2 câu chuyện về nhân quả báo ứng

2 câu chuyện về nhân quả báo ứng

Gửi bàigửi bởi hoatam » Thứ 7 Tháng 4 30, 2011 6:11 pm

Kỷ Hiểu Lam trong "Duyệt vi thảo đường bút ký" có ghi chép lại rất nhiều sự việc kỳ dị mà ông được tận mắt chứng kiến hay tận tai nghe người trong cuộc kể lại. Có nhiều câu chuyện là những thí dụ cụ thể về luật nhân quả luân hồi, bày tỏ và cảnh báo người đời sau. Những câu chuyện chứng thực rõ ràng luật nhân quả báo ứng là có thật, không sai chút nào. Những việc mà người ta làm, từng suy nghĩ mà mỗi người đang có, Thần linh đều giám sát, nên mỗi người đều cần phải có trách nhiệm với ngôn từ và hành vi của mình. Dưới đây là 2 mẩu chuyện được chép trong sách này.
Thần kỵ những kẻ khôn khéo
Ở phủ Hà Gian có người tên là Phùng Thụ Nam, thông minh và viết văn hay. Nhưng anh ta đã lưu lạc ở kinh thành suốt hơn 10 năm trường mà vẫn không thành công. Mỗi khi gặp được cơ duyên thì cuối cùng luôn luôn bị tan vỡ. Khi anh ta nhờ người ta giúp, thì ngoài mặt họ bằng lòng nhưng thực tế là không hề quan tâm gì đến anh ta cả. Cuộc sống của anh ta rất khó khăn, trong lòng vô cùng thất vọng và buồn rầu. Có một lần, anh ta vào miếu khẩn cầu Thần linh gợi ý và hướng dẫn cho vận mệnh của mình.
Đêm đó, anh ta mơ thấy một vị Thần nói với mình: "Anh chớ oán giận đường đời gian khổ. Thực ra, vận mệnh cả đời anh đều là tự anh tạo thành cả, oán hận có ích gì? Kiếp trước anh thích dùng lời dối trá để giành được tiếng thơm là một vị trưởng lão trung hậu. Thấy người khác gặp việc khó khăn, anh biết rõ việc đó không thể thành công, nhưng lại cực lực xúi bẩy người khác làm, khiến người ta cảm ơn anh đã tán thành và gợi ý cho họ. Thấy kẻ ác phạm pháp, biết rõ hành vi tội lỗi của người đó là không thể tha thứ được, anh lại nhiều lần biện bạch cho họ, làm cho người khác cảm kích anh. Anh làm như thế, khiến bao nhiêu những lời cảm ơn tốt đẹp đều dành cả cho anh, còn bao nhiêu oán thù phẫn hận toàn quy kết hết cho người khác. Anh quá khôn khéo gian trá! Huống chi, những việc mà anh tán thành hay xúi giục, hoặc là những người mà anh cực lực biện bạch cho, thì anh đều đặt mình ở vị trí bên ngoài hoàn cảnh của người ta, dù thành công hay thất bại thì đều do người khác gánh chịu tất cả. Nếu việc gì động chạm đến anh chút xíu thôi, thì anh chỉ lo sợ tránh né không kịp. Cho dù anh chỉ cần nhấc tay một cái là có thể cứu người ta khỏi cơn nguy khốn, anh cũng sẽ bởi vì sợ phiền toái mà buông tay không đếm xỉa tới. Tâm anh hiểm ác như thế, còn cần phải chỉ ra hay sao? Bởi vậy có thể thấy, người khác đối với anh có vẻ như thân thiết, thực ra là xa cách, tưởng như quan tâm, thực ra là lạnh nhạt thờ ơ, đó cũng là lẽ tất nhiên. Anh tự ngẫm lại xem, như thế có xứng đáng hay không? Yêu cầu của Thần linh đối với một con người, nếu người đó vô tình phạm vài lỗi lầm nào đó, thì có thể
dùng một việc thiện nào khác để bồi thường lại. Nhưng nếu một người rắp tâm làm điều sai trái, đó chính là vi phạm Luật Trời, không thể tha thứ được. Anh chỉ có cố gắng làm việc tốt mới có thể được may mắn mà thôi!"
Phùng Thụ Nam nghe xong vô cùng hối hận, sau đó không lâu thì bệnh chết.

Không làm tròn trách nhiệm thì bị giảm phúc lộc

Tống Bán Đường người thành An Ấp từng làm quan ở huyện Ngân. Tống Bán Đường nói, ở huyện Ngân có một người thư sinh rất giỏi văn, nhưng trên con đường hoạn lộ lại liên tục gặp gian nan, không thành tựu được công danh. Sau này vị thư sinh đó bị bệnh nặng, trong cơn bệnh mơ mơ màng màng, mộng thấy mình tới một nha môn. Nhìn qua, anh thấy đó chắc phải là âm phủ. Lúc đó, một người mặc quan phục đi tới trước mặt anh. Người thư sinh trông thử, thì ra đó là một cụ già có quen biết trước kia, liền vội vàng hỏi thăm, rằng mình bị cơn bệnh này thì phải chăng sắp chết?

Vị quan âm phủ nói: "Thọ số của anh chưa tận, nhưng mà lộc số đã hết rồi, e rằng chẳng bao lâu nữa thì phải xuống đây".
Người thư sinh nói: "Kiếp này tôi toàn lập trường dạy học kiếm sống qua ngày, chưa từng làm những việc nhẫn tâm nào, làm sao lộc số lại hết được?".
Âm quan thở dài nói: "Chính bởi vì anh ăn bát cơm dạy học này, mà lại bỏ mặc nhân phẩm và đức hạnh của bọn trẻ. Diêm vương cho rằng, không có công mà hưởng lộc thì chẳng khác nào trộm cắp hoặc là lãng phí lương thực, nhất định phải khấu trừ bổng lộc tương ứng để bồi thường. Vì vậy tuổi thọ anh chưa hết mà phúc lộc của anh đã hết trước rồi. Làm thầy của người ta, vị trí nằm trong "Tại Tam" (Vua, Cha mẹ, Thầy), hưởng vinh dự cao quý, cần phải truyền thụ đức hạnh và học nghiệp, dẫn dắt người ta hướng thiện. Anh thu học phí của nhà người ta, lại làm hại học trò, lý ra phải bị khiển trách nghiêm khắc nhất. Có quan lộc, thì phải tước giảm quan lộc. Không có quan lộc, thì phải tước giảm thực lộc. Tất cả đều được tính toán rất rõ ràng. Người đời thường khi nhìn thấy một trí thức uyên bác hay là một bậc thầy Nho gia, có cuộc sống khốn cùng hoặc bị chết sớm, thì oán trách Đạo Trời bất công. Đâu có biết rằng những người ấy đều là tự họ làm hại đời mình, do đó mới lâm vào tình cảnh như thế".
Từ 2 mẩu chuyện trên ta thấy rằng, dẫu chỉ là một niệm không chính rất nhỏ xuất hiện trong lòng, thì Thần đều thấy rất rõ ràng. Đúng như cổ ngữ nói rằng: "Trên đầu 3 thước có Thần linh". Từ những chuyện nhân quả thời xưa mà so sánh với những việc xảy ra xung quanh chúng ta ngày nay, thì sẽ phát hiện ra rằng quy luật nhân quả là một thực tế khách quan, dù cho người ta có tin tưởng hay cố tình phủ nhận. Đối diện với luật nhân quả, tuân theo Thiên Lý làm việc thiện là việc quan trọng nhất của loài người, từ đó mới có thể gặp được điều kỳ diệu và có được tương lai.
hoatam
 
Bài viết: 56
Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 4 17, 2011 10:48 pm

Quay về Tâm Linh / Tôn Giáo

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến6 khách

cron