Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Cơ thể con người là tiểu vũ trụ thu nhỏ

Gửi bàiĐã gửi: Thứ 7 Tháng 8 13, 2016 5:56 pm
gửi bởi admin
hư nhà NPLong Montreal.

Trong quá trình chiêm nghiệm về bản thân, có một điều tôi thật sự ngạc nhiên là cách con người đánh giá về thân thể của mình. Nói chung thì người ta, cùng với tôn giáo, cho rằng thân xác, nói khó nghe, là xấu xa, còn nói dễ nghe, là không tốt đẹp gì, cần phải che đậy, khắc phục, áp chế, đè nén. Một thi sĩ nổi tiếng cũng viết rằng: 'Ôi, thân thể, một cái bình tội lỗi!'. Thật ra tôi cho rằng có tội chính là cái đầu ông ta đã nghĩ tội như vậy!.

Do phát xuất từ đủ loại thành kiến nên người ta ít ai để ý hay tìm hiểu về cái thân thể mình đang cưu mang, cho đến khi nó gây ra vấn đề cho mình!. Kể cả đối với những người đầy kiến thức và nổi tiếng cũng vậy. Tôi nhớ Steve Job qua đời vì ung thư tuyến tụy, và ông thú nhận rằng, cho đến khi bị bệnh, ông không biết bộ phận này nó làm cái gì và nằm ở đâu trong cơ thể. Ôi! em đã quên mùa thu, và anh đã quên đi thân thể mình!.

Socrate có một câu châm ngôn: Nosce te ipsum (Homme, connais-toi toi-même), nghĩa là: Người ơi, hãy tự biết mình. Khi mà con người có thể thật sự hiểu về chính mình, thì cái mới, cái đúng sẽ mở ra với mình. Phải chăng hiểu mình một cách toàn diện bao gồm cả hai mặt thể xác và tinh thần. Còn Descartes thì phân chia rạch ròi giữa tinh thần và vật chất. Nhưng có thật là thể xác và trí óc là hai thực thể riêng biệt?.

Trước hết, nói về phần vật chất, thì cơ thể con người là một tiểu vũ trụ thu nhỏ. Nó được cấu tạo bởi 75 000 tỷ tế bào (cellules), trong đó gần 100 tỷ nằm trong não. Nếu đặt ADN trong tất cả tế bào cạnh nhau, thì dài bằng ba lần khoảng cách đi và về từ quả đất tới mặt trăng. Tất cả mạch máu trong người nối lại, dài bằng hai lần rưỡi chu vi trái đất. Nghe mà đổ mồ hôi!, nhưng điều làm kinh ngạc nhất chính là khả năng hợp tác và trao đổi mật thiết giữa những tế bào.

Bộ máy cơ thể này hoàn toàn tự động. Mỗi tế bào như là một xưởng nhỏ có khả năng chế tạo gần 30 000 phân tử (molécules). Hàng trăm triệu phản ứng hóa học xảy ra mỗi giây trong những cơ quan khác nhau nhằm tương trợ và cộng tác với nhau. Chỉ riêng trong lá gan thôi thì mỗi giây xảy ra hơn 100 000 phản ứng để lọc máu.
Tuy nhiên, chúng ta không cần phải làm gì cả cho hoạt động tự điều phối này. Mỗi nhịp hô hấp, mỗi nhịp tim đập, sự điều chỉnh tỷ lệ acide để tiêu hóa mỗi thức ăn, sự duy trì nhiệt độ cơ thể ở 37 độ C, mỗi cái nháy mắt, tất cả đều phối hợp hoàn chỉnh mà không cần ta chú ý.

Cơ thể con người là một hệ thống hoạt động hỗ tương, trong đó mỗi bộ phận tự quản lý riêng mà vẫn duy trì hợp tác với toàn thể. Nó vận hành theo sự điều khiển của một sự thông minh nội tại có thể nói là siêu nhiên, ma thuật, không phải sự thông minh nhỏ bé của trí óc có thể so sánh được. Nguồn gốc và bản chất của cái thông minh nội tại này vẫn là một ẩn số đối với khoa học và đầu óc con người.

Một hệ thống kỳ diệu như vậy của thiên nhiên thì sao có thể xem là xấu xa, tội lỗi. Cái xấu, cái sai thật ra nó nằm trong suy nghĩ và tư tưởng của cái đầu. Ví dụ như lấy vấn đề bản năng sinh dục (sex) mà xem xét. Trong cơ thể con người chỉ có một năng lượng chủ yếu là năng lượng sinh dục (sex energy). Nó cần cho sự duy trì nòi giống và phát triển sinh học của con người giống như nhựa cây nuôi dưỡng va phát triển cây cối vậy. Nó thuộc về bản năng tự nhiên, không có tốt xấu gì cả. Vấn đề chỉ phát sinh khi sex bị ám ảnh bởi cái đầu, trở thành ám ảnh tình dục (sexuality). Người ta gọi sex crime là không đúng, phải gọi đúng là sexuality crime. Bản chất vấn đề nằm trong suy nghĩ ám ảnh của cái đầu và môi trường xã hội bên ngoài.

Cơ thể tự điều hòa và tự chữa trị theo luật riêng của nó. Điều mà y học có thể làm, ngay cả trong những truờng hợp tai nạn xấu nhất, là trợ giúp, sửa chữa và đặt lại như cũ, nhưng còn lại thì với thời gian, chính cơ thể tự ổn định, tự xây dựng lại cho nó. Và những điều mà do tự nhiên làm, không như do con người làm, thì không hề có mặt trái hay tác dụng phụ.

Với số lượng mỗi ngày có 200 tỷ tế bào chết đi và được thay mới, mỗi năm hay hơn một chút, tất cả tế bào trong cơ thể chúng ta đều được thay mới hoàn toàn. Như vậy coi như mỗi năm cơ thể chúng ta đều đã chết đi, chứ không phải đợi đến khi già mới nghoẻo. Chỉ có khác là mỗi năm chúng ta đều chết đi và sống lại, hoặc đúng hơn, quá trình sống và chết đã diễn ra đan xen liên tục với nhau, cho đến khi cơ thể tiến đến cực hạn (tùy theo điều kiện sống của nó) và tiêu thất luôn, không có khả năng tự tái tạo nữa, vì mọi vật chất đều hiện hữu tạm thời.

Trong phạm vi cái cực hạn của thân xác, chúng ta đã tiến hóa theo các hình thể khác nhau từ ấu thơ đến thiếu niên, đến thanh niên, trung niên, rồi lão niên. Hình thể này chết đi và được thay bằng một hình thể khác, nhưng dòng năng lượng bên trong vẫn tiếp tục, như không hề có sống và chết. Và khi cơ thể này đến cực hạn và tiêu thất, thì dòng năng lượng bên trong này vẫn tiếp tục chảy trong một cơ thể khác, vì dòng sống vẫn luôn tiếp tục không hề gián đoạn.

Sự sống của chúng ta có được nhờ tiếp nhận ánh sáng, hít thở không khí của trời, và hấp thụ thức ăn của đất, nhờ vào mọi cái của thiên nhiên, nên cơ thể thật của chúng ta chính là cái vũ trụ lớn vô hạn này. Còn thân thể bằng xương bằng thịt này của chúng ta chỉ là cái cửa ngõ đi vào mà thôi. Chấp nhận cái giới hạn của thân xác, hay đi ra khỏi giới hạn của nó, chỉ là vấn đề cách nhìn mà thôi. Nhưng cái cách nhìn này nó khác biệt như phân ra giữa trời với đất.

Thân xác và trí óc là một thể thống nhất. Thân thể là tầng bên ngoài của trí óc. Còn trí óc là tầng bên trong của thân thể. Những cảm giác chúng ta có chính là phản ứng của thân thể đối với môi trường bên ngoài. Còn tình cảm phát sinh nơi con người chính là phản ứng của thân thể đối với những suy nghĩ, tư tưởng hình thành từ trí óc. Cảm giác là cái có thật, nếu chúng ta không chú ý hoặc bỏ qua chúng thì phải chịu hậu quả, có khi nghiêm trọng. Còn tình cảm thì tùy thuộc vào suy nghĩ. Suy nghĩ khác nhau thì tình cảm khác nhau. Đây là một chuyện mà nếu nghiệm ra và hiểu thấu thì sẽ có những áp dụng quan trọng trong cuộc sống.
Tất cả những gì bị đè nén trong con người mình đều không mất đi, mà chỉ dồn sâu xuống bên dưới, chờ dịp để ngoi lên lại, với một cường độ ngày càng mãnh liệt hơn. Cứ nhìn thực tại nơi con người thì biết. Bởi vì tất cả những gì chúng ta đạt được bằng cách chinh phục, khắc phục, áp chế, thì đòi hỏi suốt đời phải luôn luôn tái chinh phục, nghĩa là diễn ra một cuộc tranh chấp nội tại mà chúng ta không bao giờ thắng, chỉ có từ bị thương tới chết!.

Cái nhìn của chúng ta nói chung cho tới bây giờ vẫn còn chịu ảnh hưởng quan điểm cơ học (vision mécaniste) của Isaac Newton từ thế kỷ XVII. Newton quan niệm về vũ trụ, các hành tinh, động vật và con người như những thực thể biệt lập, ít có ảnh hưỡng lẫn nhau. Descartes, về phần ông, thì chia tách tinh thần và vật chất, và như vậy phân biệt thể xác và tinh thần. Darwin thì đặt con người một mình ở đầu chuỗi tiến hóa. Những lý thuyết này đã để lại nhiều lãnh vực chưa thăm dò.

Cho đến khi ra đời khoa vật lý lượng tử (physique quantique) đầu thế kỷ XX, với những Max Planck, Werner Heisenberg, và Albert Einstein, thì đã cho chúng ta thấy thực tại một cách khác. Vật chất như chúng ta vẫn thấy, thật ra không hiện hữu. Và thể xác chúng ta là một mạng lưới mà trong đó, mỗi tế bào đều thường trực liên lạc, tương thông với tất cả mọi tế bào khác, không bị hạn chế gì về không gian và thời gian. Hơn nữa, nó còn tương thông với cả mạng lưới vô cùng của vũ trụ. Chúng ta không hề biệt lập, mà ở trong trạng thái tương giao với phần còn lại của vũ trụ.

Khoa vật lý lượng tử đã hé cho chúng ta thấy vũ trụ siêu nhỏ (univers microscopique) của các hạt vật chất (particules) và những nguyên tử (atomes). Nhưng những lý thuyết đã được chứng thực của nó vẫn chưa được ứng dụng nhiều vào thế giới bình thường của con người hiện vẫn đang còn dựa nhiều vào khoa vật lý của Newton.

Xin cám ơn quý vị đã đọc thư.