Phật Giáo Trong Y Khoa Ở Hoa Kỳ

Phật Giáo Trong Y Khoa Ở Hoa Kỳ

Gửi bàigửi bởi nguyenthien » Thứ 7 Tháng 10 31, 2015 4:27 am

Có lẽ với rất nhiều người dân Việt Nam, ở các nước phương Tây văn minh và hiện đại, khoa học kỹ thuật hàng đầu và tiện nghi đầy đủ, tôn giáo chỉ là một phần thứ yếu không đáng xem trọng. Tôn giáo chỉ thường được đề cập đến như là một phương tiện cứu cánh ở các nước đói nghèo, thiếu văn minh để làm chỗ dựa cho những tâm hồn khổ đau, nương tựa. Tuy nhiên, điều này có phần ngược lại. Ở Hoa Kỳ, tôn giáo đóng một vai trò rất lớn và được tôn trọng tuyệt đối, đặc biệt là trong y khoa.

Đến thời điểm này, tôi đã làm trong ngành y khoa được 9 năm, tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân đủ mọi thành phần từ khi còn là một sinh viên làm tình nguyện, y tá và bác sĩ khám chữa bệnh. Nhìn khắp lượt, những bệnh nhân thường có một niềm tin tôn giáo cao hơn cả người thường, nhất là trong thời khắc đối diện với sự sống chết, các ca phẫu thuật và chẩn đoán chữa trị ung thư. Không chỉ có bệnh nhân mà đến các y bác sĩ cũng có một niềm tin tôn giáo rất đặc biệt.

Nơi tôi sống cộng đồng người Á Châu và đặc biệt là người Việt không nhiều nên đa phần chỉ là người Mỹ. Do đó, tôn giáo chính của họ là Thiên Chúa Giáo và Tin Lành. Trong mỗi bệnh viện đều có nhà thờ nguyện cầu cho bệnh nhân và người thân tĩnh lặng và có cả những linh mục với nhiệm vụ hàng ngày đến gặp bệnh nhân để cầu nguyện, trao đổi, trò chuyện nâng đỡ tinh thần. Bất cứ lúc nào bệnh nhân cần gặp linh mục, chúng tôi đều liên hệ và sau đó sẽ có người đến gặp.

Ở bệnh viện quân y tôi từng làm việc bốn năm, các cựu chiến binh rất mong được có người bên mình và sự nguyện cầu, tôn giáo trong họ rất lớn khi nghĩ về những điều khủng khiếp đã xảy ra. Biết bao nhiêu là loại thuốc an thần được viết toa nhưng bình an trong tâm vẫn là một điều xa vời nên họ luôn mong God sẽ che chở và bảo vệ họ, giao phó số mạng cho Chúa Trời.

Tôi thấy việc nguyện cầu, có nhà thờ trong bệnh viện cũng là một nét rất hay và trợ giúp bệnh nhân rất nhiều. Tâm linh luôn song hành với con người dù họ là ai, làm gì. Để sau mỗi lần khổ đau, họ lại có chốn nương mình tìm về làm bạn nâng đỡ tâm mình. Và đôi khi vì quá sùng tín mà cũng có vài trường hợp cực đoan đến tội nghiệp.

Tại phòng khám cũng là một trung tâm rất lớn chữa trị các loại bệnh về máu và ung thư thuộc trường đại học Florida, giữa rất nhiều y bác sĩ, nhân viên với các niềm tin khác nhau, chỉ có mỗi tôi là một Phật tử. Thông thường ở đây, mọi người thường hay treo ảnh gia đình, treo những câu nói về niềm tin tôn giáo của họ. Còn tôi, ngoài vài ảnh gia đình thì toàn là ảnh Phật, các câu nói hay, ý nghĩa đầy khoa học của Đức Phật bằng tiếng Anh.

Ở Mỹ, tôn giáo niềm tin được tôn trọng nên không ai có quyền xâm phạm đến tín ngưỡng của người khác. Do đó, bàn làm việc của tôi có phần khác lạ ai đi ngang cũng ngắm nhìn và chăm chú đọc, chiêm nghiệm những lời dạy ấy. Để rồi rất nhiều người giật mình không tưởng khi hỏi tôi Phật Giáo là gì? Tôi chỉ họ đọc những lời dạy ấy. Họ bất ngờ vì chỉ toàn nói về tình thương, về nhân quả, về nhân cách sống làm người và bảo rằng nếu thế họ cũng là một Phật tử.

Đồng nghiệp và những bác sĩ làm việc chung vẫn thường thắc mắc vì sao chẳng bao giờ thấy tôi ăn dù biết tôi ăn trường chay, hoặc có đa phần cũng là hoa quả nhưng lại có một năng lượng rất lớn, làm việc không mệt nghỉ. Tôi chẳng biết trả lời sao, chỉ bảo do thiền tập, giữ chánh niệm không để tâm loạn quá nhiều nên nhu cầu về năng lượng không cao. Lẽ dĩ nhiên, tôi chỉ dừng lại ở đó chứ không thể đề cập đến vấn đề trì chú, niệm Phật sẽ là nhiều việc rắc rối đằng sau. Nếu họ biết được mỗi ngày sau khi làm việc đến mệt nhọc, buổi tối tôi còn có thời khóa tu lạy 100 lạy mỗi ngày họ sẽ nghĩ đó là một sự hành xác nên tất cả tôi đều nói do thiền.

Hình ảnh

Thật buồn cười, không biết có phải là một hương hoa mới nhưng tôi lại được xem trọng, đánh giá cao ngoài năng lực làm việc vì là một Phật tử.Nhớ ngày đi phỏng vấn xin việc, ông bác sĩ đứng đầu ở đây không hề hỏi tôi bất cứ điều gì về cá nhân, về công việc làm mà chỉ hỏi tôi về thiền vì tôi ghi trong hồ sơ tôi biết thiền tập. Nhiều đồng nghiệp thường xuyên gởi công thức ăn chay, trao đổi về vấn đề thiền, về Phật Giáo và thậm chí là có một niềm tin rất lớn với Ngài dù tôi không bao giờ tự thân thuyết giảng. Có đồng nghiệp khi sinh con đã quyết định đặt tên con là Bodhi, mầm bồ đề giác ngộ vì gia đình cũng thích Phật Giáo, quyết nhờ tôi chỉ đọc cho đúng làm tôi rất là tức cười.

Ở các trường y khoa, vấn đề thiền tập và có phòng tĩnh lặng như để sinh viên ngồi đàn luôn được thiết lập. Dù là tôn giáo, thành phần gì, họ đều tiếp xúc, chấp nhận thiền một cách dễ dàng. Hoặc ít ra chỉ là khuyến khích bệnh nhân hít thở đều, thở sâu, theo dõi hơi thở khi họ bị đau hay làm những phẫu thuật gì. Dạng thở sâu ấy chính là thiền. Việc giảng dạy hít thở, thả lõng cơ thể, giảm stress thông qua thiền, chú tâm, nhất là trong lúc giải phẫu rất được xem trọng.

Những lần trò chuyện,chữa bệnh cho bệnh nhân, tôi không hề cảm thấy khó chịu hay động tâm với bất cứ niềm tin tôn giáo gì của họ, dù đôi phần rất cực đoan. Có nhiều lần vì quý tôi quá, bất cứ điều gì họ cũng muốn chia sẻ và muốn tôi theo con đường của họ. Trước những ca phẫu thuật, họ đều muốn tôi đến cùng ngồi, cầm tay tôi, đặt tay tôi trên thánh kinh để cùng cầu nguyện. Vì để làm họ an tâm, tôi luôn vui vẻ cùng nguyện cầu theo ý muốn của họ với sự thành tâm. Tôi thường đứng hay ngồi bên cạnh để họ được cầm tay tôi còn trong tâm niệm Phật hoặc niệm chú Tiêu Tai Cát Tường hay ngũ bộ chú trong khi họ nhất tâm cầu nguyện.

Một số bệnh nhân tâm rất rộng mở, chưa xác định được niềm tin thật sự nhưng lại thích thiền tập, có thể là theo hơi thở hoặc thiền theo tranh, theo phong cảnh. Khi biết được tôi là người tu hành theo Phật giáo, thích thiền, họ tỏ ra quý tôi vô cùng và thường xuyên hỏi tôi về những điều này. Họ chia sẻ cảm giác an lạc, bình an, có thể kiểm soát cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ, giúp họ khỏe hơn, vui hơn, thoát những suy nghĩ tiêu cực.

Có bệnh nhân bị những căn bệnh về hệ miễn dịch rất là tội nghiệp, cộng thêm tiền sử gia đình không hạnh phúc, tâm lý không được ổn định và đo đó kéo theo hàng loạt bệnh khác vì tâm không an mọi thứ đều rối loạn. Vậy mà nhờ thiền tập, họ cân bằng được mình, sức khỏe tốt hơn. Mỗi lần đến khám bệnh, đọc những xét nghiệm tôi cũng không ngờ. Có lần họ vui quá vì sau bao nhiêu năm dương tính cho bệnh ấy, vì quân bình được mình, kết quả trở thành âm tính. Tôi cũng chẳng biết vì sao nhưng họ bảo nhờ thiền tập làm tôi cũng vui. Do đó, thay vì đến khám bệnh, tôi chẩn đoán, khuyên họ thì buổi khám bệnh trở thành một buổi thảo luận nhỏ về Phật pháp và thiền.

Ở Mỹ, bệnh nhân hay mọi người tìm đến với Phật pháp vì họ thấy đó là một triết lý giảng dạy rất khoa học, mang lại hiệu quả an lạc chứ không phải là vì một tôn giáo thánh thần, quyền năng van cầu, sùng bái. Dù với niềm tin gì, họ đều tìm đến với Phật Giáo một cách rất dễ dàng, thoải mái, không cảm thấy có sự cản trở hoặc khó khăn. Sách vở về y khoa cũng đề cập khá nhiều về thiền còn những trung tâm thiền, các phòng thiền nhỏ ở khắp nơi.

Lợi ích về thiền hành và tu tập theo Phật giáo thấm vào từng hơi thở của tôi nên tôi muốn chia sẻ với bệnh nhân và mọi người. Sau bảy năm tu tập, hành trì, ăn chay niệm Phật, tôi cảm nhận một luồng năng lực nội tại rất lớn bên trong, sự chú tâm mạnh hơn và cảm giác vi tế chính xác hơn. Có nhiều lúc tôi không biết tại sao mình lại có những cảm giác đó nhưng tôi không chấp vào, không cho đó là đúng, là hay dù đã cứu tôi nhiều lần.

Vì tôi làm bác sĩ chăm sóc các bệnh nhân có vấn đề về máu và ung thư, nhiều lần gặp những bệnh nhân thần sắc rất tệ, người tôi rất nặng nề. Nói về lý nhân quả họ đã làm một điều gì đó rất ghê gớm. Họ xuất hiện trước mặt tôi rất hiền lành, đau khổ, mọi thứ ngỡ như không biết vì sao xuất hiện. Khi tìm hiểu sâu hơn, tôi biết họ đã từng làm nhiều việc ghê gớm, sát sanh, chài lưới, câu cá và cả những điệp vụ vào tù ra khám, lừa đảo họ đều kể cho tôi nghe. Tâm tôi thất thần chỉ biết niệm Phật cho họ. Do đó, mỗi lần khám bệnh cho bất cứ bệnh nhân nào, tôi đều nghe phổi và tim khá lâu, một phần vì khám bệnh và một phần tôi đều niệm hồi hướng cho họ một ít câu Phật hiệu.

Có những lần làm sinh thiết xương lấy tủy, tôi cần sự trợ giúp của các Bồ Tát, theo suy nghĩ của tôi. Đây là một chẩn đoán chỉ làm bằng cách tiêm một chút thuôc tê phía trên da thịt và chọc kim rất lớn đi vào tủy xương nên sẽ rất đau nếu không cẩn thận. Trước những lần làm việc, tôi đều tự niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, cầu mong các vị Bồ Tát, thầy tổ cầm tay tôi để tôi làm được nhẹ nhàng, bệnh nhân bớt đau. Nhiều bữa rất buồn cười, vừa tiêm thuốc tê và niệm Phật vài câu, bệnh nhân đã ngủ và tôi không hiểu làm thế nào có thể ngủ được.

Có một số bệnh nhân từng làm tủy xương nơi khác rất đau, rất sợ bị sinh thiết tủy xương, đến khóc lóc van xin trước khi tôi bắt đầu. Tôi an ủi, động viên và chỉ còn cầu mong các vị Bồ Tát giúp tôi. Bất ngờ làm sao, sau khi làm xong, họ bảo không quá đau và có bệnh nhân còn bảo như có một luồng cảm giác rất nhẹ êm khi tôi châm kim vào. Vì quá mừng nên họ đã viết thư gởi cho các sếp của tôi ở phòng khám cảm ơn. Tôi được mọi người ở phòng khám xem là người làm sinh thiết tủy xương giỏi nhất và ít đau nhất. Lẽ dĩ nhiên, tôi chỉ cười vì biết những ca đạt như vậy không phải do tôi mà là do có sự trợ giúp của các Bồ Tát xung quanh dù hiển nhiên cũng có một số ca không thành công vì tủy xương của bệnh nhân có vấn đề.

Phần lớn tôi làm việc theo đúng tinh thần của một người thầy thuốc, lắng nghe những không phán đoán (active listening and non-judgement) và tôn trọng tất cả mọi niềm tin của họ. Ngược lại, họ cũng quý trọng tôi vì tôi thật sự nghe họ nói và giúp đỡ họ. Tuy nhiên, có một số trường hợp bệnh nhân quá sùng tín và cực đoan, chỉ tin vào mỗi niềm tin của họ và cố gắng "cải đạo" tôi bất cứ giá nào làm tôi có phần hơi mệt.

Một số bệnh nhân của tôi từng là các mục sư Thiên Chúa Giáo và Tin Lành nên vừa thấy tôi chấp nhận nghe họ nói, niềm tin "cải đạo" trỗi dậy trong họ mãnh liệt. Tài liệu họ đưa đến cho tôi không thiếu thứ gì và những lúc rãnh tôi phải đọc để "trả bài" làm cho họ vui. Nhân cơ hội đó, họ bắt tôi cầm tay thệ nguyện theo con đường của họ, lặp lại những gì họ nói và "chỉ dạy" tôi phải nguyện cầu thế nào thế nào.

Có nhiều lần vì thương họ khổ đau, chỉ còn dựa vào niềm tin cực đoan, tôi làm cho họ vui là chính vì trong tâm câu lục tự Di Đà cứ vang vọng. Do đó họ thường xuyên gọi điện đến phòng khám tìm tôi và y tá của tôi phải tiếp chuyện từ chối khéo. Một số lần "quá kích" tôi phải từ chối lịch sự, gật đầu chấp nhận cho có lệ để họ ra về tôi còn làm việc. Những lúc như vậy tôi thấy thương họ vô cùng như rất nhiều những người bằng mọi giá thường đến nhà tôi truyền đạo, giảng đạo dù ba tôi đã rất nhiều lần đuổi thẳng, chỉ vào bàn thờ Phật trong nhà nhưng vẫn không ăn thua.

Vài trường hợp, dù đang sống cuộc sống nơi đất nước văn minh hiện đại, vì sự sùng tín đến cực độ, họ phó mặt hết mọi thứ cho Chúa Trời. Họ tin rằng con cái là do Chúa ban đến nên không được dùng các biện pháp tránh thai, không được ngưng sinh con và khả năng sinh được bao nhiêu nhận bấy nhiêu. Có bệnh nhân chỉ vừa 37 tuổi, bệnh tật triền miên, chồng bệnh thập tử nhất sinh, bao nhiêu lần khuyến cáo nếu tiếp tục sinh con có thể chết nhưng họ vẫn sinh đến hơn 10 đứa con, nhìn trông già nua thảm hại. Tất cả lại ở nhà chờ tiền trợ cấp của chính phủ và vẫn muốn tiếp tục sinh con.

Có ông bệnh nhân đứa con thứ 12 vừa chào đời thì cũng là lúc đứa con đầu chuẩn bị kết hôn. 12 đứa con ông xem là các thiên thần của Chúa, chỉ có ông được phước như vậy và lo lắng vợ không thể sinh con thêm. Biết những trường hợp như vậy, tôi ngoài mặt vẫn vui đùa, ca ngợi nhưng bên trong héo sầu cứ tưởng như thời phong kiến ở Việt Nam cách đây cả ngàn năm.

Phật Giáo dù trên danh nghĩa thiền, an tĩnh tâm hồn, sống chánh niệm, ăn chay đang lan dần theo nhiều khía cạnh ở Mỹ. Tại những cộng đồng người Việt hay Á Châu sinh sống đông đúc, một số nhà sư đã được mời vào làm việc trong hội đồng tôn giáo ở bệnh viện như những vị linh mục vậy. Tôi biết một vị thầy cón khá trẻ nhưng tâm đạo và khả năng làm việc để hoằng dương Phật pháp, mang lại hạnh phúc cho các Phật tử cuối đời muốn được các nhà sư nguyện cầu và thầy nằm trong ban nguyện cầu tâm linh của thành phố cho nhiều bệnh viện. Thầy bảo thầy đã từng đấu tranh rất nhiều khi cho các quan chức thành phố biết rằng họ đã loại bỏ đi niềm tin Phật giáo, niềm tin tôn giáo của rất nhiều người. Giờ đây, thầy được rất nhiều sự tín nhiệm và kể cả ở các nhà tang lễ, mỗi khi thấy thầy họ đều rất vui.

Vật chất chỉ giúp nuôi dưỡng huệ mạng nhưng con người cần có cả tâm linh nuôi dưỡng tâm hồn mình. Niềm tin tâm linh vô cùng quan trọng, quyết định rất nhiều vấn đề về hạnh phúc và sức khỏe vì "tâm bình thế giới bình, tâm an vạn vật an." Phật giáo đang dần dần thấm nhẹ vào đời sống của người phương Tây, đặc biệt là trong y khoa một cách thiết thực và đúng nghĩa, không nhuốm màu mê tín dị đoan, đúng tính chất "văn tư tu" hiểu và hành trì. Ở đó mọi người đều cảm thấy có bóng hình của mình, không giáo điều cực đoan, không bắt ép, vây hãm niềm tin của ai mà chỉ nguyện mong ai có duyên hành trì đều nhận được sự an lạc, hạnh phúc.

Cội nguồn tâm linh của phương Đông đang nở ra bay khắp mọi nơi Âu Mỹ theo gót chân của khoa học thực nghiệm lẫn khoa học thân tâm hy vọng sẽ có nhiều kết quả tốt đẹp và thiết thực trong vấn đề chữa trị,hồi phục sức khỏe cho bệnh nhân. Nguyện mong sẽ có thật nhiều, thật nhiều những trung tâm tâm linh của Phật Giáo cùng bước chân của các nhà sư mang hạnh Bồ Tát Đạo xuyên khắp mọi nơi trong các bệnh viện đầy hiện đại nhưng cũng lắm khổ đau ở nơi đây.

Ngọc Hằng

(nguồn: http://linhsonphatgiao.com/31/10/2015/p ... oa-ky.html)
nguyenthien
 
Bài viết: 8
Ngày tham gia: Thứ 2 Tháng 4 27, 2015 11:27 pm

Quay về Tâm Linh / Tôn Giáo

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến15 khách