Chọn lựa tích cực của Phật Thích Ca ngay sau ngày thành đạo

Chọn lựa tích cực của Phật Thích Ca ngay sau ngày thành đạo

Gửi bàigửi bởi minhtuan » Thứ 4 Tháng 2 12, 2014 11:14 am

Người nói Phật nói, Phật biết, Phật thấy,… thì hà sa nhưng biết đến Phật, hiểu được Phật liệu có được mấy người?
Vô Ưu này, trải qua bao đời lầm lạc, rất nhiều lần nương nhờ ngón tay chỉ mặt trăng của Người lắm lúc đã được an tịnh nhất thời mà vẫn không tìm được lối ra khỏi biển mê sinh tử luân hồi hàng vạn ngàn năm, hàng muôn ức kiếp... Rồi thì tấm lưới vô minh cũng được Vô Ưu xé toạc ngay trong hiện kiếp. Cụ thể là cách nay vừa tròn 3 năm (ngày 27 tháng 12 năm 2010) tôi một phen “Minh tâm, kiến tánh”, an nhàn đón nhận đóa vô ưu. Ơn soi sáng của Phật Thích Ca đối với chúng sinh nơi 3 cõi khiến Vô Ưu vô cùng cảm phục, thầm mến, rất mong phần nào đáp tạ thâm ân, cũng như không cô phụ từ bi tâm của vị thầy đáng kính và cũng là người bạn đời lớn của nhân loại.
Vì lẽ đó Vô Ưu vọng mang từ bi tâm của Người một phen làm người khách thong dong giữa đời ô trọc. Bi nguyện thiết tha ở Vô Ưu là những mong làm bừng sáng lại ngọn đuốc chánh pháp cứu khổ, lợi lạc của Người nơi biển khổ thế nhân. Vô Ưu tuyệt đối không làm vì tư tâm, tư lợi.
Dù vậy, trải qua 3 năm dài đằng đẳng ngược xuôi mà việc trả ơn Người vẫn chông chênh, nghẽn lối khiến Vô Ưu thấy nhàm mỏi, cảm nhận sâu sắc câu nói của Người “Chúng sinh cõi Ta Bà cang cường, khó độ”. Dù vậy, việc cần làm đã làm, việc cần viết đã viết. Tin rằng “Tư tưởng làm sống lại chánh pháp Phật Thích Ca sẽ nở hoa trong thời gian không xa”. Việc làm đã xong, có lẽ cũng đã đến lúc “xếp áo quy ẩn”, “xóa dấu chim bay” kẻo không lại khiến lòng người hoài nghi một tấm chân tình.

Thời gian gần đây, tôi có dạo quanh một vài trang mạng của Đạo Phật dễ dàng nhận thấy phần nhiều nội dung bài viết có phần viễn vông, xa rời con đường chánh pháp trong lòng mỗi người, cũng như ở giáo điển của người thấy vĩ đại - Phật Thích Ca. Dù rằng các trang mạng viết y kinh nhưng cách diễn giải lại rơi vào nhị nguyên, không có lối thoát.
Trong mê có ngộ
Trong ngộ có mê
Mê mê, ngộ ngộ
Mê ngộ không dừng
Đường ra nghẽn lối…
Vô Ưu dẫu biết rằng kiến văn còn rất hạn hẹp nhưng cũng rõ lý “Biết được gốc thì nắm được ngọn” nên sẽ cẩn ghi vài lời bạt.
Trước tiên, Vô Ưu sẽ lược dẫn y kinh việc Đại phạm thiên Sahampati thỉnh cầu Phật thuyết pháp những 3 lần. Vô Ưu sẽ diễn giải thoát ý, lược bỏ từ trùng lấp theo lối y kinh của giáo lý Phật giáo nguyên thủy sơ khai.
Nguyên do của câu chuyện là sau ngày thành đạo Phật Thích Ca đã quán chiếu vạn pháp rồi khởi ý nhập Niết bàn tịch diệt. Thiên chủ phạm thiên Sahampati nhận biết Phật muốn xuất ly thế gian, bỏ mặc chúng sinh 3 cõi, 6 đường trong đó có ông ta chìm nổi trong luân hồi nên đã hiện thân trước Phật và thiết tha mong cầu Phật nhập thế, cứu độ người si mê, kẻ tham đắm...

Sau khi thành đạo Phật đã quán chiếu lại vạn pháp. Lúc bấy giờ Người khởi lên ý “Ta đã chứng đạt pháp Vô Sinh, pháp này thật thâm áo, khó nhận thức, khó thấu hiểu, an tịnh, cao thượng, vượt mọi lý luận hiện tại,… Chỉ có những người thông tuệ, không chấp trước, ít vọng tưởng mới thâm nhập rốt ráo nghĩa lý. Nhưng người đời đang say mê theo luyến ái, chìm đắm trong ngũ dục,… Vì vậy họ sẽ không dừng lặng để trực nhận sự thật luôn đúng của lý duyên khởi - Cái này có mặt vì cái kia có mặt. Đối với họ thật khó để nhận thức đúng mực tri thức vô thượng về sự tịnh chỉ các hành, từ bỏ mọi duyên sinh, đoạn trừ tham ái, si mê, tà tâm, sinh tử, xả ly dục vọng, cứu cánh Niết bàn… Cho dù ta ra sức thuyết giảng pháp thì người đời cũng rất khó thâm nhập, thấu hiểu, nhận thức đúng vấn đề mà ta muốn trình bày. Điều này sẽ làm nhọc lòng khiến ta không được tự do, thanh nhàn, an lạc… Thế rồi Thế Tôn đã khởi các câu kệ vi diệu, thậm thâm, chưa từng có:
Chánh pháp ta chứng ngộ
Cần thuyết giảng hay không?
Bởi những kẻ chìm đắm
Trong ái dục sân hận
Khó ngộ được pháp này
Pháp thù thắng vô sinh
Tinh tế và thâm sâu,
Thật không dễ lĩnh hội.
Những kẻ mê ái dục
Lắm si mê bao phủ,
Rất khó để thâm nhập
Rốt ráo nghĩa Niết bàn.
Nghĩ vậy, Phật muốn khởi ý nhập diệt hơn là lưu lại cõi Ta Bà lắm tham đắm, mong cầu, vọng tưởng đảo điên,… Khi ấy, Phạm thiên Sahampati dùng tha tâm thông biết được thâm ý của Đức Thế Tôn sẽ không ra sức giảng giải pháp Tối thượng vi diệu nên đã dấy khởi lời cảm thán bi thiết:
Như thế thì cõi thế gian này sẽ chóng bị tiêu diệt
Như thế thì cõi thế gian này sẽ sớm bị tàn hoại
Bởi vì tâm của Đức Như Lai, Bậc A La Hán,
Đấng Chánh Biến Tri, Thiện Thệ, Thế Gian Giải,…
Đã không ra sức thuyết giảng giáo pháp mầu nhiệm

Ngay lập tức, vị Phạm thiên Sahampati hiện thân trước Đức Thế Tôn, với tư thế đắp y bên vai trái, quỳ bên gối phải trên mặt đất, rồi chắp tay cung kính nói:
- Bạch Đức Thế Tôn! Xin đức Thế Tôn thuyết pháp! Xin bậc Thiện Thệ thuyết pháp! Thế giới này có những hạng chúng sinh ra đời bị ô nhiễm ít. Nếu họ không được nghe chánh pháp, họ sẽ đọa vào các cõi xấu. Nếu được nghe chân thật pháp họ sẽ chứng ngộ bản tâm, liễu nghĩa vô sinh, thoát mê sinh tử.
Nói xong, vị Phạm thiên ngâm một bài kệ nói rằng ở xứ Magadha (Ma-kiệt-đà) đã xuất hiện các tà thuyết của ngoại đạo đang chi phối con người và các cõi. Nay thỉnh cầu Đức Thế Tôn dùng pháp nhãn thanh tịnh nhận biết mọi chúng sinh bị sinh, lão, bệnh, tử bức ngặt và u mê chìm đắm trong khổ đau, phiền não. Xin Thế Tôn hãy rải từ bi tâm mà mở cửa pháp vô sinh vi diệu cứu khổ kẻ mê đắm sinh tử giúp họ liễu thoát luân hồi. Tin rằng sẽ có những chúng sinh thọ nhận, nghe, hiểu và chứng ngộ được chánh Pháp.
Đức Phật đã từ chối vì Người nhận thấy tâm chúng sinh còn ngu muội - tham đắm, si mê, sân hận, hoài nghi, kiêu mạn, còn mãi vui thú nơi ngũ dục,… Thật khó có thể lĩnh hội giáo Pháp thậm thâm mà Người đã được chứng ngộ hoàn toàn.
Dù vậy, Phật quán chiếu tâm ý của chúng sinh nơi 3 cõi, cân nhắc lại lời thỉnh cầu của vị Phạm thiên. Người đã nhìn thấy tâm ý của chúng sinh nơi 6 nẻo qua phong cảnh ao sen ở trước mặt. Trong đó có các loài sen khác nhau như sen xanh, sen hồng, sen trắng… chúng mọc trong hồ, lớn dần trong nước, phát triển dưới mặt nước, một số không vươn lên khỏi mặt nước, một số khác lại vươn lên bằng mặt nước, khoe sắc trên mặt nước,… một số ít thì vươn lên khỏi mặt nước lung linh trước gió, tỏa hương thơm cho đời mà không bị nước hay bùn trong ao làm lấm bẩn.
Thế rồi Đức Thế Tôn thấu hiểu lời cầu khẩn của vị Thiên chủ Phạm thiên là thuần khiết, vô úy. Với con mắt của bậc giác ngộ hoàn toàn, ánh nhìn của Phật tràn đầy bi mẫn đối với muôn loài chúng sinh. Ngài nhận diện trên thế giới có những hạng chúng sinh bị uế trược ít và những chúng sinh bị uế trược nhiều, những hạng chúng sinh có căn cơ bậc thượng, thông tuệ, bén nhạy và những hạng chúng sinh có căn cơ trì độn, những hạng chúng sinh có thiện tính và những hạng chúng sinh có ác tính, những người ham học, dễ dạy bảo và những người khó dạy bảo, một số người sống và biết nghĩ đến những cảnh tái sinh tương tục trong tương lai và biết sợ khi phạm phải những điều tội lỗi, sinh tâm hối cải, phục thiện…
Theo y kinh thì cho đến khi Phạm thiên Sahampati thỉnh cầu lần thứ 3, Đức Phật mới nhận lời và Người đã lưu lại cõi Ta Bà thêm 49 năm nữa để thuyết pháp, độ sinh.
Những người dịch giải đoạn kinh văn ghi lời Phật thuyết này thời rất nhiều nhưng liệu có mấy ai thấu hiểu được chân nghĩa thâm sâu ẩn tàng trong từng lời Phật thuyết?
Đã hơn 2500 năm rồi mà người mê vẫn mê, kẻ ngộ chân tâm tiền nhân vẫn như bóng chim, tăm cá. Bởi do chẳng tỏ ngộ hoàn toàn chánh pháp nên việc dùng pháp không sáng rõ, minh bạch.
Từ lâu, người học Phật đọc Tam tạng kinh mà chẳng ngộ ý kinh, rơi vào huyền hoặc, bí ảo hoặc trói vào giả pháp vô ngôn, đoạn lìa văn tự nhằm che giấu góc khuất, sự mờ tối nơi tri thức chưa tột cùng...
Ngay đoạn kinh văn trên người học Phật tin rằng có một Phạm thiên Sahampati hiện thân và 3 lần khẩn thiết thỉnh cầu Phật nhập thế.
Học Phật mà như thế thì biết đến bao giờ mới liễu ngộ Phật tánh?
Vậy nên càng gặp khó khi chuyển Phật tánh thành Tánh Phật và thật không dễ khai mở thông suốt sự hiểu biết giải thoát hoàn toàn mà vị giác giả bậc thầy mấy phen lao nhọc, tận tụy…
Việc cần học không học, việc cần lĩnh hội, không lĩnh hội, lại đắm chìm trong mê mờ, mụ mẫm, chấp văn ngữ, tham huyền, mộng huyễn,...
Thật ra thông qua đoạn kinh văn này Phật đã ám thị một điều là Phật đã từng phân vân, từng trăn trở, từng băn khoăn,… trước một chọn lựa quan trọng bậc nhất trong một cuộc đời sau cùng nơi lưới mộng luân hồi.
Vì người dấn thân rộng truyền chánh pháp hay ngoảng mặt, quay lưng với đời, riêng hưởng niềm hỷ lạc, an tịnh, thảnh thơi?
Và cuối cùng người đã chọn lựa việc dấn thân vì từ bi tâm sinh khởi, vì thấu hiểu nỗi thống khổ của chúng sinh nơi 3 cõi, rõ biết quy luật luân hồi ở 6 đường là thật có và cả con đường thoát khỏi biển mê sinh tử. Đó mới thật là điều Như Lai gửi gắm nơi đoạn kinh văn trên.
Tại sao Phật Thích Ca lại thuyết ra sự hiện thân của Phạm thiên Sahampati cùng 3 lần thỉnh cầu?
Vì người đương thời bấy giờ cả tin vào giáo pháp của hơn 62 học thuyết ngoại đạo sai lầm, vọng chấp thần thông, huyễn thuật, bùa chú. Tuy nhiên, Phật rõ biết cả 62 học thuyết đang được phổ truyền đã rơi vào tà kiến cực đoan chấp Thường, chấp Đoạn, hoàn toàn không có lối thoát ra khỏi luân hồi. Do vậy Người đã tùy thuận thuyết giảng Kinh đại sự nhân duyên nói về sự ra đời một vị Giác giả chánh biến tri. Đây là việc làm tùy thuận nhằm tiếp cận người mê rồi từng bước tháo gỡ những định kiến, tà kiến, tri thức mê lầm, thuận duyên rộng truyền chánh pháp liễu thoát luân hồi sinh tử, cứu khổ chúng sinh nơi Tam giới.
Có thể nói nếu không có yếu tố huyền hoặc, siêu hình, việc hiện diện của thế giới tâm linh, sự vô minh mê lầm của chúng sinh 3 cõi cũng như việc không tồn tại con đường thoát khỏi luân hồi thì Phật Thích Ca sẽ không bao giờ dấn thân vào lao nhọc trải qua 49 năm trèo non, lội suối, băng rừng,… vì người khổ, kẻ mê mà trình bày Tam tạng giáo điển.
Hãy nên cẩn trọng nhận diện “Trong huyền hoặc, siêu hình,… có mê tín, có chánh tín”. Phật Thích Ca thuyết huyền hiển chánh chứ không thuyết huyền vì lợi dưỡng, lợi danh, buông thả tà tâm, giăng lưới mê cuồng nơi người đắm nhiễm. Hơn 2500 về trước, hiển nhiên là tri thức người xưa không thể thông đạt vạn sự như người đương thời nên Phật Thích Ca phải dùng đến pháp phương tiện tiếp dẫn như người uống thuốc cần có nước để dẫn dược.
Đáng tiếc là ngày nay sự hiểu biết con người có sự tăng trưởng vượt mức như tâm hoài nghi, kiêu mạn, chấp trước cũng vươn xa, tâm mê cuồng, tham đắm, tâm phân biệt chủ quan… đã chặn đứng sự hiểu biết khách quan, tổng thể, toàn diện… có nơi giáo lý Phật Thích Ca.
Biết trách ai đây?
Người mê, kẻ ngộ hay việc rạch ròi đời đạo, lý luận nhị nguyên thiên kiến thiển cận…

Nếu bảo Người vì danh tiếng, quả vị Phật mà bước chân trần đi thuyết giảng thì hẳn là lời hư vọng, nghịch tai. Ngay như người kém trí cũng chẳng dại gì bỏ chút gia sản nhỏ nhoi, mở lời hoa mỹ để “bỏ hình, bắt bóng”. Sự thật là Phật Thích Ca hoàn toàn tự chủ trong việc quay về nắm lấy Vương quyền, trị vì đất nước Thích Ca. Nhưng Người đã quyết định chọn con đường đầy gian khó để dấn thân. Việc làm dũng mãnh, cao cả, vĩ đại của Phật Thích Ca người hẹp lượng, si mê, tham đắm, hoài nghi, kiêu mạn khó thể thâm nhập tận cùng nghĩa lý.
Liệu có mấy ai dám đánh đổi cuộc đời mình như thế nhất là khi chưa tường tận vạn pháp, cũng như việc tự đoạn dứt luân hồi?

Những điều tôi vừa trình bày là lời của người mê hay kẻ ngộ? Là lời hư vọng chăng?
Vị giác giả Thích Ca phải vay mượn từ bi tâm của chư Thiên mới đoái hoài đến nỗi thống khổ của chúng sinh nơi 3 cõi. Chỉ đến khi Phạm thiên Sahampati khuyến thỉnh những 3 lần mới động tâm ra sức vì người.
Thật là điên đảo thị phi. Nếu Phật Thích Ca tầm thường đến vậy thì Vô Ưu này đâu thể xem Người là người bạn lớn.

Hiểu Người rồi, rõ biết chúng sinh cõi Ta Bà cang cường, khó độ. Thêm vào từ bi tâm vay mượn nơi Người, thế nên từ bi tâm của Vô Ưu không thật tha thiết, nặng lòng. Vì vậy Vô Ưu đã thoái chí, chùn tâm,... Dẫu vậy, Vô Ưu hứa với lòng sẽ không cô phụ Người. Cho đến lúc tùy thuận làm sáng rõ giáo pháp của Người, Vô Ưu sẽ lui về sau, trả dứt những đoạn ân tình vay mượn, sau cùng sẽ thâu thần tịch diệt.
Thà làm đống xương khô nơi gò hoang, đất lạnh
Không cất tiếng gầm của sư tử chúa lạc bầy đàn.
Việc về sau đành trông chờ vào sự chọn lựa của người ở lại.
Khi khởi bài viết này hữu duyên trùng vào ngày 27 tháng 12 do vậy tôi sẽ hoàn tất trong ngày. Lẽ ra ngày mai tôi mới post Phần 3 của bài viết Đạo, Đời, Tôn giáo - Điểm kết thúc từ nơi khởi đầu nhưng vì sự trùng hợp kỳ lạ mà tôi sẽ post bài Chọn lựa tích cực của Phật Thích Ca Mâu Ni ngay sau ngày thành đạo… trong ngày hôm nay.
Sau loạt bài mà theo thiển ý cá nhân tôi là có giá trị không kém Đạo, Đời, Tôn giáo - Điểm kết thúc từ nơi khởi đầu sẽ là hai bài viết khá nặng ký:
Trần Nhân Tông, Phật hoàng hay chỉ là gã cùng tử đi lần tìm bóng trăng?
“Khai quan, điểm nhãn” - Bước ngoặc lịch sử nơi sự hiểu biết khách quan, sáng rõ, tổng thể và đúng mực của nhân loại đã được khai mở cách đây những hơn 2500 năm
Lưu ý: Bài này khởi viết và hoàn tất trùng vào ngày 27 tháng 12 năm 2013, là trọn 3 năm sau ngày tôi nếm trải được niềm hỷ lạc vô tận của pháp vô sinh, vô ngã, vô sở đắc).
minhtuan
 
Bài viết: 3
Ngày tham gia: Thứ 2 Tháng 1 13, 2014 10:12 pm

Quay về Tâm Linh / Tôn Giáo

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến7 khách

cron