Người cha tiền kiếp

Người cha tiền kiếp

Gửi bàigửi bởi admin » Thứ 3 Tháng 8 16, 2016 5:37 pm

Chuyện ‘tiền kiếp’ của cha Việt con Mỹ thời hiện đại

chuyen-tien-kiep-cua-cha-viet-con-my-thoi-hien-dai-ky-1.jpg
chuyen-tien-kiep-cua-cha-viet-con-my-thoi-hien-dai-ky-1.jpg (80.06 KiB) Đã xem 1696 lần


Chuyện mới xảy ra vào giữa thế kỷ 20 đây thôi, và mãi cho đến ngày nay, cũng còn cả chứng nhân cũng như chứng tích, đủ để đóng một dấu chứng nhận về tính xác thực của nó, dành cho thế hệ bây giờ.


Chuyện xảy ra ở Việt Nam, nhưng lại bắt đầu từ bên Mỹ. Số là, vào khoảng thời gian năm 1956, có một kỹ sư Hoa Kỳ tên là Frank M.Balk. Chàng kỹ sư này suốt đời chẳng biết gì về cái xứ bé nhỏ xa xôi tận vùng Đông Nam Á tên gọi là Việt Nam cả.

Ấy thế mà… bỗng dưng một đêm nọ, chàng nằm mơ thấy một người đàn bà mặc áo trắng hiện đến bên giường và cất tiếng bảo rằng: “Người hãy mau đến một đất nước có tên là Việt Nam để tìm gặp lại vị cha tiền kiếp của mình. Hiện ông là một nhà sư đang sống trong một ngôi chùa tọa lạc trên một ngọn đồi gần thành phố. Ngươi khá đi ngay!”.

Chàng kỹ sư Frank M.Balk giật mình tỉnh giấc, tự lấy làm ngạc nhiên về giấc mơ kỳ lạ của mình. Chẳng những trong đầu óc chàng ta chưa từng có một ý niệm gì về cái xứ sở tên gọi là Việt Nam mà ngay đến hình ảnh một nhà sư, một ngôi chùa, cũng vậy. Thoạt đầu, Frank M.Balk nghĩ đây là chuyện mộng mị linh tinh.

Nào ngờ cái “kịch bản” trong cơn mơ nọ cứ lập đi lập lại, khiến chàng trai Mỹ, cuối cùng, phải đành tin là thật. Cơ duyên khế hợp: vào thời điểm này, tại Mỹ, người ta có tổ chức nhiều đoàn chí nguyện đến công tác ở Việt Nam. Sẵn cơ hội tốt, Frank M.Balk liền quyết định đăng ký.
Thế là, chẳng bao lâu, chàng kỹ sư người Mỹ đã được điều tới Việt Nam để… làm một công đôi việc: “một công”, dĩ nhiên đó là công tác xây dựng; còn “đôi việc”, đó là lợi dụng cái tính năng động rày đây mai đó của công tác kỹ sư của mình để “đi rỏn” khắp các ngôi chùa có đặc điểm “tọa lạc trên một ngọn đồi gần thành phố”.

Trong một thời gian ngắn, Frank M.Balk đã “công du” qua nhiều tỉnh: từ Cần Thơ, An Giang, Châu Đốc, Tây Ninh… cho đến Vũng Tàu, Sài Gòn… Và đến bất cứ nơi đâu, sau khi năng nổ hoàn thành công tác, chàng kỹ sư Mỹ cũng tranh thủ để tham quan từng “ngôi chùa đồi”, hy vọng sẽ, cuối cùng, tìm được “người trong mộng”.

Tiếc thay, qua ngần ấy dốc, ấy đồi, bóng chim tăm cá của người cha tiền kiếp vẫn biệt tăm. Cho đến một hôm… Lần này, Frank M.Balk được điều ra tận xứ Nha Trang thuộc miền Trung. Và cũng như với các tỉnh lân cận vừa kể ở trên, tại đây, cũng sau khi năng nổ hoàn thành công tác, Frank M.Balk đã sắp xếp dành cho mình 3 ngày để “đi viếng các ngôi chùa” cũng như “thăm các vị sư”.

Sau 2 ngày lặn lội mà chẳng nên công cán gì; đến ngày cuối, chợt trong tâm linh viên kỹ sư nghe như có một tiếng gì réo gọi. Anh chàng cứ việc thả bộ, đi, đi mãi theo tiếng gọi kỳ bí ấy… Cho đến lúc dừng chân, thì đã thấy mình đứng trước một ngọn đồi rất tráng lệ; và, trước mắt, một cổng tam quan có 3 chữ Nho rất đẹp mà chàng không đọc được, chẳng hiểu là chữ gì.

Tuy nhiên, viên kỹ sư biết chắc đây là một ngôi chùa, và hàng chữ nọ ắt là danh hiệu của ngôi chùa. Chàng bè cất bước đi lên đồi hỏi thăm.
Cũng may tại ngôi chùa này vào thời gian ấy đang có sự hiện diện của nhiều tăng sĩ có trình độ học vấn khá, nói thạo tiếng Anh.
Điều lạ lùng là: ngay khi vừa giáp mặt chàng trai người Mỹ này, các vị tăng sĩ tiếp xúc với chàng đã tỏ vẻ ngạc nhiên. Lúc đó, chàng chưa hiểu là có chuyện gì. Về sau, ngẫm nghĩ lại, chàng mới đoán ra lý do của thái độ ngạc nhiên này.

Gặp được người thành thạo tiếng Anh, viên kỹ sư bèn hỏi thăm tên ngôi chùa, và được biết đây là chùa Hải Đức, một danh lam và là một trung tâm văn hóa Phật giáo của thành phố Nha Trang. Đồng thời, cũng được biết vị sư cả trụ trì ngôi chùa là hòa thượng Thích Phước Huệ. Hòa thương, thời gian ấy, tuổi tác đã bảy mươi, và đang ngồi tụng kinh trước bàn thờ Phật.

Trong lúc vị hòa thượng già người Việt nhất tâm “thành tâm Bát Nhã” trước bàn thờ Phật, thì, đứng bên cửa niệm Phật đường, chàng kỹ sư người Mỹ cũng nhất tâm lặng lẽ quan sát hòa thượng già đang hành lễ trong một phong thái cực kỳ trang nghiêm.

Và, lạ lùng thay, chàng cảm nghe như người trước mặt chính là con người thân thương yêu quý nhất đời mà từ lâu chàng khát khao tìm kiếm. Con người ấy, dáng dấp ấy, gương mặt ấy… Thật nói chẳng hết lời!

Nhưng sự lạ lùng này không chỉ xảy đến trong nội tâm chàng trai Mỹ; các tăng sĩ chung quanh chứng kiến hiện tượng, cũng cảm thấy rất đỗi lạ lùng! Là vì: hai người kia, một tăng một tục, một già một trẻ, một Việt Nam một Hoa Kỳ, sao mà họ giống nhau đến thế!

Mãn thời tụng kinh, sư Phước Huệ đứng dậy. Chú tiểu vội ra dấu cho viên kỹ sư trở xuống hậu liêu chờ. Được các thầy trong chùa thông báo, sư Phước Huệ vội xuống gặp viên kỹ sư. Một cuộc hội ngộ lạ lùng đã diễn ra: viên kỹ sư, qua sự thông dịch của một thầy thạo tiếng Anh, đã trình bày cho Hòa Thượng Phước Huệ biết về giấc mộng kỳ diệu (bây giờ không còn là kỳ lạ nữa, mà đã trở thành kỳ diệu – hiển nhiên là thế) cũng như cuộc hành trình tìm người cha tiền kiếp của mình.

Trong khi nghe câu chuyện của người đối thoại, với gương mặt của người đối thoại như tác khuôn gương mặt của chính mình, hiển nhiên sư Phước Huệ chẳng hề nghe trong tâm gợn lên một thoáng hồ nghi nào: bởi chưng, tất cả, tất cả… đều đồng thanh hòa điệu nói lên rằng đây là sự thực.

Và kết thúc của cuộc gặp mặt này đã diễn ra đúng như điều mong đợi: sư Phước Huệ và chàng kỹ sư Frank M.Balk đã nhận nhau làm cha con; lại, còn hơn thế nữa: thầy trò.

Cha Việt con Mỹ còn nợ nhau ở ‘tiền kiếp’?
Tổ sư Phước Huệ được kỹ sư ở Mỹ nhận làm cha của “tiền kiếp”. Hai thân phận người ở nửa vòng trái đất phải chăng mắc nợ nhau và gặp nhau để trả nợ ở kiếp “lai sinh”?

Việc kỳ diệu này đã diễn ra vào ngày chủ nhật 27 tháng 4 năm 1958, lúc 4h30 chiều. Để rồi, hai tuần sau, một buổi lễ quy y cho viên kỹ sư Hoa Kỳ Frank M.Balk đã được tổ chức tại chùa Hải Đức. Sư Phước Huệ ban cho đệ tử mình pháp danh là Chơn Trí. Đồng thời, cũng ban cho đệ tử một chiếc áo tràng màu lam và chiếc quần dài màu nâu sòng.

Sau đó, “hai cha con” đã chụp chung một tấm ảnh kỉ niệm ngày hội ngộ. Tấm ảnh này đã được phóng lớn và treo ở hai ngôi chùa cùng tên là Hải Đức, một ở Nha Trang và một ở Huế. Ngày nay, du khách đến Nha Trang hay Huế, nếu ghé thăm hai ngôi chùa Hải Đức nói trên ắt sẽ thấy tấm ảnh treo ở nhà khách của chùa.

Nhìn tấm ảnh, ai cũng ngạc nhiên thấy sự trùng hợp lạ lùng về hai con người xa lạ. Người góc biển, kẻ chân trời nhưng lại có hai gương mặt, từ mắt, mũi, miệng, tai… cho đến cả khuôn mặt đều giống nhau như tạc.

Lại dưới tấm ảnh còn đề hai hàng chữ một bằng tiếng Pháp, một bằng tiếng Việt, như sau: Le fils perdu et retrouvé. Dimanche, le 27 Avril 1958, 4h30. Và: Đứa con mất đã tìm lại được. Chủ nhật 27-4-1958 – 4h30 chiều.

Trong khoảng thời gian đó, khi còn công tác tại Việt Nam, viên kỹ sư này đã vẽ kiểu và xây dựng một ngôi bảo tháp bên cạnh chùa Hải Đức nói trên. Câu chuyện “người cha tiền kiếp” này loan truyền khắp miền Nam, khiến chính quyền Ngô Đình Diệm – hết sức lo lắng.

Chính quyền họ Ngô đã tìm mọi cách tác động để chính quyền Hoa Kỳ phải triệu hồi kỹ sư Frank M.Balk về nước gấp. Cuộc chia ly thật vô cùng cảm động. Hai cha con nắm chặt tay nhau, rưng rưng nước mặt. Tình đời ý đạo, nói khôn cùng.

Từ đó, Frank M.Balk vẫn thường xuyên liên lạc với sư Phước Huệ.

Vào ngày rằm tháng tư năm 1963, sư Phước Huệ viên tịch. Nhà chùa có đánh điện qua báo tin cho viên kỹ sư, nhưng vào thời gian này, miền Nam đang nổ ra cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo nên việc trở lại Việt Nam để dự đám tang người cha tiền kiếp của viên kỹ sư Mỹ là bất khả. Nhưng dù sao…

Quả là: “nhưng dù sao”… thực. Vì chưng cuộc hội ngộ tương phùng của hai cha con, một Việt một Mỹ, một tăng một tục này dù muốn dù không cũng đã khắc một dấu ấn tuyệt vời lên cõi tâm linh Việt. Những người Việt ta, ai đã có nhân duyên chứng kiến chuyện này hoặc nghe biết chuyện này, thảy đều cảm nhận được một niềm hoan hỉ mang tính thiền duyệt, do thỏa mãn được niềm tin về chánh pháp, về đạo lý luân hồi.

Câu chuyện “người cha tiền kiếp” trên đây quả là đầy đủ ý vị: vừa đạo vị, vừa thi vị. Câu chuyện lại đầy đủ nhân chứng, vật chứng đáng cho người tin cậy. Nay nếu chuyện từ “sự” qua “lý” mà nói, thì ta cũng có thể thấy rằng nội dung câu chuyện còn rất phù hợp với cái gọi là “lý chứng”.

Viết đến đây, tôi lại chợt nhớ đến hai câu đối chữ Nho như sau:
Mai hương bất cập thi hương viễn,
Thế vị vô như đạo vị trường.

Có nghĩa là:
Mùi hương của hoa mai không thoảng xa bằng mùi hương của thơ, ý vị của đời không thấm thía bằng ý vị của đạo.

Qua câu chuyện “người cha tiền kiếp” trên, chúng ta, vô hình trung, có thể bắt gặp cái ý thâm túy của hai câu thơ vừa dẫn. Về câu “mai hương bất cập thi hương viễn” thì không cần nói tới ở đây, bởi chưng cái vai tuồng của câu này chỉ để “dẫn đường” thôi: câu hai mới là câu “trọng tài”. Rằng: vị đời khôn sánh bằng vị đạo…

Với trường hợp của câu chuyện “Người cha tiền kiếp”, thì vị đạo nó nằm ở trong mối tình cha con của sư Thích Phước Huệ và chàng Frank M.Balk vậy. Bởi chưng cái mối tình cha con của họ, những người sống lặng về tâm linh, hiển nhiên phải có một cái gì đó sâu đậm hơn các mối tình cha con thông thường khác. Ấy là vì: đạo vị vốn “trường” hơn, sâu lắng đậm đà hơn thế vị - vị đời.

Chính cái tính cách sâu đậm đà này mà trong kiếp lai sinh xảy ra vào thời điểm cuối thế kỷ thứ 19 kể trên, chàng Frank M.Balk mới để hồn phách mình mở ngõ mà lắng nghe được những tiếng gọi siêu thanh của sư Phước Huệ, “người cha tiền kiếp”, nay đang hiện hữu trên đời, cách nửa vòng trái đất; để rồi, theo quy luật “tương ứng tương cầu”, mọi sự đã xảy ra…

Điểm khác lạ là ở đó, mà điểm tương đồng cũng ở đó. Thì cũng vì chữ Ái làm động cơ tạo nên nghiệp lực để đẩy guồng máy luân hồi đó thôi. Có điều là thay vì là si ái, thì đây là từ ái, là hiếu ái, một niềm ái thật trong lành, nó giúp con người tinh tấn…

Trên đây, chúng ta đã đề cập đến một số trường hợp tiêu biểu cho tình trạng luân hồi do chữ Ái. Nay để thay đổi không khí, chúng ta thử chuyển đề tài. Từ chữ Ái, chữ Ân, chúng ta thử chuyển qua chữ Ố, chữ Oán. Qua một câu chuyện lân hồi chuyển kiếp tất nhiên cũng “người thực việc thực”, lại rất, rất đặc thù.

Tác giả: Huỳnh Uy Dũng Cảm
admin
Site Admin
 
Bài viết: 6798
Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 4 17, 2011 12:18 am

Quay về Tâm Linh / Tôn Giáo

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến9 khách

cron