Phật giáo quy nguyên

Phật giáo quy nguyên

Gửi bàigửi bởi hoangthuynam » Thứ 5 Tháng 1 17, 2013 11:15 pm

Nhìn lại những bước đi của Phật - Phật Giáo Quy Nguyên.

Phật vì muốn xa lìa sự khổ về sinh lão bệnh tử. Sự khổ về cảm thọ, cảm giác, tri giác, nhận thức mang lại như những buồn lo, muộn phiền, tranh giành, ganh ghét, si mê, tham đắm,... Phật đã từ bỏ ngôi vị thái tử ra đi tìm đạo. Với kiến thức uyên thâm về đạo pháp, Người lại được những vị thầy giỏi truyền dạy. Người mau chóng đạt đến trạng thái thiền định vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ - Là mức định tột cùng mà những vị thầy đạt được. Nhưng khi xuất định thì những lo âu, phiền muộn cũng không dứt, Người nhận định: “Nếu chỉ khi nhập định thì mới đạt trạng thái an lạc, xuất định thì tâm vẫn không an thì sao có thể gọi là giải thoát được”. Biết không còn có thể học thêm được gì Người quyết định đi tìm sự giải thoát, an lạc ngay trong tự tâm. Phật đã từ tạ các vị thầy đáng kính. Phật đã kiểm chứng lại lối tu khổ hạnh mà trước đó Người đã không chấp nhận. Kết quả việc tu khổ hạnh khiến Người suýt mất mạng. Phật khẳng định lại một lần nữa: “Không có việc hành hạ xác thân mà có thể mang lại sự giải thoát an lạc cho tâm”. Người từ bỏ lối tu khổ hạnh đến ngồi thiền định dưới gốc cây Bồ đề. Trải qua một thời gian dài thiền định và quán chiếu, Người dần nhận ra loài người đã sai. Kinh điển các tôn giáo đã không đúng khi thừa nhận Con Người và Vạn Vật là do một Đấng quyền năng nào đó sinh ra. Con người phải thờ phụng, cúng bái và cầu nguyện thì mới có cuộc sống hạnh phúc, ấm no. Sự quy thuận đó đã trói buộc con người mất hết tự chủ, chấp nhận số phận, cam chịu những khổ đau, hoặc mê mờ, tham đắm cầu nguyện nhờ Ơn Trên cứu giúp, phù hộ. Nhưng điều đó lại không giúp được con người thoát khỏi những ưu tư, phiền muộn, khổ đau về sinh lão bệnh tử. Sự khổ về cảm giác, tri giác,... Sự khổ vì không hiểu biết về cuộc sống mang lại,...
Tiếp tục công trình thiền quán, Người lại nhận ra không có cái tôi thường tại trong bất kỳ sự vật hiện tượng nào. Bất cứ sự vật hiện tượng nào cũng do muôn duyên hợp, không có thực thể. Khi tan hoại thì trả về cho muôn duyên, không có sự vật hiện tượng nào tách rời độc lập mà có thể tồn tại. Ví như xác thân của con người là do tứ đại hợp thành đến khi chết đi, tàn hoại thì trả về tứ đại. Tâm của con người cũng là do cảm giác, tri giác, nhận thức, suy nghĩ đan xen, đổi thay biến chuyển liên tục và cũng không có thực thể. Khi con người chết thì tâm sẽ theo nghiệp báo trôi lăn trong 3 cõi 6 đường. Người lại nhận ra có một cái tâm thường tại dung chứa cả tứ đại, sơn hà đại địa. Tâm đó rỗng rang mà mầu nhiệm không sinh không diệt, không tăng, không giảm, không dơ, không sạch. Phật thể nhập tâm mình vào cái tâm thường tại kia. Khi đó, thân tâm Người chấn động, Phật nhận ra rõ tất cả muôn pháp, nhìn thấu rõ 3 cõi 6 đường chỉ là những vọng tâm sinh khởi, những vòng tròn sinh diệt biến chuyển không ngừng. Phật nhìn rõ tiền kiếp, hiện kiếp, hậu kiếp của Người và của tất cả chúng sinh có trong 3 cõi. Ngay đó, Phật chứng được pháp vô sanh không sinh, không diệt. Nhìn rõ vạn pháp như huyễn không thật có, cũng không thật không. Nhận rõ sự khổ, nguyên nhân sự khổ, cách diệt khổ và chấm dứt sự khổ đau. Quán sát chúng sinh trong 3 cõi trôi lăn trong sinh tử, Phật xót thương nhập thế, thuyết pháp độ sinh, cứu khổ muôn loài.
Vì vậy, Phật không chủ trương xuất thế mà là nhập thế cứu khổ muôn loài. Đạo Phật không phải là một tôn giáo thuần túy. Việc giới hạn giáo lý, kinh điển Phật trong các chùa, tự viện là một sự lầm lạc, không đúng theo bi nguyện của Người. Phật thuyết pháp để cứu khổ chúng sinh trong 3 cõi 6 đường. Ở nơi đâu có sự khổ, ở chúng sinh nào cần có sự giải thoát thì nơi đó cần có pháp Phật. Phật đã thuyết: “Chúng sinh, ai cũng có Phật tánh”. Thế nên bạn đừng khởi sự phân biệt vì không ai không có tánh Phật cả cho dù bạn là tín đồ thuộc tôn giáo khác hoặc là bạn không theo bất kỳ tôn giáo nào. Cho dù bạn thuộc những tầng lớp thành phần xã hội, quốc gia khác nhau,... Chỉ cần bạn có mặt trong 3 cõi 6 đường thì trong bạn đã có sẵn Phật tánh. Nếu ai đó tin sâu, hành trì những phương pháp chỉ dẫn của đức Phật thì việc để có cuộc sống an lạc, tự tại, hạnh phúc là điều không khó. Việc giải thoát hoàn toàn là điều chắc chắn bạn sẽ làm được.
Xã hội ngày nay mải mê theo đuổi vật chất khiến con người mất quân bình về đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Đã có những rối loạn nội tâm, loài người bị mất phương hướng, mất niềm tin và đánh mất hạnh phúc. Có một sự thật là con người ngày càng thủ đoạn, tàn độc và nguy hiểm hơn. Con người đã, đang có ý thức quay về nuôi dưỡng lại tâm hồn, quay về với đời sống tâm linh. Tôn giáo có dịp phát triển trở lại. Những kẻ cơ hội trong bất kỳ xã hội nào, thời đại nào cũng tồn tại - Những con người lầm lạc luôn tự phụ thông minh, khôn khéo, biết nắm bắt thời cuộc. Nào hay đang tự “Đào mồ chôn mình”, cánh cửa Địa ngục đang mở rộng chờ họ quay về. Điển hình là nhiều tôn giáo khác lạ ra đời, là hình thái biến tướng của những tôn giáo truyền thống. Tự xưng thần, xưng thánh; giở trò “Hù ma, dọa quỷ”; chối bỏ minh sư, tự cho mình cao tột, hư trương thanh thế, lôi kéo tín đồ nhằm thu đoạt nhiều lợi dưỡng hoặc mưu đồ việc riêng. Lừa người, dối mình thiết nghĩ những kẻ lầm lạc kia nên sớm quay đầu nếu không hậu kiếp thật khó có thể nghĩ tưởng. Nếu bạn u mê lầm lạc gia nhập vào các tôn giáo hại người, hại mình thì khó tránh khỏi những liên lụy. Rất mong bạn tỉnh táo, sáng suốt chọn minh sư. Đừng để phải một đời lầm lạc! Thân người khó được.
Điểm qua tình hình các tôn giáo, việc cầu nguyện bị lạm dụng quá mức,... nhưng không mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể là đau khổ ở loài người vẫn còn đó. Những mong các bậc chư tôn đức trong Tăng bảo vì con người mau chóng xã hội hóa Phật giáo - Phật giáo quy nguyên. Trả Phật giáo về cho xã hội, xóa bỏ định kiến “Phật giáo là một tôn giáo thuần túy”. Giúp cho loài người có lại được sự an vui tự tại, niềm hạnh phúc chân thật. Góp phần làm cho xã hội công bằng, văn minh, tiến bộ; giúp thế giới dứt trừ chiến tranh, hận thù, khổ đau và trái đất được an toàn hơn.
Ngày tôi đạt được đóa vô ưu, tôi nhận ra từng bước chân của Phật trên con đường đưa đạo lý tỉnh thức - Đạo lý chứa đựng sự hiểu biết và tình thương yêu. Đạo lý xóa đi những nỗi khổ đau, phiền muộn; mang lại sự hạnh phúc, an vui cho nhân loại và muôn loài. Điểm cao tột của đạo lý tỉnh thức giúp con người có cuộc sống tự tại, an lạc, giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Mỗi bước Phật đi là một đài sen rực rỡ, thơm ngát hiện ra. Câu nói “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” chứa đựng một sự thật mầu nhiệm. Sự giải thoát con người ra khỏi những khổ đau sinh lão bệnh tử. Nỗi khổ do sự thiếu hiểu biết về cảm giác, tri giác và nhận thức. Sự khổ vì phải sống chung cùng với người oán ghét. Sự khổ về yêu thương nhau mà phải chia lìa. Sự khổ về những mong muốn mà không đạt được,...
Mỗi bước Phật đi chứa đựng một sự tự do, giải thoát. Người bước những bước đi tự tại, an nhàn và thảnh thơi. Phật quay về xã hội loài người không gì ngoài việc cứu khổ chúng sinh trong 3 cõi 6 đường. Người không hề có ý định tạo lập một tôn giáo riêng, ngoài xã hội. Người tập hợp những người có cùng chí hướng truyền dạy họ giáo pháp giúp họ sống an lạc, tự tại và giải thoát. Thông qua các giáo lý về tứ diệu đế - Nói về các sự khổ; Nguyên nhân gây ra sự khổ; Cách diệt trừ sự khổ; Sự chấm dứt khổ đau. Cùng với vấn đề bản chất của vạn pháp - Nói về sự xuất hiện bất kỳ sự vật hiện tượng nào cũng do nhiều yếu tố nhân duyên tương tác, phối hợp sinh khởi ra. Không có sự vật hiện tượng nào nằm ngoài quy luật đó; Và khi các yếu tố nhân duyên tan rã thì sự vật hiện tượng đó cũng sẽ biến diệt; Về các phương pháp để có được đời sống an lạc, hạnh phúc; Về con đường dẫn đến sự giải thoát mầu nhiệm - thoát ra khỏi vòng quay luân hồi sinh lão bệnh tử đã trói buộc chúng sinh nhiều đời, nhiều kiếp,...
Khi đạt được sự giải thoát, những người được Phật truyền dạy lại tiếp tục đưa giáo lý giác ngộ, giải thoát đến với mọi tầng lớp xã hội thời đó. Điều này giúp mỗi gia đình đều có cuộc sống hạnh phúc, sống theo chánh pháp góp phần tạo dựng một xã hội hòa bình, an ổn.
Khi Phật tại thế, việc đi khất thực là công việc quan trọng bậc nhất của người khất sĩ. Việc khất thực tuần tự theo thứ lớp từng nhà, từng nhà không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, thành phần tầng lớp tôn giáo, xã hội giúp người khất sĩ rèn luyện tính khiêm cung, nhẫn nhịn cũng như rèn luyện giới hạnh. Từ đó, người khất sĩ kiểm chứng lại sự an lạc, tự tại và mức độ giải thoát của bản thân. Nếu người khất sĩ còn có chỗ chướng ngại thì Phật sẽ tiếp tục hướng dẫn tu tập đạt đến quả vị giải thoát. Đối với người dâng cúng vật thực, họ sẽ rèn luyện được tâm từ bi, tăng trưởng tình thương yêu đến người khác. Việc bố thí cúng dường là sự xả bỏ những đức tính ích kỷ, tham lam, bỏn xẻn,... để có được nhiều niềm vui trong cuộc sống hơn. Người cúng dường nhân đó cũng có dịp tiếp xúc với sự an lạc, tự tại, thảnh thơi của người xuất gia. Họ có thể đặt những câu hỏi về giáo lý tỉnh thức, người xuất gia sẽ vì họ mà trình bày những vấn đề để giúp họ có được cuộc sống an lạc, hài hòa, hạnh phúc. Chính vì sự tiếp xúc qua lại giữa những người tu sĩ giúp cho đạo lý tỉnh thức thấm nhuần vào trong xã hội. Ai ai cũng muốn có cuộc sống tốt đẹp bằng việc hoàn thiện bản thân, sống và làm theo chánh pháp. Nhờ sống tỉnh thức mà con người không làm ra những điều lầm lạc, làm vơi bớt những khổ đau. Muôn loài nhờ vậy cũng có được nhiều lợi ích.
Đáng tiếc, người đời sau u mê, đem tâm phân biệt cho rằng Phật tạo ra một đạo giáo riêng - Đạo Phật, để phân biệt với các tôn giáo khác. Vì thế, những đạo lý giúp con người thoát khổ, an lạc và giải thoát bị giới hạn trong các chùa, các tự viện; trong các Phật tử và tín đồ kính ngưỡng đức Phật. Giáo lý cứu khổ trở nên xa rời xã hội loài người. Ngày nay, do sự mất quân bình giữa đời sống vật chất và đời sống tâm linh khiến cho con người có những bấn loạn về nội tâm làm cho xã hội loài người càng thêm bất ổn, kém an toàn. Việc tham đắm phục vụ cái tôi khiến con người càng trở nên tham lam, ích kỷ, tàn ác, nguy hiểm,... càng khiến cho con người đau khổ nhiều hơn. Lúc bấy giờ người ta mới tìm đến các tôn giáo như là một cứu cánh, để giải tỏa những bất an, cũng như cầu nguyện để xóa bớt những việc làm bất thiện, xấu ác khác,... Vì u mê, vì thiếu hiểu biết, thiếu thầy bạn tốt dẫn đường. Họ đến với các tôn giáo khác nhau với cùng một đức tin để cầu nguyện, để xin Thần Thánh hay Đấng quyền năng nào đó cho họ bớt khổ, cho họ có được đời sống an vui, hạnh phúc,... Quả thật, họ đã đánh mất niềm tin vào chính họ. Nếu họ đã vậy thì ai còn có thể tin họ, các Đấng quyền năng, các vị Thần Thánh,... hẳn không làm được điều này. Bạn không thể đứng ở nơi chân núi, với niềm tin nhiệt thành rồi cầu Trời, khấn Phật, các vị Thần Thánh cho con được có mặt trên đỉnh núi mà bạn có thể toại nguyện được. Bạn phải bước những bước đi vững chắc trên đôi chân của chính bạn để chinh phục đỉnh núi kia.
Điểm qua giáo lý, kinh điển các tôn giáo tôi tạm phân ra làm hai nhánh chính: Thần giáo và Phật giáo. Tôi nhận ra phần lớn giáo lý, kinh điển của các tôn giáo thuộc về Thần giáo đều có điểm chung: Hướng con người có một đức tin về một Đấng quyền năng như Thượng Đế, Đức Chúa Trời, Các vị Thần, vị Thánh,... đã tạo ra Con Người và Vạn Vật. Vì thế muốn có cuộc sống tốt, no đủ thì con người phải cúng bái cầu nguyện và làm những điều thiện mà các giáo lý răn dạy. Nhờ trí tuệ Phật gia hộ, tôi nhận ra có một sự khiếm khuyết trong vấn đề này. Dù giáo lý, kinh điển răn dạy bạn làm con người tốt, người thiện là một điều rất đúng đắn. Nhưng điều đó là chưa đủ để giúp bạn thoát ra những khổ đau trong cuộc sống hiện tại thì nói gì đến việc khi chết sẽ sinh về cõi Trời, cõi Thiên Đường, được gần gũi với Đấng quyền năng mà bạn tôn thờ. Có chăng là bạn có một niềm tin để sống tiếp ở những tháng ngày về sau? Tôi nói điều này liệu có đúng không? Thực tế trong cuộc sống, dù là người giàu có hay nghèo khó đều gặp phải những khổ đau. Ví như có một gia đình rất giàu có, họ có người con trai duy nhất được cho đi ăn học rất đàng hoàng. Cậu con trai đó được sống nuông chiều đâm ra hư hỏng ăn chơi trụy lạc vướng vào cả ma túy. Hai vợ chồng gia đình đó đều là những tín đồ thuần thành của một tôn giáo nào đó. Ngay khi cậu bé chưa ra đời, họ đã cầu nguyện những điều tốt lành. Bây giờ họ vẫn cầu nguyện nhưng những khổ đau đó có dứt mất không? Ví như một người nghèo khó có 5 người con, ông lo sợ vì không đủ khả năng nuôi chúng ăn học nên người. Mai này, khi chúng lớn lên không biết chúng sống ra sao? Ông vẫn thường cầu nguyện Phật và Bồ tát giúp con ông có cuộc sống tốt nhưng ông cũng không cảm thấy được an ủi nhiều lắm? Tại sao?
Trong khi các tôn giáo khác trói buộc con người vào Đấng quyền năng để tôn thờ. Con người trở nên nhỏ bé trước Đấng quyền năng đó rồi bị lệ thuộc, tin vào số phận và đành chấp nhận số phận đó, không thoát ra được dù rằng rất khổ đau,...
Phật giáo hay nói đúng hơn là Phật có cách nhìn khác hẳn, bạn biết tại sao người nghèo khó kia rất tín thành cầu nguyện mà những đau khổ của ông không hề vơi bớt không? Phật không chủ trương cho việc lễ lạy, cúng bái và cầu nguyện. Vì thế việc cầu nguyện không mang lại được nhiều lợi ích. Như tôi đã trình bày trước đó bạn phải đi lên đỉnh núi bằng chính đôi chân của bạn. Có thể bạn sẽ hỏi: “Vậy Phật đâu có làm được việc gì?”. Phật chỉ là người chỉ phương cách giúp bạn thoát khỏi những khổ đau trong cuộc sống. Chỉ rõ nguyên nhân, bản chất, cách thức diệt trừ và cách thức chấm dứt khổ đau. Cao hơn nữa, Người còn chỉ cho con người cách thức giác ngộ, giải thoát hoàn toàn qua việc thể nhập Niết bàn mà Người đã làm được. Qua giáo lý nhà Phật, ta sẽ biết vạn pháp là vô thường, khổ, không, vô ngã và Niết bàn - Nơi an trú của những vị Phật, Bồ tát, những người tu tập đạt được quả vị giải thoát - Là cõi thường lạc ngã tịnh. Bạn hoàn toàn có thể đạt được quả vị giải thoát chỉ cần có niềm tin sâu sắc và tinh tấn hành trì theo chánh pháp. Tôi đề cập đến vấn đề niềm tin. Niềm tin của Phật giáo khác với niềm tin, đức tin của các tôn giáo khác. Đó là niềm tin có chứa đựng sự hiểu biết, sự giác ngộ. Bạn phải tin rằng chính bạn làm được. Chính bạn sẽ tự thoát ra khỏi những khổ đau trong cuộc sống. Bạn sẽ có được cuộc sống an lạc, tự tại và giải thoát bằng chính nỗ lực của bản thân. Cho dù bạn là người giàu có, nghèo khó, già trẻ, trai gái,... bạn đều có thể đạt được sự giải thoát hoàn toàn. Điều đó có nghĩa là nếu bạn muốn đi lên đỉnh núi Phật sẽ chỉ cách thức để bạn đi lên núi dễ dàng nhất, tránh được những rủi ro, những khó khăn như hầm hố, cạm bẫy để bạn có thể đi lên đỉnh núi an toàn. Vấn đề còn lại là bạn có muốn đi lên núi không hay là đứng dưới chân núi cầu nguyện và chờ một phép lạ. Thật không thể đưa một người từ dưới chân núi lên một ngọn núi cao khi mà người đó không muốn bước đi.
Sẽ có nhiều người nhận định: Tôi không theo tôn giáo nào cả. Tôi tin vào khoa học thuần túy. Tôi không tin một thế giới nào khác tồn tại ngoài những sự vật, hiện tượng. Tôi vẫn sống an vui, tự do và hạnh phúc, tin vào Phật sẽ làm tôi cảm thấy bị trói buộc. Bạn có dám chắc là bạn sẽ sống hạnh phúc không biết đến khổ đau không? Khi khổ đau bạn có chắc rằng niềm tin khoa học sẽ giúp bạn thoát ra được không? Phật cũng không yêu cầu bạn lễ lạy, cúng bái. Phật chỉ là người thoát ra khỏi những khổ não trong cuộc sống, được giải thoát hoàn toàn. Nhân đó, Người chỉ đưa ra những phương cách giúp nhân loại thoát khổ, giải thoát,... Nếu bạn cần thì tùy nghi sử dụng để giúp mình, giúp người.
Bạn sẽ cho rằng tôi không nói đúng sự thật. Bạn vẫn thấy ở chùa người ta vẫn đốt nhang, cúng bái, cầu nguyện hàng ngày. Nhiều người làm như vậy có lý nào họ sai tôi lại đúng. Trước khi nhập Niết bàn, Phật truyền dạy các đệ tử: “Xá lợi thu được từ xác thân Phật chuyển cho vua các nước và các hạng cư sĩ mộ đạo chiêm ngưỡng, giữ gìn”. Mục đích sâu xa của việc làm này giúp cho con người nhớ rằng đã từng có một bậc giác ngộ sống an lạc, tự tại, giải thoát - Một người có tấm lòng từ bi xót thương cứu khổ chúng sinh trong 3 cõi. Qua đó, giúp cho con người cũng nhớ ra trong mỗi chúng sinh đều có Phật tánh. Chỉ cần hành trì đúng pháp sẽ liễu thoát sinh tử, kiến tánh thành Phật. Đệ tử Phật, những người xuất gia và những cư sĩ tại gia, bấy giờ vì thương tưởng quý mến bậc thầy giác ngộ đáng kính nên đã tôn thờ, cúng bái Phật. Theo năm tháng việc thờ cúng thành lệ khiến người đời sau lầm lạc. Đến khi mất hết niềm tin và tiêm nhiễm các tôn giáo khác, việc tôn thờ lùi thêm một bước nữa trở thành cầu nguyện. Thật là “Đổi trắng thay đen”. Đến nay, Phật nhập diệt đã lâu, thật giả khó phân. Chỉ có những người thông qua giáo lý Phật, miên mật hành trì, chứng ngộ bản tâm thì sẽ nhìn mỗi bước đi của Phật rõ như trong nhà tối được thắp đèn lên, mọi vật phơi bày.
Khi Phật tại thế, Người thuyết về tam bảo như 3 viên ngọc quý:
Phật bảo: Là người giác ngộ tột cùng, thoát ra hoàn toàn mọi khổ đau, sống an lạc, tỉnh thức. Đạt pháp vô sanh - không sinh, không diệt.
Pháp bảo: Là những phương pháp giúp chúng sinh thoát ra mọi khổ đau, đạt được sự an lạc, giải thoát hoàn toàn. Nếu ai chứng ngộ được pháp bảo thì sẽ nhìn thấy mỗi loài, mỗi vật, mỗi con người,… đều là pháp bảo cả.
Tăng bảo: Là đoàn thể những người sống đời phạm hạnh, gìn giữ Pháp bảo, Phật bảo; Vì chúng sinh mà thuyết pháp độ sinh cứu khổ muôn loài. Trong đó, có chúng sinh không thân, giúp chúng sinh nẻo vô hình an tâm sớm được siêu thoát.
Vì Tam bảo là 3 viên ngọc quý của nhân loại nên việc vọng bái, cúng dường là để Tăng bảo duy trì giữ gìn chánh pháp, để pháp Phật mãi lưu truyền cứu khổ người đời sau. Với mục đích lớn lao vĩ đại như thế, bạn nghĩ sao? Có đáng để nhân loại lễ bái, cúng dường không?
Người đời sau: Tầm nhìn cạn cợt. Tự nghĩ tưởng hiểu biết thông minh sâu rộng dùng tâm phân biệt lạm bàn về đạo Phật, cho rằng Phật giáo chủ trương đoạn diệt. Người đang trong mộng, mở lời nói mê. Thật quá nông nổi! Ví như ngày nay chỉ khi dùng kính hiển vi, con người mới nhìn thấy những con vi sinh vật có trong một chén nước. Vậy mà khi Phật còn tại thế, Người đã nhận ra sự hiện diện của những loài nhỏ bé này rồi. Những chúng sinh này cứ luân chuyển trong sinh tử qua từng loài khác nhau như các loài thấp sinh, thai sinh, noãn sinh, hóa sinh. Vòng sinh diệt này biến chuyển liên tục lên xuống theo nghiệp nhân quả mà tâm ý mỗi chúng sinh tạo ra. Phật khẳng định không có gì từ không mà trở nên có. Cũng không có gì mà từ có trở nên không. Vạn vật theo duyên sinh, theo duyên mà biến diệt.
Người đời lầm lạc cho rằng Phật khuyến khích những người cùng chí hướng ly gia cắt ái sẽ làm dứt mất loài người. Thật quá mê mờ!
Đệ tử Phật gồm hai thành phần:
Đệ tử xuất gia: Là những người có chí hướng xuất trần. Việc cắt ái, ly gia giúp họ dũng mãnh, tinh tấn tu hành để sớm đạt được sự an lạc, giải thoát, liễu ngộ sinh tử vào đời cứu độ người. Tuy nhiên, ngoài những người xuất gia với chí hướng cứu người, giúp đời cũng tồn tại những hạng người xuất gia biến tướng khác. Thành phần này đều có ở khắp tất cả các tôn giáo khác.
Đệ tử tại gia: Còn gọi là cư sĩ tại gia sống trong xã hội vướng bận việc gia đình, xã hội nên chỉ phải giữ năm giới cấm, thực hành thiện nghiệp nhằm giảm bớt những ham muốn có thể gây khổ cho mình, cho người khác và loài khác. Khi thực hành sống theo chánh pháp thì sẽ có một đời sống quân bình ấm no, hạnh phúc, có quả báo tốt ở đời sau. Điều này không có nghĩa là người tại gia không liễu thoát được sinh tử, không chứng ngộ được pháp vô sanh. Nếu người cư sĩ tại gia sống theo chánh pháp; Hành trì theo hạnh từ bi hỷ xả, biết buông bỏ, không vướng mắc gì thì vẫn đạt được sự giải thoát như người xuất gia.
Như Phật đã từng thuyết: “Chúng sinh ai cũng có Phật tánh”, “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Vậy có ai là không có tánh Phật đâu? Vậy tại sao bạn không thông qua kinh điển, giáo lý của Phật hành trì phá bỏ cái ngã vô thường trong xác thân vô thường, tạm bợ. Thể nhập tâm vào cõi Phật, để thành Phật, sớm thoát khỏi khổ đau, đạt được sự giải thoát.
Đến đây chắc bạn đã hiểu, đạo Phật khác Phật giáo thế nào.


st
hoangthuynam
 
Bài viết: 282
Ngày tham gia: Thứ 5 Tháng 12 22, 2011 1:10 pm

Quay về Tâm Linh / Tôn Giáo

Ai đang trực tuyến?

Đang xem chuyên mục này: Không có thành viên nào đang trực tuyến10 khách