Các Lạt Ma hoá thân" của Lobsang Rampa

Các Lạt Ma hoá thân" của Lobsang Rampa

Gửi bàigửi bởi admin » Thứ 7 Tháng 11 26, 2016 11:36 am

Khoa học Huyền bí và tâm linh



"Các Lạt Ma hoá thân" của Lobsang Rampa


TVVHD - "Các Lạt Ma hoá thân" của Lobsang Rampa. Bản tiếng Việt do Lê Nguyễn dịch. Một tác phẩm viết về thế giới kỳ lạ. Một tác phẩm viết về những con người kỳ lạ. Tất cả những con người đó và sự kiện xung quanh họ đều khiến người đọc tò mò. Họ chính là các Lạt Ma. Tôn vinh Văn hoá Đọc xin trân trọng giới thiệu một số chương của cuốn sách đầy lý thú này:

Cuốn sách này viết về Tây Tạng, một vùng đất hiểm trở, cách biệt với thế giới bên ngoài. Thiên nhiên Tây Tạng kỳ lạ, quanh năm lạnh giá, có loài hoa trong tuyết trên những sườn núi cao hóc hiểm cực kỳ nguy hiểm. Tây Tạng là vùng đất mà tôn giáo và những sinh hoạt Tâm Linh của con người phong phú, huyền ảo đầy bí ẩn.
Cuốn sách này gồm hai truyện: Các Lạt Ma hoá thân và Người cõi tâm linh. Truyện thứ nhất kêt về quá trình một người từ nhỏ được đào tạo ra sao để trở thành một tu sĩ, một Lạt Ma sư trưởng. Truyện thứ hai cũng kể chuyện một người, từ nhỏ đã nuôi lòng hận thù rồi luyện Huyền thuật, trở nên độc ác, sau quay lại cầu đạo, thức tỉnh, cuối cùng thành Phật. Qua cuộc đời hai con người trên, Lạt Ma giáo, một thứ tôn giáo chính thống ở hai con người với thế giới tâm linh phong phú, huyền bí của con người vùng đất này được thể hiện một cách hấp dẫn và sinh động. Từ đó, bạn có thể biết được thuật ướp xác, phép luyện Huyền thuật cùng những kiến giải huyền hoặc mà sâu sắc, thâm trầm những giáo lý tôn giáo Tây Tạng.
Mong rằng cuốn sách này sẽ mang lại nhiều kiến thức mới lạ, thú vị, bổ ích cho bạn.

NXB. Văn Hóa Thôngg Tin



Chương 1

Tôi sinh ra trong một gia đình quý tộc, thế lực vào bậc nhất Tây Tạng. Cha tôi, một viên chức cao cấp đã cầm quyền nhiếp chính trong khi Đạt Lai Lạt Ma tỵ nạn ở ngoại quốc.
Tây Tạng nằm ở vị trí hiểm trở, cách biệt với thế giới bên ngoài, dù không có tài nguyên quan trọng nhưng nó vẫn bị xâm lăng bởi người Anh và một số nước khác. Tây Tạng được bao quanh bởi ba nước Nê-pan, Bhu-tan, Xik-kim. Năm 1956, Anh xâm lăng Bhu-tan. Năm 1884, Anh xâm lăng Xik-kim. Năm 1904, quân đội Anh tấn công vào Tây Tạng, gây nhiều thiệt hại. Họ thẳng tay bắt giết, tàn sát dân lành vô tội để buộc chính quyền xứ này phải giao thương với họ. Sau đó ít lâu, thấy không có gì đáng khai thác hay buôn bán, giao dịch, họ lại kéo quân về.
Tây Tạng là một vùng đất mà tôn giáo , sinh hoạt tâm linh chi phối rất mạnh. Sự văn minh, tiến bộ bên ngoài không làm người dân xứ này ham thích, họ chỉ muốn được yên thân để tự do thiền định, suy tư về các vấn đề siêu hình. Tiếc thay, nguyện ước nhỏ bé ấy cũng không được tôn trọng.
Gia đình tôi có ba người con, anh Paljor không đủ sức khỏe để sống trong một gia đình quý tộc nên đã qua đời khi tôi vừa lên bảy tuổi. Tôi xin nói qua về việc này:
Ở Tây Tạng, con cái gia đình càng giàu sang, quyền quý bao nhiêu thì sự giáo dục càng nghiêm khắc bấy nhiêu. Phong tục này cho rằng những đứa trẻ con nhà nghèo, không hy vọng có một đời sống tiện nghi trong tương lai thì phải được đối xử tử tế, dịu dàng khi còn nhỏ. Trái lại, con nhà quý tộc đang hưởng thụ mọi tiện nghi thì ngay từ thuở thơ ấu chúng cần phải được giáo dục một cách khắc khổ tối đa, để nhờ sự trải nghiệm qua đau khổ mà chúng biết thương người. Chính sách này tuy tai hại đối với những đứa trể bản chất yếu đuối, nhưng nếu đã vượt qua các nghịch cảnh mà không chết thì chúng có thể đương đầu với bất cứ tình huống nào. Chính anh Paljor tôi đã không vượt qua nổi các thử thách đó.
Tây Tạng là xứ không thể dung nạp những người có thể chất yếu đuối vì khí hậu ở đây cực kì lạnh và đời sống hết sức khó khăn. Ngay khi đứa bé sinh ra, người ta đã đem ngâm nó dưới suối lạnh xem nó có đủ sức chịu đựng hay không? Thường thì chính bà nội hay bà ngoại bồng đứa cháu đến một dòng suối, gia đình thân quyến quây quần chung quanh. Bà lão ngâm đứa cháu xuống suối chỉ để cái đầu nhô lên trên. Nước suối lạnh buốt, thân hình đứa trẻ từ đỏ au trở nên xanh mét, lúc đầu nó còn la khóc, phản đối nhưng sau chết lịm đi. Bà lão vốn đã có kinh nghiệm về việc này nên nhấc nó lên lau chùi khô ráo và trao lại cho mẹ nó. Đứa bé ra sao? Nếu nó sống, nó đủ sức để vượt qua các khó khăn sau này, nếu nó chết đi thì càng hay, vì khỏi phải chịu đựng những khổ đau. Người ta không thể làm gì khác hơn ở một nơi mà khí hậu lạnh đến mức khủng khiếp, điều kiện y tế thiếu thốn, thực phẩm bữa đói, bữa no.
Những con nhà quyền quý thường phải làm lụng cực nhọc hơn người thường ngay từ nhỏ. Ngoài công việc như lau dọn, phụ bếp, chăn trâu còn phải học chữ, học võ, tập cưỡi ngựa, bắn cung trong khuôn khổ kỷ luật vô cùng sắt đá.
Cha tôi là người có tính khắc khổ. Với trách nhiệm điều khiển guồng máy quốc gia, càng làm ông thêm bận rộn nên ông đã giao tôi lại cho một cậu cận vệ - Võ sư Tzu trông nom và nuôi nấng.
Ông Tzu là một người thầy cực kì nghiêm khắc, khó tính. Xuất thân từ xứ Kham, một miền sơn cước hẻo lánh nổi tiếng về môn đô vật và võ thuật, ông có một vóc dáng lực lưỡng và khả năng võ thuật tuyệt vời. Người ta nói rằng, thuở thiếu thời ông có thể nâng bổng một con trâu Yak lên khỏi mặt đất hoặc quật ngã bốn người trai tráng lực lượng. Ông Tzu theo sát cha tôi như bóng với hình cho đến khi nhận trách nhiệm huấn luyện tôi. Thật ra thì ông cũng chẳng muốn việc này nhưng khi quân Anh mở cuộc tấn công vào đây, ông đã bị bắn què chân. Một cận vệ đi khập khiễng bên cạnh một viên chức cao cấp nom chẳng đẹp nên ông tự động xin làm quản gia. Ông Tzu có thể là một võ sĩ giỏi nhưng là một quản gia rất tồi. Ông nghiêm khắc nhưng lại chất phác nên luôn luôn bị bọn gia nhân qua mặt. Sau cùng, khi tôi vừa lên bốn, ông đành nhận trách nhiệm huấn luyện tôi còn hơn ngồi kiểm soát, đếm từng bó lúa, thùng dầu của đám gia nhân trong bếp. Nhưng ông đâu ngờ việc huấn luyện một đứa trẻ ngỗ nghịch như tôi còn khó hơn gấp mấy lần làm quản gia.
Sau khi anh tôi qua đời, tôi cần xúc tiến việc học một cách ráo riết hơn. Năm lên bảy, tôi đã phải chuẩn bị cho một tương lai quan trọng. Tương lai của tôi ra sao sẽ do cấc nhà chiêm tinh quyết định. Ở Tây Tạng bất cứ việc lớn nhỏ gì, ví dụ như việc mua một con trâu Yak đến việc chọn nghề, cưới vợ, gả con cũng đều dựa vào khoa chiêm tinh. Đối với phong tục xứ này thì từ lúc mới lọt lòng đến năm 6 tuổi, đứa trẻ chưa hoàn toàn phát triển nên người ta chỉ lo cho chúng ăn ngủ, học hành. Đến tuổi thứ 7, một buổi lễ long trọng sẽ được tổ chức để quyết định tương lai cho đứa bé. Tương lai của tôi sẽ được quyết định trong tuần lễ sắp đến, đúng vào ngày tôi vừa tròn 7 tuổi.
Mẹ tôi là một mệnh phụ đảm đang và là chủ gia đình. Tây Tạng theo chế độ mẫu hệ, người đàn bà nắm toàn quyền trong gia đình và mẹ tôi đã thi hành bổn phận này với quyền lực độc tài tuyết đối. Mẹ cai trị không khác gì một bà vua, không những bà biết rất rõ bà muốn gì mà còn phải làm như thế nào. Các gia nhân đều ý thức quyền hành tuyệt đối này nên một lời nói của bà là một mệnh lệnh, tất cả phải thi hành một cách nghiêm chỉnh kể cả cha tôi, người có quyền uy nhất xứ. Sinh nhật của tôi là một cơ hội để bà chứng tỏ sự giàu sang của mình nên từ nhiều tháng trước, bà đã sắp đặt sẵn một chương trình hết sức chi tiết, cẩn thận. Phải làm thế nào để “ăn đứt” những buổi tiệc từ trước mà bà đã từng tham dự. Phải có những đồ trưng bày gì mà chưa ai có, phải có những sơn hào hải vị đặt mua từ Trung Hoa hay Ấn Độ mà khách đến ăn sẽ còn tiếp tục nói về những món đó trong nhiều tháng, nhiều năm sau khi thưởng thức. Danh mục mua sắm được soạn thảo rồi đưa cho cha tôi, dĩ nhiên Người thi hành với một thái độ vô cùng nghiêm chỉnh. Vốn là người sống khắc khổ nên có lẽ trong thâm tâm ông chẳng mấy đồng tình.
Khoảng một tháng trước ngày trọng đại, một nhóm hoạ sĩ nổi tiếng viết đẹp nhất xứ được triệu đến để viết thiếp mời. Tây Tạng là xứ không có máy in, tất cả mọi thứ văn thư đều được viết bằng tay trên những tờ giấy lụa rất đẹp. Mẹ tôi xem xét kỹ lưỡng rồi mới đóng triện son riêng của bà vào đó. Cha tôi tuy uy quyền như thế nhưng không có triện riêng.
Gần đến sinh nhật tôi, nhà tôi náo nhiệt lạ thường. Những vách đá, trần nhà đều được phết lên những lớp sơn mới, những sàn gỗ được đánh bóng trơn tru, bàn thờ được lau chùi sạch sẽ, những mâm đồng, giá nến được lau bằng một loại dầu đặc biệt kiến chúng trở lên bóng loáng như mới. Mẹ tôi có hơn 50 gia nhân giúp việc trong nhà, nhưng bà đã gọi thêm gần 50 người nữa đến tăng cường mà ai cũng bận tíu tít. Trong nhà bếp, hơn 20 đầu bếp cũng toát mồ hôi, chuẩn bị những món ăn mà mẹ tôi đặt mua từ xứ xa về, nhiều món được chuẩn bị cả tháng trước đó. Tây Tạng là một cái tủ lạnh thiên nhiên, khí hậu lúc nào cũng lạnh và khô ráo nên đồ ăn để rất lâu mà không sợ hư hỏng. Lần này, mẹ tôi đòi cho được món mứt tuyết-liên, một thứ hoa sen mọc trong tuyết rất hiếm có. Cha tôi phải gởi hơn 200 người leo lên những sườn núi cực kỳ hiểm trở để mang về. Nhưng hoa này hơi nát một chút là hỏng ngay nên người ta nâng niu nó vô cùng cẩn thận. Tuyết- liên được ngâm trong một bồn lớn chứa mật ong và vài gia vị dược thảo đặc biệt. Sau một thời gian nó được vớt ra, mang phơi khô trước gió để ăn cho giòn.
Cha tôi vẫn tuyệt đối phục tùng mẹ tôi, lần này đã nhăn nhó, thốt lên: Với giá tiền này người ta có thể mua được 10 con trâu Yak khoẻ mạnh...
Mẹ tôi lạnh lùng: “Ông hãy im đi, tôi chỉ muốn bữa tiệc này thành công và phí tổn bao nhiêu cũng không thành vấn đề. Từ trước đến giờ, bổn phận của ông là kiếm được nhiều tiền và bổn phận của tôi là tiêu sao cho đích đáng cơ mà. Ông muốn xen vào việc của tôi ư?”.
Cha tôi cúi đầu, nhảy lên ngựa đi thẳng vào cung điện, mười tám tên gia nhân vội tiền hô hậu ủng phóng theo.
Cùng phải nói thêm, ở Tây Tạng nấu ăn là việc của đàn ông; phụ nữ tuy làm bếp nhưng họ thường rất vụng về, ít sáng kiến và không chịu cải tiến, thay đổi. Đàn ông thường nhiều sáng kiến lại chịu khó, khéo tay và biết ngoan ngoãn vâng lời nên họ trở nên những người đầu bếp thiện nghệ. Chế độ mẫu hệ quy định đàn ông sinh ra để kiếm tiến và làm tất cả mọi việc. Đàn bà sinh ra để chỉ huy đàn ông và làm những gì họ thích như ăn mặc, trang điểm và ngồi lê đôi mách. Dĩ nhiên họ thi hành bổn phận này một cách vô cùng tốt đẹp và rất ư hiệu quả.


Chương 2

Sự giáo dục những con nhà quyền quý ở Tây Tạng rất nghiêm khắc và tôi cũng không thoát ra ngoại lệ đó. Khi trời vừa mờ sáng, ông Tzu đã đập phòng cửa tôi dạy tập võ. Sau giờ tập võ là việc dọn dẹp, lau chùi phòng ăn, mặc dù trong nhà không thiếu gia nhân nhưng tôi vẫn phải làm công việc này dưới cặp mắt giám thị hết sức nghiêm ngặt của võ sư Tzu. Sau đó, tôi phải đi bộ đến trường như tất cả trẻ con cùng tuổi. Chương trình học gồm có Hán văn, Tạng văn, Toán học và viết chữ trên bảng gỗ. Thầy giáo là một viên chức nghiêm khắc, ông không để học trò nghỉ ngơi một giây phút nào. Bắt đầu giờ học, chúng tôi phải đọc bảy điều răn như sau:
“Hãy lấy ân báo oán. Hãy siêng học kinh điển và giáo lý. Hãy giúp đỡ đồng loại. Không ăn hiếp kẻ thế cô, hiền lành. Luật pháp nghiêm khắc với kẻ giàu sang để dạy họ sự thông cảm và công bằng. Luật pháp khoan hồng đối với kẻ nghèo để an ủi họ. Hãy trả dứt mọi nghiệp qủa, càng sớm càng tốt”.
Sau giờ học, chúng tôi phải tập thể dục, chạy điền kinh, bắn cung, cử tạ. Những môn thể dục này được đặt ra để tạo học trò một thể xác cường tráng, có thể chịu được khí hậu khắc nghiệt tại đây. Dĩ nhiên, với độ tuổi vừa lên sáu, lên bảy, tập thể thao giữa tiết trời lạnh lẽo thì chẳng lấy gì làm thích cả.
Môn giải trí duy nhất mà tôi hết sức say mê đó là thả diều. Tuy vậy, người ta thường chỉ chơi diều vào mùa khô. Phong tục xứ này tin rằng thả diều vào mùa mưa làm các thần linh nổi giận, gây các trận mưa lũ bất ngờ.
Đầu mùa khô, những con diều đủ màu sắc được thả lên trên không trung, hàng ngàn con diều lớn, nhỏ đủ cỡ bay rợp trời. Nhìn diều, người ta có thể biết chủ nhân thuộc giai cấp nào trong xã hội. Người nghèo làm diều bằng nan tre giấy bản, nhà giàu làm diều bằng gỗ vót nhỏ, bọc những loại tơ lụa sặc sỡ. Không phải chỉ có trẻ con mà ngay cả người lớn cũng rất ham mê thú tiêu khiểu này. Dĩ nhiên, người lớn làm những con diều to lớn, phức tạp có hình thù rồng rắn uốn khúc. Có những cuộc tranh đấu bằng diều diễn ra hết sức sôi nổi, người ta gắn những mảnh trai nhọn trên khung diều hoặc ngâm dây diều vào một thứ keo trộn với bột thuỷ tinh đã nghiền nát để cắt dây diều đối thủ. Những lúc đó, hàng ngàn người kéo nhau ra xem màn đấu diều ngoạn mục và họ la hò, cổ vũ để ủng hộ diều nhà.
Kỳ sinh nhật của tôi đã đến. Tôi phân vân suy nghĩ về tương lai của mình từ nhiều tháng nay. Tôi sẽ làm gì? Thực ra, đầu óc một đứa bé mới lên bảy tuổi không thể nghĩ gì xa xôi hơn, nếu được hỏi, có lẽ tôi sẽ đáp rằng, tôi chỉ ao ước được trở nên một người thả diều giỏi. Thưa vâng, tôi chỉ ước ao đặt hết tâm trí vào con diều đang tự do, chao mình bay lượn trên không. Tôi sẽ chế tạo những con diều khổng lồ hình rồng rắn với con mắt to lớn, trong đó gắn một ngọn đèn mỡ trâu sáng rực như lửa. Tôi sẽ gắn những cái tù và vào thân rồng để khi thả lên, nó bọc gió phát ra tiếng hú ghê hồn...Tôi thiếp đi trong giấc mơ rằng, các nhà Chiêm tinh sẽ tuyên bố tôi sinh ra để thả diều.... Một chuyên viên thả diều.
- “Rampa! Hãy thức dậy mặc quần áo, quan khách sắp đến rồi”.
Tôi bừng tỉnh. Người gia nhân quen thuộc đã đứng sẵn đầu giường với một bộ quần áo mới tinh. Võ sư Tzu đứng cạnh đó mặt lạnh như tiền.
Mẹ tôi bận rộn quay cuồng. Bà như người biết phép nhân thân, phóng vào chỗ này một chút rồi lại nhào ra chỗ kia, luôn miệng cho gia nhân những chỉ thị mà bà vừa nghĩ ra. Chị Yaso của tôi cũng xúng xính trong một bộ quần áo sặc sỡ, đứng trước gương nhìn ngắm mê mẩn. Cha tôi với kinh nghiệm bản thân ra rút ra vào thư viện, đóng chặt cửa lại để mặc cho mẹ tôi chỉ huy, ông biết hễ ló đầu ra thế nào cũng nghe những lời chỉ bảo đầy quyền uy của mẹ, nếu lỡ có quan khách nào đến sớm nghe được thì còn gì là mặt mũi ông Thủ tướng cầm đầu nội các nữa.
Tiện đây, xin nói sơ lược về nền chính trị ở Tây Tạng. Đứng đầu quốc gia và giáo hội là đức Đạt Lai Lạt Ma còn gọi là Phật Sống. Ngài vừa là nguyên thủ quốc gia vừa là nhà lãnh đạo tôn giáo và thẩm phán tối cao của nền công lý xứ này. Tóm lại, ngài nắm trọn quyền lập pháp, hành pháp và cả tư pháp nữa. Dưới quyền lãnh đạo của Đạt Lai Đạt Ma có hai hội đồng: Hội đồng tôn giáo gồm bốn vị Lạt Ma Trưởng Lão trông nom vấn đề tôn giáo. Hội đồng nội các gồm bốn vị Tổng trưởng mà trong đó một người là tu sĩ, ba người kia là dân sự chịu trách nhiệm cai trị toàn xứ. Thủ tướng là người đứng đầu Hội đồng nội các, là cha tôi. Dưới Hội đồng nội các còn một Quốc hội gồm 120 nghị viện đại diện cho 120 làng mạc trong nước, các nghị viện này phần lớn là tu sĩ đứng đấu một làng, đôi khi cũng có các nhân vật dân sự trong trường hợp tu sĩ không thích tham gia vào hoạt động này. Quốc hội chỉ được triệu tập trong trường hợp khẩn cấp như hồi năm 1904 khi quân Anh sang xâm lăng, đức Đạt Lai Lạt Ma phải lánh nạn sang Mông Cổ. Lúc đó, Quốc hội đã uỷ quyền cho cha tôi làm tổng chỉ huy và đối phó với người Anh. Năm 1909, sau khi cha tôi ký thoả ước với Anh Quốc, cho phép họ thông thường, đức Đạt Lai Lạt Ma lại trở về nước. Nhưng đó là chuyện sau này.
Tiếng kèn trống vang rền báo hiệu người khách đầu tiên đã đến, đó là một Tổng trưởng phụ tá cho cha tôi. Ông ta cưỡi ngựa mang theo một đoàn tuỳ tùng hơn ba mươi người, cờ xí rợp trời. Gia nhân sắp hàng hai bên chào đón, vị quản gia cùng với những người phụ tá đứng trên thềm đón khách, mỗi người phụ tá cầm một xấp khăn quàng cổ bằng lụa mà người Tây Tạng dùng để dâng cho khách như một lối chào hỏi theo phong tục bản xứ. Có tám loại khăn khác nhau để dâng cho quý khách, tuỳ chức vụ và cấp bậc cao thấp mà người ta phải biết cách dâng khăn sao cho đúng cách.
Vị quản gia mỗi lúc thêm bận vì khách mỗi lúc một đông, có người đến bằng ngựa, người thì đi kiệu, có người mang theo cả đoàn tuỳ tùng cờ quạt oai vệ.
Ở Tây Tạng, người ta không ngồi bằng ghế mà ngồi bằng nệm may bằng da trâu Yak. Trong lúc mẹ tôi đang mải mê tiếp khách thì cuộc “xâm lăng” vĩ đại diễn ra. Các vị mệnh phụ phu nhân họp nhau thành một nhóm đi “thanh tra” khắp nơi, nhìn gắm khắp chỗ, xem xét và ghi nhận tất cả các đồ đạc trưng bày trong nhà. Có những bà xuất hiện tại những chỗ bất ngờ nhất và không chút do dự hỏi gia nhân giá tiền những món hàng, hoặc giá trị những món đồ vật khác. Dĩ nhiên gia nhân đã được huấn luyện vô cùng cẩn thận để trả lời những cuộc “phỏng vấn” kiểu trên, vị quản gia đã dặn chúng áp dụng một bài toán giản dị là phóng đại giá trị tất cả mọi đồ vật lên theo cấp số nhân. Tuy mẹ tôi mải mê tiếp khách nhưng thỉnh thoảng một gia nhân cũng bí mật báo cáo cho bà tình hình xảy ra trong nhà ra sao, những mệnh phụ nào chú ý đến món đồ nào và hỏi han ra sao để bà biết mà trả lời.
Để làm cho phần tiếp tân thêm phần long trọng, những cô “kiều mẫu” cũng có mặt trong đám quan khách. Ở Tây Tạng, mỗi vị phu nhân đều có rất nhiều quần áo sang trọng hay các đồ nữ trang quý giá. Những thứ này cần được “triển lãm”mỗi khi có dịp hội hè giao tế. Nhưng người ta không thể thay đổi y phục hoặc đeo tất cả nữ trang lên người cùng một lúc, bởi thế mới có tục lệ “kiều mẫu”. Đây là các cô gái đẹp được huấn luyện đặc biệt để khoác lên người các bộ quần áo thật đẹp, đeo các nữ trang quý giá, tháp tùng theo chủ nhân để “triển lãm” giùm chủ. Theo tôi nhận xét, các bà càng già càng xấu xí, lại càng mướn những cô kiều mẫu đẹp như tiên đi theo triển lãm. Mỗi khi bà ta đi đâu là một đoàn kiều mẫu lẽo đẽo theo sát để cho người ta không lầm cô này với mệnh phụ khác được. Điều này thật ra không có gì quá đáng vì như tôi đã trình bày, Tây Tạng là xứ đàn bà nắm quyền và họ có thể đặt ra tất cả tục lệ họ muốn.
Quý khách nam giới rất ý thức thân phận của mình trước “người chủ gia đình” nên họ rất kín đáo, ngồi tụ cả vào một góc nhà để xem đoàn xiếc giúp vui biểu diễn và nói chuyện một cách khiêm tốn. Nhưng dù sao chăng nữa, tất cả đều kiên nhẫn chờ đợi mục đích chính của buổi tiệc, sự xuất hiện của các vị chiêm tinh gia, tương lai của tôi sau này sẽ tuỳ thuộc vào quyết định của họ.
Giờ Hoàng đạo đã kiểm. Khi tiếng chuông thu không từ cung điện Potala vừa điểm thì một hồi kèn vang lên báo hiệu buổi lễ bắt đầu. Một đoàn gia nhân cầm đuốc đi trước, phía sau là một ban nhạc với kèn, tù và, trống, loa, khánh v.v... Kế đó là cha tôi cùng hai vị trưởng lão, những giáo sĩ kiêm chức Thiên Giám quan, đảm nhiệm việc tiên tri các điều hung cát cho quốc gia bước vào. Hai vị này là những nhà chiên tinh giỏi nhất Tây Tạng đã tiên đoán được rất nhiều điều hết sức chính xác. Họ đã nghiên cứu lá số tử vi của tôi rất cẩn thận trong nhiều ngày và hôm nay họ sẽ công bố kết quả. Hai vị bước lên tấm nệm dày đặt trên một bục gỗ cao. Quan khách đều vây xung quanh một cách kính cẩn và yên lặng. Một không khí huyền bí, lạ lùng bao vây căn phòng rộng lớn. Vị Thiên Giám quan cao niên lên tiếng:
- Quỷ thần và giai nhân đều bị chi phối như nhau bởi những đạo luật huyền bí trong vũ trụ...
Tiếng nói của ông trầm trầm và đượm một vẻ âm u dễ sợ. Trong suốt một giờ đồng hồ, ông vạch trần tương lai của tôi dưới những nét đại cương. Toàn thể cử toạ theo dõi một cách say mê như được nghe chuyện thần thoại, thỉnh thoảng có người thốt lên:
- Kỳ diệu quá! Thật là kỳ diệu.
Người ta đã cho tôi biết trước tương lai của tôi như sau:
“Sau một giai đoạn thử thách cam go, đương số sẽ bước chân vào tu viện để trở thành một tu sĩ kiêm y sĩ... Y sẽ gặp nhiều nghịch cảnh gian nan, y sẽ sống một đời tha hương, y sẽ mất hết tất cả và làm lại bằng con số không... Y không được hưởng phần gì của gia đình cả... Số mạng của y ghi khắc trên tinh tú là như thế...”
Cuộc tiên tri chấm dứt, quan khách lần lượt giải tán. Dưới ánh đuốc mờ nhạt, những đoàn người lại một lần nữa huyên náo. Nhưng tôi, một đứa trẻ lên bảy nghĩ gì? Tôi không biết bao giờ tôi sẽ trở thành một chuyên viên thả diều được nữa. Định mệnh đã như thế. Cuộc đời tôi thay đổi kể từ đây. Một đứa trẻ bảy tuổi biết nói thế nào?
Tiếng chân người thưa dần, cánh cửa gỗ kiên cố đã được đóng chặt lại cẩn thận, những ngọn đuốc đã tàn, trả lại cho màn đêm cái im lặng âm u...


Chương 3

- Con hãy ra chợ mua sắm những thứ cần dùng, ông Tzu sẽ đi với con - Cha tôi căn dặn.
Tôi biết mình cần phải mua những gì, một cái bát bằng gỗ, một xâu chuỗi bồ đề 108 hạt và một mảnh vải nâu. Đó là tất cả những gì một tu sĩ được quyền sở hữu. Tôi theo ông Tzu ra chợ, đây là lần đầu tiên tôi đi chợ nhưng tôi e rằng đó cũng chính là lần cuối cùng.
Ông Tzu lạnh lùng không nói một câu, nhưng trong ánh mắt ông, tôi cảm thấy có cái gì đó khác thường. Tôi chỉ được mua những thứ vật dụng rất xoàng. Mặc dù cha tôi là một nhà quý tộc, quyền uy tột đỉnh, tài sản rộng lớn nhất xứ, nhưng tôi phải bỏ lại tất cả để đổi lấy vài vật dụng tầm thường, sở hữu của một tu sĩ.
Tôi im lặng, cố nhìn những nhà lâu đài, đường xá xung quanh, những người lái buôn đang mặc cả giá hàng, những người buôn tơ lụa từ Trung Hoa hoặc Ấn Độ chất hàng hóa trao đổi được lên những con lừa xám. Tự nhiên tôi có ý nghĩ lạ lùng là trốn vào trong các bao hàng hóa để được tự do đi đến những xứ lạ, nhưng có lẽ không thể được. Tzu sẽ tìm cho ra dù tôi có đi đến chân trời góc biển nào, ông có trách nhiệm cho đến khi tôi rời khỏi gia đình và trở thành một tu sĩ.
Người ra tịch thu những con diều của tôi để làm quà cho kẻ khác, cung tên của tôi cũng bị bẻ gãy vì từ nay tôi sẽ không cần dùng đến những thứ này. Đồ chơi của tôi, vài hộp bi, vài con vật bằng đất sét nung cũng bị đập nát để chứng tỏ tôi không còn là một đứa trẻ nữa, tôi đã hơn bảy tuổi và kỳ sinh nhật vừa qua đánh dấu một sự chuyển mình quan trọng. Tôi có cảm tưởng như quả tim tôi cũng vỡ nát theo những món đồ.
Đêm đó cha tôi gọi tôi vào phòng làm việc của ông. Đó là một căn phòng trang trí mỹ thuật với những tủ bằng gỗ kiên cố, chứa đầy những bộ sách cổ. Cha tôi ngồi cạnh bàn thờ tổ tiên, ra lệnh cho tôi quỳ trước đó để bắt đầu nghi lễ đọc quyền gia phả dòng họ nhà tôi. Lịch sử gia đình tôi từ thế kỷ trước được ghi vào cuốn sổ này. Mở đầu là tên tuổi những vị tổ sáng lập ra dòng họ, những công lao, thành quả họ đạt được cũng như các quyền tước vinh hiển họ được phong thưởng. Phần cuối cuốn sách có ghi tên tuổi, ngày sinh tháng đẻ của tôi. Tôi phải tự mình ký tên cạnh đó và từ nay, tôi đã bắt đầu một đời mới, tôi đã có tên trong gia phả. Cha tôi im lặng nhìn tôi không nói một câu, tôi không biết Người nghĩ gì sau khuôn mặt khắc khổ nghiêm trang kia. Sau cùng, cha tôi lên tiếng:
-Con hỡi! Chắc con nghĩ cha là một người nghiêm khắc, khô khan nhưng cha chỉ nghĩ đến danh dự gia đình theo đúng truyền thống con nhà quý tộc phải được giáo dục trong sự khắc khổ, con nhà bình dân được hưởng mọi sự dễ dãi, khoan dung. Trước khi được nhận vào tu viện, con cần phải trải qua nhiều thử thách gian nan, con cần phải tỏ ra tuyệt đối dễ dạy và phục tùng bề trên...
Sau cùng, ông nhìn thẳng vào mặt tôi và nói chậm rãi:
- Cha nói cho con biết. Nếu con không được thu nhận vào tu viện, con hãy đừng trở về nhà. Nếu con thất bại, con sẽ bị đối xử như người xa lạ ở cái nhà này.
Nói xong, Người ra lệnh cho tôi lui ra mà không nói thêm một lời nào.Tôi không được phép gặp mẹ tôi và chị tôi, có lẽ người ta không muốn tôi xúc động. Tôi nằm dài trên giường nệm êm ấm mà không khỏi bàng hoàng về số phận của mình. Bắt đầu từ đêm mai, tôi sẽ ngủ xa nhà và tương lai chưa biết thế nào. Tôi thiếp đi trong những cảm giác chập chờn cho đến khi một bàn tay to lớn vỗ mạnh vào lưng. Mặt trời sắp mọc và ông Tzu sừng sững đứng ở đầu giường, ông nói nhỏ:
- Con ơi, đây là giờ phút chúng ta chia tay. Ta sẽ trở về trông coi bầy ngựa như xưa, con hãy ráng làm bổn phận và nhớ kỹ những điều ta đã dạy con.
Từ trước đến nay không bao giờ ông Tzu nói ngọt ngào như thế, nhưng chính vì thế mà tôi lại mủi lòng không muốn đi. Nếu mẹ tôi bước vào thì tôi đã quỳ xuống xin ở lại thêm vài hôm nữa. Tại sao những đứa trẻ con Tây Tạng sống một cuộc sống yên ổn bên cạnh cha mẹ chúng, mà tôi phải sống một cuộc đời vô cùng khắc khổ từ nhỏ đến lớn? Tại sao người ta bắt tôi phải trở thành một tu sĩ? Tại sao số phận tôi lại hẩm hiu như thế? Phải chi tôi sinh ra trong một gia đình bình dân biết đầu tôi sẽ được hưởng tình cảm dịu dàng mà bất cứ một đứa bé nào cũng xứng đáng được hưởng, biết đâu tôi sẽ trở nên một chuyên viên thả diều!
Tôi thu nhặt khăn nải chứa đựng cái cái bát gỗ, chuỗi tràng hạt rồi lủi thủi bước ra khỏi nhà. Một tên gia nhân khẽ hé cửa đủ để tôi lách ra. Cánh cửa kiên cố đóng sập lại một cách khô khan. Tôi bước đi lòng se thắt, hoang mang, vượt qua mấy cây số đường trường dưới ánh bình minh mỗi lúc một tỏ rạng. Chakpori vừa là một tu viện vừa là một trường Y khoa, nơi tôi phải xin thu nhận. Đến trước cánh cổng lớn, một vài thiếu niên như tôi cũng vừa đến đó, chúng tôi e dè nhìn nhau không ai nói một lời nào.
Chúng tôi gõ mạnh vào cánh cửa một lúc thì một vị sư mặt mày hung ác xuất hiện:
- Đồ tiểu quỷ! Sáng sớm đã đập cửa ầm ầm, chúng bay muốn gì?
Tôi trả lời:
-Thưa Đại Đức, chúng tôi muốn trở thành tu sĩ.
- Tu sĩ ư? Đồ nhãi ranh, hãy đứng đợi ở đây, khi nào nhân viên phụ trách có thời gian thì sẽ đến tiếp tụi bay.
Vừa nói xong ông ta đóng sập cửa lại. Chúng tôi đứng đợi một lúc thì một vị sư khác bước ra.
-Này lũ ranh! Chúng bay làm gì đó hả?
-Chúng tôi muốn trở thành tu sĩ.
-Tu sĩ ư? Hãy theo ta vào đây đã. Nếu vượt qua các thử thách thì sẽ được thu nhận...
Vị này ra hiệu cho chúng tôi bước vào rồi liên tiếp hỏi chúng tôi nhiều thứ, tại sao muốn trở thành tu sĩ v.v,... Ông ta hỏi một cách vô cùng nóng nảy, hấp tấp như không cần nghe câu trở lời. Bất ngờ ông ta quát:
- Thằng kia, mi nói cái gì? Cha mi làm nghề hàng thịt ư? Một kẻ mổ xẻ súc vật, một kẻ không tuân theo luật lệ gì cả mà dám cho con đi tu sĩ ư? Mi sẽ làm hôi cả tu viện này, đồ khốn kiếp có mau cút đi không... Thế mà dám vác mặt đến đây ư, ta phải dạy cho mi một bài học...
Nói xong, ông tao nhào đến chụp thằng bé, nó hoảng hốt hét lớn, vắt chân lên cổ chạy một mạch ra khỏi cửa không dám quay đầu nhìn lại. Tu sĩ quay đầu nhìn một thằng bé khác:
- Thằng kia, mày dám liếc trộm tao ư? Cái thói nhìn trộm của mày không thể chấp nhận được, nó biểu lộ một tính tình gian xảo chỉ có ở những kẻ trộm cướp, phải chăng mi vào đây để ăn trộm? Thế thì tao phải cho mi ăn gậy...
Tu sĩ chụp một cây gậy to tướng nhào đến đập thằng nhỏ. Thằng nhỏ hoảng sợ cũng co cẳng chạy luôn. Còn lại một mình tôi đứng ngơ ngác, tu sĩ bật cười:
- Thằng này nữa, mi không chạy sao? Con thủ tướng ư? Tao cóc cần biết cha mày làm gì, đây không phải chỗ cho con trưởng giả đến dạo chơi. Mi muốn trở thành tu sĩ? Được lắm, quỳ ngay xuống đất, cấm cựa quậy cho đến khi nào ta cho phép...
Nói xong, ông vác gậy lên vai bỏ đi ngay. Tôi uể oải quỳ xuống đất
Như lời dặn. Tôi quỳ như thế từ sáng đến tối, những cơn gió lạnh thổi qua làm tôi nhớ đến chăn êm, nệm ấm ở nhà, tự nhiên nước mắt tôi trào xuống. Từ sáng đến giờ tôi chưa ăn uống gì, cơn đói cồn cào, tự nhiên tôi muốn ngất đi. Một vài con chó hoang đi ngang qua đưa cánh mũi đánh hơi một cách tò mò, một đám trẻ chơi diều về nhìn tôi buông ra những lời chế nhạo. Một đứa trẻ hung hăng ném vào mình tôi một hòn sỏi khá lớn, tôi đau điếng nhưng không dám cựa quậy. Tôi đã quá sợ hãi, nếu thất bại lần này chắc chắn cha tôi sẽ không chấp nhận cho tôi trở về, lúc đó tôi sẽ đi đâu?
Mặt trời đã khuất dạng sau dãy núi, gió lạnh rít lên từng cơn, bao tử tôi đau nhói như muôn ngàn con kiến đang bò qua, bò lại. Thân thể tôi tê cứng vì quỳ quá lâu. Tại sao người ta bắt tôi quỳ nơi đây? Bao giờ thì cuộc thử thách sẽ chấm dứt? Trong đêm tối, một ông sư già chậm chạp đi đến, tay cầm một bát cháo nóng:
- Con hãy ăn thứ này, con có quyền cử động trong những giờ ban đêm, nhưng khi mặt trời mọc con phải quỳ như trước, nên nhớ đây là một cuộc thử thách. Chỉ những kẻ nào cương quyết sống đời tu hành mới được chấp nhận...
Tôi húp một hơi hết bát cháo rồi vươn tay, duỗi chân cho dãn gân cốt. Quả thật tôi đã kiệt sức. Chờ ông sư già đi khuất, tôi năm luôn xuống đất suy nghĩ miên man. Suôt bẩy năm qua, tôi thật không sung sướng chút nào. Cha tôi lúc nào cũng hết sức nghiêm khắc nhưng đây là lần đầu tiên tôi bị ngủ xa nhà, tương lai ra sao đến nay không rõ. Ngày mai người ta sẽ bắt tôi phải chịu đựng những gì đây? Tôi đi trong sợ hãi.
Hình như tôi vừa chợp mắt thì trời đã rạng đông. Tôi hối hả giữ tư thế quỳ như trước. Các sư sãi cũng đã thức giấc đang sửa soạn làm lễ buổi sáng, mùi xào nấu dưới bếp phảng phất khiến tôi lại cảm thấy đói bụng.
Mặt trời lên cao, thân thể tôi đau buốt, khớp xương hình như rã rời. Tôi cố gắng thu hết nghị lực giữ tư thế cho nghiêm chỉnh, nếu tôi không chịu nổi, ngã lăn ra thì tôi đã thất bại và người ta sẽ đuổi tôi về, lúc đó tương lai còn mù mịt hơn nữa. Một ngày nữa trôi qua, không ai thèm ngó ngàng gì đến tôi, màn đêm buông xuống nhẹ nhàng. Thình lình tôi sợ hãi, phải chăng người ta đã quên tôi? Hay đây là một thử thách bắt tôi nhịn đói, nhịn khát? Một hy vọng chợt nhen nhúm, một tiếng động gần đó, có thể chứ, chắc người ta mang cháo cho tôi rồi. Không, hy vọng tiêu tan. Đó chỉ là môt con chó đang kéo lê một cái gì đó, nó không thèm nhìn tôi, mà đi thẳng. Tôi cảm thấy mình không bằng được một con chó, nó cũng có chỗ về, còn tôi thì...
- Con hỡi, con cần cố gắng hơn nữa vì lắm kẻ thất bại vào phút cuối.
Tôi không còn nghe gì nữa, tất cả đầu óc đều đổ dồn vào bát cháo nóng kia, tôi húp một hơi ngon lành không còn phân biệt đó là loại cháo gì. Tôi nằm lăn ra như đêm trước, suy nghĩ miên man về sự bất công dành cho tôi, thực ra tôi đâu muốn làm tu sĩ. Người ta đâu để cho tôi quyền định đoạt số phận cho mình? Tôi đâm ra bất mãn và oán hận gia đình, cả những tên Chiêm tinh già đã can thiệp vào đời tôi, tại sao tôi không làm một chuyên viên thả diều? Những nếu tôi không vượt qua thử thách này, tôi sẽ đi đâu? Xứ Tây Tạng này không dung nạp những kẻ thất bại như tôi, và dĩ nhiên tôi sẽ trở thành một kẻ không nhà cửa... Cha tôi sẽ giận biết chừng nào.
Ngày hôm sau, tôi cảm thấy yếu sức hơn nhiều. Mọi vật gần như quay cuồng khiến đầu óc tôi mơ hồi choáng váng. Tôi cố gắng hết sức để quỳ nhưng bắp thịt cứ run lên bần bật, tôi kinh hoàng về ý nghĩ sẽ thất bại vào giờ phút cuối cùng. Mặt trời hình như đứng yên không thèm xê dịch và thời gian kéo dài sao như vô tận. Sau cùng, tôi tự nhủ phải chi mình chết luôn có lẽ sướng hơn.
Một ngày nữa còn trôi qua, màn đêm buông xuống âm thầm và tôi gần như không còn ý thức điều gì nữa. Nhưng một bóng người cao lớn đã xuất hiện:
- Hãy đứng dậy!.
Tôi toan đứng dậy, nhưng chân tay tê cứng đến nỗi ngã lăn ra.
-Nếu mi muốn nằm đó thêm một đêm nữa thì cũng được, ta không thể chờ đợi lâu.
Tôi lồm cồm ngôi dậy, thu gom hành trang khập khiễng bước theo vị sư vào trong tu viện.
Bên trong tu viện có một không khí ấm áp lạ thường, mùi hương trầm nhẹ nhàng làm tôi tỉnh hẳn người.
- Mi vào bếp mà ăn rồi kiếm chỗ ngủ, mai lên gặp ta.
Vào bếp ư? Như thế là được ăn rồi, tôi không còn biết gì nữa mà chỉ rảo cảng bước đi gần như chạy, mặc dù chân tay vẫn tê nhức. Giác quan của tôi đã hướng dẫn tôi đến đúng nhà bếp, nơi các sư sãi đang xếp hàng chờ đợi, nhưng tôi không còn biết gì nữa. Tôi bò xuống đất, chui qua chân cẳng những người xếp hàng, tiếng la ó vang lên, tôi không cần biết. Hình như có người tống cho tôi một cái đá đau điếng, tôi chồm lên xô lấn mọi người để được ă trước. Hình như đám đông cũng thông cảm hoàn cảnh này nên họ chỉ cười ồ để tôi nhào lên trước. Sau khi ăn no, tôi theo các sư sãi kên chánh điện làm lễ, nhưng đầu óc quá mệt mỏi, tôi không còn biết gì nữa. Buổi lễ chưa bắt đầu tôi đã lẻn ngay vào một góc kín đáo ngủ một giấc ngon lành.


Chương 4

- A ha! Một con ma mới, lại là con nhà giàu nữa.
Đang mơ màng, tôi đã bị đánh thức bởi những tiếng la hét của một đám thanh niên. Tôi vừa lồm cồm ngồi dậy đã thấy một trận mưa đấm đá hạ xuống. Tôi có vùng vẫy nhưng vô hiệu, đúng lúc một tiếng quát vang lên:
- Chuyện gì vây?
Đám thanh niên vội vac dừng tay lại, xì xầm:
- Đoàn trưởng đã tới, đoàn trưởng đã tới.
Tôi gỡ tấm chăn phủ đầu lên thì thấy một vị sư tuổi trạc hai mươi, mặt mày hung ác bước vào, đó là vị đoàn trưởng của đám thiếu niên này. Thay vì an ủi, ông ta chỉ vào mặt tôi quát:
- Thằng mới đến kia, thấy tao mà không chào ư, đồ vô dụng...
Tôi chưa kịp phân trân đã bị ông ta túm tóc xách bổng lên như một con gà, tôi đau đớn khóc òa lên.
- Đồ gà ướt, đồ to mồm, mày cần học hỏi lễ mới được.
Một trận mưa đấm đá tàn bạo nữa trút lên thân thể tôi. Trong lúc hoảng hốt, tôi nhớ đến thế võ ông Tzu đã truyền dạy. Lập tức tôi co người lại, hai tay nắm lấy tay địch thủ, chân kia quét mạnh. Tên đoàn trưởng loạng choạng ngã chúi xuống phía trước. Đám thanh niên sợ hãi nín thở, đây là lần đầu tiên một “ma mới” dám bắt nát “ma cũ” mà lại nhằm “ma trưởng đoàn” mà đánh. Tên đoàn trưởng chồm dậy, co tay tát mạnh nhưng tôi đã chuyển thế xoay mình chớp lấy tay phải của y, đưa hông ra làm điểm tựa quật mạnh y xuống đất. Đây là một đòn rất đắc ý của võ sư Tzu, đã đưa ông ta lên chức vô địch đấu vật. Tên trưởng đoàn lộn xuống đất, máu mũi, máu mồm chảy ra như suối. Y đứng dậy gầm lên:
A ha, một con gà chọi, được lắm, được lắm... Thằng Cheng đâu, mi là một con trâu điên của ta. Mi hãy dạy con gà chọi này một bài học xem nào...
Lần đầu tiên, tôi thầm cảm ơn võ sư Tzu đã dốc túi truyền dạy võ thuật cho tôi, theo lời ông thì món võ gia truyền này chuyên khắc chế các địch thủ to con, lớn sức. Cheng là một thiếu niên mười baye, mười tám, thân hình lực lưỡng và nhanh nhẹn. Hiển nhiên y rất quen với trò đánh đấm hung bạo. Được lệnh, y nhảy ngay ra múa tay đánh liền. Tôi nghiêng người tránh quả đấm thôi sơn rồi thuận tay mượn sức đẩy nhẹ một cái, thằng Cheng ngã chúi ra trước nhưng y xoay người kịp, co chân “đá cầu vồng” vào ngực tôi. Nhờ có chuẩn bị trước, tôi hụp người xuống chờ thế đá của y trượt vào khoảng không, rồi lập tức chuyển tấn quét chân liền. Thằng Cheng ngã nhào đập mặt xuống đất máu phun xối xả. Y cố gắng chồm lên toan ôm chặt lấy tôi. Đây là một đòn liều lĩnh nhưng tôi đã học võ với tay vô địch đô vật Tây Tạng thì đòn này đâu có ý nghĩa gì. Tôi chỉ xoay nhẹ thân hình đã thoát khỏi thế vật của tên trâu điên, hai tay tôi vung mạnh điển vào hai yếu huyệt dưới nách địch thủ. Cheng ngã gục, hai tay tê dại không còn cử động được nữa, đám thanh niên há hốc mồm như không tin ở mắt mình. Vị trưởng đoàn lập tức đổi thái độ:
- Tốt lắm, mi xứng đáng là một vị anh hùng, từ nay mi sẽ là cánh tay mặt của ta.
Tôi đánh bạo yêu cầu:
- Thưa đoàn trưởng, như vậy tôi có thể ăn uống chút gì không, vì mấy bữa nay tôi đói quá.
- Dĩ nhiên rồi. Chúng bay xuống bếp xin cho tay này mấy bát cháo coi. Từ nay chúng bay phải tuân lệnh... Mà này, mi tên là gì hả?
- Rampa, tôi tên là Rampa...
- Được lắm, từ này Rampa sẽ thay mặt ta coi sóc những đứa mới vào, chúng sẽ phải phục tùng mi, đứa nào không phục tùng coi gương thằng Cheng đó.
Đám trẻ sợ hãi riu ríu vâng lời, mấy đứa vừa lục lọi hành trang của tôi vội vã xếp lại cẩn thận, cung kính trao trả. Vài phút sau, một mâm cháo nghi ngút khói đã được bưng đến, tôi không khách sáo “quật” liền năm bát đầy.
Ở Tây Tạng, các tu viện thường thu nhận những người giúp việc, những người này không phải là tu sĩ mặc dù họ được coi là sư sãi. Đa số là gia đình nghèo và đông con, thường gửi một vài đứa nhờ tu viện nuôi giùm. Ngoài ra, một số người đã chán cảnh đạp tuyết dầm sương cũng xin gia nhập tu viên làm nhân công quét dọn hay cày bừa. Dĩ nhiên, vì sống trong tu viện, họ phải cạo đầu, ăn mặc theo người tu hành, tuân thủ các giới luật căn bản, nhưng họ vẫn không phải là tu sĩ, họ được gọi là sư sãi nhân công.
Muốn trở nên tu sĩ, họ phải trải qua những thử thách, sau đó phải phát nguyện tu hành, mới được gọi là Trappa (Tu sĩ). Tu sĩ phải học hành gian khổ, lâu dài, thi đậu các kỳ thi khảo hạch mới lên chức Lạt Ma.
Tất cả những người gia nhập tu viện đều phải sống như các công nhân một thời gian để thử thách xem có thích hợp với đời sống tu viện hay không. Đám trẻ vừa được nhận vào tu viện cũng thế, chúng được đặt dưới sự giám thị của một ông sư già, nhưng vị này hiền lành quá thành ra chúng coi thường. Một sư sãi nhân công có nhiệm vụ trông nom, hướng dẫn chúng làm việc lợi dụng quyền lực và sự hung dữ của mình để được chúng tôn là đoàn trưởng. Chỉ vài hôm sau, câu chuyện mà tôi đánh gục thằng Cheng được truyền tụng trong giới nhân công. Đám thiếu niên vội vã tôn tôi lên làm “thầy”, việc một đứa bé bảy, tám tuổi làm thầy một đám thiến niên ngỗ nghịch là một sự kiện lạ lùng, hiến có, chưa từng thấy.
Từ trước đến này, việc “ma cũ bắt nạt ma mới” xảy ra rất thường nhưng trong thời gian tôi làm “thầy”, việc này không hề tái diễn.
Mỗi khi có đứa bé nào được thu nhận, tôi đối đãi với chúng rất tử tế. Đám thanh niên hung dữ thấy thằng Cheng bị liệt tay mấy ngày mới khỏi nên không ai dám giở trò gì. Tên trưởng đoàn cũng bận rộn không xuất hiện nên đương nhiên tôi trở thành lãnh tụ đám thanh niên này. Vị sư già giám thị rất vui mừng, ông khuyên:
- Con đã hành động xứng đáng. Tên Cheng vẫn tỏ ra hung dữ, hống hách với đám thanh niên. Con hãy thay chân nó trông nom nhóm thiếu niên vào kỷ luật. Con đã có một sự giáo dục tốt, con hãy sử dụng những điều học hỏi cho đúng chỗ, hãy tỏ ra từ bi bác ái, giúp đỡ tất cả mọi người.
Thấm thoát, tôi sống ở tu viên đã gần một tháng. Hàng ngày, chúng tôi phải làm các công việc lao động như gánh nước, quét dọn, lau chùi, phụ bếp... Vì được huấn luyện một cách khắc khổ từ nhỏ, tôi thấy việc này không khó khăn chút nào. Dĩ nhiên, những đứa trẻ không kham nổi xin xuất viện cũng nhiều, chúng thà về nhà để tự do thả diều hoặc chăn trâu còn hơn phải tuân theo kỷ luật tu viện. Ngoài các công việc lao động, đám trẻ được học đọc và viết cũng như âm nhạc. Vì tôi đã đi học từ trước nên việc học và viết không gặp trở ngại nào, nhưng âm nhạc lại là vấn đề khác.
Vị Lạt Ma nhạc sĩ làng say mê âm nhạc một cách nhiệt thành và gần như cuồng tín, ông ra lệnh:
- Tất cả cùng hát để ta sắp đặt giọng thành từng nhóm trong các buổi hợp ca.
Các nhạc công bèn dạo ngay một bản nhạc quen thuộc mà ai cũng biết. Chúng tôi vừa cất tiếng ca thì lông mày chổi xể của nhạc sư đã nhíu lại, khuôn mặt của ông nhăn nhó như người vừa bị một cái dùi xuyên vào tai. Ông lắng nghe vài tiếng nữa rồi xông đến trước mặt tôi:
Thằng này, mi định chế nhạo tao chăng? Mi hãy hát lại một mình cho ta xem sao.
Các nhạc công lại trỗi nhạc và tôi cất tiếng hát một lần nữa, sắc diện nhạc sư từ đỏ trở lên tím rồi xanh lè, ông run người:
- Rampa! Mi không có năng khiếu về âm nhạc, nghe mi hát các thánh thần chắc cũng phải bịt tai hết. Trong mấy chục năm nghiên cứu âm nhạc, chưa bao giờ ta nghe một giọng hát phản nghệ thuật như vậy. Giọng mi hoàn toàn sai bét, vô phương cứu chữa, tiếng kêu con heo bị chọc tiết cũng còn hay hơn mi hát. Từ nay không được ca nữa, đến giờ nhạc mi ra chỗ khác chơi... Nếu ta còn nghe giọng hát của mi một lần nữa ta chắc phát điên mất.
Thế là tôi "lỉnh" ra ngoài, tìm chỗ mát mẻ ngủ một giấc khoẻ khoắn khi đám thiếu niên gân cổ hát những bản thánh ca khô khan.
Thời gian trôi thật nhanh, thấm thoát tôi đã vào tu vịên được ba tháng. Hôm đó, tôi được vị Lạt Ma trụ trì gọi lên, đó là một ông lão đã già lắm, vẻ mặt nhăn nheo khắc khổ nhưng con mắt rất hiền từ. Người nói:
- Con hãy ngồi xuống đây, ta muốn biết về mặt tri thức con có xuất sắc như môn võ nghệ không?
Trong vòng bốn giờ liền, Người đặt ra nhiều câu hỏi, tôi lễ phép trả lời những gì tôi hiểu. Việc được trụ trì chất vấn là một điều thông thường, đây là giai đoạn quyết định xem đứa nhỏ có được thu nhận làm tu sĩ hay chỉ ở mức nhân công. Thông thường thì cuộc chất vấn chỉ kéo dài khoảng nửa giờ. Vì tinh nết, hạnh kiểm đứa nhỏ thường được báo cáo từ trước, vị trụ trì chỉ muốn kiểm tra xem những lời báo cáo có đúng không. Trường hợp của tôi kéo dài đến bốn giờ liền với những câu hỏi hết sức khó khăn nên tôi rất mệt mỏi. Sau cùng, vị trụ trì tỏ vẻ hài lòng, ngài đứng dậy vỗ vai tôi:
- Con hãy theo ta. Ta sẽ đưa con vào yết kiến Sư Trưởng, đây là một vinh dự đặc biệt, con sẽ hiểu lý do tại sao.
Tu viện Chakpori do vị Lạt Ma trụ trì gồm có một ban điều hành. Ngoài ra, còn có Hội đồng Trưởng Lão, đứng đầu là một Sư Trưởng; quyền hành Sư Trưởng rất cao vì chính vị trụ trì cũng chỉ là một người trong Hội đồng Trưởng Lão. Nhưng các Trưởng Lão chỉ ẩn tu, không mấy khi ra ngoài. Họ không bao giờ dính dáng đến việc điều hành, chỉ dành trọn thời gian tham thiền, nghiên cứu các kinh điển. Việc tôi được đưa vào yết kiến Sư Trưởng là một ngoại lệ kiến tôi vô cùng ngạc nhiên, lo sợ. Chuyện gì sẽ xảy ra đây? Phải chăng tôi không được thu nhận? Phải chăng tôi đã thất bại trong các thử thách?
Chúng tôi đi qua những dãy hành lang dài và hẹp, đây là nơi thanh tú rất ít ai bước vào. Vượt qua nhiều khúc quanh, chúng tôi đến một căn phòng rộng có bày một tượng Phật lớn bằng vàng. Sư Trưởng là một ngườ gầy ốm, mặt mũi nhăn nheo khiến người ta không thể đoán được ông ta đã bao nhiêu tuổi.
- Cac con hãy an toạ.
Sau khi chúng tôi khép nép ngồi xuống tấm nệm, vị Sư Trưởng im lặng nhìn tôi một lúc rồi thong thả:
- Hỡi Rampa, chúng ta biết tất cả những gì về con, tất cả những gì đã được tiên tri từ trước. Cuộc thử thách mà con trải qua thật gian lao với số tuổi lên bảy. Nhưng rồi con sẽ hiểu lý do. Bây giờ, con hãy biết rằng trong hàng ngàn sư sãi, chỉ có một vài người có khả năng học hỏi những điều cao xa, có thể đạt đến trình độ hơn hẳn người thường. Chúng ta cần những người có thể giữ gìn cái kho tàng kiến thức bí truyền khi xứ này bị nạn ngoại xâm. Con là người đã được chọn để làm việc này. Con sẽ được huấn luyện đặc biệt, một sự huấn luyện mà chỉ trong vài năm, con sẽ có những kiến thức hơn hẳn những vị Lạt Ma học hỏi cả đời. Con đường Đạo rất gay go, hiểm trở và đầy cạm bẫy. Tu luyện theo phương pháp đặc biệt này đòi hỏi một sự cố gắng hết sức phi thường, một ý chí cứng rắn không có thể lay chuyển… Con sẽ được truyền dạy trong vòng bí mật, con sẽ phải làm việc nhiều nhưng bây giờ chúng ta mừng cho con đã vượt qua những thử thách.
Cuộc thử thách khó khăn đã qua. Bắt đầu từ đây tôi sẽ trở nên một tu sĩ.


Chương 5

Ở Tây Tạng, khi một thiếu niên bắt đầu vào tu viện, người ta cạo hết tóc chỉ chừa một chỏm ở đỉnh đầu. Khi y được chấp nhận thành tu sĩ, người ta cạo luôn chỏm tóc còn lại và ban cho y một pháp danh. Từ đó trở đi, y sẽ dùng pháp danh này. Tôi được đặt một pháp danh rất dài nhưng trong cuốn sách này, tôi vẫn dùng tên cũ để độc giả Phương Tây dễ nhớ. Sau khi làm lễ tín phát, tôi được cấp phát một bộ quần áo mới, từ nay tôi sẽ phải tuân theo kỷ luật của tu sĩ, không còn những giờ trốn học, ngủ ngày nữa. Tôi theo chân các tu sĩ vào Chánh Điện làm lễ. Buổi lễ dành cho tu sĩ rất dài vì phải đọc những pho kinh và thần chú. Tôi vừa đọc vừa ngáp vì chưa quen, một Trưởng Lão khuôn mặt hiền hoà ngồi ở xa có vẻ chú ý đến tôi một cách đặc biệt. Thỉnh thoảng, ông lại nhìn tôi mỉm cười thân thiện.
Buổi tụng kinh tiếp tục kéo dài, nhưng tôi đã gục xuống nhủ thiếp lúc nào không hay.
Khi tôi giật mình tỉnh dậy thì buổi lễ đã chấm dứt từ lúc nào. Vị Lạt Ma Trưởng Lão đã cõng tôi xuống phòng ăn, đặt tôi vào một cái nệm dày:
- Con hãy ăn no rồi đi ngủ, sáng mai đến gặp ta.
Tại tu viện, các tu sĩ chỉ ăn mỗi ngày một bữa trước giờ Ngọ. Trước khi ăn, một tu sĩ xướng lên những câu kinh mà tất cả phải đọc theo. Trong khi ăn, không ai được phép nói chuyện hoặc suy nghĩ mông lung mà phải chú tâm nhủ thầm rằng, nhờ có những vật thực này mà mình mới có sức, một tu sĩ cần phải tinh tấn tu hành để không phụ ơn những người đã cúng dường thực phẩm, những người đã ra công cầy cấy, gieo trồng, những người đã có công đun nấu, bếp núc vv… Khi ăn phải ngồi ngay ngắn, không gây tiếng động, hay gác cùi chỏ lên bàn. Đồ ăn phải nhai thật kỹ, cố gắng làm chủ vị giác, không phân bịêt món ăn ngon hay không ngon, mà coi tất cả như nhau, tất cả đều là những vật thực cần thiết để nuôi dưỡng thân thể đại giả hợp này mà thôi. Làm chủ vị giác là việc đầu tiên trong việc làm chủ các giác quan của mình.
Tây Tạng có nhiều tu viện, có nơi kỷ luật lỏng lẻo và thời khắc không được tôn trọng chặt chẽ. Tu sĩ có thể làm việc hoặc nghỉ ngơi tuỳ ý, việc tu hành không được chú trọng cho lắm. Những tu viện như thế chỉ có thể tạo nên những tu sĩ tầm thường, ít được dân chúng kính trọng. Tại Chakpori, người ta áp dụng kỷ luật vô cùng chặt chẽ và gắt gao; trật tự và kỷ luật là những điều một tu sĩ phải tuyệt đối tôn trọng. Đối với các sư sãi nhân công, vấn đề kỷ luật còn ít nhiều lỏng lẻo, vấn đề tự giác không đặt ra, nhưng khi thành tu sĩ thì lại khác hẳn. Chúng tôi, mười đứa trẻ đã vượt qua thử thách để làm tu sĩ và được cảnh cáo một cách nghiêm chỉnh về mọi vấn đề.
Đối với tu sĩ, một ngày bắt đầu từ lúc nửa đêm. Khi tiếng chuông báo hiệu vang lên, tất cả tu sĩ đều phải thức dậy, sắp lại nệm giường, mặc quần áo để làm lễ. Dưới ánh sáng lập loè, hàng trăm sư sãi xếp bằng nghiêm chỉnh tụng nệm, đọc những bài kinh dài, và những câu thần chú theo một tiết điệu đặc biệt. Người Tây Tạng từ ngàn năm đã hiểu biết về những quyền năng thần bí của âm thanh. Nếu một âm thanh phát ra đúng cách có thể làm vỡ một cái ly thuỷ tinh, những câu thần chú dùng nhiều âm thanh ghép lại theo một tiết điệu nhất định, sẽ có các quyền năng siêu hình, thần bí, ảnh hưởng đến các cõi giới xa xăm. Buổi lễ thường kéo dài hơn một giờ, sau đó tu sĩ được quyền trở về ngủ thêm một giấc ngắn. Khoảng bốn giờ sáng, tiếng chuông thứ hai báo hiệu vang lên, tất cả đều phải dậy, làm vệ sinh cá nhân rôi xuống phòng ăn điểm tâm. Gọi là ăn nhưng thật ra chỉ là uống trà pha sữa, khi uống cũng phải thật thong thả, ý thức và cầu nguyện cho mọi chúng sinh. Đúng sáu giờ sáng, lớp học khai giảng, tất cả các tu sĩ đều phải dự những lớp huấn luyện riêng theo đẳng cấp và trình độ. Lớp học kéo dài đến khoảng mười một giờ sáng là đến phòng ăn. Bữa ăn gồm có cháo Tsampa và trà, đôi khi chúng tôi cũng được ăn rau nhưng món này rất hiếm. Khí hậu Tây Tạng quá lạnh không trồng trọt gì được ngoài các củ, rễ cây.
Sau bữa ăn đến giờ lao động, tất cả tu sĩ đều được phân công như lau dọn, quét nhà để vận động và tập đức tính khiêm tốn. Trong lúc làm việc, không được nói chuyện mà phải có ý thức việc mình đàn làm một cách nghiêm chỉnh. Công việc này thường kéo dài đến ba giờ chiều. Sau giờ lao động, mọi người được nghỉ ngơi khoảng một giờ rồi lại vào lớp học cho đến tám giờ tối. Đây là giai đoạn khó khăn nhất vì ai cũng mệt, sau đó phải tham dự buổi lễ ngắn khoảng mười lăm phút rồi mới được đi ngủ. Thời gian đầu, giữ được như vậy là một cực hình, những dần dần tôi quen với thời khoá biểu. Từ đó, tôi không còn khó chịu nữa.
Vị Lạt Ma Trưởng Lão có khuôn mặt hiền từ là một người trong Hội Đồng Trưởng Lão, không như những Trưởng Lão khác đa số đều già nua, khắc khổ, vị này trông "trẻ" như một người ngoài…. sáu mươi. Theo chỗ tôi biết thì các vị Trưởng Lão đều rất cao tuổi, có vị đã sống hơn trăm tuổi.
- Rampa! Con hãy ngồi xuống cạnh ta, ta muốn hỏi con một câu: Con ăn uống có đầy đủ không?
- Bạch Trưởng Lão, có!
- Sư Trưởng đã chỉ thị chúng ta làm việc chung với nhau, chúng ta đã tìm ra tiền kiếp của con. Con đã có nhiều tiến bộ. Bây giờ chúng ta muốn con phát triển những tài năng, sở đắc mà con đã thu thập trong những kiếp trước, như vậy việc học hành sẽ hiệu quả hơn…
Nói đến đây, Trưởng Lão chăm chú nhìn tôi một lúc rồi thong thả nhấn mạnh:
- Mỗi người đều có một quyền tự do lựa chọn con đường của mình, tương lai của con sẽ gian nan, khổ sở nhưng bù lại con có những phần thưởng lớn lao khác. Tuy vậy, không có nghĩa là con phải đi theo con đường này. Nếu con chọn con đường khác, con sẽ sống trong giàu sang, sương sướng với nhiều tiện nghi vật chất, nhưng con sẽ không có một tiến bộ tâm linh nào cả. Ta muốn con tự do quyết định chọn lấy con đường của mình.
Tôi run lên vì cảm động, lần đầu tiên có người đã hỏi ý kiến tôi, cho phép tôi được lựa chọn, quyết định.
- Thưa Trưởng Lão, cha con nói rằng, nếu con thất bại và rời tu viện, con không thể trở về nhà được. Làm sao con có thể sống sung sướng, tiện nghi khi đã bị đuổi khỏi nhà?
Trưởng Lão mỉm cười, một nụ cười thật hiền:
- Con đã quên rồi sao? Chúng ta đã tìm được tiền kiếp của con và biết các tâm nguyện con ao ước từ kiếp trước. Con đừng lo, ta có thể thu xếp cho con trở thành một tu sĩ, phong cho con vài tước vị. Cha con sẽ không coi đó là sự thất bại đâu.
- Thưa Trưởng Lão, nhưng theo ý ngài thì đó có phải là một thất bại không?
- Phải, với sự hiểu biết của ta thì đó là thất bại.
Tôi im lặng suy nghĩ, tự nhiên tôi cảm thấy có một ý muốn lạ lùng thôi thúc trong tiềm thức, tôi hỏi:
- Nhưng nếu con chọn con đường gian nan, ai sẽ hướng dẫn cho con, giúp con đủ cam đảm đương đầu với các thử thách?
- Ta sẽ là người hướng dẫn cho con trên đường này, nhưng con sẽ phải là người quyết định, không ai có quyền ép buộc con hết.
Tôi ngước mắt nhìn vị Trưởng Lão, tự nhiên tôi thấy có một cái gì thân thiện vô cùng trong ánh mắt ngài. Tôi cảm thấy tràn đầy thiện cảm với ngài, một cảm giác lạ lùng chưa từng có. Từ bé đến lớn, cuộc đời tôi luôn luôn đầy những vất vả, khắc khổ, chưa ai đối xử với tôi một cách tử tế, kể cả cha mẹ tôi. Cha tôi quá nghiêm khắc, chỉ nghĩ đến bổn phận, danh dự gia đình, chưa bao giờ Người tỏ một cử chỉ âu yếm với con cái, dù chỉ là một câu nói khích lệ. Mẹ tôi là một người đàn bà chỉ biết nghĩ đến danh giá và sự kiêu hãnh vật chất, bà dành tất cả thời gian cho các buổi họp mặt của các mệnh phụ hơn là để ý đến con cái. Chúng được giao cho những nhân viên trông nom và ông Tzu, một người chỉ biết đến kỷ luật cũng không làm tôi có thiện cảm gì cả. Trong một giấy phút, tôi đã quyết định:
- Thưa Trưởng Lão, con xin theo chân ngài, con xin chọn con đường gian nan nếu đó là tâm nguyện của con từ tiền kiếp.
Con đã suy nghĩ kỹ chưa, đây là quyết định của con.
- Thưa Trưởng Lão, con đã nghĩ kĩ nhưng... con rất ngại phải làm nhiều việc.
Trưởng Lão bật cười:
- Rampa đâu có ai muốn làm việc nhiều, nhưng ta rất vui mừng khi biết con có can đảm nói thẳng như vậy.
- Thưa ngài, như vậy con có thể làm việc ít hơn chăng?
- Con sẽ được huấn luyện một cách đặc biệt để khai mở các giác quan thần bí con đã có từ kiếp trước. Cách tu luyện này đòi hỏi một sự chuyên cần, chăm chỉ… Có như thế, con mới đủ nghị lực để chống lại với thử thách sau về sau. Nhưng hình như con thích chơi diều thì phải? Ta chỉ có thể cho con biết rằng, trong tương lai con sẽ có dịp cưỡi những con diều khổng lồ bay đi khắp nơi trong thiên hạ, con có thích không?
Tôi há hốc mồn kinh ngạc. Chơi diều là một điều tôi rất say mê, nhưng tự mình cưỡi những con diều bay đi khắp nơi lại là việc tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Liệu điều này có thể thực hiện được ư? Như thế tôi sẽ phải làm một con diều thật lớn. Làm diều là điều không bao giờ tôi e ngại dù có phải khổ cực đến đâu.
Theo phong tục Tây Tạng, khi đứa bé được nhận vào làm tu sĩ, người ta gửi chỏm tóc của nó về nhà cho cha mẹ để chứng minh rằng con họ đã được thu nhận và đã vượt qua thử thách. Trường hợp của tôi thì chính Trưởng Lão sư phụ mang chỏm tóc của tôi về nhà. Đây là một vinh dự vô cùng hiếm có, chắc chắn làm cha tôi vui lòng và mẹ tôi thế nào cũng tổ chức những buổi tiệc ăn mừng, người ta sẽ bàn tán chuyện này ít nhất hàng tháng nữa.
admin
Site Admin
 
Bài viết: 6798
Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 4 17, 2011 12:18 am

Quay về Tâm Linh / Tôn Giáo

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến16 khách

cron