Làm Thế Nào Để Thâu Nhiếp Lục Căn Tịnh Niệm Tiếp Nối?

Làm Thế Nào Để Thâu Nhiếp Lục Căn Tịnh Niệm Tiếp Nối?

Gửi bàigửi bởi thanhlinh » Thứ 7 Tháng 7 13, 2013 10:09 pm

Đại sư Ấn Quang dạy rằng: Phương pháp hay nhất của việc dụng công niệm Phật là điều nhiếp sáu căn, tịnh niệm nối nhau. Điều nhiếp cả sáu căn, là ngay lúc niệm Phật tâm chuyên chú vào Phật, là nhiếp ý căn, miệng phải niệm cho rõ ràng mạch lạc tức là nhiếp thiệt căn, tai phải nghe đựơc rõ ràng mạch lạc tức là nhiếp nhĩ căn. Ba căn này nhiếp vào danh hiệu Phật thì mắt quyết không thấy cảnh loạn khác là nhiếp nhãn căn, mũi cũng không ngửi những mùi loạn khác là nhiếp tỵ căn, thân phải cung kính là nhiếp thân căn. Sáu căn đã được nhiếp phục mà không tán loạn thì tâm không có vọng niệm. Chỉ có Phật là niệm mới là thanh tịnh niệm. Nếu thường luôn nhiếp cả sáu căn mà niệm, thì gọi là tịnh niệm nối nhau, nếu thường tịnh niệm nối nhau thì nhất tâm bất loạn, niệm Phật Tam-muội sẽ dần dần được.

Niệm Phật phải thường tưởng sắp chết sắp đọa địa ngục thì không khẩn thiết cũng tự khẩn thiết, không tương ưng cũng tự tương ưng. Dùng tâm sợ khổ để niệm Phật tức là cách hay nhất để thoát khổ, cũng là cách hay nhất trong tùy duyên tiêu nghiệp.

Lúc niệm Phật ắt phải chí thành, hoặc có khi trong tâm khởi lên niệm đau buồn, đây là tướng thiện căn phát hiện, nhưng dè dặt chớ để việc ấy thường xảy ra, nếu không thì sẽ đắm trước vào ma cảnh sầu bi, hễ có việc vừa ý thì không nên quá vui mừng nếu không thì sẽ đắm trước vào ma cảnh hoan hỷ.

Lớn tiếng niệm Phật không được quá gắng sức, để phòng bị bệnh.

Khi chưa được nhất tâm thì không được nhen nhóm ý muốn thấy Phật, nếu được nhất tâm thì Tâm và Phật hợp nhau, tâm hợp với đạo thì muốn thấy liền thấy ngay, không thấy cũng hoàn toàn không trở ngại. Nếu gấp muốn thấy Phật, tâm niệm lăng xăng, ý niệm muốn thấy kết chặt trong tâm bèn trở thành bệnh lớn của tu hành, lâu ngày sinh nhiều oan gia, theo đó thao túng vọng tình tưởng hiện làm thân Phật, thỏa mãn trả báo oán xưa, tự tâm đã không có chánh kiến, toàn thể là phần khí của ma, một khi thấy thì sinh tâm vui mừng, từ đó ma nhập vào tâm phủ, dựa ma phát cuồng, dù có hoạt Phật, cũng chẳng biết làm sao. Chỉ nên nhất tâm, đâu cần phải mong thấy Phật, có phải không!

Bệnh và ma đều do nghiệp đời trước mà ra, chỉ thường chí thành tha thiết niệm Phật thì bệnh tự thuyên giảm và ma tự xa lìa. Lại niệm Phật xong hồi hướng, vì tất cả oan gia đời trước mà hồi hướng, khiến cho họ thấm nhuần lợi ích việc niệm Phật mà được sinh về cõi lành.

Một câu Nam-mô A-di-đà Phật miên miên mật mật thường thời nhớ niệm, hễ có các ý niệm tình cờ khởi lên như phẫn nộ, dâm dục, hiếu thắng, uất khí,… thì liền nghĩ rằng mình là người niệm Phật, đâu thể khởi lên những tâm niệm này ư! Niệm ấy khởi nên liền dứt, lâu ngày thì tất cả niệm làm lao tổn tâm, thần đều không do đâu mà khởi lên.

Mỗi ngày công phu hồi hướng đều cho chúng sinh trong pháp giới. Nếu thời khóa công phu này vì chúng sinh nầy, thời khóa công phu kia vì chúng sinh kia thì cũng được. Nhưng phải có nguyện hồi hướng chung khắp mới hợp với ba thứ hồi hướng. Ba thứ hồi hướng ấy là: 1. Hồi hướng chân như thật tế. 2. Hồi hướng quả Phật Bồ-đề, niệm niệm viên mãn. 3. Hồi hướng cho chúng sinh trong pháp giới đồng sinh Tịnh độ.

Pháp quán tưởng tuy là tốt nhưng ắt phải biết rõ được tượng Phật vốn thấy là thuộc duy tâm hiện ra, nếu cho rằng cảnh ngoài tâm, thì có khi dẫn đến dựa ma phát cuồng, không thể không biết. Nếu cho là ngoại cảnh, rõ ràng thật có thì trở thành cảnh ma, nhắm mắt mở mắt chỉ chọn thích nghi mà nên làm.

Pháp môn niệm Phật lấy ba pháp Tín, Nguyện, Hành làm Tông, lấy tâm Bồ-đề làm căn bản. Lấy tâm nầy làm Phật, tâm nầy là Phật làm nghĩa thật sự của nhân bao gồm biển quả, quả thấu suốt nguồn nhân. Lấy việc nhiếp cả sáu căn, tịnh niệm nối nhau làm công phu thực hành thiết yếu nhất. Lại có thể lấy Bốn thệ nguyện rộng lớn thường không rời tâm thì tâm và Phật hợp nhất, tâm và đạo hợp nhất, thân hiện tại liền dự vào dòng Thánh, lúc lâm chung thẳng bước lên Thượng phẩm, ngõ hầu không phụ đời nầy!

Trích Liên Trì Pháp Vũ Tập từ sách “Tịnh độ tùng thư” của cư sĩ Mao Dịch Viên biên soạn
Tịnh nghiệp học giả Trần Canh Thạch biên tập Hán văn
Cư sĩ Minh Ngọc phụng dịch Việt văn
thanhlinh
 
Bài viết: 47
Ngày tham gia: Thứ 6 Tháng 3 23, 2012 10:29 pm

Re: Làm Thế Nào Để Thâu Nhiếp Lục Căn Tịnh Niệm Tiếp Nối?

Gửi bàigửi bởi thanhlinh » Thứ 3 Tháng 7 30, 2013 3:13 am

Yếu Chỉ Tam Muội Trong Pháp Môn Niệm Phật

Yếu chỉ của tam muội trong pháp môn niệm Phật là sự “lắng nghe” chứ không cốt niệm cho nhiều mà tâm chẳng rõ. Lắng nghe càng rõ sức tam muội càng tự tập trung, tự thanh tịnh. Thanh tịnh càng rõ ràng càng tăng trưởng trí tuệ.
Tam muội cũng gọi là nhất tâm, cũng có nghĩa là chánh định. Chánh định trong niệm Phật đã gồm chánh kiến, chánh niệm, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh ngữ, chánh tinh tấn, kể cả chánh tư duy trong Bát chánh đạo. Đặc biệt, niệm Phật tam muội bao trùm các căn cơ, trình độ nào tu cũng được, hoàn cảnh nào áp dụng cũng được.

Bậc thượng trí xuyên suốt kinh giáo, càng nên niệm Phật tam muội để dễ bề bao quát và tiến sâu vào thể tánh. Bởi một câu Phật hiệu nếu áp dụng đúng cách vẫn thẩm thấu từ căn tướng đến thể tánh. Và pháp môn niệm Phật là chánh giáo, chánh lý, chánh hướng cho tâm chánh giác trong bất cứ pháp tu nào thuộc đề mục ngoài tâm.

Thời đại mạt pháp, người Phật tử tại gia nên gắn bó với một câu Phật hiệu, tùy theo tình cảm của mình về một Đức Phật, một vị Bồ tát, hoặc một vị A la hán nào mà mình cảm thấy gần gũi và kính thương nhất. Cứ một câu theo danh hiệu như Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, hay Nam mô A Di Đà Phật v.vẨ Nếu là pháp môn thì chỉ nên áp dụng một câu gọi là “một niệm muôn đời, muôn đời một niệm”. Cứ vậy, thọ niệm không ngừng nghỉ. Niệm đến thành Phật cũng cứ niệm. Bởi trong đó đã cụ túc Phật pháp.

Niệm Phật đã vào tam muội (nhất tâm) thì tâm tự niệm tự giác (rõ ràng) tự thanh tịnh.

Thanh tịnh trong tam muội thường tăng sanh phỉ lạc vấn đề nên lưu tâm; dù phỉ lạc tràn đầy cũng đừng nên tham đắm. Nếu tham đắm vào phỉ lạc sẽ làm cho tâm quên dần sự rõ ràng, sẽ làm cho câu niệm Phật chìm loãng, tan dứt lúc nào cũng chẳng hay. Hơn thế, trong tam muội thường xảy ra các loại ánh sáng, các thần giao, các cảnh giới rực rỡ tốt đẹp. Hành giả niệm Phật hãy để các thứ này xảy ra và tan mất tự nhiên; chúng chỉ là kết quả của tam muội, những ảo ảnh tốt chứ không phải chân giác ngộ giải thoát.

Mục đích của niệm Phật tam muội là minh tâm kiến tánh. Tâm tánh có căn bản là bất sanh bất diệt, cũng gọi là Pháp thân, Bản lai diện mục, Niết bàn.
Niệm Phật tam muội không chủ ý niệm cho nhiều trong một lúc một thời nào đó, nhưng lại chuyên, phải thường niệm để đánh bại tạp niệm, để không quên tâm chánh niệm trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, trong sinh hoạt, làm việc. Trong tất cả hành vi của đời sống lắng nghe rõ ràng từng niệm, từng câu.
Để thực hành niệm Phật tam muội, hành giả nên niệm từ một đến bảy câu thì xả. Một lần xả là coi như mới bắt đầu lại; chú tâm vào câu thứ nhất cho rõ ràng rành mạch, liên tục đến câu thứ bảy lại xả. Chỉ niệm trong bảy câu thì hành giả dễ lắng nghe và quán xuyến trọn vẹn từng tiếng, từng câu trong tâm. Từ một đến bảy câu là coi như một “quá trình thành tựu”.

Nếu có điều kiện, môi trường thì nên tổ chức nhập thất, tối thiểu là bảy ngày, nhiều thì một tháng, ba tháng, một năm, ba năm. Muốn nhập thất niệm Phật có kết quả thì phải chuẩn bị tinh thần, điều kiện thuận, có thầy hướng dẫn, có người hộ thất cho, có sự an ninh v.v Và phải làm lễ phát nguyện trước Tam bảo, trước vị Phật hoặc vị Bồ tát mà mình sẽ niệm danh Ngài. Cầu xin Phật, Bồ tát chứng minh, gia hộ suốt trong thời gian nhập thất. Hết thời gian, xả thất cũng phải làm lễ tạ ơn. Nếu có vị thầy có kinh nghiệm hướng dẫn, chứng minh cho trong suốt thời gian nhập thất thì quá quý.

Muốn công phu niệm Phật được miên mật trong suốt thời gian nhập thất, thì nên áp dụng vào hai tư thế là tọa niệm và kinh hành. Với tư thế kinh hành thì nên áp dụng mỗi niệm một bước. Bước càng chậm rãi, niệm càng lắng sâu, nghe càng rõ ràng. Hết kinh hành lại tọa niệm, xong tọa niệm đến kinh hành. Hãy chia đều thời gian, kinh hành nửa giờ thì tọa niệm cũng nửa giờ. Không có đồng hồ thì nên thắp một cây hương cho một tư thế. Cháy hết một cây hương là biết giờ công phu của mình.

Điều quan trọng nhất trong niệm Phật tam muội là cái tâm tha thiết nhiệt thành, trân trọng pháp môn, chú tâm lắng nghe cho thật rõ, dù chỉ niệm thầm.
Nếu có được cái tâm tinh tấn, toàn tâm với câu niệm Phật, với sự chuyên cần trong điều kiện nhập thất v.v thì hành giả sơ tâm niệm Phật cũng chỉ sau một tháng sẽ vào được nhất tâm. Nhưng chớ nên khởi tâm cầu nhất tâm. Bởi nhất tâm không thể do cầu mà được, mà do công phu tinh cần chuyên nhất vào pháp môn.

Thông Bác
thanhlinh
 
Bài viết: 47
Ngày tham gia: Thứ 6 Tháng 3 23, 2012 10:29 pm

Re: Làm Thế Nào Để Thâu Nhiếp Lục Căn Tịnh Niệm Tiếp Nối?

Gửi bàigửi bởi thanhlinh » Thứ 3 Tháng 7 30, 2013 3:16 am

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI TỊNH TỌA NIỆM PHẬT

Trong lúc thực hành niệm Phật, nhất là khi tịnh tọa hành giả có thể thường gặp những hiện tượng: hôn trầm, tán loạn, vô ký, phan duyên. Trường hợp này hành giả cũng cần phải biết cách đối trị mới dễ dàng khắc phục. Nếu không biết cách thì khó hàng phục được các hiện tượng ấy, lâu ngày có thể khiến hành giả chán sợ, lười dụng công.

1. Về hôn trầm: Tức là tâm mờ mịt như buồn ngủ, có hai loại:

a. Tâm thức tự nhiên lờ mờ, còn biết niệm Phật nhưng không sáng tỉnh, thỉnh thoảng đầu bị gục. Đây là hôn trầm do khí hỏa hư trong người thăng lên lấn áp tinh thần. Hành giả nên niệm ra tiếng liên tục và hơi nhanh thì trị được. Đó là dùng sự cử động của bên ngoài để điều hòa giải trừ khí hư.

b. Tâm có vẻ hơi mỏi, khởi niệm gượng gạo, thỉnh thoảng bị ngáp hơi, ngồi lâu muốn ngủ, trạng thái này diễn biến càng lúc càng nhiều. Đây là hôn trầm do thiếu hăng hái tinh tấn. Hành giả hãy mặc nhiên và niệm nhanh (có thể động môi) để kích thích tinh thần. Nhờ bắt tâm khởi niệm nhanh nên tinh thần mới phấn chấn tươi tỉnh.

2. Về tán loạn: Cũng có hai loại:

a. Tâm nghĩ ngợi nhớ tưởng lung tung, quên việc niệm Phật hiện tại, tinh thần mệt mỏi, không tự chủ, không tỉnh minh, muốn xả công phu. Đây là tán loạn do tâm nóng nảy phát sinh. Nguyên nhân là khi niệm Phật, hành giả lại niệm gấp gấp nên ngồi lâu tim nóng mới bị tán loạn. Gặp trường hợp này, hành giả nên niệm ra tiếng một cách chậm rãi thong thả, có thể ngân nga. Như thế tâm sẽ trở nên dịu mát và an bình.

b. Nếu tinh thần vẫn an bình nhưng tâm thức thỉnh thoảng lại khởi nhớ việc này việc nọ. Mặc dù biết được vọng niệm, nhưng không tránh khỏi sự duyên theo hoặc khó dừng nó. Và mỗi khi vọng niệm, thì ngưng niệm Phật. Đây là do hành giả thiếu chủ tâm, không tập trung vào câu niệm Phật nên thói quen dịch chuyển của tâm thức mới có dịp khởi động. Hành giả chỉ cần tập trung lắng nghe tâm niệm, nghe từng tiếng từng câu rõ ràng thì hàng phục được.

3. Về phan duyên và vô ký:

a. Phan duyên: là thói quen âm ưa rong ruổi bên ngoài, cũng là một loại động loạn, nhưng có điều nó lặng lẽ, như ngồi niệm Phật mà tai lại lắng nghe người ngoài nói chuyện hoặc mắt theo dõi cảnh vật chung quanh… tức là năm thức duyên theo năm trần cảnh. Đây là nguyên nhân làm công phu bị gián đoạn và mất chánh niệm. Hành giả không biết, tưởng mình không vọng niệm rồi chẳng lo đoạn trừ, lâu ngày thành thói quen nặng, ngồi niệm Phật mà chỉ huân tập vào tâm những chuyện vô ích bên ngoài, tu nhiều mà tâm không định.

b. Vô ký: là một thái cực đối lập với phan duyên, tức là tâm thức biến mất, hành giả ngồi niệm Phật đến một lúc tự nhiên không nhận biết gì cả, quên niệm Phật, như người chết có khi trải qua hàng giờ. Nếu không biết lại cho là được định tâm, đắm thích theo nó khiến uổng phí ngày giờ gieo trồng chủng tử gỗ đá vô tri.

Để đối trị tâm phan duyên và vô ký này, hành giả có thể khởi niệm Phật rõ ràng từng niệm ba câu hay năm câu, mười câu cho liên tiếp, rồi ngừng khoảng hai giây. Sau đó khởi niệm trở lại ba hay năm, mười câu liên tiếp nữa, rồi lại ngừng, ngừng rồi lại niệm. Cứ như thế mà hành trì niệm Phật, vừa niệm vừa lắng nghe kiểm soát rõ ràng. Thực hành như vậy tâm sẽ tập trung mạnh mẽ.

Cần biết thêm là trừ tâm phan duyên thì niệm ra tiếng, còn đoạn vô ký thì niệm thầm. Dù niệm ra tiếng hay niệm thầm, đều kiểm soát ghi nhận rõ ràng từng đợt mấy câu. Sở dĩ trường hợp phan duyên đuổi theo cảnh, thì cảnh do mình để kéo về mới kết quả và đoạn tâm vô ký là ý thức chìm mất, vì vô ký là ý thức hay chìm mất, nên bắt ý thức làm việc và kiểm soát nó thì nó sẽ không mất nữa.

Đó là khái quát cách đối trị các bệnh hôn trầm, tán loạn, phan duyên và vô ký. Tuy nhiên, hành giả cũng cần biết khi cơ thể mệt mỏi suy kém do làm việc nhiều hoặc bệnh tật cũng thường gây ra các chứng bệnh ấy. Trường hợp này, hành giả phải nghỉ ngơi để bồi dưỡng cho thân được điều hòa, không nên gượng ép công phu vô ích.

Lại nữa, khi hành giả niệm Phật đã thành thạo, tiếng Phật không mất mà vẫn phát động đều đặn, tâm an bình, tỉnh táo, nghe biết rõ ràng. Nơi tâm tự nhiên sinh khởi các ý tưởng vọng động kèm theo câu Phật hiệu của hành giả. Đây là do tâm của hành giả đạt đến chỗ bình lặng, làm lưu xuất các chủng tử trong tạng thức. Trường hợp này hành giả không cần quan tâm, cứ chú ý câu Phật hiệu của mình. Các chủng tử được lưu xuất ấy lần lần bặt dứt, sẽ trở lại sự trong sáng tự nhiên nơi tâm.

Điều cần nhớ nữa là khi các vọng niệm khởi sinh, hành giả đã cố gắng dụng công niệm Phật mà các vọng ấy cứ gợi lên hoài có thể khiến hành giả duyên theo, nhất là các vọng thuộc về nghiệp nặng của mình. Mỗi người đều có nghiệp nặng của mình, những vọng tưởng về các nghiệp ấy thường rất khó trừ. Ví dụ: người nghiệp sâu nặng, ngồi tu lại có các vọng về sự việc trái ý tổn hại sinh ra. Các vọng này rất khó trừ vì nó khởi động nghiệp của các hành giả, khiến hành giả khó bình tâm bỏ qua. Hoặc người nghiệp ái nặng, các vọng tưởng về người thân xa lìa, chết chóc, tai nạn… cũng thế. Đối với các vọng này, hành giả không nên gượng tránh vô ích, vì chúng sẽ không dứt khi chưa được giải quyết. Cho nên, hành giả phải suy xét về nhân duyên, nhân quả, từ bi, hỷ xả, vô ngã, vô thường… tùy theo mỗi loại mà quán sát các pháp thích hợp. Vọng về sân thì quán từ bi, hỷ xả, nghiệp báo; vọng về ái thì quán sát bất tịnh, vô thường, vô ngã… Như thế mới chặt được gốc của các vọng, các vọng sẽ tự tiêu diệt. Sau đó hành giả trở lại niệm Phật như cũ. Nhờ quán sát như thế, nghiệp của hành giả từ từ nhẹ bớt. Về sau các vọng này có khởi lên, nếu hành giả vẫn tỉnh giác biết rõ nó vô lý và không bị động vì nó, thì không cần quan sát nữa, cứ tiếp tục niệm Phật, không cần quan tâm. Vì nó giống như một cái cây đã bị đốn ngã, tuy còn dư tàn các lá mầm nhưng chẳng có gì nguy hiểm, không bao lâu chúng sẽ chết hẳn.

Đôi khi các vọng thuộc về hằng ngày như suy tính, xét nét, lo lắng,… Hành giả mặc dù nhận biết được chúng nhưng tâm lại không muốn xả trừ, mà cố tưởng đuổi theo nghĩ tưởng. Rõ mình muốn đuổi theo như thế, hành giả hãy dũng mãnh cảnh sách rằng “đang niệm Phật thì lo niệm Phật, làm việc gì chỉ nghĩ việc ấy. Mọi thứ đều có nhân duyên, hãy phó mặc cho nhân duyên của nó”. Có như vậy mới trừ được thói quen phóng tâm nắm níu các duyên ấy.

Hành giả nếu khéo điều tâm, ngay từ lúc bắt đầu vào tịnh tọa cho đến khi cuối thời công phu, tâm luôn luôn tươi vui hăng hái, thích thú tập trung thì không vướng phải các bệnh hôn trầm, tán loạn,… trên. Niệm từng câu lắng nghe rõ ràng, say sưa, thích thú với các âm thanh Phật hiệu. Ấy là phương pháp thần diệu giúp hành giả quên hết tất cả cảnh duyên bên ngoài và mọi nỗi lo phiền suy tính trong tâm.

Hành giả cũng nên biết, khi tâm đã có phần khó tập trung bởi hôn trầm tán loạn thì cố gắng tập thường xuyên lặng lẽ niệm Phật. Vì còn niệm ra tiếng, tâm tất còn duyên ra bên ngoài, sức quán chiếu nội tâm còn yếu và khi đối cảnh khó giữ được câu niệm liên tục, không gián đoạn, lại hao nhiều sức khỏe. Chỉ khi thường xuyên chăm chú lắng nghe câu niệm nơi tâm, sự quán chiếu nội tâm mới trở nên mạnh mẽ, đủ sức giúp hành giả quên hoàn toàn ngoại cảnh, để đạt được chánh định (tam muội) và giữ cho hành giả vẫn niệm Phật không gián đoạn khi làm việc hay đối cảnh, lại không tổn hao sức khỏe. Dĩ nhiên, lúc mới chuyển từ to tiếng niệm sang mặc niệm, do sức mặc niệm còn yếu, vọng tưởng có thể sinh khởi nhiều. Hành giả không sợ hãi thối thất, cứ cố gắng mặc niệm từng tiếng, lắng nghe rõ ràng hoặc niệm từng chập liên tiếp vài câu rồi ngưng, ngưng rồi niệm liên tiếp nữa… kiểm soát số câu không quên. Như vậy lâu ngày, sức mặc niệm sẽ mạnh.

Thực hành niệm Phật một cách đúng đắn như trên tất được định tâm nhanh chóng, dễ dàng, ít tổn tâm lực và sức khỏe hành giả niệm Phật, hãy tinh tấn thực hành.

Tịnh Sĩ
thanhlinh
 
Bài viết: 47
Ngày tham gia: Thứ 6 Tháng 3 23, 2012 10:29 pm


Quay về Tâm Linh / Tôn Giáo

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến15 khách