Bạn đang xem trang 1 / 1 trang

Mở Lòng Ra Đón Những Yêu Thương

Gửi bàiĐã gửi: Thứ 2 Tháng 1 14, 2013 12:46 am
gửi bởi hoangthuynam
Bạn thấy đó: Nếu chỉ sống nhằm phục vụ cho tự ngã cá nhân thì nhân loại sẽ đi về đâu? Có chăng là đau khổ sẽ chất chồng?
Nếu bạn có thể mở lòng ra cho tự ngã lớn hơn thì khổ đau trong bạn và mọi người, mọi loài xung quanh sẽ vơi bớt. Khi bạn sống vì nhiều người hơn như cho gia đình, cho hàng xóm, cho tổ chức, cho quê hương,… thì khi đó những đau khổ được mất trong bạn vơi dần đi. Bạn có nhiều niềm vui và sống có ích hơn. Đó là niềm vui chân thật phát sinh từ tình thương yêu giữa người với người. Khi đó những tham lam, ích kỷ, tư lợi được mất sẽ không còn trói buộc chặt lấy con người bạn.
Nếu bạn mở rộng lòng ra hơn nữa, bạn sống vì xã hội, vì đất nước, vì nhiều dân tộc, nhiều quốc gia, cho cả nhân loại thì ắt hẳn là bạn sẽ không còn có nhiều sự phân biệt thân sơ. Khi đó, ai cũng là người thân của bạn. Bạn sẽ không thể làm bất cứ điều gì gây đau khổ cho bất kỳ ai. Bạn sẽ sống an lạc, thảnh thơi. Đây là hoa trái của tình yêu thương chân thật; Ai cũng quý mến bạn vì sự tồn tại của bạn mang lại niềm hạnh phúc cho mọi người.
Khi bạn mở lòng ra hòa đồng với trái đất, với đá, cây cỏ, với muôn loài thì bạn đã giải phóng được tự ngã của bản thân. Bạn sẽ sống an vui, không bao giờ còn biết đến khổ đau; Chỉ sống và có ích cho đời.
Nếu nhiều người hơn mở lòng ra thì nhân loại sẽ sống trong tình yêu thương chân thật. Chiến tranh sẽ không còn nữa. Thế giới sẽ tiến đến công bằng, hòa bình và tiến bộ.
Tại sao bạn phải làm điều đó? Vì bạn sẽ được an vui, không buồn phiền, đau khổ. Tại sao? Khi những sự được mất, hơn thua không còn trong tâm trí, bạn sẽ sống rất thanh thản và tự tại.
Những điều tôi vừa trình bày có vẻ như rất đơn giản nhưng trong đó chứa đựng một sự thật mầu nhiệm, bạn sẽ trở thành một con người chân thiện mỹ khi bạn cố gắng thực hành. Khi bạn thực hành nghiêm túc thì thiên hạ sẽ là của bạn vì khi đức cao, mọi người sẽ tôn trọng bạn. Bạn sẽ vì mọi người nắm lấy thiên hạ.
Người đời ngày nay ngu muội thường sợ hai hạng người:
Thứ nhất là sợ người có tài: Người có tài là người thông minh cơ trí, khôn lanh biết chớp lấy thời cơ. Họ dễ dàng thâu tóm danh lợi, địa vị. Người đời vì sợ mất quyền lợi nên không khỏi đề phòng những người tài giỏi. Tuy nhiên, người tài mà kém đức thì thật cũng đáng để đề phòng.
Thứ hai là sợ người có đức: Người có đức thường sống vì mọi người. Danh lợi xem nhẹ nên họ không mong cầu quyền cao, chức trọng. Nhưng vì được lòng người nên không khó để nắm đại nghiệp.
Người đời thường có rất nhiều định nghĩa khác nhau về người tài, người đức. Tôi chỉ có thể dùng những từ ngữ đơn giản, mộc mạc để trình bày vì những ngôn từ cao siêu vốn không che dấu được sự dốt nát trong tôi. Tôi tự thẹn không có tài, chẳng có đức chỉ biết học theo hạnh của đất đá, cây cỏ, học theo dòng nước, theo đám mây bay,...Vô tâm đối cảnh. Mai này tôi sẽ vì người mà sống, vì người mà chết. Mai này tôi sẽ ăn cơm của thiên hạ, làm việc cho thiên hạ nhưng không nắm lấy thiên hạ. Tôi không tìm được trái tim chân thật, tình yêu thương chân thật của loài người thì đành học theo hạnh người xưa làm “Bù nhìn rơm đứng giữa trời”…
Loài người có những quan niệm sai lầm. Sự sai lầm này dẫn đến sự đau khổ cho chính mình, cho người khác và muôn vật. Sai lầm có một cái tôi thường tại trong mỗi cá nhân. Mỗi mỗi việc làm điều phục vụ cho cái tôi đó. Việc được mất, tranh giành khiến họ phải đau khổ. Nhưng cái tôi đó thật sự không thường tại. Cái tôi đó nằm trong quy luật của sinh lão bệnh tử. Dù có ăn ngon mặc đẹp thế nào rồi cũng tàn hoại nhưng mà con người vẫn u mê. Khi sống họ không từng nghĩ là sẽ phải chết. Lúc chết họ sẽ đi về đâu? Họ mê mải, điên cuồng chạy theo dục vọng; đánh mất hạnh phúc, sống trong những lo toan, khổ đau. Đến khi mệt mỏi, dừng lại, nhìn lại thì đã “Gần đất xa trời”; vẫn u mê ôm nuối tiếc sống hết phần đời còn lại. Ngay khi nhắm mắt, cứ ngỡ chết là hết nào hay sự sống mới lại bắt đầu. Thế là tùy theo nghiệp quả tạo tác mà con người trôi lăn trong 3 cõi 6 đường.
Con người có bao giờ là thường tại? Nếu con người thường tại sao lại có lớn lên, già, bệnh, chết? Khi chết, xác thân vật chất sao lại tàn hoại vào trong đất, nước, gió, lửa? Cái tôi thường tại, sao phải ăn uống, hít thở và phải thải ra những thứ đã hấp thu vào? Cái tôi đó thực sự chỉ là sự vay mượn tạm bợ chút đất, nước, gió, lửa mà thôi, chỉ cần thiếu một thứ trong đất, nước, gió, lửa thì tàn hoại.
Sai lầm thứ hai cho rằng - Chết là hết. Vì thế con người chỉ biết sống cá nhân, ích kỷ, tham lam, bỏn xẻn, ti tiện nhưng lại không nhận ra - Khi sinh ra vốn trần trụi và khi về với đất thì cũng chẳng mang theo gì? Vậy mà vẫn lầm lạc tranh danh, đoạt lợi, tham đắm tích góp cho bản thân không nghĩ gì đến người khác, loài khác sống theo quan điểm “Sống chết mặc bây”.
Nhưng thực tế không phải chết là hết - Con người cũng như các loài hữu tình, các loài có sinh trưởng không phải là một cái máy hay vật vô tri. Cái máy và vật vô tri vốn không có tâm ý, khi hư hỏng tàn hoại thì trở về trong đất, nước, gió, lửa. Vì không có tâm ý thế nên hết một đời máy. Con người, các loài hữu tình, sinh trưởng thì lại khác. Ngoài xác thân này còn có tâm ý. Khi chết đi xác thân, tim óc,... trả lại cho đất; máu, dịch lỏng,... trả về cho nước; hơi thở trả về cho gió; hơi ấm trả về cho lửa còn tâm đi về đâu?
Chắc rằng bạn đã không ít lần nghe người khác nói về những câu chuyện dường như không thật, phi lý về sự tồn tại của linh hồn người chết, thần thức của người thân báo mộng, cõi Địa ngục tối tăm rùng rợn,... Có người tin, có người không tin. Còn bạn thì sao?
Mặc dù tin hay không thì con người đã từng như thế và có thể mai này cũng lại rơi vào những nơi đó. Vì sự tham đắm dục vọng, sân hận, si mê lạm sát muôn loài và con người là chìa khóa mở cánh cửa Địa ngục. Dù muốn hay không thì bạn cũng phải thọ lãnh nghiệp quả đã tạo ra “Gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy”. Lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó lọt.
Sở dĩ có những lầm lạc trên là do tâm ta u mê sinh ra, do ta đã tự giới hạn tâm vào trong tấm thân máu thịt, vào cái tôi không thật này. Từ đó tham đắm chất chứa nhiều đời, mê mờ đánh mất bản tâm. Nếu bạn mở rộng cái tôi hòa đồng với trái đất, với vũ trụ, đến không gian dung chứa cả vũ trụ thì tâm bạn cũng rỗng rang trùm khắp. Khi đó tâm bạn đã hòa cùng không đại với tính không sinh, không diệt,... thì còn có khổ đau nào bức ngặt được. Đạt được điều đó, bạn đã thể nhập được với bản tâm - Chân tâm diệu hữu - Bạn đã tự chấm dứt sự sinh tử luân hồi. Bạn được giải thoát hoàn toàn.
Nói nghe dễ thế nhưng làm thật không dễ chút nào. Con người đã mê mờ nhiều kiếp. Khi mở lòng ra với gia đình, tổ chức, quốc gia, thế giới, vũ trụ,... Con người lại thường vướng mắc vào ý niệm ta làm điều này, việc kia,... cho xã hội, cho gia đình, cho nhân loại. Vì chưa buông bỏ được ý niệm đó nên ta chưa thực sự giải thoát. Phải quay lại nhận lấy phước báo đã tạo ra. Đôi khi lui sụt chí bồ đề quay lại trôi lăn trong sinh tử. Bởi vì khi ta tạo những duyên nghiệp tốt thường đạt được những phước báo như trí tuệ thông minh, thân hình xinh đẹp, lời nói cử chỉ ngọt ngào, nhu mì, đoan trang, có tiền bạc, tài sản lớn, nhiều người hầu hạ, tâng bốc quý trọng. Phước báo tốt nếu không có chí nguyện lớn, không có sự hàm dưỡng nội tâm đúng mực,... thường gây trở ngại cho con đường giải thoát ở con người vì mải lo thụ hưởng sinh tâm phóng túng, kiêu mạn, tự cao tự đại. Phật đã từng thuyết: “Hướng dẫn một con người giàu có, kiêu mạn,... vào con đường giác ngộ, giải thoát còn khó hơn việc dắt con lạc đà chui qua lỗ kim”.
Người xưa đã dạy: Làm mà như không làm, không làm mà không gì không làm. Nếu bạn có thể dũng mãnh, tinh tấn làm được việc khó làm đó thì bạn đã đồng với Phật, với hiền Thánh.
Những điều tôi trình bày trên không phải do sự hiểu biết, tư duy, lý luận mà có được. Đó là kết quả của sự thực chứng. Trong đó, có chứa đựng yếu quyết phá ngã mà Phật đã đạt được khi ngồi thiền định dưới cội cây bồ đề. Sở dĩ tôi dùng hai từ phá ngã để lại một lần nữa phá chấp cho người đời. Để làm rõ vấn đề tôi sẽ trình bày thêm về việc phá ngã. Khi Phật thành Đạo vô thượng, đạt được sự an lạc tuyệt đối, xót thương chúng sinh u mê chìm trong biển khổ. Nhận ra chúng sinh thống khổ vì - Ngoài thì chấp có thân. Trong thì chấp có ngã. Phật đã thuyết thân do tứ đại - đất, nước, gió, lửa - hợp thành. Ngã do ngũ uẩn - sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà có. Vì là tướng giả hợp, không có thực thể nên tạm gọi là Vô ngã, là Không. Người đời ngu muội chuyển sang chấp Không, u mê tạo tội, không nhận ra chân tánh. Phật đã thuyết Không - không phải là không có gì mà là chân không diệu hữu. Đó là Niết bàn với tính chất thường lạc ngã tịnh. Chỉ tiếc người đời lầm lạc, vọng chấp thành tánh, Phật nhập diệt, khởi tâm phân biệt giảng giải, luận bàn ý kinh dẫn đến sai lạc không ít - Lộng giả thành chân, mê mờ sự lý, gây u mê người đời sau. Dùng tâm phân biệt để luận giải việc hiền Thánh là điều không thể được. Chỉ với tâm bình đẳng như như thì bạn mới thấu hiểu được lời Phật. Khi đó bạn mới tìm được sự giác ngộ, giải thoát qua công phu hành trì.
Khi đã phá được bản ngã đồng với không đại thì trí huệ sẽ khai mở, bạn sẽ nhìn mọi vật với cách nhìn thấu rõ tột bực. Mọi việc dù tối hay sáng, bạn đều có thể nhìn rõ chân tướng không có sự ngăn ngại.
Ví như khi bạn nhìn được chân tướng sự khổ là vô thường, là không thường tại thì sự khổ không bức hại được tâm trí bạn, không làm bạn động tâm. Bạn đạt được sự an lạc, tự tại và tâm từ, tâm bi sẽ khởi lên. Bạn sẽ đi con đường của Phật đi - Con đường cứu khổ nhân loại và muôn loài trong 3 cõi. Bạn không còn rơi vào luân hồi, bước trên sóng sinh tử mà đi nhưng không mê đắm. Bạn chứng được pháp vô sanh không sinh, không diệt.
Có thể bạn không tin những vấn đề tôi trình bày. Bạn cứ nghi ngờ và hãy tìm câu trả lời thật đúng. Điều đó thật sự cần thiết. Vì điều đó giúp bạn có cuộc sống hạnh phúc, an lạc, được nhiều người quý trọng và trên hết là xóa hết những khổ đau trong bạn và mọi người xung quanh.
Tùy bạn có thể bạn thích những phiền não, lo buồn hoặc những khổ đau trong cuộc sống chưa làm bạn gục ngã. Bạn muốn sống trong luân hồi thì hãy nên sống tốt, tích lũy phước đức, công đức. Không làm điều ác, bất thiện, hạn chế sát sinh, hại mạng; Không tham đắm ngũ dục là sắc, thinh, hương, vị, xúc còn có cách nói khác là của cải, sắc đẹp, ăn uống, danh lợi, ngủ nghỉ nhằm giúp bạn có quả báo tốt đời sau. Bạn cũng nên xem vài quyển kinh sách Phật để gieo nhân tốt. Bạn hãy thử xem lại vấn đề sau là đúng hay sai? Người đời cho rằng vợ chồng, cha mẹ, anh em, con cái quyến thuộc thường là do duyên nghiệp nhân quả nhiều đời: Có thể là những oan trái, có khi là nợ nần, có khi là những ân tình đan xen chằng chịt,... Vì thế, ta thường ít khi thấy gia đình nào giống gia đình nào cả. Cũng như những anh chị em trong cùng gia đình cũng không giống nhau, tính tình con cái cũng thường không giống ba mẹ,... Qua đó, có thể trực nhận cuộc sống rõ ràng hơn, giúp bạn có cách thức, lối sống phù hợp với chánh pháp để có được niềm an vui bền vững, hạnh phúc.
Tôi vốn không nhiều hiểu biết, lại chập choạng đi trong những khổ đau. May gặp được thầy bạn tốt, có vài quyển kinh Phật, được ít an lạc. Lại được thử thách, tôi tin sâu hành trì may mắn được tỏ ngộ, nhìn thấy được từng bước đi của Phật trên đường tìm đạo, hành đạo. Thấu rõ tâm ý Phật nên có quyển sách này gửi đến bạn. Những mong trả ơn Phật và làm theo bi nguyện của Người.
ST