Bốn ơn nặng và ba đường khổ là những gì?

Bốn ơn nặng và ba đường khổ là những gì?

Gửi bàigửi bởi audible » Thứ 6 Tháng 9 23, 2016 9:12 pm

BỐN ƠN NẶNG VÀ BA ĐƯỜNG CỨU KHỔ LÀ NHỮNG GÌ ?


Câu hỏi:

Đoạn mở đầu lúc khai kinh có câu:

Trên đền bốn ơn nặng,
Dưới cứu khổ ba đường.

Vậy bốn ơn nặng và ba đường khổ là những gì?

Trả lời :

* Bốn ơn nặng gồm có: ơn cha, ơn mẹ, ơn thầy dạy đạo cho mình và ơn chúng sinh.

Mẹ là người sinh ra và nuôi dưỡng mình nên người. Cha là người dạy dỗ, rèn luyện mình lớn khôn. Đó là ơn đức sinh thành dưỡng dục cao dầy của cha mẹ, mà bất cứ người làm con nào cũng nhất định phải ghi nhớ và báo đền.

Ơn cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao, biển rộng mênh mông
‘Cù lao’ hai chữ, khắc ghi trọn đời.

Ơn thứ ba là ơn của Tam bảo: Phật, Pháp và Tăng. Phật đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan để đi tìm con đường giải thoát và đã chứng ngộ được sự thật để chỉ dạy cho chúng sinh thoát khổ, vì vậy chúng ta cần phải nhớ ân đức của Phật.

Đức Phật nói ra chánh pháp, là con đường dẫn chúng ta đi tới chỗ an vui, giác ngộ. Nhờ học hỏi giáo pháp, chúng ta mới biết rõ chánh tà, phân biệt được đúng sai, thật giả. Giống như người biết nương ánh sáng của ngọn đèn soi lối trong đêm đen mà thoát khỏi nguy hiểm vì sa hầm sụp hố hoặc rơi vào cạm bẫy để đi đến nơi sáng lạn an vui. Vì vậy, chúng ta cần phải nhớ ơn của chánh pháp.

Tăng là những vị xuất gia và các bậc hiền thánh Tăng. Ho là những người đã từ bỏ thân bằng quyến thuộc và mọi thú vui của thế gian để tu học theo hạnh Phật và thực hành theo chánh pháp. Sau đó, họ đem những điều đã tu hành chứng ngộ hướng dẫn, giảng dạy cho chúng ta hiểu rõ để thực hành và đạt được an lạc giải thoát. Bởi vì đức Phật đã nhập diệt từ lâu, giáo pháp được viết bằng nhiều loại ngôn ngữ khác nhau như: tiếng Phạn, tiếng Hoa...Dù có được phiên dịch ra tiếng Việt, cách sử dụng từ ngữ, thuật ngữ chuyên môn vẫn khiến cho người đọc bối rối, vì không thể hiểu rõ nghĩa lý thâm sâu. Nếu không có những vị Tăng diễn giảng, chú giải thì chúng ta sẽ không biết được phương pháp để tu hành. Cho nên, chúng ta cần phải nhờ ân chỉ dạy của chư Tăng, ni.
Ơn thứ tư là ơn của chúng sinh có ý nghĩa rất rộng. Thông thường, mọi người lầm nghĩ rằng, tự mình làm thì mình ăn, chẳng cần nhờ cậy bất cứ ai. Hoặc chuyện của người khác thì tự họ lo, chẳng có liên quan gì tới mình...Tuy nhiên, nếu bình tâm xét kỹ thì chẳng những có liên quan với nhau rất nhiều, mà còn mật thiết không thể tách rời. Quần áo đang mặc trên người phải do người công nhân trồng vải nuôi tằm và cần nhiều công đoạn sản xuất may dệt mới có. Nếu nông dân không trồng trọt, thì dù có nhiều tiền, mình cũng không có cơm để ăn. Cũng vậy, từ căn nhà, chiếc xe, cho đến những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, thuốc men...nếu không có người ra công khó nhọc, thì tự mình chẳng thể sống sót. Tất cả mọi sự vật trên thế gian này được hình thành và tồn tại là do nhiều sự tương quan, nương tựa hỗ trợ lẫn nhau, không thể tách rời. Nếu không có những con người đó, thì chúng ta không thể nào có đầy đủ tiện nghi vật chất và nếu không có những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh thì cuộc sống này đâu thể bình an tốt đẹp. Do đó, chúng ta cần phải biết ơn của tất cả mọi người.
Xa hơn nữa, không những chỉ có loài người mà đến cả loài vật cũng có ân rất nhiều. Trâu bò kéo cày giúp người có lương thực để ăn, con giun giúp đất tốt để hoa màu tươi tốt, con chó giữ nhà, con mèo bắt chuột bảo vệ thóc gạo, con gà báo trời sáng, con tằm nhả tơ cho lụa đẹp...cho nên cần phải biết ơn của chúng. Các loài cây cỏ, rau củ, hoa quả, các loại đậu, lúa, mè...giúp nuôi sống con người, do đó sự biết ơn đối với chúng là điều không thể thiếu. Thậm chí đến cả loài vô tri giác như sỏi đá, đất, nước, không khí...đều giúp cho con người có nơi trú ngụ, đi lại và tồn tại.

Ánh sáng trí huệ của đức Phật đã giúp chúng ta soi thấu hết tất cả mối liên hệ chặt chẽ của toàn thể vũ trụ, làm cho tâm được sáng tỏ, mở rộng với muôn loài, chan hòa khắp đất trời. Không có một vật gì, dù nhỏ như hạt cát hoặc thậm chí vô hình như hư không mà không có ân nghĩa đối với mình. Vạn vật từng phút từng giây nuôi dưỡng mình khôn lớn, trợ giúp mình trưởng thành.

Người có trí tuệ sáng suốt sẽ thấy rõ rằng: “Tất cả chỉ là một và một bao gồm tất cả”. Tất cả mọi việc, mọi người xung quanh đều có ân vì đã cho mình vay mượn để có được chiếc thân này và tạo nên cuộc sống hiện tại. Họ không những chỉ biết thờ kính Phật, thờ phụng ông bà tổ tiên, cha mẹ và người thân, mà còn thờ kính luôn cả loài người. “Nhất giả lễ kính chư Phật”, bởi vì tất cả mọi người sớm hay muộn cũng đều sẽ thành Phật ở tương lai. Thậm chí, họ còn biết ơn những loài vật và tôn trọng tất cả cỏ cây, sỏi đá...Vì vậy, bàn thờ của người hiểu đạo là toàn thể vũ trụ vạn vật. Nếu có thể hiểu biết và ứng dụng trọn vẹn, tình thương của chúng ta sẽ bao trùm khắp vạn vật và tâm lượng sẽ rộng lớn vô lượng vô biên.

* Ba đường khổ gồm có: địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.

Trong tất cả các cảnh giới, thì chúng sinh trong cõi địa ngục là khổ đau nhất vì phải chịu những hình phạt tàn khốc suốt muôn vạn kiếp. Kế đến là loài ngạ quỷ phải luôn chịu cái khổ của sự đói khát và sau cùng là loài súc sinh phải chịu cảnh bị ăn nuốt lẫn nhau và bị người sát hại. Tuy vô số chúng sinh trong Tam thiên Đại thiên thế giới có hình dáng, cách sinh hoạt và nơi cư trú khác nhau, nhưng nếu xét về nhân quả ba đời thì tất cả đều đã từng có mối quan hệ mật thiết với mình. Không có một chúng sinh nào dù nhỏ nhất không từng là bà con quyến thuộc, cha mẹ hoặc anh em với mình trong suốt vô lượng vô biên kiếp xoay vần trong sinh tử luân hồi. Tất cả đều có ân nghĩa sâu nặng đối với mình, cho nên cần phải cố gắng nỗ lực tu tập và ban trải tình thương, muốn tìm cách cứu độ cho những chúng sinh đang bị chịu khổ ở trong ba đường dữ đó.

ĐĐ: Thích Minh Thành
audible
 
Bài viết: 598
Ngày tham gia: Thứ 6 Tháng 5 06, 2011 4:32 am

Quay về Tâm Linh / Tôn Giáo

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến10 khách