U Minh Giới- Một Pháp Môn Không Thể Nghĩ Bàn

U Minh Giới- Một Pháp Môn Không Thể Nghĩ Bàn

Gửi bàigửi bởi admin » Thứ 3 Tháng 8 08, 2017 2:50 pm

Một Pháp Môn Không Thể Nghĩ Bàn
http://www.dharmasite.net/phapmonbatkhatunghi.htm




Bài nói chuyện của Thầy Hằng Thật vào tối Thứ Năm ngày 31 tháng 8 năm 2000 tại Chánh Điện Vạn Phật Thánh Thành
Dịch sang Việt ngữ từ bản dịch Anh Ngữ của Linda Wang đăng trên Vajra Bodhi Sea, Issues 367 (Dec. 2000 tr. 25-27), 368 (Jan. 2001 tr. 31-32), 369 (Feb. 2001 tr. 33-34)

Kính thưa Hòa Thượng, thưa quý Tăng Ni, thưa các bạn đồng tu,

Tối nay chúng tôi dự trù thảo luận về U Minh Giới. Buổi thảo luận này sẽ vắn tắt, và chúng ta có thể thảo luận thêm trong tương lai khi có thời gian.

Quý vị đều có quyển Nghi Thức bìa màu xanh trước mặt. Quyển sách nầy khá đặc biệt. Đây là lần đầu tiên có một quyển sách có cả ba ngôn ngữ: Hoa ngữ, Anh ngữ, và Việt ngữ. Các chú sa di tại Vạn Phật Thánh Thành đã dành không biết bao nhiêu ngày giờ, có khi không ngủ, để đóng thành những tập sách này; chúng ta đã in được chừng vài trăm bản. Phần văn nghĩa đã được hiệu đính năm hay sáu lần, và thêm hai ngôn ngữ vào nữa. Do đó quý vị cần biết quyển sách này rất khó có được.
Thọ U Minh Giới là một hành vi đại hiếu thảo. Những người tụng Kinh Địa Tạng cần biết điều này. Chúng ta ở đây là trong dương giới. Khi con người rời dương giới và ở giai đoạn trung gian giữa kiếp này và kiếp kế tiếp, thân trung ấm của họ có thể ở nhiều nơi, những nơi đó đều được gọi là cõi u minh (tối tăm), cõi giới của Vua Diêm La. Có những lúc Vua Diêm La không quyết định ngay về kiếp kế tiếp của vong linh, và do đó vong linh vẫn ở trong cõi u minh.

Những chúng sanh chết vì tai nạn, vì chiến tranh, vì máy bay bị rớt, vì chìm tàu, vì bị thú dữ ăn, hoặc vì uống lầm thuốc, có thể không có ai làm công đức cho họ. Nếu chúng ta ở dương giới mà muốn tạo công đức cho những người đã chết như trên, chúng ta có thể tu Pháp Môn này và hồi hướng công đức cho họ. Đây là ý nghĩa của U Minh Giới. Chúng ta tuy chịu đựng một chút khó khăn, quỳ, lạy, để thọ nhận U Minh Giới, nhưng công đức chúng ta hồi hướng cho người đã mất thật to lớn. Thọ U Minh Giới là một hành vi hiếu thảo và cũng là hành vi từ bi.
Lần đầu tiên Hòa Thượng truyền U Minh Giới tại Vạn Phật Thánh Thành là cách đây hơn hai mươi năm. Trước tiên, Hòa Thượng chọn một Pháp danh cho các chúng sanh cầu thọ giới. Trong tất cả các lần truyền giới, dù tại Đài Loan, Mã Lai hay Hoa Kỳ, ngài đều dùng chữ “Pháp” (tiếng Trung Hoa là Fa) làm chữ đầu cho pháp danh (gồm hai chữ) của các vong linh, và điều này đã trở thành truyền thống. Tất cả các vong linh xin thọ giới trong cả hai lần truyền U Minh Giới tuần này đều được đặt pháp danh là Pháp Ứng. Mỗi lần tôi xướng lên "Xưng Pháp Danh của quý vị", quý vị nên trả lời là "Pháp Ứng và chư hương linh".

Xin mời quý vị lật đến trang thứ nhất, và đọc theo trong khi nghe tôi giải thích. Nghi lễ là truyền thống. Bất cứ ai lễ lạy sám hối, quy y, hoặc thọ Ngũ giới sẽ nhận ra nghi lễ này. Đầu tiên chúng ta mời Pháp Sư. Khi vị Pháp Sư đến, chúng ta tụng Chú Đại Bi, tương đương với việc sái tịnh (thanh tịnh) đạo tràng. Sau đó chúng ta lạy chư Phật, thỉnh Phật Thích Ca Mâu Ni và chư Như Lai đến đây. Sau đó chúng ta mời chư hương linh đến.

Một Pháp Sư sẽ cho quý vị biết bài vị của thân nhân quý vị là số mấy, ở bảng số mấy. Sự sắp xếp nầy giúp mọi người có thể tìm ra bài vị và trở về chỗ trong trật tự mà không phải mất nhiều thời gian. Xin quý vị hãy nhớ số thứ tự của mình. Mỗi quý vị sẽ nâng bài vị bằng hai tay rồi về chỗ của mình và quỳ xuống. Vị Pháp Sư sau đó truyền U Minh giới cho hương linh mà quý vị đại diện trong ngày hôm đó. Vị Pháp Sư truyền giới cũng sẽ cung cấp một số hướng dẫn, giải thích làm thế nào để có được giới thể và nhận ra công đức của những giới này đều đầy đủ trong tự tánh sẵn có của mỗi chúng ta.
Phần kế tiếp là sám hối. Sám Hối rất quan trọng. Hầu hết mọi người không nghĩ đến một số tội lỗi mà chúng ta sám hối như: giết cha mẹ, làm thân Phật chảy máu, làm ô uế Tăng Già, phá hoại Phạm hạnh của kẻ khác, đốt phá chùa chiền, tự viện, ăn cắp tài sản của Tăng Đoàn, bám chấp tà kiến, chối bỏ nhân quả, thân cận bạn xấu, không nghe lời các Thầy lành, tự mình phạm tội và dạy người khác làm theo, vui mừng thấy nghe những việc làm như vậy. Quý vị có thể nói rằng, "Tôi không hề làm những điều này. Tại sao tôi phải sám hối? Như vậy không phải là nói dối hay sao?" Ý nghĩa ở đây không phải như vậy. Sám hối không phải chỉ giới hạn cho kiếp này mà thôi. "Tôi chỉ mới hai mươi hay ba mươi tuổi, tôi chưa có lần nào làm thân Phật chảy máu!" quý vị có thể phản đối như vậy. Chúng ta không muốn tự đặt ra câu chuyện, như là: "Ồ, tôi làm thân Phật chảy máu khi tôi đụng làm ngã bức tượng Bồ Tát Quán Âm, làm vai của tượng bị hư hại." Nếu quý vị có làm như vậy, quý vị có thể sám hối và nguyện không làm như thế nữa. Nhưng đó không phải là điểm chính ở đây. Quý vị đại diện cho hương linh của người đã mất, ví dụ là mẹ của quý vị. Mẹ của quý vị có bao giờ nói với mẹ của bà (tức là bà ngoại của quý vị) rằng: "Con muốn mẹ chết cho rồi!" chăng? Nếu mẹ của quý vị từng nói câu đó, dù chỉ một lần, bà đã gieo hạt giống giết cha mẹ. Quý vị phải sám hối và vì bà mà chịu khó một chút. Quý vị có hiểu không? Chúng ta đã từng phạm những tội như vây từ đời này qua đời khác. Chúng ta có thể sám hối theo Nguyện Thứ Tư trong Mười Đại Nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền. Ngài nói, "Nếu tội của một người có hình tướng, thì hư không không đủ để chứa hết." Ngay cả tội của một người cũng đã quá nhiều rồi! Đoạn văn sám hối này rất thâm sâu và đầy đủ. Mọi người cần hết sức thành tâm và hết lòng tạo công đức cho hương linh có tên trên bài vị mà quý vị đang nâng trên tay.
Kế tiếp, các Pháp sư sẽ truyền Bốn Loại Tín Tâm Bất Hoại. Đó là Tin vào Phật, Pháp, Tăng, và Giới. Không có ai thiếu những điều này. Đức Phật là sự giác ngộ. Pháp là quy củ và công đức, Tăng là biểu tượng sự hoà hợp, và Giới thì đem lại sự giải thoát. Pháp Sư sau đó nói, "Từ hôm nay trở đi, chư hương linh phải tin rằng tâm của mình là Phật, là Pháp, là Tăng và là Giới. Cho đến vô tận trong tương lai, đừng bao giờ quên điều này."

Kế tiếp là một câu vô cùng quan trọng. Đây là đặc điểm của Phật Pháp, đó là, "Mặc dầu thể tánh toàn chân thường trụ, nhưng cần phải tu chứng đến đó." Như câu nói, "Với chính tâm này, ta trở thành Phật. Với chính tâm này, ta là Phật. Chúng ta cần quy y, cộng trụ và hộ trì Tam Bảo, và thọ nhận giới pháp thanh tịnh vi diệu." Điều này thật hay, nhưng chúng ta làm như thế nào? Mặc dầu mọi người có đủ các đặc tính và có thể tánh của Phật, Pháp, Tăng và Giới, không thiếu sót chút nào, nhưng chúng ta phải tu hành và chứng đắc để các đặc tính đó được hiển lộ ra. Đó là tinh thần, tư tưởng, cái thấy, và sự tỉnh thức mà chúng ta nên có khi làm Phật sự. Bằng cách đó, chính tâm này là Phật. Phật quả không phải có được từ bên ngoài. Nó cũng không phải do Thượng Đế hay Ngọc Hoàng ban cho quý vị, cũng không do các vị Thầy ban cho, cũng không phải có được qua buổi lễ quán đảnh. Mà là kết quả tuyệt diệu có được qua tin, hiểu, hành, và chứng. Quý vị có thể nói rằng tôn giáo này rất dân chủ. Nó vô cùng vi diệu và khó gặp, nhưng mọi người đều có phần.
Kế tiếp là phần quy y, sau đó truyền mười giới trong Bồ Tát Giới cho hương linh. Mười giới này giống nhự Mười Giới Trọng và Bốn Mươi Tám Giới Khinh trong Bồ Tát Giới mà các tăng ni thọ trì. Chúng ta sau đó kết thúc buổi lễ bằng bài kê hồi hướng công đức.

Thọ U Minh Giới là một hành vi thật sự hiếu hạnh. Như có câu, "Cây muốn lặng, mà gió chẳng chịu ngừng. Con muốn hiếu thảo, mà cha mẹ đã ra đi." Mọi người đều đã nghe câu nói này. Câu nầy mô tả một người đã mất cha mẹ, và người đó không biết hiếu thuận khi cha mẹ còn sống. Bây giờ thấy cần nên hiếu thảo, thì đã quá trễ. Người đó đã có thể chăm sóc cha mẹ mấy mươi năm, nhưng đã bỏ lỡ cơ hội. Những người trong trường hợp này có thể thực hành hiếu hạnh bằng cách thọ U Minh Giới cho cha mẹ mình. Những hương linh chúng ta đại diện đã ra đi, nhưng chúng ta có thể tạo công đức và hồi hướng cho họ, bằng cách đó chúng ta nới rộng tầm hiếu hạnh ra xa hơn phạm vi thọ mạng của thân thể vật lý của họ. Như thế không vi diệu hay sao? Mặc dầu họ không hiện hữu về mặt vật lý, chúng ta vẫn có sự nối kết với họ trong tâm của chúng ta, chúng ta có thể dùng sự nối kết đó để hồi hướng công đức cho họ. Thật là vi diệu. Đó là cách Hòa Thượng đã giải thích U Minh Giới tại Vạn Phật Thánh Thành.
Pháp này có thể xem là mật pháp. Đó là mật pháp của Kim Cang Thừa, tương tự như nghi lễ Phóng Diệm Khẩu hoặc Mông Sơn Thí Thực dùng để giải thoát ma quỷ và vong hồn. Tôi tin rằng nếu quý vị học pháp này, quý vị có thể tạo công đức vô cùng to lớn. Đó là điều Hòa Thượng đã giải thích về pháp này.

Có một điều tôi hy vọng mọi người nên hiểu. Khi quý vị đi vào Vãng Sanh Đường, quý vị thấy nhiều bài vị ghi rằng "Tòa Sen cho Oán Thân Trái Chủ." Đó là chúng ta hồi hướng công đức cho những kẻ thù của chúng ta, cho thân nhân, và những chủ nợ để họ có thể vãng sanh Cực Lạc. Pháp đó khác với Pháp U Minh Giới, ở đây chúng ta thỉnh cầu thọ nhận Bồ tát Giới cho người mà chúng ta biết và nhớ đến, có thể là thân nhân hay bạn bè của chúng ta. Đối với các bài vị trong Vãng Sanh Đường, chúng ta muốn giúp giải thoát càng nhiều kẻ thù và chủ nợ càng tốt, để hoá giải các duyên xấu và tạo các duyên tốt. Bởi vì chúng ta không muốn những chủ nợ của chúng ta, là kẻ chúng ta có duyên xấu, đi tìm chúng ta, nên chúng ta tạo công đức và hồi hướng cho họ. Với U Minh giới, chúng ta thọ giới vì người khác. Chúng ta không làm điều đó với chủ nợ. Chúng ta có thể ép buộc chủ nợ của chúng ta thọ giới không? Chủ nợ của chúng ta có thể mong cho chúng ta chết đi khi chúng ta làm điều đó. Quý vị có hiểu không? Thọ giới vì người khác là hành vi hiếu hạnh, biết ơn. Một mặt khác, chúng ta muốn giải thoát càng nhiều kẻ thù và chủ nợ càng tốt. Hai pháp này hoàn toàn khác nhau. Chúng ta chỉ có thể cầm một bài vị và thọ giới thay cho một người mà chúng ta từng quen biết. Trong khi đó, một bài vị cho Oán Thân Trái Chủ có thể đại diện cho nhiều chúng sanh, không hẳn chỉ là loài người, và không hẳn là kẻ chúng ta quen biết. Do đó, tánh chất của những bài vị này khác hẳn nhau. Nếu quý vị hiểu rõ ràng về vấn đề này, chúng ta sẽ không phải giải thích mỗi lần chúng ta truyền U Minh Giới. Pháp này là một đại hiếu hạnh, mà cũng là đại từ bi. Đó là đại uy pháp của Kim Cang thừa.
Tại sao tôi nói như vậy? Lần truyền U Minh Giới đầu tiên tại Vạn Phật Thánh Thành là vào năm 1987. Vào lúc kết thúc Pháp Hội Thủy Lục Không, có một nữ cư sĩ đến từ Bản Kiều, Đài Loan; bà chuyên nghề sát sanh gà vịt, tất cả các tiệm ăn tại Bản Kiều và Đài Bắc đều mua gà vịt từ gia đình bà. Do đó, nghiệp sát của bà thật vô cùng nặng nề, vì bà đã giết quá nhiều gà vịt. Bà nằm mơ thấy bị gà vịt mổ vào mình. Bà có vòng thâm đen quanh mắt vì tối đến thì không ngủ được. Bà hỏi Hòa Thượng là bà cần phải làm gì. Hòa Thượng nói, "Con phải thức tỉnh. Con có thể thỉnh cầu thọ U Minh Giới." Bà ta hỏi, "Đó là gì?" Hòa Thượng trả lời, "Con đừng lo! Chúng ta sẽ cố gắng. Con chỉ cần thành tâm." Sau đó Hòa Thượng bảo chúng tôi, những người trong tăng đoàn, tổ chức buổi lễ này. U Minh Giới thông thường được truyền vào buổi tối và buổi lễ thật vô cùng xúc động. Sau khi mọi người, kể cả Pháp Sư Chân Thiền, Pháp Sư Minh Dương, Pháp Sư Minh Triết, và nhiều vị đại đức, cùng chụp hình chung tại bậc thềm trước Ngũ Quán Trai Đường vừa mới xây xong, người nữ cư sĩ đó lại đến. Hòa Thượng hỏi bà, "À? Bao nhiêu gà vịt được giải thoát rồi?" Bà ta trả lời, "Bạch Hòa Thượng, con thấy rất nhiều gà vịt bay ra khỏi người con." Hòa Thượng nói, "Không phải tất cả đã ra hết đâu. Còn nhiều lắm! Con đã giết hại quá nhiều! Con có hiểu không? Con cần phải thành tâm hơn nữa! Hãy tinh tấn lên!". Một người khác nói, "Bạch Hòa Thượng, con thấy rất nhiều người xuất hiện giữa không trung khi ngài truyền giới. Họ mặc y phục của người thời xưa. Trang phục của họ không phải là của người bình dân, họ đeo rất nhiều châu báu. Điều kỳ lạ là mọi người đều có cầm trên tay một cái đầu bị chặt. Họ đông đến nhiều ngàn người. Thật là dễ sợ! Như vậy là thế nào?" Hòa Thượng trả lời, "Đúng, như vậy là thế nào? Họ nói bằng ngôn ngữ gì?" Người đó nói, "Họ hình như nói tiếng Pháp."
Điều xảy ra với U Minh Giới là quý vị mời một người nào đó trong cõi u minh đến bằng cách cầm bài vị có tên của người đó. Người đã mất mang tên đó sẽ đến để nhận công đức mà quý vị đã vì người đó mà tu hành. Ánh sáng từ công đức này cũng chiếu soi lên những vong linh nghèo khổ, cô đơn khác. Kết quả thật là vĩ đại. Hòa Thượng sau đó nói, "Có ai biết nhóm người nói tiếng Pháp đó là ai không?". Có người nói, "Họ có phải là vua Louis và hoàng hậu trong kỳ Cách Mạng Pháp không?" Hòa Thượng nói, "Có lẽ là như vậy. Không có ai làm công đức gì cả cho họ trong suốt thời gian qua. Họ đã ở trong hỏa ngục nhiều trăm năm rồi." Mọi người đều không hiểu gì cả. Nhóm người quý tộc đó đã bị thảm sát tại Pháp vào thế kỷ thứ 18 và trôi nổi trong cõi u minh từ khi họ bị giết chết. Có thể là đến bây giờ họ mới được cứu ra khỏi cõi u minh, qua lễ truyền U Minh Giới tại Vạn Phật Thánh Thành chăng? Có thể là như vậy. Tôi cũng không biết. Nhưng chính tai tôi đã nghe cuộc đối thoại này. Thật là không thể nghĩ bàn!

Do đó, mọi người không nên ích kỷ. Bởi vì quý vị đã đến để thỉnh cầu U Minh Giới với sự thành tâm, diệu dụng thật rất vi diệu. Vì lý do đó, mỗi khi một Phật tử thỉnh cầu U Minh Giới tại nơi có thiên tai nhân hoạ, việc truyền giới sẽ giúp chuyển tà khí trong vũ trụ thành chánh khí thiện lành.
 
admin
Site Admin
 
Bài viết: 6798
Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 4 17, 2011 12:18 am

Quay về Tâm Linh / Tôn Giáo

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến8 khách