Cầu Siêu Có Được Siêu Thoát ?

Cầu Siêu Có Được Siêu Thoát ?

Gửi bàigửi bởi admin » Thứ 4 Tháng 9 03, 2014 12:06 am

Cầu Siêu Có Được Siêu Thoát ?

Thế nào là cầu siêu? Những đối tượng nào thì phải cầu siêu?
Làm cách nào để biết hương linh chưa siêu thoát mà cầu siêu? Và sau khi cầu siêu thì
tình trạng của hương linh như thế nào? Có thực sự siêu thoát không? Làm thế nào để kiểm
chứng được việc cầu siêu có kết quả là hương linh được siêu thoát hay đó chỉ là niềm tin?

Cầu siêu trong Phật giáo là pháp thức cầu nguyện ơn trên Tam bảo từ bi tiếp độ,
tu tạo công đức để hồi hướng, và quan trọng nhất là vận dụng thần lực của tiếng kệ lời
kinh khai thị giúp cho hương linh tỉnh thức mà xả bỏ lầm mê, sanh về Tịnh độ
hay sanh lên những cảnh giới an lành.

Về đối tượng cần được cầu siêu, đại để có ba nhóm chính:

1. Nói chung, khi chưa thoát ra khỏi tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới),
tức còn luân hồi khổ đau sanh tử mọi chúng sanh cần cầu siêu thoát.
2. Khi theo nghiệp ác tái sanh vào ba đường khổ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thuộc
lục đạo của Dục giới) chịu khổ vô lượng nên rất cần được cứu độ.
3. Khi hương linh vừa mới chết đang ở trạng thái thân trung ấm, trong giai đoạn kết
nghiệp thọ sanh (tối đa khoảng 49 ngày) họ rất trông mong được thân nhân làm phước và cầu siêu.

Muốn biết thân nhân của mình sau khi chết có siêu thoát hay chưa để chí tâm dốc sức cầu siêu,
căn cứ vào những đặc điểm sau đây:

1. Người lúc sanh tiền chưa từng làm điều ác, toàn làm điều thiện thì sau khi chết liền sanh lên các cõi trời hưởng
phước thù thắng, những người như thế là các bậc Thánh rất hiếm có ở đời.

2. Người lúc sanh tiền làm những điều cực ác (giết cha, giết mẹ, giết người, đồ tể, phá chùa, đập tượng…),
sau khi chết liền đọa vào địa ngục, những người thuộc nhóm này cũng không nhiều lắm.

3. Người lúc sanh tiền làm thiện rất nhiều mà làm ác cũng không ít, nói chung là thiện ác đều có, thì khi chết thường trải
qua giai đoạn thân trung ấm, rồi mới kết nghiệp tái sanh vào cảnh giới tương ứng với nghiệp của mình trong lục đạo
(địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, người, trời), hầu hết chúng ta thuộc nhóm này. Căn cứ vào những đặc điểm như
đã nói thì bất cứ người nào, nếu không phải Thánh, khi mất đi cũng rất cần cầu siêu.

Sau khi cầu siêu thì hương linh có được siêu thoát không?
Theo Phật giáo, pháp thức cầu siêu cần hội đủ các yếu tố sau:

1. Chư Phật, chư Đại Bồ-tát từ bi tiếp độ.
2. Chư Tăng (Ni) nhất tâm dốc lòng cầu nguyện, kệ kinh và khai thị.
3. Gia đình chí thành chí kính, hết lòng hết sức hộ niệm và làm phước để hồi hướng cho hương linh.
4. Hương linh nương vào oai lực của Tam bảo, phước đức của gia đình hồi hướng cho,
rồi tự tỉnh thức, giác ngộ mà siêu sanh.

Trong bốn yếu tố này, ba yếu tố (1), (2) và (3) rất quan trọng nhưng yếu tố (4) mới là quan trọng nhất,
tự thân hương linh tỉnh thức mới quyết định việc hương linh có siêu thoát hay không.

Cho nên, không đơn thuần nghĩ rằng hễ có tổ chức cầu siêu thì được siêu. Thực tế cho thấy
có những lễ cầu siêu thì được siêu và có những lễ cầu siêu mà hương linh vẫn chưa siêu.
Nguyên do là, chư Phật luôn từ bi tiếp độ, chư Tăng (Ni) luôn nhất tâm cầu nguyện, gia đình
luôn hết lòng lo tổ chức lễ mà hương linh vì vô minh, tội nghiệp, thù oán, chấp thủ…
quá nặng nề quyết không thức tỉnh, lấy khổ làm vui thì làm sao siêu thoát? Thế nên phải
cầu siêu nhiều lần, tạo phước cho hương linh thật đủ đầy, kệ kinh cho hương linh thấm nhuần
mới có thể khiến cho hương linh đủ phước duyên tỉnh thức mà được siêu sanh tịnh cảnh.

Đối với vấn đề kiểm chứng việc cầu siêu hương linh có siêu thoát hay chưa, có thể nói,
trừ các bậc Thánh thành tựu thiên nhãn minh (biết rõ sự sanh tử của chúng sanh), người
phàm như hầu hết chúng ta không thể biết được. (Nhân đây cũng xin nói rõ, những ai vì quá
nôn nóng và ảo tưởng rằng có người biết thân nhân đã khuất hiện ở đâu, sẽ kiểm chứng
được kết quả cầu siêu thì coi chừng bị kẻ xấu lừa bịp).

Phật tử chúng ta chỉ tin vào lời Phật, chí thành cầu siêu cho thân nhân, mong cho người thân
đã khuất sanh về cõi lành. Và cần thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta là người phàm nên
chỉ có niềm tin mà không thể kiểm chứng một cách chính xác kết quả của việc cầu siêu.




Như Lòng Bụt Thương

Thân thiết quá dễ trở nên nhàm chán
Dễ buông lời.. ngao ngán cõi lòng nhau!
Nếu trân kính như buổi vừa kết bạn
Dù xa xôi.. vẫn đẹp thuở ban đầu!

Quan tâm quá dễ trở nên ràng buộc
Rồi xây thành giam nhốt kẻ mình thương.
Khi ta Hiểu người ta thương cùng tột
Đâu trói người chết ngột bởi tơ vương?

Yêu thương quá có khi lòng đau đớn
Bởi tình đời như nắng sớm sương tan,
Trong hội ngộ đã ươm sầu chia biệt
Nọ người dưng, sao lệ nhỏ hai hàng?

Sâu đậm quá rồi có khi nhòa nhạt
Kẻ khóc nhiều đôi lúc lại mau quên!
Không gắn bó, đâu trách đời đen bạc,
Xót xa này ai trót dệt thành tên?

Nên hãy sống mở lòng thương như Bụt
Trí và Bi như lượng nước sông Hằng
Tình hạn lượng dắt ta vào ngõ cụt
Với Tâm Từ, vui giải thoát lâng lâng...

Thích Tánh Tuệ
Oklahoma 22/8/14
admin
Site Admin
 
Bài viết: 6800
Ngày tham gia: Chủ nhật Tháng 4 17, 2011 12:18 am

Quay về Tâm Linh / Tôn Giáo

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến3 khách