Những lời dạy đúng lúc

Những lời dạy đúng lúc

Gửi bàigửi bởi hoatam » Thứ 3 Tháng 4 26, 2011 6:50 pm

Về Gieo Trồng Hạt Giống Kim Cang

Bây giờ quý vị đã gieo trồng hạt giống Kim Cang, trong tương lai quý vị chắc chắn sẽ hái được quả bồ đề. Một khi quý vị đã nuốt hạt Kim cang vào bụng, hạt giống đó sẽ không bao giờ tan biến. Niệm hồng danh Đức Phật chính là trồng hạt giống Kim Cang, hạt giống Kim Cang này đời đời không bao giờ hư hoại. Quý vị chớ nên nghi ngờ, cho rằng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật…” suốt ngày như vậy có lợi ích gì? Sự lợi ích đó thật không có cách gì có thể nói cùng hết được.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong suốt cuộc đời hoằng pháp, Ngài luôn hết lòng khen ngợi pháp môn trì danh hiệu Phật. Kinh A Di Đà là kinh “vô vấn tự thuyết” [là kinh Đức Phật tự mình nói ra không có người thưa hỏi], điều này cho ta thấy tầm quan trọng của pháp môn niệm Phật.

Nhờ vào sự trì danh hiệu Phật mà chúng ta có thể vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Trong quá khứ đã có rất nhiều, rất nhiều người ở Trung Hoa, chỉ nương vào sự niệm Phật mà được vãng sanh về Tịnh độ Tây phương.
Về sự đào tạo hổ có sừng

Ở tại xứ này, tôi khuyến tấn quý vị đồng tu cả hai pháp môn niệm Phật và tham thiền. Tại sao? Đó là vì tôi muốn rèn luyện “Hổ Có Sừng”, khiến cho mọi người nhìn thấy những con cọp này đều phải nể sợ. Con cọp vốn đã oai phong, nhưng nếu có thêm sừng trên đầu thì lại còn lẫm liệt hơn nữa. Trong tương lai, tất cả quý vị đây đều phải là “Hổ Có Sừng”. Nhưng đó không có nghĩa là để quý vị ra ngoài ăn tươi nuốt sống kẻ khác, mà là để đi truyền bá Phật pháp, khiến cho các ma vương nhìn thấy đều phải hành xử đúng đắn. Quý vị cần phải điều phục các loài thiên ma cùng những người theo tà đạo.

Trên đây chỉ là thí dụ, chớ cho rằng con cọp thật sự có mọc sừng trên đầu tung hoành trong rừng núi. Có câu kệ rằng: “Có Thiền có Tịnh độ, Như mãnh hổ mọc sừng…” Một người vừa tu thiền vừa niệm Phật cũng như cọp mọc thêm sừng. Đó chính là thí dụ này đây.

Chú thích:

*Câu kệ được Hòa Thượng Tuyên Hóa nhắc đến là từ bài kệ của Vĩnh Minh Đại sư đời nhà Tống, cũng là tổ thứ sáu của môn Tịnh độ:

Có Thiền có Tịnh Độ

Như cọp mọc thêm sừng

Hiện đời làm Thầy người

Về sau làm Phật Tổ


Không Thiền, có Tịnh Ðộ,

Vạn tu, vạn cùng sanh,

Nếu được thấy Di Ðà,

Lo gì chẳng khai ngộ.


Có Thiền, không Tịnh Ðộ

Mười người, chín chần chừ

Ấm cảnh nếu hiện tiền

Chớp mắt đi theo nó.


Không Thiền, không Tịnh Ðộ

Giường sắt cùng cột đồng

Muôn kiếp với ngàn đời

Không một ai nương tựa.

Về Sự Cần Thiết Của Lời Nguyện

Những gì chúng ta đang bàn luận nhắc tôi nhớ đến nhóm 5 người đệ tử đầu tiên, 3 vị Tăng và 2 vị Ni, tới Đài Loan để thọ giới; nhóm thứ hai gồm 4 vị Tăng tới Đài Loan để thọ cụ túc giới; và nhóm thứ 3 thọ cụ túc giới ngay tại tu viện Kim Sơn này. Tất cả họ đều lập nguyện. Vậy mà gần đây không có ai trong số những người mới xuất gia và thọ giới sa di lập nguyện.

Nếu quý vị muốn lập nguyện thì trước tiên hãy nói cho tôi biết. Quý vị đã quyết tâm tu Bồ tát đạo và thành Phật. Điều đó rất tốt, nhưng trước tiên quý vị phải lập nguyện đã. Thực ra, tất cả những ai trong tứ chúng tại Kim Sơn tự đều nên lập nguyện. Sau khi lập nguyện, quý vị hãy tu hành theo lời nguyện đó. Vài ngày tới sẽ là thời điểm thích hợp để lập nguyện, vì vậy chớ nên trì hoãn. Người nào trong quý vị muốn lập nguyện thì phải nộp lời nguyện của mình đã được viết ra giấy. Nếu không biết viết, quý vị hãy nhờ ai đó viết giùm. Lập nguyện là một nguyên tắc vàng tại tu viện Kim Sơn.
Về Việc Lời Nguyện Là Tự Ý

Lời nguyện diễn tả ước muốn của riêng mỗi người. Đó là điều mà quý vị muốn làm chứ không phải người khác làm. Nếu quý vị muốn lên trời thì hãy lên đó. Nếu quý vị muốn xuống địa ngục thì hãy xuống đó. Việc đó phụ thuộc vào cái mà bản thân quý vị muốn. Thí dụ, những chúng sanh trong địa ngục hiện tại đang ở đó bởi vì họ đã phát nguyện xuống đó. Nếu họ không nguyện như vậy thì đã không thể xuống. Những ai muốn thành Phật đều có thể thành bởi vì họ đã lập nguyện sẽ chứng Phật quả. Hoàn toàn tự do. Quý vị có thể làm bất kỳ điều gì mình muốn, và sẽ không có lời nguyện của người nào bị chỉ trích cả.

Về những cách xử sự khác nhau với tiền bạc

Một số người họ đếm từng đồng, từng xu, từng cắc. Điều này khắc hẳn với một nữ đệ tử xuất gia của tôi, cô ấy chẳng thèm đếm tiền gì cả, đến nổi khi bỏ tiền vào ngân hàng cũng bị sai thiếu.Tôi nghĩ qua về việc làm của cô này, cho rằng cô ta cũng có chút công phu đấy chứ. Người này đã đạt được chút ít định lực (tam muội), cho nên tâm cô ấy không bị động bởi bất cứ việc gì, ngay cả tiền bạc. Đó là cảnh giới không tệ lắm. Tuy nhiên, nếu làm việc thế gian thì như vậy cũng không thực tế lắm.

Theo quan điểm xuất thế gian, cảnh giới của quý vị khá cao. Nếu như quý vị có thể làm sao để không chú ý tới tiền bạc, thì bao nhiêu chuyện khác lại càng ít rắc rối hơn. Ngược lại, những người luôn chú trọng từng đồng, từng cắc, từng xu, họ sẽ sớm bị kiệt sức. Họ làm nặng đầu óc với những sự tính toán, tính ngày không đủ, họ lại tiếp tục suy tính ban đêm nhưng cũng vẫn không xong. Họ cứ lăn qua lăn lại, trăn trở tới lui cả đêm, và cũng không ngủ gì được cả. Quý vị nói xem, đây là sướng hay là khổ ?

Về giá trị của việc học hành

Hiện giờ chúng ta đang học nhiều ngôn ngữ, hôm nay học tiếng Đức, ngày mai học tiếng Sanskrit (Bắc Phạn), ngày mốt tiếng Pháp. Chúng ta cũng có lớp cho tiếng Hoa, tiếng Nhật và có thể cả tiếng Việt. Nếu có người giảng dạy thì chúng ta sẽ mở lớp học. Nếu có vị nào biết nhiều thứ ngoại ngữ khác thì chúng ta đều có thể nghiên cứu và học hỏi thêm. Tối thiểu thì quý vị cần nên biết nói “Dạ vâng“ và “Không” bằng các ngôn ngữ đó, tại vì những chữ này rất hữu dụng. Quý vị không nên từ chối học thêm, cho rằng chuyện này không liên quan đến sự tu hành. Thật ra học ngoại ngữ cũng là một phần của việc tu đạo. Nó giúp dẹp trừ vọng tưởng. Nếu quý vị không đeo đuổi việc học hành thì sẽ suy nghĩ lung tung, lúc thì chạy lên trời, lúc thì xuống đất. Óc tưởng tượng của quý vị có thể đưa mình đến mạn đàm với Ngọc Hoàng thượng đế, có lúc thì đi viếng thăm Diêm Vương. Tất cả đều là vọng tưởng mơ hồ. Nếu quý vị có thể học được một cái gì đó thì trong tương lai quý vị sẽ có được khả năng giúp truyền bá Phật pháp.

Về việc nói nhiều thứ tiếng

Hiện giờ có một số quý vị quyết định không muốn học học tiếng Đức, tiếng Bắc Phạn (Sanskrit), tiếng Nhật hoặc tiếng Anh mà chỉ thích học tiếng Hoa mà thôi. Đó là một quyết định thiếu giá trị, và quý vị đã lầm to. (Ghi chú: Vào khoảng thời gian đó có rất nhiều người trẻ tuổi có tài năng đang cư ngụ trong chùa hay tích cực ủng hộ chùa. Hòa Thượng kêu gọi họ dạy các lớp ngoại ngữ. Đó là một dịp hiếm có để học hỏi thêm nhiều thứ tiếng từ nhiều vị thầy tài ba).

Trong tương lai, khi quý vị ở trong một hoàn cảnh cần tới các ngôn ngữ đó thì quý vị sẽ thấy hối tiếc. Giả sử tôi đi sang nước Đức và cần một người thông dịch mà quý vị không biết tiếng Đức, tất sẽ không thể phiên dịch cho tôi được, quý vị lúc đó phải đầu hàng, phải xuống ngồi chung với các thính giả. Giả sử tôi đi Nhật hay Pháp và các bài nói chuyện cần phiên dịch sang tiếng Nhật hay tiếng Pháp, nếu bây giờ quý vị không học các thứ tiếng đó cho giỏi, thì lúc đó phải nhường cho người khác vậy. Những vị nào biết thông dịch các ngoại ngữ, họ sẽ là người xuất sắc. Những người có trí huệ và kiến thức thì sẽ có một địa vị đứng đầu trong nhóm, còn những người thiếu trí tuệ và kiến thức khác phải dời ra đằng sau vậy.

Ghi chú: Hòa Thượng thường sách tấn khuyến khích mọi người cố gắng nỗ lực học hỏi, nhưng không tranh giành để trở thành người nổi bật.

Về sự kỳ diệu của phương tiện

[Hòa Thượng nói với một đệ tử] Nếu ông không muốn người khác bảo mình làm thế này thế kia hoặc là săm soi mình thì chỉ cần cho rằng họ có những ý đồ tồi tệ nhất - hãy xem họ như là người xấu. Như vậy sẽ không còn ai chú ý đến ông nữa. Điều tôi đang nói với ông đây là một phương pháp kỳ diệu.

Chú Thích của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ: Thông thường Hòa Thượng dạy đệ tử xem những người gây chướng ngại cho mình là Thiện Tri Thức của mình; ở đây có những trường hợp thái quá, Hòa Thượng phương tiện dạy đệ tử xem họ là người xấu để đừng bận tâm. Tương tự như pháp mặc tẩn Đức Phật dạy.

Về việc sẵn sàng chấp nhận đệ tử sửa sai cho mình

Vì tôi tụng niệm mà không nhìn vào sách cho nên đôi lúc cũng sai lầm. Quý vị hãy chú tâm lắng nghe và hãy nói cho tôi biết nếu tôi có sai.
Về việc sửa lỗi của mình

Có lúc tôi đọc sai do tụng niệm từ trí nhớ. Những lúc như vậy, quý vị nên nhắc nhở tôi. Nhưng vì không ai trong quý vị lên tiếng nên tôi đã phải tự sửa lỗi cho mình.

Về việc lắng nghe những quan điểm khác nhau

Tất cả mọi người đều yêu thích những túi da hôi thối [Ghi chú: xác thân của họ]; họ hoàn toàn không thể từ bỏ chúng. Trong quý vị có ai có ý kiến gì về điều tôi vừa nói không? Quý vị có thể nói ra ý kiến của mình và chúng ta sẽ cùng nhau thảo luận. Không ai có ý kiến nào ư? Vậy tôi có ý kiến thế này: "Bất cứ khi nào tôi nói điều gì sai thì quý vị có thể phản đối và đưa việc đó ra để thảo luận. Bất kỳ ai cũng có thể đưa ra quan điểm của mình." Chúng ta sẽ sử dụng nó như một tấm gương – một điểm để tham khảo.

Về sự chú ý và cách hành xử khi nghe giảng kinh

Khi nghe giảng kinh quý vị nên tránh những ý tưởng mơ mộng viễn vong. Hãy chú ý và đừng ngủ gục. Hãy ngồi ngay thẳng và giử lòng thành kính, không được lười biếng hay buồn ngủ. Nếu quý vị có được một phần thành kính, thì sẽ thâu đạt được một phần lợi ích tương đương. Nếu có mười phần thành kính, thì sẽ được mười phần lợi ích, nếu quý vị có một trăm phần, một ngàn phần hay một vạn phần thành kính, quý vị sẽ có một trăm, một ngàn hay một vạn lần lợi ích. Khi nghe giảng kinh, quý vị hãy xem như chư Phật và Bồ Tát đang ở trước mặt mình, các Ngài đang quan sát quý vị lúc nghe thuyết pháp. Nếu lười biếng, quý vị sẽ bỏ lỡ một cơ hội tốt ngay lúc đó. Khi chư Phật và Bồ Tát nhìn thấy quý vị lười biếng, thiếu thành tâm như vậy, các Ngài sẽ không để tâm tới, mặc cho quý vị muốn làm gì thì làm.

Cho nên khi nghe kinh chúng ta cần phải thành tâm, cung kính tột đỉnh. Nếu có lòng thành đối với Phật, Pháp, Tăng, với Tam Bảo, quý vị sẽ hưởng được nhiều sự lợi ích từ việc nghe kinh. Điều này cũng cần nên áp dụng khi đọc tụng kinh điển hay khi nghiên cứu Phật pháp. Quý vị hãy nên tỏ lòng chí thành và ngồi ngay thẳng, đừng dựa qua bên trái hay ngã về bên phải, cũng đừng cong mình hay ngã lưng ra sau. Nếu không nghiêm túc và xem thường Phật pháp, quý vị sẽ không gặt hái được lợi ích gì đâu. Bây giờ tôi đã nói cho quý vị biết về điều này, mọi người phải nên đặc biệt chú ý!

Về Việc Nhẹ Nhàng Giúp Người Khác Hiểu

[Ghi chú: Người phụ nữ trẻ trong cuộc hội thoại sau đây lần đầu tiên tới thăm Kim Sơn Tự (ở Cựu Kim Sơn). Cô sống tại Châu Phi. Vì Hòa Thượng nói bằng tiếng Trung Hoa, còn người phụ nữ trẻ nói bằng tiếng Anh nên cuộc trao đổi diễn ra thông qua một người phiên dịch, đóng vai trò trung gian trong suốt cuội hội thoại này. Sau đó, Hòa Thượng cho phép cô gia nhập cuộc sống tu viện và đặt cho cô pháp danh là Guo Mo ]

Hòa Thượng: [Nói với người phiên dịch]: Hãy hỏi người phụ nữ trẻ này xem cô ta là đàn ông hay phụ nữ

Người phụ nữ trẻ: Con là phụ nữ

Hòa Thượng: Vậy tại sao cô lại cạo tóc?

Người phụ nữ trẻ: Vì con là một Phật tử

Hòa Thượng: Cô là Phật tử tại gia hay xuất gia?

Người phụ nữ trẻ: Con là Phật tử tại gia

Hòa Thượng: Người thế tục thường để tóc, tại sao cô lại cạo đầu? Ai bảo cô cạo đầu?

Người phụ nữ trẻ: Là chính con.

Hòa Thượng: Cô đã giác ngộ rồi chăng?

Người phụ nữ trẻ: Con không biết đó là gì.

Hòa Thượng: Giác ngộ có nghĩa là tự tại đối với sanh tử của mình. Cô có thể tùy ý sanh ra hay chết đi, chứ không phải chết bằng cách đi tự tử [Ghi chú: người phụ nữ trẻ im lặng]. Sao cô không trả lời?

Người phụ nữ trẻ: Vì con đang cố nghĩ xem phải nói gì. Nếu con nói “vâng” thì Hòa Thượng sẽ bảo con đi chết đi.

Hòa Thượng: Việc chết này không phải là do tôi bảo cô làm thế, mà đó là việc mà người ta tự làm. Nếu tôi bảo cô đi chết và cô làm theo thì tôi đã phạm pháp rồi, và cảnh sát sẽ đến để cho tôi vào tù. Cô đã từng thấy một Phật tử tại gia nào khác cạo đầu chưa, đặc biệt là phụ nữ?

Người phụ nữ trẻ: Dạ chưa.

Hòa Thượng: Vậy sao cô lại muốn là người đầu tiên?

Người phụ nữ trẻ: Đó là một sự cúng dường Phật.

Hòa Thượng: Phật ở đâu?

Người phụ nữ trẻ: Ở tất cả mọi nơi.

Hòa Thượng: Nếu Phật ở tất cả mọi nơi thì cô định dâng cúng nơi nào?

Người phụ nữ trẻ: Ngay nơi chỗ con.

Hòa Thượng: Bây giờ tóc cô dài đến đâu?

Người phụ nữ trẻ: Con không còn tóc.

Hòa Thượng: Đức Phật Thích Ca trong tiền kiếp đã trải tóc mình ra che bùn để đức Phật Nhiên Đăng có thể đi trên đó. Giả như bây giờ cô gặp hoàn cảnh như vậy, cô sẽ lấy gì để cúng dường Phật? [Ghi chú: mọi người cười]

Người phụ nữ trẻ: Ồ! Thì con sẽ nằm xuống.

Hòa Thượng: Nếu Ngài dẫm cô chết bẹp thì sao?

Người phụ nữ trẻ: Cũng không sao cả.

Hòa Thượng: Cái này không phải chỉ là suy tưởng.

Người phụ nữ trẻ: Vâng, con không thế.

Hòa Thượng: Hiện giờ cô sống ở đâu?

Người phụ nữ trẻ: Con sắp chuyển tới sống ở một căn chung cư.

Hòa Thượng: Tôi không hỏi về ngày mai. Tôi đang hỏi về ngày hôm qua và ngày hôm nay.

Người phụ nữ trẻ: Hôm qua con ở cùng 1 người bạn, là một thiền sinh. Trước đó, con có 1 phòng ở chung cư.

Hòa Thượng: Cô đã từng sống với những người Híp pi chưa?

Người phụ nữ trẻ: Dạ chưa.

Hòa Thượng: Cô tự ý cạo đầu với mục đích gì?

Người phụ nữ trẻ: Như con đã nói, đó là một sự cúng dường Phật.

Hòa Thượng: Phần tóc mà cô đã cạo bây giờ đang ở đâu?

Người phụ nữ trẻ: Con không biết.

Hòa Thượng: Nếu cô không biết thì cô lấy gì để cúng dường Phật?

Người phụ nữ trẻ: Tóc đó không phải là vật để cúng dường. Vật để cúng dường là việc con không có tóc.

Hòa Thượng: À! Không có tóc là một vật để cúng dường? Sự khác nhau giữa có tóc và không có tóc là gì?

Người phụ nữ trẻ: Không gì cả.

Hòa Thượng: Vậy sao cô lại muốn cạo đầu như là một sự cúng dường đức Phật?

Người phụ nữ trẻ: Tại sao lại không?

Hòa Thượng: Bởi vì trong Phật giáo, việc có một phong cách phù hợp là rất quan trọng. Nếu cô là tu sĩ , thì điều đó bình thường. Nhưng chính cô đã thừa nhận rằng mình vẫn là một người thế tục. Vì cô là một người thế tục, mà tất cả những người thế tục, đặc biệt là phụ nữ, họ đều có tóc. Vậy tại sao cô lại muốn khác đi? Có phải cô đang muốn trở nên khác thường, không giống người khác?

Người phụ nữ trẻ: Không phải như vậy.

Hòa Thượng: Cô muốn trở thành một tỳ kheo ni tại gia không?

Người phụ nữ trẻ: Con không quan tâm.

Hòa Thượng: Cô không thể là một tỳ kheo ni tại gia, nhưng vẫn có thể là một cư sĩ tại gia. Tuy thế, sẽ tốt hơn cho cô nếu cô để tóc mình mọc trở lại. Được chứ?

Người phụ nữ trẻ: Dạ được !

Về Việc Hết Thẩy Là Khảo Nghiệm

[Ghi chú: Hòa Thượng vừa trở về sau chuyến đi Nam Mỹ]

Hỡi các vị thiện tri thức!

Tất cả quý vị đã nhận được sự gia hộ của hào quang đức Phật. Bởi vậy, khi trở về từ Nam Mỹ, tôi thấy rằng quý vị vẫn thành tâm đến Kim Sơn Tự để học Phật Pháp.

Trong việc học Phật pháp, chớ có thái độ ỷ lại. Nếu có tánh này thì quý vị sẽ không bao giờ có thể tự lập được. Chính vì vậy, chuyến đi của tôi đến Nam Mỹ cũng là một cuộc khảo nghiệm thực sự dành cho tất cả quý vị đó. Cách đây vài năm, tôi có đọc cho quý vị nghe một bài kệ. Mặc dù bài kệ này chỉ có 20 chữ nhưng quý vị hãy đừng bao giờ quên. Hãy nhớ từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây. Bài kệ nói gì?

Hết thẩy là khảo nghiệm,

Coi thử mình ra sao,

Ðối cảnh lầm không biết,

Phải luyện lại từ đầu.

Quý vị có muốn luyện lại từ đầu không? Hãy tự hỏi chính mình. Sư phụ của quý vị không thể chấm dứt sinh tử cho quý vị được. Phật, Pháp, Tăng cũng không thể chấm dứt sinh tử giùm quý vị được. Chính quý vị phải tự chấm dứt sinh tử cho mình. Hãy tự mình đứng vững. Đừng có thái độ lệ thuộc. Đừng như trẻ con suốt ngày đòi cha mẹ mang sữa hay kẹo đến đút tận miệng cho mình.

Lần này, khi tôi đi Nam Mỹ trong một thời gian dài, quý vị đã bị thiếu sữa. Đây là một cuộc khảo nghiệm xem liệu quý vị có thể tồn tại được không. Đã hơn 4 tháng trôi qua nhưng không có vị nào bị chết đói cả. Nhiều người trong số quý vị đã phát triển chút ít năng khiếu tự lập của mình. Dầu vậy, một số quý vị cũng đã tăng trưởng rất nhiều khiếu lười biếng. Quý vị nên tăng trưởng khiếu độc lập và nên giảm khiếu lười biếng đi. Khi đó quý vị sẽ thuận theo Trung Đạo.

Về Những Khuyết Điểm Nghiêm Trọng

Đừng nên nghĩ rằng quý vị có thể nổi giận khi người khác đối xử tệ với quý vị. Đây là một việc làm xấu xa nhất, tệ hại và hèn nhát nhất. Một khi quý vị giận dữ, bao nhiêu công sức tu hành đều tiêu tan hết. Tu hành có nghĩa là phải nhẫn những gì người khác không thể nhẫn, nhường những gì người khác không thể nhường.

(Ghi chú: Hòa Thượng nói với một người đệ tử): Còn ông, ông đặc biệt rất là nóng tánh và không biết nhường nhịn. Khi ăn thì ông là người đứng đầu tiên, nhưng khi làm là ngưòi áp chót. Nếu có ai đó nói với ông một vài câu, thì ông nổi giận và cau có lên ngay. Ông có những khuyết điểm trầm trọng như thế đó.

Những người tu hành có đạo hạnh thật sự không khi nào nổi giận cả. Nếu có một người có đức hạnh tỏ ra vẻ giận dữ, kẻ khác còn có thể chấp nhận dễ dàng, ngược lại nếu có người thiếu đức hạnh nổi giận, thì chuyện này không thể được. Đừng cho rằng “Giờ đây ta có chút công đức, ta có thể nổi giận với người khác”. Cách này không thể được. Mọi biểu lộ của sân hận chính là hình tướng ngu si của quý vị. Quý vị không nên tức giận với bất kỳ người nào, càng không đuợc tức giận với những kẻ dưới quý vị một hai bậc, hay với những người có địa vị thấp hơn, đừng nói chi đến các huynh đệ đồng tu. Không phải chỉ vì quý vị sanh phiền não và si mê mà quý vị có thể công kích người khác

Về Việc Không Quấy Rầy Những Ai Muốn Ngủ

Chúng ta hãy xem xét vấn đề của chính mình. Lúc nghe kinh, chúng ta bắt đầu thấy mệt mỏi và ngủ gật. Hãy cẩn thận, nếu không thì đầu của quý vị sẽ va vào bàn và bị chảy máu. Chiều hôm qua tôi đã đứng phía trước Quả Hàng và quan sát xem y vừa nghe kinh, vừa ngủ gật như thế nào. Tôi nghĩ đến việc bạt tai y để đánh thức y dậy, nhưng lại sợ việc đó sẽ làm y hoảng sợ đến chết mất. Nếu tôi để y ngủ tiếp thì ít ra y cũng không bị chết vì hoảng sợ. Tuy nhiên, nếu tôi bạt tai y thì y sẽ tự nhủ là “Thế giới này thực đáng ghét. Tốt hơn hết là ta nên vãng sanh Cực Lạc càng sớm càng tốt!” Nếu y bỏ đi quá nhanh thì sẽ không ai có thể mang y về lại, cho nên tôi đã quyết định không đánh thức y dậy nữa. Tối nay, nếu có ai muốn ngủ thì tôi sẽ không quấy rầy. Nếu quý vị muốn ngủ thì hãy cứ ngủ. Hãy ngủ nhiều như quý vị muốn, không thành vấn đề! Quý vị có thể nghe kinh trong giấc mơ của mình, cũng không có gì khác cả.

Về việc phân tích một tình thế tiến thoái lưỡng nan

Hòa Thượng: Ông có hiểu không?

Đệ tử: Dạ không!

Hòa Thượng: Thế sao ông không lên tiếng?

Đệ tử: Vì con chờ sư phụ nói.

Hòa Thượng: Vì ông chờ tôi nói nên tôi mới đang hỏi ông đây. Những người khác không chờ tôi nói nên tôi không hỏi họ. À, ông đã kết hôn là vì ông muốn vậy. Không phải ông đã được toại nguyện rồi sao? Hãy nói tôi nghe!

Đệ tử: Con muốn kết hôn nhưng cũng muốn trở thành tu sĩ. Con không biết phải làm sao thưa sư phụ.

Hòa Thượng: Đó không phải là những gì ông mong ước, khao khát hay sao? Sao ông không làm điều mà ông muốn làm hơn đi? Ông muốn làm điều gì nhất? Trở thành tu sĩ phải không?

Đệ tử: Con muốn thành Phật.

Hòa Thượng: Muốn thành Phật thì ông phải tinh tấn tu tập. Nếu ông không tu tập và cũng không thể bỏ vợ thì làm sao đức Phật có thể đáp ứng nguyện vọng của ông được? Hãy nói tôi nghe xem! A! Món cá trông thật ngon miệng, nhưng món chân gấu cũng rất ngon, vì thế ông cho vào miệng món cá và luôn cả món chân gấu nữa. Nhưng miệng ông không có rộng cho lắm, làm sao ông có thể nhét vào đó quá nhiều như vậy. Chân gấu và cá đều là những món ăn tuyệt hảo, nhưng lại không thể thưởng thức cùng lúc được. Ông muốn có vợ, và cũng muốn thành Phật. Nếu ước muốn có vợ của ông mạnh hơn mong muốn thành Phật thì ông có thể tự suy ra tại sao mình chưa thành Phật.

Về việc vô hiệu hóa chất độc

Tôi đang trong quá trình tạo ra dòng máu mới cho Phật Giáo. Tôi sẽ không cho phép bất kỳ một chất độc nào chảy trong dòng máu mới này. Không chỉ có vậy, chúng ta phải vô hiệu hóa chất độc của những người khác. Độc ở đây là chỉ cho ba thứ độc tham, sân và si. Vô hiệu hóa chất độc của người khác có nghĩa là làm thay đổi tham, sân và si của họ. Một chủ bút của một tờ tạp chí Phật giáo có uy tín đến từ Đài Loan đã lấy làm ngạc nhiên bởi vì trước đó ông ta chưa từng nghe thấy điều gì tương tự như vậy. Ông nói: “Con phải ghi nhớ điều này mới được. Con phải đưa lời dạy của Thầy vào đây” và đặt tay lên phía tim mình.

Về việc chu đáo với người khác

Hôm nay là ngày tuyệt thực thứ 11 của hai hành giả tại Kim Sơn Tự. Trong suốt đợt tuyệt thực này, mọi người nên làm đỡ họ mọi việc bởi vì họ không có nhiều sức. Mọi người phải có lòng từ bi. Chớ nghĩ theo lối:
Ma Ha Tát bất quản tha,
Di Ðà Phật các cố các.

(Bậc Ma Ha Tát không nghĩ đến người khác, A Di Ðà Phật, phần ai nấy lo.)

Vì họ đã quyết tâm tu Bồ tát đạo nên chúng ta phải giúp họ đạt tới đích. Bắt đầu từ ngày mai, tôi sẽ xuống nhà trước buổi giảng, như vậy họ sẽ không phải ráng sức để đi lên lầu thỉnh pháp. Tất cả quý vị cũng nên thay họ gánh thêm trách nhiệm.

Về Phép Tắc Đối Với Những Câu Hỏi

Quý vị không nên trả lời các câu hỏi nêu ra bởi bất kỳ các vị thầy nào đến đây, ngoại trừ trong giờ thuyết pháp hoặc ở trong lớp học. Khi vừa mới trả lời thì quý vị đã sai, không có cách gì đúng được. Tại sao? Phần lớn những câu hỏi của các vị khách tăng là để moi móc yếu điểm quý vị, cho dù có nói đúng nhưng họ vẫn khăng khăng cho là sai, nhờ đó họ mới có thể tỏ ra tài giỏi hơn người. Thật ra những ai có học vấn thì tự biết là không nên đến các đạo tràng để chất vấn bằng những câu hỏi. Họ không nên trắc nghiệm kẻ khác về trình độ hiểu biết cao hay thấp. Nếu như có người đắp giới y, quỳ xuống và chấp tay lại thỉnh cầu quý vị chỉ giáo cho, thì lúc đó quý vị có thể trả lời. Nếu có người muốn được khai thị cho một vấn đề nào đó mà không đắp giới y, không trãi tọa cụ, thì quý vị không nên đáp lại, cũng không yêu cầu họ giải thích. Yêu cầu họ giải thích chứng tỏ quý vị không biết gì hết, còn nếu trả lời thì thể hiện sự ngu dốt của mình. Tất cả mọi người cần hiểu rõ điều này.

Nếu có ai đó cho dù là tăng hay tục, muốn hỏi điều gì, quý vị có thể bảo họ biết là thời điểm để hỏi là trong giờ thuyết pháp hay trong các lớp học, ngoài ra thì mọi người đều bận vào những lúc khác.

Tại sao khi vị Thầy đó vừa mới hỏi về vô ngã thì quý vị đã vội vàng lý luận hàm hồ như vậy? Thật ra, sự không hiện hữu của bản ngã có hàng triệu cách khác nhau để giải thích nhưng trong đó không có cách nào là đúng hay sai. Cái bản ngã chính nó còn không có thì còn gì để mà nói nữa. Làm gì mà có Tiểu ngã, Đại ngã hay Thần ngã. Tất cã những thứ đó đều không có, ngay cả khi nói về nó cũng là sai rồi. Nếu quý vị chưa hiểu rõ chân tướng và ý nghĩa chân thật của Phật Pháp thì làm sao có thể trả lời ông ta được. Quý vị đã sai lầm khi mới vừa mở miệng. Mỗi người đều có lối nhìn và lý luận riêng của họ, làm sao có đúng hay sai. Quý vị giải thích theo cách quý vị, tôi giảng theo cách của tôi, cho dù tôi cho là quý vị sai nhưng tôi cũng không thể dựa vào đâu để chỉ trích. Cho nên nếu đã không có nền tảng nào để dựa vào thì có cần phải nhất thiết bàn thảo vấn đề chăng?

Quý vị hồ đồ trả lời ông ấy là vì cho rằng nếu không trả lời sẽ là sai. Trên thật tế, không trả lời mới là phương pháp đúng nhất. Ông ta không có quyền yêu cầu quý vị giải thích về sự không hiện hữu của bản ngã. Sự không hiện hữu của ngã chính là vô ngã, có gì để bàn luận thêm nữa. Tại sao quý vị lại không biết điều này khi mình là người thông minh? Thật ra quý vị muốn thân thiện với ông ấy là vì trước đó tôi có nói vài lời khen ông ta. Đúng ra tôi luôn tránh nói xấu về người khác, thậm chí tôi còn nói tốt cho người xấu vì tôi xem tất cả chúng sanh là Phật. Tuy vậy tôi không thể đảm bảo là mọi người đều đúng như tôi nói.

Những kẻ thật sự tu đạo thì không nói chuyện. Đây có nghĩa là không những không nói chuyện với phụ nữ mà căn bản là không tham gia nói chuyện, thậm chí trông có vẻ khờ khạo. Khi xưa lúc tôi dụng công và khi đi du hành, cả ngày tôi đều nhắm mắt không nhìn ai cả, cũng không nói chuyện với kẻ khác. Dụng công thì phải như vậy, càng nói nhiều chỉ càng vô ích. Nếu quý vị càng kính trọng một bậc tu hành, thì càng bớt muốn nói chuyện với vị ấy. Cần phải xem ai là người nói ít nhất. Khi những người hiểu đuợc đạo lý này thấy người nào luôn nói chuyện thì họ sẽ xem thường người đó. Trong quá khứ ở Trung Hoa, tại chùa Kim Sơn và chùa Cao Mân, nhiều người sống chung bên nhau nhiều năm mà vẫn không hề biết tên nhau. Họ ăn ở, nằm ngủ kế cạnh nhau, nhưng cho dù nhiều năm tháng trôi qua vẫn không biết tên tuổi nhau, và cũng không hề nói với nhau một câu!

Về sự thành tâm và tôn trọng quy củ

Trong khi nghe thuyết pháp, quý vị đạt được lợi ích tùy theo sự thành tâm của quý vị. Nếu không có lòng thành, thì Phật pháp sẽ không có hữu dụng gì cho quý vị. Nếu quý vị dốc hết tấm lòng để tụng kinh, lạy Phật, không một chút lơ là, xao lãng, thì chắc chắn quý vị sẽ nhận được sự cảm ứng nhiệm mầu. Có một số người vừa tụng kinh vừa mơ màng, có thể họ nghĩ "Lát nữa đây mình sẽ có một tách trà." Điều này cho thấy họ hoàn toàn thiếu thành tâm.

Sau khi buổi lể tụng kinh chấm dứt và vị pháp sư chuẩn bị thuyết pháp, có một số người đứng dậy, chạy loanh quanh đi làm những chuyện gì khác. Điều này cũng cho thấy một sự thiếu thành tâm. Những người như vậy sẽ không thể thọ nhận được Phật pháp. Nếu họ muốn đón nhận Phật pháp, thì làm sao lại có thể chạy loanh quanh khắp nơi như thế? Họ làm vậy để làm gì, tại sao không thể ngôi yên lặng một chút? Những người này không biết tôn trọng quy củ, có thể họ cho rằng những tập quán xấu này không có vấn đề gì, nhưng nếu họ đi đến các ngôi chùa lớn, thì họ không được phép hành xử như vậy. Ngay cả tại tu viện của chúng ta, chúng ta không nên cẩu thả và vô kỷ luật như vậy. Tại sao trước đó quý vị không sắp đặt mọi việc cho xong hết. Tại sao cần phải chạy vào nhà bếp ngay khi giờ tụng kinh vừa kết thúc? Nếu như quý vị có một chút thành tâm, thì đã không làm như vậy. Cho nên tôi hy vọng mọi người sẽ cải tiến hành vi của mình trong thời gian tới.

Về Sự Không Thể Tin Vào Tâm Ý Của Mình

Hòa Thượng nói với một người phụ nữ trẻ: Không nên tin vào tâm ý của mình. Bởi vì cô chưa phải là Thánh, cô không thể tin vào những ý kiến của mình. Đó là lời của Đức Phật. Đức Phật dạy: ”Cần thận trọng, chớ tin vào tâm ý của các ông. Tâm các ông không đáng tin cậy. Chỉ sau khi các ông đã chứng được đệ tứ quả A La Hán, các ông mới có thể tin vào cái tâm này”. Một khi cô đắc được thánh quả này, cũng có nghĩa là khi cô đã chấm dứt được vòng sanh tử, lúc đó cô có thể tin tưởng vào những ý kiến và sự hiểu biết của mình.

Về Việc Làm Thế Nào Để Bảo Vệ Các Hành Giả

Việc nói chuyện phiếm với hai tăng sĩ đang hành hương lễ lạy như vậy thật quá tệ hại. Thậm chí có thể họ đang bên bờ mé giác ngộ nhưng khi quý vị đến thì họ bị loạn tâm. Đó không phải là cách để khuyến khích họ tu hành. Nếu quý vị giúp họ bái lạy thêm một vài lần hoặc lạy cùng họ thì việc đó không sao, quý vị có thể bái lạy cùng họ 10 tiếng hay 20 tiếng đồng hồ cũng được. Thí dụ như Guo Hui đã đến đó và bái lạy cùng họ. Nhưng nói chuyện phiếm với họ thì không được. Lúc bắt đầu họ đã rất thành tâm và tập trung cao độ, nhưng ngay khi quý vị nói chuyện với họ thì họ không còn định tâm được nữa.

Quý vị có hiểu đạo lý này không? Quý vị nên giúp họ bái lạy để khỏi lãng phí thời giờ. Mỗi ngày trôi qua, thời gian rất quý giá. Khi quý vị đến nói chuyện với họ, hãy nói những gì cần nói và đừng nói nhiều hơn. Quý vị không nên biến việc chuyện trò chuyện đó thành một việc to tát như thể đang tổ chức hội nghị. Quý vị đã nhiều lần cung cấp bữa ăn cho họ. Lần mà quý vị ở đó lâu nhất là khi nào? Quý vị không thấy mình đang cản trở họ tu Đạo sao?

Việc nói chuyện phiếm đó không chỉ gây phiền toái mà còn cản trở người khác tu đạo, cản trở họ phát tâm Bồ Đề. Quý vị cho rằng nói chuyện phiếm với họ là một việc tốt. Quý vị có biết mình đã làm họ mất đi bao nhiêu công đức trong cuộc chuyện trò đó không? Đúng, họ vẫn có thể lạy vào ngày mai, nhưng sẽ phải lạy nhiều hơn thường lệ. Họ có thể mất một ngày, mười ngày, hai mươi ngày hay một năm [để có lại công đức đó] – điều đó không thể chắc chắn. Nếu quý vị không cản trở, quấy nhiễu họ thì đó sẽ chỉ là việc của riêng họ và không can hệ gì đến quý vị cả. Bây giờ quý vị đã hiểu chưa?

Những gì xảy ra trước đây thì đã qua rồi, sau này mọi người nên thận trọng hơn. Quý vị không nên tới đó để ngồi lê đôi mách hay nói chuyện phiếm, hãy tránh kiểu nói chuyện đó. Khi quý vị nói những điều như thế với họ, ngay lập tức họ bắt đầu khởi vọng tưởng và khó biết được họ sẽ phải lạy bao nhiêu ngày nữa trước khi có thể định tâm trở lại. Họ cơ bản đã quên các chuyện thế tục, nhưng khi quý vị tới đó và làm cho họ nhớ lại thì quý vị đã phá hỏng sự tu hành của họ mà không hay biết.

Nếu quý vị muốn yêu cầu việc gì, thí dụ như lấy tài liệu cho một bài báo, thì cũng được. Nhưng đừng hỏi họ “Gia đình thầy có khỏe không? Ba của thầy có khỏe không? Còn mẹ thầy như thế nào?” Họ không có ý kiến gì về những vấn đề này đâu. Tôi không quan tâm việc mọi người nói chuyện với họ nhiều như thế nào trong quá khứ, nhưng trong tương lai tôi sẽ quan tâm, vì lúc này họ đang trải qua một thời điểm vô cùng căng thẳng.

Nguyên tắc này được lập ra kể từ hôm nay vì hôm nay khi Gou Hu đi, có thể ông ta đã có uống một ít Coca-cola với họ, và đó là lý do vì sao ông ta đã không trở lại. Còn những chuyện xảy ra trước đó thì không tính. Thí dụ như Gou Zhou, khi ông ở cùng họ được 3 hay 5 giờ, ông đã không phạm luật bởi vì trước đó luật chưa được đặt ra.

Tôi muốn hỏi Guo You về điều này, bởi vì tôi nghĩ ông ta hiểu ý tôi. Thí dụ nếu một người nhân viên ngừng làm việc và tán gẫu với khách, thì ông chủ chắc chắn sẽ không hài lòng. Trong trường hợp này, đức Phật vừa mới có được 2 đệ tử thành tâm, tinh tấn tu hành, nhưng khi ông tới đó thì họ ngừng lại và nghỉ ngơi. Khi những vị hộ pháp thấy mình không còn việc gì để làm ở đó cả thì họ sẽ bỏ đi. Sau khi các vị hộ pháp đi rồi, những hành giả kia chắc chắn sẽ có một khoảng thời gian cực kỳ khó khăn khi họ bắt đầu bái lạy trở lại. Các vị hộ pháp cứ từ tốn và rất uể oải như thể họ đã không ngủ đủ: “Được rồi, chúng ta sẽ quay lại và lại canh chừng các ngươi”. Quý vị thấy không, ngay cả các hộ pháp cũng lười biếng. Làm sao có thể để cho điều đó xảy ra được?

Không phải người ta có nói rằng các tu sĩ này đã nhận được cảm ứng của các vi hộ pháp đến để bảo vệ họ sao? Quý vị không cần thắc mắc các vị hộ pháp có cảm động hay không. Khi một trong những tu sĩ đang bái lạy bị rách quần thì lại tình cờ gặp được một cái quần tốt khác. Khi người ta nhắm ném những chai sô-đa vào đầu họ, những chai này lại chệch khỏi đầu họ cách chỉ có 2 phân. Những người kia lái xe rất gần nên có thể dễ dàng ném mạnh vào đầu họ, làm sao quý vị có thể chắc chắn rằng không phải là các vị hộ pháp đã bảo vệ họ qua khỏi tai họa đó. Qua tất cả những việc này, rõ ràng rằng họ đã nhận được rất nhiều cảm ứng. Vì thế quý vị không nên phá hỏng cơ hội để được cảm ứng đó của họ. Bây giờ thì quý vị hiểu rồi chứ?

Tôi hài lòng khi mọi người cung cấp thức ăn cho họ, nhưng quý vị không nên nán lại quá lâu. Để đi đến đó và trở về là đã mất rất nhiều thời gian, vì vậy việc ở lại đó lâu không có ý nghĩa gì cả!

Ghi chú: Hai hành giả hành hương lễ lạy đề cập ở đây là hai thầy Hằng Cụ và Hằng Do lễ lạy ba bước một lạy từ San Fran Francisco tiểu bang California đến Seattle tiểu bang Washington.
Về Vai Trò Của Người Cư Sĩ

Một vài đệ tử tại gia của tôi thật ra hiểu biết rất ít về Phật giáo nhưng lại nhất định muốn chỉ đạo chư Tăng Ni bằng cách đề nghị cho các cư sĩ quán xuyến mọi việc của tu viện. Họ lý luận rằng tất cả các bài đăng trong nguyệt san của chúng ta phải do cư sĩ viết, còn những vị xuất gia thì không được phép. Tôi không hiểu ai đã dạy họ đạo lý này. Họ còn khăng khăng cho rằng tờ báo phải được phát miễn phí cho mọi người.

Nào, nếu quý vị là người sáng lập và tài trợ cho tờ báo thì quý vị có thể chọn bất kỳ nội dung nào mà mình thích. Nhưng thẳng thắn mà nói, quý vị đã không đóng được một đồng nào cho chi phí tờ báo, vậy thì quý vị có quyền gì để đề nghị phát miễn phí? Quý vị không hiểu Phật pháp dù chỉ một chút ít, nhưng lại dựa vào sở thích riêng và chủ kiến của mình để trở thành người quản lý của tu viện và chỉ đạo các tăng sĩ. Thái độ đó khiến tôi rất không hài lòng.

Hai người đệ tử tại gia này yêu cầu một đệ tử khác sao chụp lại (copy) các bài giảng của tôi. Lúc đầu, họ đầu tư 20 đô la cho việc sao chụp lại thành nhiều bản. Sau đó họ quay lại tính tiền các đệ tử khác với giá 12 đô la cho một bản sao chụp, và khăng khăng rằng 12 đô này phải nộp cho họ, còn những người khác không được tham dự vào việc này. Hãy nghĩ xem: việc này có công bằng hay không? Họ nói rằng tờ báo nên được phát miễn phí, vậy mà họ lại tính tiền những bài sao chụp lại.

Hiện nay các bài thuyết pháp in trên các tờ sao chụp đó là do tôi giảng - do một tăng sĩ chứ không phải do các đệ tử tại gia. Nếu họ tính tiền các bài giảng của chính họ thì còn hợp lý, nhưng họ lại dùng 20 đô la để sao chụp bài giảng của người khác rồi lại bán lại với giá 12 đồng một bản, quả thật đây là một cuộc buôn bán khá thành công! Ngay chính tôi cũng chưa từng nghĩ tới cách kiếm lời tốt như vậy.

Tôi vốn không muốn nói đến chuyện này nhưng thấy những vị cư sĩ khác đang bị hai người này lung lạc, vì thế tôi không còn cách nào khác là phải đưa vấn đề này ra. Tất cả quý vị hãy nên suy ngẩm lại cách hành xử của họ. Họ không sống ở vùng này và rất hiếm khi đến tu viện, nhưng khi đến thì lại chê trách đủ điều. Họ phàn nàn với những đệ tử khác, khiến những người đó bị lúng túng và không biết phải làm sao trả lời những câu hỏi của họ.

Tất cả quý vị hãy lưu ý: Tại những tu viện do tôi sáng lập, tôi không cho phép bất kỳ cư sĩ nào điều hành công việc của tu viện cả. Hai nhân vật kia tự tin muốn quản lý toàn bộ tu viện của chúng ta, nhưng tôi tin rằng nếu họ thực sự quản lý thì chỉ trong vòng một tháng thôi họ sẽ bị đè ngộp bởi trách nhiệm khiến họ phải cao chạy xa bay đến tận 108.000 dặm. Tại sao tôi nói như vậy? Tu viện này chỉ mới vừa được thành lập và chưa có một cơ sở vững chắc. Ba tháng trước, chúng ta đã mượn 1.400 đô. Tháng vừa rồi, chúng ta cùng nhau dành dụm và trả lại được 700 đô. Nếu hai người kia mà phụ trách thì họ sẽ lo đến điên đầu để cân bằng ngân sách tài khoản của tu viện, khiến họ tối sẽ không thể ngủ được đâu.

Trích: Những Lời Dạy Đúng Lúc
Tuyển tập những lời dạy bảo vào đầu thập niên 70 của HT Tuyên Hóa dành cho những đệ tử sơ cơ
hoatam
 
Bài viết: 56
Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 4 17, 2011 10:48 pm

Quay về Tâm Linh / Tôn Giáo

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến6 khách