Phương pháp ngồi thiền căn bản

Phương pháp ngồi thiền căn bản

Gửi bàigửi bởi hoangthuynam » Thứ 6 Tháng 2 22, 2013 3:56 am

Phương pháp ngồi thiền căn bản gồm có 3 giai đoạn: Nhập, trụ, xuất.
1. Nhập thiền:
Bạn hãy chọn một nơi bằng phẳng, sạch sẽ, thoáng mát, kín gió. Đối với người cao tuổi thì hãy nên dùng một chiếc gối mềm đặt ở nơi ngồi. Ngồi lên chiếc gối, điều chỉnh thân hình ngay ngắn, giữ xương sống thẳng. Đầu hơi cúi về trước, mắt nhắm hờ, nét mặt bình thản, tự nhiên.
Có hai cách ngồi:
- Ngồi bán già: Nâng chân trái để lên phần đùi của chân phải hoặc ngược lại.
- Ngồi kiết già: Nâng chân trái để lên đùi chân phải, nâng chân phải để lên đùi chân trái, kéo gót bàn chân áp sát vào thân.
Đặt bàn tay phải nằm trên lòng bàn tay trái. Những ngón tay chồng lên nhau, hai đầu ngón tay cái vừa chạm nhau, đặt hai bàn tay nằm giữa lòng hai bàn chân.
Nếu lòng bàn chân bên nào trũng nên dùng khăn chêm vào cho bằng.
Dùng mũi hít không khí vào cơ thể và tập trung mường tượng “Không khí trong lành, sạch sẽ tràn khắp cơ thể làm cơ thể trở nên tươi mới, tràn đầy sức sống”. Sau khi nghĩ tưởng như vậy rồi thì thở ra bằng miệng, ngay khi thở ra lại tập trung mường tượng “Tất cả khổ đau, phiền muộn, bệnh tật đều được đẩy ra ngoài qua luồng khí được thở ra”. Thở như thế vài lần từ mạnh rồi đến nhẹ dần. Thở xong ngậm miệng lại, về sau cả việc hít và thở được thực hiện bằng mũi đều đều, nhè nhẹ.
2. Trụ
Có 3 bước căn bản mà người ngồi thiền phải rèn luyện thuần thục thì mới phát huy được hiệu quả tốt nhất của việc ngồi thiền.
Bước 1: Tập trung đếm hơi thở. Sau khi hít không khí vào rồi thở không khí ra bằng mũi bạn hãy dùng ý đếm 1; lại hít vào, thở ra bạn đếm 2; cứ tiếp tục như thế,… bạn đếm đến 10 thì đếm lại từ đầu với con số 1.
Trong quá trình đếm, bạn có thể bị nhầm lẫn số đếm thì đếm lại vòng đếm với con số 1. Sau một thời gian rèn luyện thuần thục thì bạn không đếm số nữa. Bạn hãy chuyển qua bước 2.
Bước 2: Sau khi điều hòa, ổn định hơi thở, bạn hãy tập trung chú ý, theo dõi luồng khí di chuyển trong cơ thể. Khi hít vào, luồng khí lưu chuyển đến đâu bạn hãy chú tâm nhận biết. Khi thở ra bạn cũng cảm nhận luồng không khí lưu chuyển ra sao?
Lưu ý: Bạn hãy giữ hơi thở nhẹ, đều, ổn định trong suốt quá trình ngồi thiền. Ở bước 1 và 2, bạn hãy dừng lại hết mọi suy tư, lo nghĩ,… để giữ sự tập trung đếm cùng việc theo dõi hơi thở một cách thuần thục. Việc làm chuyên tâm này sẽ giúp tinh thần bạn có được sự tập trung có chủ định, trí não khỏe mạnh, tinh tường, minh mẫn. Sau khi nhuần nhuyễn bước 1, 2 bạn hãy chuyển qua bước 3.
Bước 3: Bạn vẫn bắt đầu với việc đếm và theo dõi hơi thở. Sau khi điều hòa, ổn định hơi thở. Bạn hãy dừng lặng việc đếm và theo dõi hơi thở, buông bỏ hết tất cả mọi thứ chạy lăng xăng trong đầu. Bạn hãy giữ tâm an tịnh, bình thản. Lúc bấy giờ, bạn sẽ thấy nội tâm bạn luôn bị xáo trộn, trí não bạn luôn chạy theo mọi thứ điên đảo diễn ra hàng ngày. Chuyện vui buồn, được mất, hơn thua,… Việc đã qua - thời thơ ấu, lỗi lầm ngày trước,… Việc hiện tại - chuyện cơm áo gạo tiền,… Việc chưa đến - ngày mai đám cưới thằng Tí, ngày kia là ngày kị cơm của ông nội con Tèo,… cứ đan xen, nhảy loạn trong đầu. Bạn hãy tỉnh táo, bình thản nhìn những tấn tuồng bi hài của trò đời. Bạn sẽ nhận ra “Ngay thời điểm hiện tại bạn sẽ chẳng thể cùng lúc giải quyết tất cả mọi việc. Mọi việc rồi sẽ qua đi dù có hay không có sự sắp xếp của bạn”. Tôi nói “Mọi việc rồi sẽ qua đi dù có hay không có sự sắp xếp của bạn”, lời nói này có hợp lý không? Tôi sẽ đưa ra một ví dụ rất thực tế. Giả như bạn có dự định “Ngày kia bạn sẽ đi dự đám kị cơm ông nội của con Tèo thì về đêm trời trở lạnh, bạn không may bị tai biến và được nhập viện điều trị”. Dù rằng không có sự hiện diện của bạn thì ngày kị cơm của ông bạn hàng xóm vẫn tổ chức bình thường, điều này có thể xảy ra không? Do đó, bạn đừng quá coi trọng vai trò, sự hiện diện của bản thân vì bạn thật sự không là gì cả. Mạng sống của chính bạn, bạn còn không làm chủ được thì việc sắp đặt, làm chủ mọi việc có giá trị gì? Thế nên bạn đừng tìm về quá khứ vì quá khứ thì đã qua; Bạn cũng đừng tìm đến tương lai vì tương lai thì chưa đến và không một ai dám chắc rằng “Tại thời điểm tương lai đó, bạn còn sống hay đã chết”. Hãy sống tốt và trân quý cuộc sống ở hiện tại. Chấp nhận sự thật đó bạn sẽ bình thản đối mặt với những lo nghĩ, toan tính vẩn vơ. Bạn đừng chạy rong theo những ý nghĩ, những suy tư vì ngay tại thời điểm ngồi thiền bạn sẽ không thể giải quyết được bất kỳ một việc nào cả. Bạn cũng đừng cố xóa những ý nghĩ đó vì ngay khi ý nghĩ này mất đi thì sẽ phát sinh ý nghĩ khác. Tâm trí bạn luôn chộn rộn, đan xen mọi chuyện như thế. Từ trước đến nay, do mãi chạy theo cuộc mưu sinh mà bạn không nhận ra điều đó. Lúc bấy giờ bạn lại nhận ra “Bạn không thật sự làm chủ trí não của chính mình”. Nhận thức rõ như thế bạn sẽ bật ra câu hỏi “Vậy những nghĩ tưởng lăng xăng, những hình ảnh đã qua, những lo toan,… là gì? Tại sao bạn muốn dừng lặng lo toan, giữ đầu óc thảnh thơi mà chúng cứ chạy càn loạn làm cho tinh thần bạn mệt nhoài, rối trí?”. Những suy tư, lo nghĩ, tưởng nhớ,… chính thật là những kẻ trộm. Những tên trộm này sẽ trộm sức khỏe tinh thần của bạn, làm bạn mệt mỏi, chán chường, mất đi sự tỉnh táo, sáng suốt, minh mẫn. Bất kỳ ai khi làm việc trong điều kiện thiếu sáng suốt, mất tập trung,… sẽ dễ gây ra những việc không đúng, tạo nhiều lỗi lầm. Hiểu rõ như thế bạn sẽ phải khắc chế những tên trộm. Bạn không thể bắt hết lũ trộm này và cũng không cần bắt chúng. Vì khi bạn bắt một tên trộm thì đồng nghĩa với việc bạn phải giữ lấy tên trộm đó; Rồi lại có tên trộm khác lẻn vào, bạn đuổi bắt, giữ lại thì tiếp tục có thêm nhiều tên trộm khác vây quanh bạn. Bạn sẽ mệt nhoài với việc đuổi bắt, giữ mà tâm trí không dừng lặng được. Bạn không nên làm vậy. Bạn cứ bình thản, tỉnh táo, tập trung nhìn tên trộm; tên trộm sẽ tự biến mất. Việc này giống như là việc tên trộm muốn trộm của nhà người nhưng người chủ đã tỉnh táo canh giữ thì tên trộm sẽ phải rời đi và những tên trộm theo sau nhìn thấy ông chủ tỉnh táo cũng không dám bén mảng, dòm ngó nhà người nữa. Rèn luyện như thế lâu ngày dài tháng bạn sẽ có khoảng thời gian giữ tâm trí dừng lặng dài lâu thêm. Điều này đồng nghĩa với việc trí não bạn tỉnh táo, sáng suốt và có sự tập trung cao. Tuy nhiên, bạn cũng không thể giữ mãi tâm trí dừng lặng, những tên trộm vẫn quẩn quanh ngôi nhà của bạn. Vì thế bạn sẽ dùng sự tập trung tinh thần để khiến chúng biến mất hoàn toàn. Qua quá trình rèn luyện ít nhiều gì bạn cũng đã có thể kiểm soát được tâm trí, bạn hãy bắt đầu nhớ nghĩ có sự tập trung về những chuyện đã qua với những kí ức, hình ảnh, nghĩ tưởng,… tốt, hay, đẹp. Điều này giúp trí não bạn thư thái, thoải mái, an ổn. Khi kiểm soát tốt tâm trí, bạn hãy nhớ nghĩ về những chuyện không vui, những việc “Trái ý nghịch lòng” mà con cháu đã gây ra,… nhưng bạn đừng chìm vào trong sự buồn lo, sầu khổ. Bạn hãy đi tìm và bắt lấy những khía cạnh tốt dù là nhỏ nhặt trong những việc xấu xa đó để mà cảm thông, tha thứ, bỏ qua những lỗi lầm. Làm được như thế là bạn hoàn toàn thanh thản, thoát ra khỏi mọi ưu tư, phiền muộn. Làm thế nào để tìm ra mặt tốt trong lỗi lầm của con cái? Giả như trong một cuộc tranh cãi người con đã nặng lời xúc phạm, không nghe theo ý kiến của bạn. Điều này khiến bạn rất buồn, bây giờ bạn hãy xét lại vấn đề này ở góc đánh giá khác, tốt hơn. Thực tế là trước đó con bạn vẫn là người con biết vâng lời có lẽ việc tranh cãi khiến con bạn tức giận, đánh mất khả năng kiểm soát nên đã nói lời sai quấy, cay độc. Con cái làm theo ý riêng thể hiện việc chúng đã có ý thức tự lập, khôn lớn. Dù rằng theo đánh giá của bạn thì việc con bạn cố làm chắc rằng chuốc lấy thất bại nhưng những vấp ngã bước đầu sẽ giúp con bạn trưởng thành, mạnh mẽ hơn. Vì bạn rõ biết sự từng trải mà bạn có được cũng chính là kinh nghiệm của những lần thất bại trước đó và học được ở trường đời,… Hoặc là con cái từ bỏ, xua đuổi bạn. Hiển nhiên bạn sẽ rất tức giận, đau lòng và oán hận những đứa con bất hiếu, vô ơn. Nếu bạn vẫn chấp giữ những ý nghĩ đó thì bạn khổ đau hơn và tinh thần bạn sẽ suy sụp. Sự căng thẳng thần kinh sẽ kéo theo nguy cơ tai biến, nhồi máu, đột quỵ,… tìm đến bạn. Bạn hãy chuyển dịch ý nghĩ sang hướng tốt hơn. Việc con bạn ruồng bỏ bạn rõ thật là việc làm sai nhưng tại sao con cái lại hành xử tệ bạc? Bạn hãy xét lại “Phải chăng bản thân bạn cáu gắt, khó ăn khó ở, trái tính trái nết,… khiến con cháu phải xa lánh?”. Nếu thật sự bạn đã sai thì bạn hãy sửa đổi, không bao giờ là muộn cho việc sửa sai lỗi lầm; Nếu con bạn sai thì bạn hãy tha thứ cho con trẻ, sống bình thản. Nếu có thể bạn hãy chân thành nghĩ về những việc hay, hãy nói những điều tốt của con bạn, đừng bêu xấu tội bất hiếu của con cháu. Bởi lẽ chúng là con cháu bạn, chúng không phải là kẻ thù của bạn. Có lẽ con bạn hãy còn trẻ dại, thời gian chúng sẽ lớn lên và việc nuôi dạy con góp phần giúp chúng hiểu rõ tấm lòng của bạn,… Bạn phải rõ biết “Bạn tìm cách hóa giải những chuyện buồn đau không phải chỉ vì con bạn mà vì chính bản thân bạn”. Sự bao dung, tha thứ, vị tha,… sẽ nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần của bạn. Khi tất cả những gút mắc, vướng bận, chuyện vui buồn,… trong lòng tan biến thì bạn mới thật sự làm chủ được nội tâm, tâm hồn của bạn. Bạn sẽ có được tâm trạng an lạc, thanh thản.
3. Xả thiền:
Trước khi dừng việc ngồi thiền, bạn dùng mũi hít vào và thở ra bằng miệng vài ba lần (hơi thở từ nhẹ đến mạnh dần). Sau đó, bạn cần làm những động tác xoay chuyển giúp cơ thể giảm những tê mỏi, căng cứng và khí huyết lưu thông bình thường trở lại. Ban đầu thả lỏng thân, xoay người, xoay hông, cổ qua lại. Tiếp theo dùng hai tay chà xát lẫn nhau, dùng tay chà xát vào vùng hông, vùng cổ, mặt, đầu, vành tai. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau tạo ra hơi nóng rồi áp hai bàn tay lên đôi mắt.

St
hoangthuynam
 
Bài viết: 282
Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 12 22, 2011 1:10 pm

Quay về Tâm Linh / Tôn Giáo

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến13 khách