: Không được phóng hỏa thiêu đốt núi rừng
Giới thứ 15: Không được dạy giáo lý ngoài Đại thừa
Giới thứ 16: Không được vì lợi mà nói pháp lộn xộn
Giới thứ 17: Không được cậy thế lực khuyên góp
Giới thứ 18: Không được không hiểu mà làm thầy truyền giới
Giới thứ 19: Không được nói lưỡi hai chiều
Giới thứ 20: Phải phóng sanh cứu vật
Giới thứ 21: Không được đem sân hận báo thù sân hận, đem đánh trả đánh
Giới thứ 22: Không được sanh tâm kiêu mạn không thỉnh pháp
Giới thứ 23: Không được sanh tâm khinh ngạo không tận tâm dạy bảo cho người
Giới thứ 24: Phải tu học Đại thừa
Giới thứ 25: Không được làm tri chúng vụng về
Giới thứ 26: Không được riêng thọ lợi dưỡng
Giới thứ 27: Không được thọ biệt thỉnh
Giới thứ 28: Không được thỉnh Tăng riêng
Giới thứ 29: Không được tà mạng nuôi sống
Giới thứ 30: Phải kính trọng những ngày trai giới
Giới thứ 31: Phải mua chuộc kinh tượng, chúng tăng
Giới thứ 32: Không được làm tổn hại chúng sanh
Giới thứ 33: Không được tà mạng giác quán
Giới thứ 34: Không được tạm bỏ Bồ đề tâm
Giới thứ 35: Phải chuyên cần thành tâm phát nguyện
Giới thứ 36: Luôn phát thệ nguyện rộng lớn
Giới thứ 37: Không được du hành nơi mạo hiểm, có nạn
Giới thứ 38: Không được trái thứ lớp tôn ti
Giới thứ 39: Cần phải tu phước huệ
Giới thứ 40: Không được lựa chọn thọ giới
Giới thứ 41: Không được vì lợi mà làm thầy
Giới thứ 42: Không được giảng thuyết giới cho kẻ ác
Giới thứ 43: Phải sanh tâm hổ thẹn khi thọ nhận của cúng dường
Giới thứ 44: Phải thành tâm cúng dường kinh điển
Giới thứ 45: Phát tâm giáo hóa chúng sanh
Giới thứ 46: Không được thuyết pháp không đúng pháp
Giới thứ 47: Không được cấm chế không đúng pháp
Giới thứ 48: Không được phá pháp

KỆ KHEN NGỢI GIỚI PHÁP

Người trí nhiều Ðịnh Huệ
thọ trì được pháp nầy
lúc còn chưa thành Phật
được hưỡng năm điều lợi :
Một là Thập Phương Phật
thương tưởng hộ trì luôn.
Hai là lúc lâm chung,
Chánh niệm lòng vui vẻ.
Ba là sanh chỗ nào,
cùng Bồ Tát làm bạn.
Bốn là những công đức,
giới độ đều thành tựu.
Năm, đời này, đời sau,
đủ giới và phước huệ.
Ðây là các Phật tử,
người trí khéo nghĩ lường,
kẻ trước tướng chấp ngã
không thể được pháp này,
người trầm không trệ tịch
cũng không gieo giống được.
Muốn nảy mầm bồ đề
trí huệ soi thế gian,
phải nên quan sát kỹ
thật tướng của các pháp :
không sinh cũng không diệt,
không thường lại không đoạn ,
chẳng đồng cũng chẳng khác,
chẳng đến cũng chẳng đi.
Trong thể nhất tâm ấy,
siêng tu tập trang nghiêm,
công hạnh của Bồ Tát
phải tuần tự học tập.
Nơi học, nơi « Vô học »
chớ móng tưởng phân biệt,
Ðấy là « đệ nhất đạo ».
cũng gọi pháp đại thừa.
Hết thảy lỗi hí luận
đều từ đây dứt sạch.
Vô thượng trí của Phật
đều do đây mà thành.
Vì thế nên Phật tử
phải phát tâm dõng mãnh
nghiêm trì giới của Phật
tròn sạch như minh châu.
Chư bồ tát quá khứ
đã từng học giới này,
hàng vị lai sẽ học,
người hiện tại đương học.
Ðây là đường Phật đi,
là chỗ Phật khen ngợi.
Ta đã giảng giới xong,
phước đức nhiều vô lượng,
hồi hướng cho chúng sanh
đồng đến “ Nhất thế trí ”.
Nguyện ai nghe pháp này
đều được thành Phật đạo.

PHẦN HỒI HƯỚNG


Trên đài Liên Hoa Tạng
Ðức Phật Xá Na Tôn
Lược giải Tâm Ðịa pháp môn
Truyền lại chư Thế Tôn
Khinh, trọng phân rành rõ
Tất cả được nhờ ơn.

Nam mô Phạm Võng Giáo Chủ Lô Xá Na Phật Biến Pháp Giới Tam Bảo.
admin
Site Admin
 
Bài viết: 6798
Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 4 17, 2011 12:18 am

Quay về Tâm Linh / Tôn Giáo

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến13 khách

cron